Home / Chia Sẻ / CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA GIÊSU

CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA GIÊSU

ALinh mục Henri Nouwen, ngòi bút thiêng liêng nổi tiếng có chia sẻ về một lần cha đến bệnh viện thăm một người đang hấp hối vì bệnh ung thư.  Người này còn khá trẻ và là một người rất năng động, làm nhiều việc sinh hoa kết trái.  Ông là người cha chăm lo tốt cho gia đình mình.  Ông là giám đốc điều hành một công ty lớn chăm lo tốt cho cả công ty lẫn các nhân viên của mình.  Hơn nữa, ông còn đóng góp trong nhiều tổ chức khác, kể cả giáo xứ, và với năng lực lãnh đạo, ông thường là người phụ trách, người đứng đầu.  Nhưng bây giờ, con người một thời rất năng động, con người đã từng điều hành mọi sự, lại đang nằm trên giường bệnh chờ chết, không thể tự lo cho các nhu cầu căn bản tự nhiên của mình.

Và khi cha Nouwen đến bên giường bệnh, ông cầm lấy tay cha. Tôi thấy cần phải nhấn mạnh đến sự nản lòng quá đỗi của ông: “Cha ơi, cha phải giúp con!  Con đang chết, và con đang cố bình tâm với chuyện này, nhưng còn có một điều khác nữa: Cha biết con mà, con luôn là người phụ trách, con chăm lo cho gia đình mình.  Con chăm lo cho công ty.  Con chăm lo cho giáo xứ.  Con chăm lo hết mọi chuyện!  Mà giờ con nằm đây, trên giường này, và con không thể tự lo cho mình.  Con không thể tự đi vệ sinh.  Chết là một chuyện, nhưng đây là chuyện khác nữa!  Con bất lực!  Con không thể làm được gì nữa!”

Dù rất giỏi trong việc mục vụ, nhưng cha Nouwen cũng như bất kỳ ai trong chúng ta ở trong hoàn cảnh này, đều bất lực trước lời van lơn của người đàn ông này.  Ông đang trải qua tình trạng bị động đau đớn khổ sở.  Ông bây giờ là một bệnh nhân.  Ông đã từng rất năng động, là người đứng đầu, và bây giờ, như Chúa Giêsu trong những giờ hấp hối, ông bị hạ xuống thành một bệnh nhân, một người để cho người khác làm gì thì làm.  Về phần mình, cha Nouwen cố gắng giúp cho ông thấy mối liên kết giữa những gì ông đang trải qua với những gì Chúa Giêsu chịu trong cuộc thương khó, đặc biệt là ý nghĩa của thời gian bất lực, yếu đuối, và bị động này chính là thời gian để chúng ta có thể trao cho những người quanh mình một điều gì đó thâm sâu hơn.

Cha Nouwen đọc to trình thuật Thương khó trong Tin mừng cho ông nghe, vì những gì ông đang trải qua tương đồng rất rõ với những gì Chúa Giêsu chịu trong những giờ sắp chết của Ngài, mà Kitô hữu chúng ta gọi là “Cuộc Thương khó của Chúa Giêsu.”  Chính xác thì Cuộc Thương khó của Chúa Giêsu là gì?

Là Kitô hữu, chúng ta tin rằng Chúa Giêsu đã trao ban cho chúng ta cả đời sống lẫn cái chết của Ngài. Nhưng, chúng ta lại quá thường không phân biệt được giữa hai điều này.  Chúa Giêsu trao ban đời sống của Ngài cho chúng ta theo một cách tích cực và chủ động hành động, nhưng Ngài trao ban cái chết của Ngài cho chúng ta theo một cách khác, là qua sự bị động, và thương khó của mình.

Chúng ta thường dễ hiểu lầm ý nghĩa của Cuộc Thương khó của Chúa Giêsu.  Khi dùng từ Thương khó (Passion) đế nói đến đau khổ của Chúa Giêsu, chúng ta tự nhiên liên kết Thương khó với đau đớn, nỗi đau bị treo trên thập giá, bị hành hạ, bị đánh đòn, bị đóng đinh và bị sỉ nhục trước đám đông.  Cuộc Thương khó của Chúa Giêsu có nói đến những điều này, nhưng chúng ta cần hướng từ “Thương khó” đến một trọng tâm khác nữa. Thương khó (Passion) có gốc La Tinh là passio, nghĩa là bị động, và đây chính là ý nghĩa thực sự.  Từ bệnh nhân (patient) cũng từ gốc này mà ra.  Do đó, trình thuật Thương khó mô tả lại sự bị động của Chúa Giêsu, mô tả việc Ngài trở nên một “bệnh nhân.”  Ngài trao ban cái chết của mình cho chúng ta qua sự bị động của Ngài, cũng như trước kia Ngài trao ban đời sống cho chúng ta qua sự chủ động của Ngài.

Thật vậy, Tin mừng theo thánh Matthêu, Máccô, và Luca đều có thể chia thành hai phần riêng biệt: Trong mỗi Tin mừng, chúng ta có thể chia tất cả mọi chuyện trước khi Chúa Giêsu bị bắt trong vườn Giếtsêmani về một bên, và gọi phần Tin mừng này là: Sự chủ động của Chúa Giêsu Kitô.  Rồi phần còn lại mà chúng ta gọi là “cuộc Thương khó” có thể gọi là: Sự bị động của Chúa Giêsu Kitô.  Điều này thực sự sẽ giúp làm rõ một đặc nét quan trọng là: Chúa Giêsu trao ban đời sống của mình cho chúng ta qua sự chủ động, nhưng lại trao ban cái chết của mình cho chúng ta qua sự bị động.  Do đó: Cho đến trước khi bị bắt, Tin mừng mô tả Chúa Giêsu chủ động, làm mọi sự, là người dẫn dầu, rao giảng, dạy dỗ, làm các phép lạ, an ủi dân chúng.  Nhưng từ sau khi bị bắt, tất cả mọi động từ đều chuyển sang thể bị động: bị lôi đi, bị giới cầm quyền hành hạ, bị đánh, được vác đỡ thập giá, và cuối cùng là bị đóng đinh vào thập giá.  Sau khi bị bắt, như một bệnh nhân trong phòng nan y liệt giường, Chúa không còn làm gì nữa, nhưng là người khác làm cho Ngài và làm với Ngài.  Ngài bị động, là một bệnh nhân, và trong sự bị động đó, Chúa Giêsu trao ban cái chết của Ngài cho chúng ta.

Trong chuyện này, có nhiều bài học cho chúng ta, trong đó có một sự thật rằng: sự sống và tình yêu được trao ban không chỉ trong những gì chúng ta làm cho người khác, nhưng có lẽ thâm sâu hơn, còn là trong những gì chúng ta nhận lấy những khi chúng ta bất lực, khi chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài là một bệnh nhân, một người bị động.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

 

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG