1. Cuộc đời luôn luôn là một sự lựa chọn: Chọn lựa giữa liêm khiết và bất lương, giữa trung thành và bất trung, giữa ích kỷ và vị tha, giữa thiện và ác. Chúa Giêsu nói: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16, 13).
2. Thần tài là gì?
Trong sự giàu sang đã có hàm ý nói đến ngẫu tượng, mà người ta phải hy sinh tất cả cho nó, hầu đạt được thành công vật chất của mình. Như thế sự thành công vật chất lại trở thành vị thần thực sự cho một con người. Do đó chúng ta phải có sự lựa chọn cơ bản giữa Thiên Chúa và Thần tài. Chúng ta phải có sự lựa chọn giữa luân lý lợi nhuận như tiêu chuẩn tối hậu cho hành động kinh doanh của mình và luân lý chia sẻ và liên đới.
3. Phải lựa chọn cái nào?
— Nếu luân lý lợi nhuận vượt thắng, thì nó sẽ làm gia tăng sự bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo, cũng như nó sẽ làm gia tăng sự khai thác có tính cách hủy diệt hành tinh của chúng ta.
— Trái lại, nếu luân lý chia sẻ và liên đới vượt thắng, thì chúng ta có thể chỉnh sửa lại con đường chúng ta đi và hướng nó đến sự phát triển công bằng, nhằm phục vụ công ích của mọi người. Thật ra, đây là sự quyết định giữa ích kỷ và tình yêu, giữa công bằng và bất lương, chung cục là giữa Thiên Chúa và Satan. Nếu chúng ta không xem tình yêu đối với Đức Kitô và anh chị em của mình là mục tiêu tối hậu thực sự cho cuộc sống chúng ta, thì chúng ta phải biết chọn lựa cơ bản, phải biết từ bỏ một cách triệt để, để sẵn sàng hy sinh tất cả vì Chúa và tha nhân. Ngày nay cũng như mọi thời, cuộc sống Kitô hữu phải lội ngược dòng, phải yêu như Đức Kitô là Đấng đã hy sinh chết trên Thánh giá.
Ngoài ra Thánh Augustinô đã nói: Nhờ của cải trần gian, chúng ta phải tậu cho mình những của cải đích thực và trường cửu. Thật vậy, nếu có những con người sẵn sàng làm bất cứ loại hành động bất lương nào để bảo đảm cho mình có được một của cải chóng qua, thì là Kitô hữu, chúng ta càng phải lo liệu cho mình chiếm hữu được hạnh phúc vĩnh cửu, nhờ những của cải trần gian này (Xem Diễn từ 359, 10).
4. Làm sao cho các nén bạc sinh lời?
Cách thế duy nhất để làm cho những ân huệ mà chúng ta đã lãnh nhận và những khả năng của mỗi người chúng ta có, cũng như của cải chúng ta chiếm hữu được sinh hoa trái – Thưa đó là chúng ta phải biết chia sẻ với anh chị em của mình. Như thế, chúng ta mới tỏ ra mình là những người quản lý tốt những công việc Chúa giao phó. Chúa Giêsu nói: Ai trung tín trong việc nhỏ, cũng sẽ trung tín trong việc lớn. Còn ai bất tín trong việc nhỏ, cũng sẽ bất tín trong những công việc lớn (Lc 16, 10-11).
5. Chúa có cấm chúng ta sử dụng của cải vật chất không?
Thưa không, nhưng Chúa muốn dạy chúng ta điều này là Hạnh phúc và Mạng sống con người không thể dùng của cải vật chất mà mua được, nên Chúa dạy chúng ta:
— Lòng ham tiền là cội rễ mọi điều ác (1 Tim 6, 10).
— Phải coi chừng giữ mình khỏi mọi thứ tham lam.
— Đừng tích trữ của cải trần gian cho mình. Hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa (Lc 12, 21).
— Hãy bán của cải mình đi mà bố thí cho người nghèo. Hãy sắm lấy túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng bao giờ hao hụt ở trên trời, nơi trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá được (Lc 12, 33).
— Đối với những kẻ coi của cải là lẽ sống của mình, thì Chúa Giêsu nhắc nhở họ: “Đồ dại dột, chính hôm nay Ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thì những gì ngươi đã thu góp sẽ để lại cho ai” (Lc 12, 20).
6. Thế nào là làm giàu trước mặt Thiên Chúa?
— Nếu chúng ta quảng đại với anh chị em mình, thì chúng ta giàu có sung túc trước mặt Thiên Chúa.
— Nếu lòng chúng ta rộng mở đón nhận Tin Mừng, thì đời chúng ta đầy tình thương, đầy hy vọng vào Nước Trời.
7. Kết luận
Thiên Chúa dựng nên vũ trụ này cho mọi người, vì thế không ai được thừa hưởng một mình mà không nghĩ đến người khác. Thiên Chúa không dựng nên vũ trụ này cho một số người giàu: Ở đời muôn sự của chung. Augier đã nói: Trong dự tính của Thiên Chúa, người giàu chỉ là viên thủ quỹ của người nghèo. Thánh Tôma Aquinô nói thêm và Ngài nhấn mạnh: Những người giàu đã đánh cắp của người nghèo, khi họ tiêu xài phung phí những của cải dư thừa.
Nên Lời Chúa khuyên bảo chúng ta như sau: “Còn những kẻ muốn làm giàu, thì sa chước cám dỗ, sa vào cạm bẫy và nhiều ước muốn ngu xuẩn độc hại. Đó là những thứ làm cho con người chìm đắm trong cảnh hủy diệt tiêu vong – Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng tham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng tham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đau đớn xâu xé” (1 Tim 6, 9-10). Quả thật cuộc đời là một sự lựa chọn giữa Thiên Chúa và tiền tài.
Lm. JB. Võ Văn Ánh