Home / Chia Sẻ / CUỘC CHIẾN TÂM LINH

CUỘC CHIẾN TÂM LINH

CUỘC CHIẾN TÂM LINH 1Thánh Phaolô ân cần nhắn nhủ: “Hãy tìm SỨC MẠNH trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người. Hãy MANG toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể ĐỨNG VỮNG trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta CHIẾN ĐẤU không phải với phàm nhân, nhưng là với những QUYỀN LỰC THẦN THIÊNG, với những bậc thống trị THẾ GIỚI TỐI TĂM này, với những THẦN LINH QUÁI ÁC chốn trời cao. Bởi đó, anh em hãy NHẬN LẤY toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế, anh em có thể VẬN DỤNG toàn lực để ĐỐI PHÓ và ĐỨNG VỮNG trong ngày đen tối” (Ep 6:10–13).

GIỚI THIỆU

Để hiểu cuộc chiến đấu, chúng ta cần bắt đầu nhận thức rằng chúng ta đang sống trong chiến tranh. Các cuộc chiến lấp đầy các thành phần nhỏ trong bức tranh lớn. Theo định nghĩa, các cuộc chiến liên quan sự đấu tranh giữa hai người, giữa các phe phái, giữa các quân đội, và chúng bao gồm các dạng tranh chấp, tranh luận, tranh cãi.

Là Kitô hữu, hàng ngày chúng ta luôn phải chiến đấu về tâm linh theo một dạng nào đó. Trong chiến tranh, các cuộc chiến xảy ra tại các tiền tuyến khác nhau, vì các lý do khác nhau, và với các mức độ khác nhau. Cuộc chiến tâm linh cũng tương tự. Cuộc chiến tâm linh của chúng ta có thật, ngay cả khi chúng ta không nhìn thấy kẻ tấn công. Nhưng chúng ta có thể biết cuộc chiến đó ở mức độ nào và ảnh hưởng cuộc sống của chúng ta ra sao.

Chúng ta phải tự vấn: “Tại sao chúng ta muốn chiến đấu?”. Điều đó sẽ vô ích để chúng ta biết về cuộc chiến nếu chúng ta không nhận ra lý do để chiến đấu. Ngày nay, chiến tranh gây nhiều tranh cãi. Thái độ, niềm tin và sức thuyết phục sẽ chuyển sang lĩnh vực tâm linh. Tuy nhiên, cuộc chiến vẫn tiếp diễn trong lĩnh vực tâm linh, bất kể chúng ta có ý kiến gì. Hoặc chúng ta là người chiến thắng, hoặc chúng ta là nạn nhân. Chúa Giêsu đã đến và chiến thắng. Cuộc chiến đã chiến thắng trên Nước Trời. Chúa Giêsu nói: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28:18). Bây giờ chúng ta có quyền ưu tiên trong mối quan hệ vĩnh hằng với Thiên Chúa.

Nhiều người trong chúng ta đi vào giao ước cứu độ nhờ ân sủng. Nhưng câu Mt 28:18 không chỉ nói về Ơn Cứu Độ, mà còn nói về sự chiến thắng hàng ngày của chúng ta, tháp nhập vào sự sống vinh thắng trong Đức Kitô. Hàng ngày, chiến thắng đạt được nhờ nhận thức, tin tưởng và hiểu biết các cuộc chiến mà chúng ta chịu đựng hàng ngày, bất kể chúng ta thụ động hoặc chủ động trong các cuộc chiến đó. Bạn muốn tất cả những gì Thiên Chúa dành cho bạn ngay lúc này và trên thế gian này, hay là bạn muốn chờ đợi tới lúc vào Nước Trời lãnh nhận sự chiến thắng và phúc lành?

Nghiên cứu Kinh Thánh về việc hiểu biết cuộc chiến tâm linh này sẽ cho chúng ta nền tảng về nơi chốn, cách thức và cuộc chiến là gì trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta sẽ xem xét ba lĩnh vực chính về cuộc chiến: Cuộc chiến Tâm linh, Cuộc chiến Trần thế, và Cuộc chiến Nội tâm. Chúng ta sẽ xem xét và thảo luận những gì Kinh Thánh nói về các lĩnh vực này, đồng thời học cách áp dụng Kinh Thánh trong đời sống để có thể chiến thằng. Chúng ta bắt đầu bằng việc học hỏi sự thật của Lời Chúa và xua tan lời dối trá của kẻ thù.

I. CUỘC CHIẾN TÂM LINH

Làm sao chúng ta biết có lĩnh vực tâm linh? Nếu chúng ta không thể nhìn thấy thì có nên tin chăng? Ngày nay, nhiều người tin và người không tin không muốn “dính líu” tới thế giới mà mình không thể nhìn thấy, trong khi thế giới chúng ta nhìn thấy lại khó “giải quyết”. Trước khi chúng ta thảo luận về cuộc chiến tâm linh, chúng ta phải tin có thế giới tâm linh. Chúng ta có xu hướng hành động như một đứa trẻ 2 tuổi nhắm mắt lại và trùm mền kín đầu, đinh ninh rằng chẳng có ai nhìn thấy mình bởi vì nó không nhìn thấy người khác. Chúng ta không nhìn thấy thế giới tâm linh không có nghĩa là thế giới tâm linh không hiện hữu.

Là một người sáng tác nhạc Kitô giáo, Keith Green đã viết: “Tôi [Satan] thường phải rình mò khắp nơi. Nhưng bây giờ người ta mở toang cửa. Không ai tìm kiếm mánh lới của tôi vì không ai tin tôi nữa”. Tuy nhiên, nếu chúng ta làm ngơ hoặc không tin có thế giới tâm linh, chúng ta sẽ lầm tưởng, thất vọng, và dập tắt sự bình an mà Thiên Chúa đã hứa ban cho chúng ta. Cách phòng thủ tốt nhất là tấn công. Nhận biết về thế giới tâm linh là chiến đấu được một nửa, và Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta mọi thứ cần thiết để chúng ta chiến thắng một nửa còn lại.

CÂU HỎI 1: Các từ nào được dùng trong các câu Kinh Thánh dưới đây để mô tả lĩnh vực tâm linh và các thành phần vô hình trong đó?

a). Chính Ngài là Đức Chúa, là Đức Chúa duy nhất. Chính Ngài đã tạo dựng các tầng trời, các tầng trời cao ngất, cùng toàn thể thiên binh; chính Ngài đã tạo dựng trái đất với muôn vật khắp nơi, biển khơi cùng muôn loài trong đó. Chính Ngài ban sự sống cho muôn vật muôn loài; và đạo binh thiên quốc phủ phục trước Thánh Nhan (Nkm 9:6).

b). Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”. Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: “Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết” (Lc 2:13-15).

c). Chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao (Ep 6:12).

d). Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người (Cl 1:15-16).

Chúng ta phải tin điều gì? Thánh Phaolô cho biết: “Nhờ đức tin, chúng ta hiểu rằng vũ trụ đã được hình thành bởi lời của Thiên Chúa; vì thế, những cái hữu hình là do những cái vô hình mà có” (Dt 11:3).

Điều này có ý nghĩa gì đối với bạn?

Tất cả chúng ta đều có nhận thức bẩm sinh để biết rằng có nhiều thứ hơn những gì mắt có thể nhìn thấy. Tuy nhiên, vì không nhìn thấy nên chúng ta thường không tin. Nếu chúng ta không tin, chúng ta không thể biết mọi thứ đang diễn ra, thuận hoặc nghịch với chúng ta. Dù chúng ta có tin thế giới tâm linh hiện hữu hay không, các vị trí không thay đổi tình trạng hiện hữu và các hoạt động của mọi thứ trong thế giới tâm linh. Chúng ta trở lại một chút để đánh giá những gì chúng ta tin. Là Kitô hữu, chúng ta tin vào Đức Kitô. Chúng ta không thể nhìn thấy Ngài nhưng chúng ta tin rằng Ngài đã chết trên Thập Giá vì tội lỗi của chúng ta, tin rằng Thiên Chúa cho Ngài sống lại và chỉ có Ngài là nguồn ơn cứu độ của chúng ta.

Ngày nay, chúng ta cũng không nhìn thấy những điều đó. Chúng ta tin Chúa Giêsu hoàn tất những điều đó trong thế giới tâm linh khi Ngài sống trong thế giới thực tế trên thế gian này. Chúng ta biết mình cần phải tin trong thế giới này để được vào thế giới tâm linh. Như vậy, chính đức tin xác định rằng chúng ta sẽ tới một nơi rất thật là Nước Trời. Kinh Thánh có rất nhiều lần đề cập Vương quốc Thiên Đàng, nơi chúng ta không thể nhìn thấy bằng con mắt thể lý, nhưng lại hoàn toàn có thật. Chúng ta tin bằng con mắt linh hồn, chứ không tin bằng con mắt bình thường. Cũng đã có những người có thể nhìn thấy bằng con mắt thể lý trong thế giới tâm linh.

CÂU HỎI 2:  Dựa vào Kinh Thánh, hãy mô tả quang cảnh. Điều gì xảy ra trong mỗi tình huống?

a). Lòng vua A-ram rất nao núng vì chuyện này. Vua gọi các thuộc hạ lại và bảo: “Chẳng lẽ các ngươi không báo cho ta biết ai trong chúng ta đã bỏ theo vua Ít-ra-en sao?”. Một người trong nhóm thuộc hạ đáp: “Thưa đức vua, chúa công tôi, chẳng có ai đâu! Chính ông Ê-li-sa, ngôn sứ của Ít-ra-en, đã cho vua Ít-ra-en biết những lời ngài nói trong phòng ngủ của ngài”. Vua nói: “Đi coi xem ông ấy ở đâu! Ta sẽ sai người đi bắt”. Người ta cho vua biết: “Ông ấy đang ở Đô-than”. Vua liền phái tới đó một đạo quân lớn, có cả ngựa xe. Chúng đến nơi ban đêm và bao vây thành. Sáng hôm sau, người của Thiên Chúa dậy sớm và đi ra ngoài. Và kìa một toán quân có cả ngựa xe đang vây quanh thành. Người đầy tớ nói với ông: “Chết rồi, ngài ơi! Làm sao bây giờ?”. Ông trả lời: “Đừng sợ, vì những người đi theo chúng ta thì đông hơn những người đi theo chúng”. Ông Ê-li-sa cầu xin rằng: “Lạy Đức Chúa, xin mở mắt cho nó thấy!”. Đức Chúa mở mắt người đầy tớ của ông và nó thấy núi đầy những ngựa và xe đỏ như lửa vây quanh ông Ê-li-sa (2 V 6:11-17).

b). Tôi là Đa-ni-en, người duy nhất đã thấy thị kiến, còn những người ở bên tôi thì không. Dầu vậy, họ vẫn khiếp đảm kinh hồn chạy trốn tìm chỗ ẩn. Chỉ còn lại có một mình tôi, và tôi đã thấy thị kiến lớn ấy. Tôi không còn sức nữa. Thể lực tôi giảm sút thảm hại. Tôi đã kiệt sức rồi. Tôi nghe tiếng người vang dội. Vừa nghe thấy, tôi liền ngất xỉu, chúi mặt xuống đất. Này đây một bàn tay đụng đến tôi, nâng tôi dậy đang khi đầu gối và tay tôi run rẩy. Người nói với tôi: “Hỡi Đa-ni-en là người được quý mến, hãy hiểu rõ các lời ta sắp nói với ngươi. Hãy đứng yên tại chỗ ngươi đang đứng, vì giờ đây ta được sai đến với ngươi”. Trong lúc người nói với tôi điều ấy thì tôi đứng run cầm cập. Người còn bảo tôi: “Đa-ni-en, đừng sợ, bởi vì ngay từ hôm đầu, khi ngươi đem hết lòng tìm hiểu và ăn chay hãm mình trước nhan Thiên Chúa của ngươi, thì Thiên Chúa đã nghe những lời ngươi nói, và chính vì những lời ấy mà ta đến. Thiên sứ lãnh đạo vương quốc Ba-tư đứng chống lại ta hai mươi mốt ngày. Và này Mi-ca-en, một trong các thiên sứ lãnh đạo cao cấp, đã đến trợ lực ta. Ta để người ở đó, bên cạnh các vua Ba-tư, và ta đến cho ngươi hiểu rõ sự việc sẽ xảy ra nơi dân ngươi vào thời sau hết, bởi vì đây còn là một thị kiến về thời đó”. Nghe những lời người nói đó, tôi cúi mặt xuống đất, không nói nên lời. Và này có cái gì đó giống như một người trong con cái loài người chạm vào môi tôi. Tôi liền mở miệng và nói được. Tôi thưa với vị đứng trước mặt tôi: “Thưa ngài, thị kiến đã làm cho tôi phải quằn quại đớn đau khiến tôi kiệt sức. Tôi tớ của ngài đây sẽ ăn nói làm sao với ngài, khi mà từ nay tôi chẳng còn hơi còn sức nào nữa?”. Bấy giờ đấng giống như con người lại đụng đến tôi một lần nữa và làm cho tôi nên can đảm. Người nói: “Hỡi người được quý mến, đừng sợ. Cứ an tâm. Can đảm lên! Can đảm nữa lên!”. Trong khi người nói với tôi như thế, tôi lấy lại được can đảm và đáp lại rằng: “Xin ngài cứ nói, vì ngài đã làm cho tôi nên can đảm” (Đn 10:7-18).

Các câu chuyện trên đây cho thấy hai dạng hoạt động khác nhau xảy ra trong thế giới vô hình xung quanh chúng ta. Thiên Chúa cho phép họ làm “nhịp cầu” trong thế giới thực tế này để nhìn vào thế giới tâm linh. Thiên Chúa mở mắt cho đầy tớ của ông Êlisa để người đó nhìn thấy cơ binh của Thiên Chúa. Con mắt tâm linh của người đó được mở ra để nhìn vào cuộc chiến tâm linh xung quanh người đó. Và chỉ có Đa-ni-en nhìn thấy thiên thần đứng trước mặt mình khi người khác cảm thấy hoảng sợ và chạy trốn. Đa-ni-en được nhìn thấy, nghe thấy và nói chuyện khi có thể giao tiếp với thiên thần.

Rõ ràng các sự kiện này chứng tỏ các hoạt động trong thế giới vô hình xung quanh chúng ta. Thiên Chúa ở với chúng ta và cung cấp cho chúng ta qua các thiên thần khi Ngài muốn. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và bảo vệ chúng ta về thể lý khi Ngài hành động về tâm linh. Tuy nhiên, chúng ta phải rất cẩn thận để không đi sâu vào nơi này với các động lực sai trái. Kinh Thánh đã minh nhiên cảnh báo về hoạt động thôi miên. Giống như tác nhân của Thiên Chúa trong thế giới vô hình, tác nhân của Satan cũng làm tương tự. Sức mạnh của ma quỷ muốn dụ dỗ chúng ta mắc mưu của chúng về khả năng và hoạt động siêu nhiên. Ma thuật, tử vi và hiện tượng tâm lý có thể có vẻ vô tội, nhưng lại sức ảnh hưởng của chúng có thể gây nguy hại cho những người liên quan.

CÂU HỎI 3: Có những người tin rằng bói toán, xem tử vi và cầu cơ là những thú vui vô hại, nhưng Kinh Thánh đã nói gì?

a). Các ngươi không được ăn gì với máu. Các ngươi không được làm nghề tướng số, chiêm tinh. Các ngươi không được hớt tóc vòng quanh đầu, không được xén râu. Các ngươi không được rạch mình mà để tang một người chết, không được xăm mình. Ta là Đức Chúa. Đừng xúc phạm đến con gái ngươi, nghĩa là bắt nó làm điếm, kẻo đất cũng làm điếm và tràn ngập tội ác tày trời. Các ngươi phải giữ các ngày sa-bát của Ta và kính trọng thánh điện của Ta. Ta là Đức Chúa. Các ngươi không được đến với các người ngồi đồng ngồi bóng và không được hỏi ý kiến chúng, kẻo vì chúng mà ra ô uế. Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi (Lv 19:26-31).

b). Khi vào đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, ban cho anh em thì anh em đừng học đòi những thói ghê tởm của các dân tộc ấy: giữa anh em, không được thấy ai làm lễ thiêu con trai hoặc con gái mình, không được thấy ai làm nghề bói toán, chiêm tinh, tướng số, phù thuỷ, bỏ bùa, ngồi đồng ngồi cốt, chiêu hồn. Thật vậy, hễ ai làm điều ấy thì là điều ghê tởm đối với Đức Chúa, và chính vì những điều ghê tởm ấy mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã trục xuất các dân tộc ấy cho khuất mắt anh em. Anh em phải sống trọn hảo với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em. Các dân tộc anh em sắp trục xuất ấy thì nghe những thầy chiêm tinh, thầy bói, còn anh em thì Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, không cho làm như vậy (Đnl 18:9-14).

Bạn đã bao giờ liên quan hoặc tham dự các hoạt động này? Hãy thảo luận về điều đã xảy ra và cách nó bắt đầu.

Trong phần đầu này, chúng ta biết rằng thế giới tâm linh có thật, mặc dù chúng ta không thể nhìn thấy. Nếu chúng ta tin Đức Giêsu Kitô, chúng ta tin rằng Ngài chết để chiến thắng ma quỷ và giải thoát chúng ta. Chúng ta không cần phải chết để biết điều đó có thật hay không. Có cả thiên thần và ma quỷ thực sự hoạt động xung quanh chúng ta. Có sự dữ mà chúng ta chiến đấu trong cuộc chiến tâm linh. Chúa Giêsu bảo chúng ta phải cầu xin cho Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Ngài cho chúng ta biết rằng của Hỏa Ngục sẽ không thể chống lại công việc mà Thiên Chúa đã tiền định để chúng ta hoàn tất, vì Ý Ngài đang được tác động trong cuộc đời của chúng ta. Nhưng chúng ta lại theo cách đối lập. Chúng ta cần biết rằng cuộc chiến không chống lại nhục thể mà chống lại sức mạnh trên trời. Khi chúng ta được mặc khải về cuộc chiến tâm linh, chúng ta sẽ bắt đầu hiểu cách mà kẻ thù chống lại chúng ta trong thế giới tự nhiên này.

Ông Gióp là tấm gương hoàn hảo về xung đột tâm linh được biểu hiện trong dạng tự nhiên. Ông Gióp là con người thật, sống trên thế gian này, nhưng Kinh Thánh cho chúng ta biết rõ về những gì đã xảy ra liên quan cuộc sống của ông trong thế giới tâm linh. Thiên Chúa nhìn nhận ông là người công chính, nhưng vì Satan muốn chứng tỏ rằng Thiên Chúa sai, ông Gióp trở nên mục tiêu tấn công của Satan. Gia đình ông, của cải và nhà cửa đều tiêu tan, sức khỏe kiệt quệ, và bạn bè cũng xa lánh ông. Ông Gióp trải nghiệm cuộc chiến thực tế vì sự xung đột trong thế giới tâm linh. Ông Gióp đã chiến thắng vì vững tin vào Thiên Chúa. Chiến thắng của ông thuộc về tâm linh, tự nhiên và hữu hình… dưới đất cũng như trên trời.

Trong phần tiếp theo, chúng ta cần xem xét kỹ hơn về cuộc chiến tự nhiên. Tại sao thế giới này chiến tranh? Yếu tố nào giữ vai trò trong cuộc chiến trần gian này? Chúng ta có thể làm gì trên phạm vi rộng lớn này?

CUỘC CHIẾN TÂM LINH 2II. CUỘC CHIẾN THẾ GIAN

Thế giới là thế gian, là nơi có thể sống, là những vùng đất được gọi là quốc gia, vùng hoặc lãnh thổ: Babylonia, Palestine, Việt Nam, Hoa Kỳ, Vatican,… Thế giới này liên quan cách người ta sống cùng nhau. Thánh Phaolô nói: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12:2).

Là tín nhân, chúng ta được biết rằng đừng sống theo người khác mà phải sống cho đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng không thuộc về thế gian này. Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha: “Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian” (Ga 17:14-16). Vì thế, chúng ta được mời gọi sống trong thế giới này nhưng không thuộc về thế giới này. Chúng ta cùng nghiên cứu đoạn này kỹ hơn để hiểu điều Thiên Chúa muốn ở chúng ta.

CÂU HỎI 4:  Trong Ga 17:6-26, Chúa Giêsu đưa ra sứ điệp rõ ràng trong lời cầu nguyện của Ngài với Chúa Cha về tính nghiêm trọng của cuộc đời chúng ta trên thế gian này. Hãy khoanh tròn chữ “thế gian” và gạch dưới nưng chữ đề cập Chúa Giêsu hoặc Chúa Cha.

Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha. Giờ đây, họ biết rằng tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha, vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con; họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con.

Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha. Tất cả những gì của con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của con; và con được tôn vinh nơi họ. Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha. 

Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến. 

Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.

Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.

a). Câu 14 nói gì về thế gian và chúng ta? (Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian).

b). Trong câu 15, Chúa Giêsu cầu xin điều gì thay cho chúng ta? (Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần).

c). Trong câu 21, điều gì là điểm chính trong lời Chúa Giêsu cầu xin cho chúng ta? (Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta).

d). Hãy mô tả vị trí của các Kitô hữu trên thế gian này?

Sau khi đọc đoạn Ga 17:6-26, rõ ràng là nếu chúng ta sống trên thế gian này nhưng không thuộc về thế gian này, chúng ta sẽ bị chống đối. Sự chống đối đó chính là cuộc chiến tâm linh. Tại sao? Bởi vì cách thể hiện của thế giới này – như cây cối, sông biển và đất trời – không là vấn đề. Chính quyền lực điều khiển thế giới này mới đối lập với Thiên Chúa. Là Kitô hữu, chúng ta là con cái của Thiên Chúa. Như vậy, nếu thế gian này đối lập với Thiên Chúa thì cũng đối lập với chúng ta. Lời cầu nguyện trong Ga 17 diễn tả tâm hồn của Chúa Giêsu, vì Ngài biết các cuộc chiến mà chúng ta sẽ đối mặt trên thế gian này. Thế gian ghét những ai theo Chúa Giêsu. Chúng ta không được mời gọi thuộc về thế gian này, nhưng chúng ta được gởi tới thế gian này để làm chứng về Đức Giêsu Kitô. Đây là ơn gọi huyền nhiệm và cần có phép lạ của Chúa Thánh Thần tác động trong chúng ta để hoàn tất ơn gọi đó. Cũng cần phải tập luyện để phân biệt cách thức của Thiên Chúa và cách thức của thế gian.

Chúng ta sinh ra trong thế giới này nên tự nhiên chúng ta nghĩ tùy theo nó. Chúng ta phải được biến đổi để hiểu biết cách thức của Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói: “Dựa vào ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi, tôi xin nói với từng người trong anh em: đừng đi quá mức khi đánh giá mình, nhưng hãy đánh giá mình cho đúng mức, mỗi người tuỳ theo lượng đức tin Thiên Chúa đã phân phát cho” (Rm 12:3). Cách của Thiên Chúa khác với chúng ta. Chúng ta luôn cần phải “đóng đinh” xu hướng tự nhiên và ước muốn của mình để đón nhận những gì Thiên Chúa dành cho chúng ta. Tặng phẩm của Thiên Chúa lớn lao khi được đổ đầy tình yêu thương, niềm vui và bình an hơn là những gì thế gian trao tặng. Thế gian này hứa sự thỏa mãn và niềm vui nhất thời để thỏa mãn tính xác thịt của chúng ta, một loại tặng phẩm quyến rũ mà các Kitô hữu phải luôn cảnh giác. Chúa Giêsu biết rõ các dạng cám dỗ của thế gian này. Ngài biết Satan sẽ dùng mọi thủ đoạn để dụ dỗ chúng ta xa rời Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng biết sẽ khó khăn cho những ai tin vào Ngài, nhưng Ngài sẽ trợ giúp. Đừng tin vào bả phù hoa của thế gian này!

CÂU HỎI 5:  Hãy đọc trình thuật Mc 4:1-20 sau đây:

Đức Giêsu lại bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ. Một đám người rất đông tụ họp chung quanh Người, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi dưới biển, còn toàn thể đám đông thì ở trên bờ. Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều. Trong lúc giảng dạy, Người nói với họ: “Các người nghe đây! Người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả. Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm”. Rồi Người nói: “Ai có tai nghe thì nghe!”. 

Khi còn một mình Đức Giêsu, những người thân cận cùng với Nhóm Mười Hai mới hỏi Người về các dụ ngôn. Người nói với các ông: “Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn, để họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu, kẻo họ trở lại và được ơn tha thứ”. 

Người còn nói với các ông: “Anh em không hiểu dụ ngôn này thì làm sao hiểu được tất cả các dụ ngôn? Người gieo giống đây là người gieo lời. Những kẻ ở bên vệ đường, nơi lời đã gieo xuống, là những kẻ vừa nghe thì Satan liền đến cất lời đã gieo nơi họ. Còn những kẻ được gieo trên sỏi đá là những kẻ khi nghe lời thì liền vui vẻ đón nhận, nhưng họ không đâm rễ mà là những kẻ nông nổi nhất thời; sau đó, khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì lời, họ vấp ngã ngay. Những kẻ khác là những kẻ được gieo vào bụi gai: đó là những kẻ đã nghe lời, nhưng những nỗi lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác xâm chiếm lòng họ, bóp nghẹt lời khiến lời không sinh hoa kết quả gì. Còn những người khác nữa là những người được gieo vào đất tốt: đó là những người nghe lời và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả, kẻ thì ba mươi, kẻ thì sáu mươi, kẻ thì một trăm”.

Và hãy trả lời các câu hỏi này:

a). Cái gì được gieo? Mc 4:14 – “Người gieo giống đây là người gieo lời”. Hãy mô tả ngắn gọn cách hạt giống được gieo và điều xảy ra đối với mỗi loại hạt giống.

b). Thế gian này ảnh hưởng người mới tin đạo như thế nào, và hệ lụy ra sao? Mc 4:19 – “những nỗi lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác xâm chiếm lòng họ, bóp nghẹt lời khiến lời không sinh hoa kết quả gì”.

Cuộc chiến tâm linh mạnh mẽ khi một người quyết định tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ của mình. Kẻ thù sẽ tấn công tứ phía, tìm cách thuyết phục họ đừng tin theo Chúa Giêsu. Nó sẽ tận dụng mọi trường hợp, mọi sự kiện, mọi con người, mọi thứ, và thậm chí còn tạo nỗi nghi ngờ trong tâm trí họ để chiếm lại họ thuộc về nó. Hạt giống được gieo trong tâm hồn người ta sẽ bén rễ vào đất tốt, nghĩa là tâm hồn họ hoàn toàn quy phục Thiên Chúa. Hạt giống có thể rơi vào nơi mà Lời Chúa bị cướp mất hoặc bị bóp nghẹt. Các dạng cuộc chiến này xảy ra trên thế gian nhưng liên quan quyền lực bóng tối hiện hữu trong thế giới vô hình xung quanh chúng ta.

Khi chúng ta nhận biết sự ảnh hưởng của thế gian và cách đối lập với Thiên Chúa như thế nào, chúng ta phải biết cách hành động trong thế gian này như một người thực thụ theo Đức Kitô. Đừng ngây ngô trước sự lừa dối của thế gian, đừng viện cớ không biết, nhưng khi sự thật được mặc khải, chúng ta có trách nhiệm phải tuân theo cách Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta.

CÂU HỎI 6: Gc 4:1-4 nói gì về mối quan hệ của chúng ta với thế giới? Chúng ta áp dụng các câu này vào cuộc sống bằng cách nào?

CUỘC CHIẾN TÂM LINH 3III. CUỘC CHIẾN NỘI TÂM

Đối với một số người trong chúng ta, cuộc chiến gian khó nhất là cuộc chiến trong con người của mình. Chúng ta có thể hiểu rằng đó là các trường hợp và các tình huống ma quỷ dùng để tiêu diệt chúng ta. Chúng ta có thể chấp nhận sự thật về cách thức mà thế gian khuyến dụ chúng ta, cuộc chiến tâm linh vẫn tiếp tục và có thật, mặc dù chúng ta không thể nhìn thấy. Nhưng, nhận biết những gì đang xảy ra trong chúng ta thì điều đó có thể là cuộc chiến khó khăn nhất và tốn nhiều công sức nhất.

Trong phần này, chúng ta sẽ khám phá những gì Kinh Thánh dạy về cuộc chiến trong chúng ta, đó là sự giằng co không ngừng trong thân xác và tinh thần. Việc chiến đấu với tội lỗi luôn “sôi sục” trong mọi người.

CÂU HỎI 7: Muốn bắt đầu kiểm tra cuộc chiến trong chúng ta, trước tiên chúng ta phải hiểu bản chất của nó. Ước muốn của xác thịt là một phần trong bản chất nhân loại và lịch sử của nó trở lại từ thời gian đầu, vì chúng ta biết nó.

a). Hãy mô tả khung cảnh mà từ “tội lỗi” được sử dụng lần đầu trong Kinh Thánh (x. St 4:3-7).

b). Thiên Chúa cảnh báo Cain điều gì?

c). Bạn có bao giờ cảm thấy ước muốn mãnh liệt là để cho tội lỗi làm chủ bạn chưa?

Chúng ta quyết định theo cách chúng ta suy nghĩ, cảm nhận và mong muốn. Vì thế, thi thoảng chúng ta thấy mình vật lộn với cơn tức giận, nỗi cay đắng và lòng thù hận, chúng dẫn chúng ta tới “vùng cám dỗ”. Nhưng Thiên Chúa cho chúng ta biết cách chống lại các cảm giác tội lỗi đó. Chúng ta phải học cách chiến đấu với chính bản chất của chúng ta.

Thánh Phaolô khuyên: “Hãy từ bỏ tất cả những cái đó: nào là giận dữ, nóng nảy, độc ác, nào là thoá mạ, ăn nói thô tục. Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi, và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, để được ơn thông hiểu. Vậy không còn phải phân biệt Hy-lạp hay Do-thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người. Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3:8-13). Thiên Chúa trao ban Thánh Linh cho chúng ta, Ngài là Đấng ban sức mạnh để chúng ta chiến thắng, nhưng chúng ta phải sẵn sàng để Ngài kiểm soát mọi cảm xúc và mọi động thái của chúng ta.

CÂU HỎI 8: Từ các câu Kinh Thánh dưới đây, hãy mô tả cuộc chiến của xác thịt đối nghịch với cuộc chiến của tinh thần.

a). Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn (Mt 26:41).

b). Vẫn biết rằng Lề Luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho tội lỗi. Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, tức là tôi đồng ý với Lề Luật và nhận rằng Lề Luật là tốt. Vậy thật ra không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi (Rm 7:14-20).

c). Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa. Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn (Gl 5:16-17).

Các trường hợp trên đây phản ánh tình trạng tương tự trong cuộc sống của chúng ta như thế nào?

Chúng ta chịu đau khổ trong thân xác, dù chúng ta có chấp nhận ước muốn hoặc từ chối niềm vui hay không. Chúng ta luôn bị giằng co giữa điều chúng ta muốn và điều chúng ta không muốn – tức là điều Thiên Chúa muốn. Mọi người đã phạm tội, nhưng Bửu Huyết của Đức Kitô đã cứu thoát chúng ta khỏi sự hủy diệt. Cuộc chiến được tiến hành vì chúng ta được trao ban sức mạnh để vượt qua tầm kiểm soát của tội lỗi. Không có chiến tranh nếu không có phe đối lập. Phải có hai phe mới xảy ra chiến tranh. Khi chúng ta chết trong tội lỗi, không có cuộc chiến tâm linh trong chúng ta, bởi vì chúng ta không có sự sống tâm linh. Thần Khí Thiên Chúa làm cho chúng ta sống về phương diện tâm linh, nhưng chúng ta sống trong thân xác nên vẫn có bản chất tội lỗi. Như vậy, cuộc chiến sôi động trong đời sống của các tín nhân nhưng sự chiến thắng được bảo đảm vì chúng ta sống trong Đức Kitô.

CÂU HỎI 9: Hãy đọc 1 Pr 4:1-6 để biết phải hành động điều gì.

Chính vì Đức Kitô đã chịu đau khổ trong thân xác, nên anh em cũng phải lấy tư tưởng này làm khí giới: ai chịu đau khổ trong thân xác thì đoạn tuyệt với tội lỗi, để bao lâu còn sống trong thân xác, người ấy không theo những đam mê của con người nữa, mà theo ý muốn của Thiên Chúa. Thật thế, trong quá khứ anh em đã sống theo sở thích dân ngoại: dâm ô, mê đắm, nhậu nhẹt, say sưa, chè chén, tin vơ thờ quấy, như vậy là quá đủ rồi. Về điều đó, họ kinh ngạc vì thấy anh em không cùng chạy ùa theo cuộc sống truỵ lạc ồ ạt như dòng thác lũ, và họ nói xấu anh em. Họ sẽ phải trả lẽ với Đấng sắp sửa phán xét người sống và kẻ chết. Quả thật, chính vì thế mà Tin Mừng đã được loan báo ngay cho cả những kẻ chết, để tuy bị phán xét về phần xác theo cách nhìn của loài người, họ được sống về phần hồn theo ý định của Thiên Chúa.

Và hãy trả lời các câu hỏi này:

a). Điều gì là lợi ích của việc chịu đau khổ trong thân xác?

b). Hãy mô tả tội lỗi trong quá khứ (của dân ngoại).

c). Điều gì xảy ra khi chúng ta quyết tâm làm theo Ý Chúa? (1 Pr 4:4 – “Họ kinh ngạc vì thấy anh em không cùng chạy ùa theo cuộc sống truỵ lạc ồ ạt như dòng thác lũ, và họ nói xấu anh em”).

Về điểm này, chúng ta phải tự vấn một số câu hỏi như “Kitô giáo nói về việc chiến đấu và chịu đau khổ hay là yêu thương và vui mừng?” – “Đời sống Kitô giáo không nói về sự bình an sao?” – “Chúa Giêsu không làm điều đó mà sao chúng ta phải làm? Tôi có phải suy nghĩ nhiều về đức tin của tôi khi chỉ cần một lời cầu nguyện thì sẽ được cứu độ?”. Mặc dù đa số Kitô hữu không thật lòng hỏi những câu hỏi này, cuộc sống của họ vẫn phản ánh câu trả lời. Đời sống Kitô hữu không thụ động. Chúa Giêsu nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9:23). Các Kitô hữu không sống sự sống dồi dào của tình yêu, niềm vui và bình an bởi vì họ không biết cách duy trì và thỉnh cầu các lời hứa đó. Chúa Giêsu đã hứa ban cho chúng ta sự sống dồi dào ngay trên thế gian này. Khi nào chúng ta chưa nhận biết quyền lực chống lại chúng ta và chưa chuẩn bị chiến đấu, chúng ta không thể lãnh nhận những gì Thiên Chúa hứa ban cho chúng ta.

Đức Giêsu Kitô đã đến thế gian trong xác phàm. Cuộc đời Ngài chịu nhiều đau khổ vì Ngài khước từ ước muốn của xác thịt và sự cám dỗ của kẻ thù. Thân xác chúng ta phải đau khổ như Chúa Giêsu nhưng chúng ta cũng có thể chiến thắng như Ngài. Chiến thắng đó không thể nhìn giống như dạng của thế gian, không gì có thể so sánh với cuộc sống chiến thắng theo cách thức của Thiên Chúa. Hãy suy nghĩ điều này: Bạn có muốn tâm hồn bạn được trọn vẹn? Bạn có muốn biết rằng Thiên Chúa lắng nghe và đáp lại lời cầu xin của bạn? Bạn có muốn là tất cả những gì Thiên Chúa muốn ở bạn bởi vì Ngài rất nhân lành và muốn ban cho bạn mọi điều tốt lành? Và bạn có muốn có mọi thứ Thiên Chúa muốn bạn có bởi vì Ngài muốn điều tốt nhất cho bạn? Bạn có muốn làm những điều lớn lao mà Chúa Giêsu đã làm bởi vì bạn nhận biết và yêu mến Ngài?

Nếu bạn mau mắn trả lời “Có”, hãy cầu xin Thiên Chúa: “Lạy Chúa, xin cứu giúp con, xin biến đổi con, xin sai con đi. Xin đừng để điều gì ngăn cản con trở thành những gì Ngài muốn nơi con, đừng để điều gì ngăn cản con đón nhận những gì Ngài muốn con lãnh nhận”.

Chúng ta phải chấp nhận rằng có quyền lực xấu ngăn cản bạn có được những điều đó. Chúng ta phải chiến đấu với loại quyền lực đó trong thế giới tâm linh, trong thế giới trần tục và trong chính con người của chúng ta.

CÂU HỎI 10:  Chúng ta học được điều gì trong bài học này, liên quan cuộc chiến tâm linh và cuộc chiến đời thường? Làm sao áp dụng điều đã học được vào cuộc sống của bạn?

Lạy Chúa, có các thành phần trong con không muốn nhận biết thế giới tâm linh bởi vì nó có vẻ xa lạ và đáng sợ. Tuy nhiên, con nhận thấy rằng con không ở nơi con muốn. Con muốn biết cần làm gì để chiến thắng. Vì thế, con cầu xin Ngài ban cho con ơn phân định và những ơn cần thiết để con có thể chiến thắng. Xin mở mắt con, xin mở tai con, và xin biến đổi con vì mục đích đời đời. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ BibleStudyTools.com)

Sáng 23-10-2017

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …