Tác giả Thánh Vịnh cầu nguyện: “Xin mở cửa công chính cho tôi để tôi vào tạ ơn Đức Chúa” (Tv 118:19). Tuy nhiên, Cửa đó là Cửa Trời, Cửa Thánh, không phải ai muốn vào cũng được: “Đây là cửa dẫn vào nơi Chúa ngự, chỉ những người công chính mới được qua” (Tv 118:20).
Khi nói tới “cổng trời”, người ta thường nghĩ đến Hà Giang, nơi có “cổng trời” Quản Bạ. Nhưng thực ra chính tại Sapa cũng có một “cổng trời”. Đây là đỉnh đường bộ cao nhất Việt Nam, từ đây có thể đi tới để chiêm ngưỡng đỉnh Fansipan – nóc nhà của Đông Dương.
Theo địa lý, ra khỏi thị trấn Sapa, đi theo hướng Bắc khoảng 18 km, đường lên “cổng trời” ngoằn ngoèo uốn lượn giữa lưng chừng núi trùng điệp với những bóng nắng chạy dài thoắt ẩn thoắt hiện. Chỉ có gió thổi làm cho thảm thực vật phải dán mình vào đá. Con đường đèo này có tên là Trạm Tôn, len lỏi giữa dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Và “cổng trời” chính là đỉnh của con đèo này.
“Cổng trời” Sapa quanh co khúc khuỷu với nhiều khúc cua gấp, nhiều đoạn đường hẹp, một bên là vách núi sừng sững, một bên là vực sâu thăm thẳm, người ta có thể cảm thấy toát mồ hôi hột ngay trong thời tiết giá lạnh của vùng Sapa. Từ giữa cổng trời Sapa, người ta có thể phóng tầm mắt bao quát cả thung lũng rộng lớn phía dưới với những ruộng nương xanh rì, con đường xuôi ngược Phong Thổ (Lai Châu), Sapa (Lào Cai), xa xa là Thác Bạc, một trong 10 thác nước đẹp nhất Lào Cai. Thác Bạc cao khoảng 200m, tiếng nước đổ ào ào ngày đêm hòa âm với thanh âm của núi rừng heo hút. Thiên nhiên đẹp tuyệt vời và cũng thật kỳ diệu!
Người ta dùng từ “cổng trời” chứng tỏ người ta rất tâm linh, có thể họ chưa nhận ra Thiên Chúa hoặc cố ý không nhìn nhận Ngài nên đã tôn thờ ngẫu tượng hoặc tự nhận là mình vô thần. Vô thần là không tin có thần linh, vậy sao gặp chuyện gì khó thì họ kêu “trời ơi” và vẫn thắp nhang khấn vái với người chết? Miệng họ nói là vô thần nhưng hành động của họ lại hữu thần.
Trước khi vào nhà thì phải qua CỬA, trước khi qua cửa thì phải qua CỔNG, và trước khi vào cổng thì phải đi ĐƯỜNG – dù đó là con đường hẹp hay rộng, nhỏ hay to, xấu hay đẹp, khúc khuỷu hay thẳng tắp, gồ ghề hay phẳng phiu,… Tức là phải đi ĐƯỜNG rồi vào CỔNG, sau đó mới qua CỬA mà vào nhà, nhưng muốn qua cửa thì phải có CHÌA KHÓA.
Chỉ cần chìa khóa cửa thì có thể vào nhà người nghèo, nhưng phải cần hai chìa khóa mới có thể vào, vì còn có chìa khóa cổng. Nói chung là phải có chìa khóa.
Khi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ xem người ta bảo Ngài là ai. Người thì bảo Ngài là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo Ngài là ông Êlia, có người lại cho rằng Ngài là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ. Rồi Ngài hỏi các môn đệ xem chính họ bảo Ngài là ai. Ông Phêrô liền thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:16).
Nghe ông tuyên xưng, Chúa Giêsu đã khen ông có phúc và nói với ông: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16:19). Tảng Đá Phêrô là đá quý, ông thật diễm phúc! Tại sao? Chúa Giêsu đã giải thích trước đó: “Vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16:17). Chúa Giêsu cũng xác định: “Không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho” (Ga 6:65).
Chìa khóa vào Nước Trời là gì? Là thực hành Bát Phúc (Tám Mối Phúc) và tuân giữ Thập Giới (Mười Điều Răn). Thu nhỏ “chìa khóa” lại là yêu thương, làm nhỏ lại để dễ mang theo trong mình mọi nơi và mọi lúc thì là YÊU. Yêu là chìa khóa vạn năng để có thể hăng hái đi trên hành trình về trời, rồi dùng chìa khóa đó để mở cổng và mở cửa, sau đó cứ “vô tư” mà vào Nhà Chúa, tức là Nước Trời. Thánh Phêrô giữ cổng và cửa Thiên Đàng, nhưng chắc chắn “bảo vệ” Phêrô không cần xét giấy thông hành của chúng ta hoặc xem chúng ta có visa hay không.
Trước khi vào cổng và cửa Nước Trời, chúng ta phải đi trên Đường Giêsu. Chắc chắn chỉ có con đường đó mới dẫn về Quê Thật. Vì có lần chính Chúa Giêsu đã nói chắc: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6).
Qua Đường Giêsu, rồi qua cổng trời, chúng ta cũng chỉ có một cửa duy nhất là Cửa Giêsu. Vì chính Ngài cũng đã xác định: “Tôi là cửa cho chiên ra vào” (Ga 10:7). Và Ngài tái xác định: “Tôi là cửa” (Ga 10:9).
Đường về Trời là Đường Giêsu dẫn tới Cổng Trời, rồi qua Cửa Giêsu để vào Nhà Cha. Đó là đích đến của chúng ta! Nhưng Thánh Elizabeth Seton (1774-1821, Dòng Nữ Tử Bác Ái) cho biết: “Cửa Thiên Đàng RẤT THẤP, chỉ những người HẠ MÌNH mới có thể vào được”. Một cách ví von thú vị nhưng… rất thật!
Vâng, đúng thật là như vậy, vì Chúa Giêsu đã khuyến cáo chúng ta phải học với Ngài, vì Ngài “hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11:29). Và Đức Maria cũng cho biết: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1:52). Chắc chắn rằng “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho người khiêm nhường” (Gc 4:6; 1 Pr 5:5).
Thánh Phaolô nói thẳng thắn và khá gay gắt: “Đừng ai viện cớ “khiêm nhường” và “sùng kính các thiên thần” mà làm cho anh em mất phần thưởng chiến thắng; họ chìm đắm trong những thị kiến của mình, vênh váo vì những suy tưởng theo lối người phàm. Những điều ấy có vẻ khôn ngoan: nào là “sùng đạo tự ý”, nào là “khiêm nhường”, nào là “khổ hạnh”, nhưng không có giá trị gì đối với tính xác thịt lăng loàn” (Cl 2:18 và 23). Câu “nhắc khéo” này khiến chúng ta phải giật thót mình đấy!
Giật mình là tốt. Giật mình để không lạc lối. Giật mình để biết lối đường dẫn tới CỔNG TRỜI và CỬA TRỜI. Ước gì mỗi chúng ta đều được đến đó, nơi có Chúa Giêsu đang đứng chờ…
Kinh Thánh đã đặt vấn đề: “Ai được lên núi Chúa? Ai được ở trong đền thánh của Người? Đó là kẻ tay sạch lòng thanh, chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối. Người ấy sẽ được Chúa ban phúc lành, được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng” (Tv 24:3-5).
Kinh Thánh cũng cho biết: “Sửa phạt tôi, vâng Chúa sửa phạt tôi, nhưng không nỡ để tôi phải chết” (Tv 118:18). Nếu chúng ta biết khiêm nhường chấp nhận như vậy thì chúng ta mới xứng đáng tới Cổng Trời và vào Cửa Trời.
TRẦM THIÊN THU