Trong cuộc sống, thường thì ai cũng ưa thích những gì to, cao, rộng, dài,… Cụ thể “trước mắt” về vật chất là đất rộng đường dài, nhà cao cửa rộng, ngay cả bàn ghế mà người ta cũng đua nhau trưng bày loại salon gỗ “đồ sộ” lắm, chẳng đẹp mà cũng bất tiện. Thế đấy! Ngày nay phổ biến là Facebook, mọi thứ thượng vàng hạ cám đều được “khoe” trên đó, kể cả những chuyện nhạy cảm, nguy cơ tiềm ẩn rất cao mà cứ khinh suất. Facebook có quá nhiều thứ ô uế. Lợi bất cập hại!
Ngay cả trong lĩnh vực tinh thần người ta cũng vẫn muốn “khoe” nhiều kiểu. Tuy nhiên, Thánh Elizabeth Seton (1774-1821) cho biết: “Cửa Thiên Đàng RẤT THẤP, chỉ những người HẠ MÌNH mới có thể vào được.” Đối với Thiên Chúa, mọi sự đều khác hẳn loài người.
Vấn đề muôn thuở vẫn là chuyện Giàu – Nghèo. Ai có “máu mặt” một chút là vênh váo, ngông nghênh, coi người khác không ra gì. Xã hội nào và thời nào cũng vậy, số người nghèo luôn nhiều hơn số người giàu. Thật vậy, từ ngàn xưa Chúa Giêsu đã xác định: “Người nghèo bên cạnh anh em lúc nào cũng có.” (Ga 12:8) Thực tế cho thấy rằng chẳng mấy ai “đẻ bọc điều” hoặc “tràng hoa quấn cổ” đâu. Quả thật, “cái tôi” của con người vẫn lớn lắm, thế nên rất cồng kềnh, càng cồng kềnh càng vướng víu, bít lối vô Nước Trời.
Việt ngữ rất độc đáo, thường nói là Nghèo Khổ. Chắc chắn nghèo thì khổ. Đúng là người nghèo khổ thật, thời gian dịch cúm Tàu Cộng cho thấy rõ ràng như vậy, thế mà họ còn bị khinh miệt nữa! Đó là một dạng vô cảm. Bà Hellen Adams Keller (1880-1968, tác giả và nhà hoạt động người Mỹ) nhận định: “Thói xấu tồi tệ nhất chính là sự vô cảm của con người.”
Đời nghèo thiếu thốn đủ thứ, thậm chí thiếu cả những điều kiện cơ bản để sống. Nghèo không có tội, nhưng khổ y như “bị vạ” vậy! Người Việt nói về người giàu: “Miệng người giàu có gang, có thép.” Người Iran mỉa mai với sự thật phũ phàng: “Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo họ nhầm lẫn; khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo họ ăn trộm.” Còn tục ngữ Nam Phi nói: “Lời đề nghị của kẻ nghèo được xét đến sau cùng.” Cái xét ở đây không có ý tìm cách thuận lợi cho họ, mà là xét nét – xét để bắt bẻ họ. Ở đây, sự quan tâm mang tính ác độc. Dân đói, chỉ trộm ổ bánh mì thì bị xử vài năm tù giam; quan tham hối lộ hàng ngàn tỷ đồng thì cho là không đáng chi, chỉ cho rút kinh nghiệm, cao lắm là xử tù treo.
Giữa đại dịch Cúm Tàu Cộng càng thấy rõ sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo: “Người nghèo ăn khi nào CÓ, người giàu ăn khi nào MUỐN.” (tục ngữ Phần Lan) Đơn giản mà thâm thúy. Nỗi đau ngấm ngầm và nhức buốt lắm. Tục ngữ Pháp nói: “Không ai kiêu ngạo hơn người giàu mà mới đây chỉ là kẻ nghèo kiết xác.” Khó vào Nước Trời là loại người giàu như vậy, chứ sự giàu có không là điều bất hạnh mà Chúa Giêsu đề cập. Người đời gọi loại đó là “trưởng giả học làm sang.” Rất chảnh!
Sự khôn ngoan cần cho cả người giàu và người nghèo. Lý do? Bởi vì “khôn ngoan là thần khí hằng yêu mến con người,” (Kn 1:6) “trí khôn ngoan là cội rễ không thể nào hư hoại,” (Kn 3:15) và “đức khôn ngoan là kho báu vô tận cho con người.” (Kn 7:14) Quả thật, sự khôn ngoan vô cùng cần thiết: “Có nhiều người khôn ngoan, thế giới được cứu thoát; nhờ một vị minh quân, cả thần dân được an cư lạc nghiệp.” (Kn 6:24) Người khôn thì ngoan, còn người ngoan thì chưa chắc khôn.
Tác giả sách Khôn Ngoan tự sự: “Tôi nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết. Tôi kêu cầu, và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi. Đức Khôn Ngoan, tôi đã quý trọng còn hơn cả vương trượng, ngai vàng. Tôi không coi của cải là gì so với Đức Khôn Ngoan.” (Kn 7:7-8) Người khôn ngoan sẽ nhận biết mình yếu đuối, bất tài, vô dụng, và biết cầu xin Thiên Chúa xót thương. Khôn ngoan là khiêm hạ, khiêm hạ là khôn ngoan.
Đức khôn ngoan thực sự vô giá, không gì có thể so sánh. Tác giả sách Khôn Ngoan giải thích, và cũng là lời chia sẻ chân thành: “Đối với tôi, trân châu bảo ngọc chẳng sánh được với Đức Khôn Ngoan, vì vàng trên cả thế giới, so với Đức Khôn Ngoan, cũng chỉ là cát bụi, và bạc, so với Đức Khôn Ngoan, cũng kể như bùn đất. Tôi đã ham chuộng Đức Khôn Ngoan hơn sức khoẻ và sắc đẹp, đã quý Đức Khôn Ngoan hơn ánh sáng, vì vẻ rực rỡ của Đức Khôn Ngoan chẳng bao giờ tàn lụi. Nhưng cùng với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành đã đến với tôi. Nhờ tay Đức Khôn Ngoan, của cải quá nhiều không đếm xuể.” (Kn 7:9-11) Rất rõ ràng, rất chi tiết. Có đức khôn ngoan sẽ có tất cả. Đúng là kho tàng vô giá thật!
Biết người biết ta, Thánh Vịnh gia thiết tha cầu xin: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.” (Tv 90:12) Niềm khao khát đó không thoáng qua, không tùy hứng, không theo kiểu “vui thì muốn, buồn thì thôi,” mà là niềm khao khát cháy bỏng không ngừng: “Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa, để ngày ngày được hớn hở vui ca. Xin ban tặng chúng con niềm hoan hỷ, bù lại những tháng năm Ngài đã bắt nếm nhục nuốt sầu.” (Tv 90:14-15)
Chúng ta hoàn toàn bất xứng, “trắng tay” đúng nghĩa. Tất cả là hồng ân, là lòng thương xót của Thiên Chúa. Biết vậy là đầu mối khôn ngoan, vì Kinh Thánh nói: “Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan. Sáng suốt thay kẻ thực hành như vậy. Mãi đến thiên thu còn vang tiếng ngợi khen Người.” (Tv 111:10) Chắc chắn Thiên Chúa sẽ đoái thương, không thể làm ngơ, vì Ngài là Đấng giàu lòng thương xót. Mọi nơi và mọi lúc, Ngài luôn mong muốn chúng ta chân thành thân thưa: “Xin cho chúng con được vui hưởng lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con. Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố, xin củng cố việc tay chúng con làm.” (Tv 90:17)
Đường dẫn tới sự sống là luôn nhỏ hẹp, chật chội; đường dẫn tới sự chết luôn rộng rãi, thoải mái. Chính Chúa Giêsu đã khuyến cáo: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.” (Mt 7:13-14) Ngài còn bảo chúng ta phải “chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào.” (Lc 13:24) Chắc chắn Ngài không xúi dại ai. Chính sự tự do cũng có “phạm vi nhất định” chứ không phải tự do thì muốn làm gì thì làm, nếu vậy thế giới này loạn hết.
Điều cần thiết nhưng rất khó làm: Khó với chính mình nhưng dễ với người khác. Lm Leo Dehon (sáng lập dòng Linh Mục Thánh Tâm – Prêtres du Sacré-Cœur de Jésus, SCJ) nói: “Có hai điều cần để nên thánh: tách khỏi chính mình và các thụ tạo; yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân trong Thiên Chúa. Hãy nên thánh, nhưng nên thánh kín đáo, làm việc tốt hằng ngày, không ồn ào hoặc chứng tỏ ra bên ngoài.” CP Henry Suso khuyên: “Mỗi người hãy xét mình và xem Thiên Chúa mong muốn và chờ đợi mình điều gì, còn hãy kệ mặc những sự khác.”
Lời thẳng vướng tai. Lời thật mất lòng. Trung ngôn nghịch nhĩ. Khi phụ nữ hỏi về sắc đẹp của họ, nếu chúng ta nói họ đẹp thì họ vui, nhưng chỉ là ảo; nếu chúng ta nói họ không đẹp thì họ buồn, thậm chí còn ghét người nhận xét. Họ ưa nịnh và “yêu bằng tai” là như vậy. Khi nhạc sĩ, thi sĩ và văn sĩ hỏi tác phẩm của họ thế nào, nếu chúng ta nói tác phẩm của họ hay thì họ cười; nếu nói tác phẩm của họ “chưa đạt” thì họ chán lắm, có khi họ bảo người nhận xét không biết nghệ thuật, không tinh tế.
Chuyện đời là thế. Đôi khi người ta chỉ nịnh nhau để xã giao thôi. Mẹ hát, chẳng lẽ con lại nỡ lòng không khen hay? Trên Facebook hoặc các mạng xã hội tương tự, những cái “like” có thể cũng chỉ là giả tạo, a dua, xu thời, ít có người thật lòng. Có rất nhiều thứ vớ vẩn trên Facebook, thậm chí là giả mạo và lừa đảo!
Nhưng với Thiên Chúa thì hoàn toàn khác. Thánh Vịnh gia đặt vấn đề: “Làm thế nào giữ được tuổi xuân trong trắng? Thưa phải tuân theo lời Chúa dạy.” (Tv 119:9) Hằng ngày, theo “phong cách” Facebook, chúng ta có “like” [yêu] Chúa thật lòng hay cũng chỉ “che mắt thánh” mà thôi? Chúa biết hết, vì Ngài “thấu suốt mọi tâm can.” (Cv 15:8; Rm 8:27) Ước gì mỗi chúng ta luôn biết chân thành tâm nguyện: “Lạy Chúa, con hết dạ kiếm tìm Ngài, xin chớ để con làm sai mệnh lệnh Chúa.” (Tv 119:10)
Lời Chúa rất kỳ diệu. Có lúc Lời Chúa làm cho chúng ta phấn chấn, hạnh phúc, nhưng có lúc lại làm cho chúng ta đau nhói, nhức buốt – thường thì nhức buốt nhiều hơn, vì “Lời Chúa phán là lời chân thật, như bạc nấu trong lò, đã bảy lần tinh luyện.” (Tv 12:7) Thật vậy, Thánh Phaolô nói: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và SẮC BÉN hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.” (Dt 4:12) Tại sao vậy? Thánh Phaolô giải thích: “Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều TRẦN TRỤI và PHƠI BÀY trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ.” (Dt 4:13)
Quả thật là khó trong việc tìm kiếm Chúa. Khó không phải vì Chúa trốn chúng ta, mà tại chúng ta chưa thực sự muốn gặp Ngài. Muốn thì muốn, nhưng thực hành thì… hậu xét! Trình thuật Mc 10:17-30 cho thấy rõ điều đó.
Vào một ngày nọ, khi Đức Giêsu vừa lên đường, có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Ngài và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Ngài hỏi lại: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” Có lẽ anh ta rất hãnh diện nói với Ngài rằng anh đã tuân giữ tất cả những điều đó từ thuở nhỏ, và còn được Ngài khen nữa.
Thực sự anh ta rất tuyệt vời và tốt lành thật! Đúng vậy, chính Đức Giêsu đã âu yếm đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Rồi Ngài bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Thế nhưng anh ta nghe lời đó rồi sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Thật tiếc cho anh ta biết bao!
Lúc đó, Chúa Giêsu rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” Nghe Sư Phụ nói thế, các môn đệ sững sờ vì chẳng lẽ giàu là có tội sao? Căng ghê! Chưa hết ngạc nhiên thì họ lại nghe Thầy nói tiếp: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” Đúng là căng thật đấy chứ!
Thế nhưng không hẳn là vậy. Chuyện đâu còn có đó. Vì quá ngạc nhiên nên họ rỉ tai nhau: “Thế thì ai có thể được cứu?” Hỏi để mà hỏi, hỏi cho có chuyện chứ chẳng ai có thể trả lời. Chúa Giêsu biết các đệ tử đang “điên đầu” và “nhức óc” lắm, nhưng Ngài vẫn nói rất nghiêm túc: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.” Đó là sự thật, là điều tuyệt đối.
Khó vào Nước Trời đối với người giàu không phải vì họ nhiều tiền, lắm của, mà vì họ ỷ mình giàu mà khinh người khác, và dùng tiền bạc để ăn chơi sa đọa; còn người giàu mà biết chia sẻ với người nghèo, làm từ thiện, họ vẫn dễ vào Nước Trời, vì họ biết dùng của cải đời này mà “mua” lấy kho tàng vĩnh cửu.
Ngước lại, người nghèo mà chảnh thì vẫn vô phúc, bất hạnh. Người ta cho thì họ không lấy, họ có thấy cũng chẳng thèm xin, nhưng đồ người ta giấu kín thì họ rình mò, cứ hở ra là rinh ngay. Người nghèo như vậy chắc chắn chẳng biết lối nào mà vào Nước Trời. Người ta gọi đó là nghèo vô phúc, nghèo bạc phước, nghèo mà chảnh. Họ không đáng thương mà đáng nguyền rủa!
Lạy Thiên Chúa, xin giúp con biết bằng lòng với những gì Ngài cho phép con sở hữu và quản lý ở đời này; xin giúp con sống giản dị, không đòi hỏi, không mưu mô, không cầu kỳ, không chảnh chọe,… Xin giúp con tự khó với chính con để được sống dồi dào nhờ Thần Khí Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU