Chúa Nhật Lễ Lá là ngày vui mừng, ngày tưởng nhớ Chúa Giêsu hiển hách vào Thành Giêrusalem. Cả bốn Phúc Âm đều nói về sự kiện này.
Thánh sử Mát-thêu mô tả: “Các ông dắt lừa mẹ và lừa con về, trải áo choàng của mình trên lưng chúng, và Đức Giêsu cỡi lên. Một đám người rất đông cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá mà rải lên lối đi. Dân chúng, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: Hoan hô Con vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời” (Mt 21:7-9).
Nhưng chỉ vài ngày sau đó, Ngài bị bắt, ngày mà chúng ta gọi là Thứ Năm Tuần Thánh, rồi Ngài bị xử tử vào ngày hôm sau – Thứ Sáu Tuần Thánh.
KHỞI ĐẦU TUẦN THÁNH – Chúa Nhật Lễ Lá là ngày cuối cùng của Mùa Chay, và là khởi đầu Tuần Thánh. Tại các cộng đoàn, mọi người cùng cầm lá đi rước và hát mừng Đức Chúa, và cùng nhau tiến vào nhà thờ.
LỊCH SỬ CHÚA NHẬT LỄ LÁ – Thời Trung Cổ, Chúa Nhật Lễ Lá thường được đánh dấu bằng việc đốt hình nộm Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, sau khi bị ném đá. Đốt hình nộm như vậy là cách quở trách người môn đệ tham lam và bất tín đã phản bội Thầy Giêsu.
CHÚA NHẬT LỄ LÁ TRÊN THẾ GIỚI – Trong Giáo hội Công giáo, chủ tế mặc lễ phục đỏ, màu máu, cho thấy rằng sự hy sinh cứu độ khi Ngài tiến vào Thành Giêrusalem. Các cộng đoàn có thể dùng lá ô-liu, lá dừa, lá cọ, lá vân sam hoặc các loại lá khác. Sau đó lá được đưa về gia đình.
Thói quen trang trí mộ bằng lá được làm phép vẫn còn ở một số nơi tại Đức quốc. Tại Pakistan, các Kitô hữu vừa cầm lá tiến vào nhà thờ vừa hát Thánh Vịnh 24.
Trong Giáo hội Chính Thống Nga và nhiều Giáo hội Âu châu khác, các tín hữu cầm những cành liễu thay cho lá cọ vì vấn đề giá cả. Một số tín đồ Chính Thống giáo dùng lá ô-liu. Các cành lá này được làm phép và phân phát cho mọi người cùng với một cây nến. Sau đó, họ đưa cả lá và nến về nhà để mong được phúc lành.
Tại Nga, nhiều thành phố có rước lừa, đặc biệt là ở Novgorod và Moscow. Đức Thượng Phụ của Moscow, vị đại diện Đức Kitô, cưỡi trên một con lừa đi cùng đoàn rước. Nga hoàng đi bộ dẫn đầu đoàn rước. Đoàn rước ở Moscow khởi đi từ điện Kremlin và kết thúc tại nhà thờ Chúa Ba Ngôi (Trinity Church), ngày nay là nhà thờ Thánh Basiliô. Tuy nhiên, Nga hoàng Peter I đã hủy bỏ thói quen này.
Tại Ấn Độ, các cành lá được phân phát trước nhà thờ, các cành lá có kết hoa vạn thọ. Tại Tây ban Nha, đặc biệt ở TP Seville, có các cuộc rước lá trong Tuần Thánh, khởi đầu từ Chúa Nhật Lễ Lá. Các cuộc rước này biểu hiện cuộc thương khó của Chúa Giêsu Kitô. Bánh piazza được bán trước nhiều nhà thờ ở khắp nước Ý, người ta cũng bán lá ô-liu và lá cọ.
Tại Rôma, người ta thường diễn lại việc Chúa Giêsu vào Thành Giêrusalem rất quy mô. Tại Hy Lạp, Chúa Nhật Lễ Lá được gọi là kyriake, heorte ton baion, heorte baiophoros, hoặc Chúa Nhật La-da-rô. Họ có ngày lễ La-da-rô sống lại ngay hôm trước Chúa Nhật Lễ Lá. Còn tại Hoa Kỳ, Chúa Nhật Lễ Lá thường là ngày lặng lẽ ở các nhà thờ. Chúng ta được mời gọi tham dự ngày đặc biệt này từ hai ngàn năm trước, từ khi chính Chúa Giêsu vào Thành Giêrusalem.
KÍNH MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ – Hãy tham dự cuộc rước lá, nghe và suy niệm Bài Thương Khó, để sám hối và thông phần đau khổ với Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Lạy Thiên Chúa, Đấng con thờ!
Ngài nỡ lòng mà ruồng bỏ con sao?
Dù con thảm thiết kêu gào
Nhưng ơn cứu độ nơi nao xa vời!
Ngày kêu Chúa chẳng đáp lời
Đêm van Ngài cũng vẫn hoài lặng im
(Tv 22:2-3)
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Beliefnet.com)