Cộng tác là cùng nhau chung tay góp sức làm một công việc nào đó, có thể không cùng chung một trách nhiệm nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm riêng phần mình. Công việc liên quan trách nhiệm, trách nhiệm liên quan con người hữu dụng hay vô dụng.
Người không chịu làm việc hoặc làm không xong phần việc được giao là người vô trách nhiệm, gọi chung là vô dụng – không có ích lợi gì cho cộng đồng, kể cả bản thân. Kẻ vô dụng là người vô tích sự, chẳng làm nên trò trống gì, chỉ thích sống bám người khác như loại ký sinh trùng nguy hại. Kẻ vô dụng là kẻ không ai ưa, chẳng ai thích, và bị người ta nguyền rủa: “Đồ vô dụng!” Kinh Thánh nói: “Hy vọng của đứa vô ơn bạc nghĩa tan chảy như sương giá mùa đông, trôi đi như dòng nước vô dụng.” (Kn 16:29)
Nhưng người dám tự nhận mình là “đồ vô dụng” (thật lòng, không giả vờ để được khen) thì hẳn là người khiêm nhường, thậm chí họ có thể là người đa năng và đa dụng. Đó là “phong cách” mà Chúa Giêsu dạy người ta không chỉ nên làm mà còn phải làm. Trong cuộc sống, người ta có thể cảm thấy mình vô dụng về một lĩnh vực nào đó. Cảm giác đó có thể là khiêm nhường, có thể là mặc cảm hoặc tự ti, cũng có thể do nhút nhát.Thật tốt khi biết khiêm nhường nhận mình là vô dụng, nhưng nên tránh cảm giác thấy mình vô dụng vì tự ti mặc cảm. Khi cảm thấy mình “yếu kém”, bất kỳ ai cũng cần được hỗ trợ hoặc cần được khuyến khích, động viên. Nhưng nếu cứng đầu cứng cổ, tôn sùng ngẫu tượng, thì đúng là vô dụng thật: “Dân xấu xa này không chịu nghe lời Ta, cứ ngoan cố cứng lòng, chạy theo các thần khác mà làm tôi và sụp lạy chúng; nó sẽ nên như chiếc đai lưng hoàn toàn vô dụng kia.” (Gr 13:10)
Chắc hẳn ngôn sứ Kha-ba-cúc là người thẳng thắn, ông không chịu nổi những điều chướng tai, gai mắt, nên ông thắc mắc với Thiên Chúa: “Cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa, con kêu cứu mà Ngài chẳng đoái nghe, con la lên: ‘Bạo tàn!’ mà Ngài không cứu vớt?” (Kb 1:2)Tình thẳng thắn nên ông cảm thấy “khó chịu” trước những điều ác cứ xảy ra hằng ngày: “Sao Ngài bắt con phải chứng kiến tội ác hoài, còn Ngài cứ đứng nhìn cảnh khổ đau? Trước mắt con, toàn là cảnh phá phách, bạo tàn, chỗ nào cũng thấy TRANH CHẤP và CÃI CỌ. Vì thế, Luật không được tuân giữ, CÔNG LÝ CHẲNG CÒN thấy xuất hiện, vì kẻ gian ác bủa vây người công chính nên chỉ còn thứ công lý vạy vọ.” (Kb 1:3-4) Một dạng khổ rất đặc biệt của những người thẳng thắn. Tuy nhiên, thẳng thắn cũng cần phải khéo léo nữa, kết hợp giữa cương và nhu.
Ở cái cõi trần gian này thì thời nào cũng có bất công – khác chăng là về mức độ, đặc biệt là ở thời chúng ta đang sống ngày nay. Người có tính bộc trực, thích thẳng thắn thì không thể đứng lặng hoặc ngồi yên, thế nên họ bức xúc mà phải nói, đôi khi chịu thiệt thòi. “Thuận ngôn” luôn gây “nghịch nhĩ” và lời thật cũng thường làm mất lòng. Họ nói ra thì bị ghét, bị kèn cựa, bị trù dập. Thế gian quá nhiêu khê: “Dốt nát thì bị khinh, thông minh thì bị ghét.” Kiểu nào cũng khổ. Không làm sao có thể làm vừa lòng mọi người. Nhưng thà bị ghét chứ không chịu bị khinh. Cuộc đời có dạng “thực tế buồn” mà người ta thường nói: “Thẳng thắn thường thua thiệt, lươn lẹo lại lên lương.”Chính Chúa Giêsu đã nói rồi: “Con cái đời này khôn ngoan hơn con cái sự sáng.” (Lc 16:8) Khôn ngoan đó là khôn lỏi, khôn xảo. Tại sao vậy? Bởi vì sự công chính là kẻ thù của ma quỷ, bóp méo sự thật, bẻ cong điều thẳng thắn. (x. Cv 13:10)
Đừng lo lắng hoặc sợ hãi, cứ vững tin và vui mừng vì chúng ta có luôn có Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta sẽ nên hữu dụng chứ không vô dụng. Thánh Vịnh gia mời gọi: “Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta, vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ, cùng tung hô theo điệu hát cung đàn.” (Tv 95:1-2)Niềm vui của tín nhân là thế, bởi vì “Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn.” (Tv 19:8b)
Thiết tưởng, đừng bao giờ thần tượng bất kỳ ai.Thần tượng người hoặc vật gì là tự biến mình thành nô lệ. Chỉ có Thiên Chúa mới chính là Thần Tượng của chúng ta mà thôi: “Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta. Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt. Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!” (Tv 95:6-7)Thánh Vịnh gia nói “ước gì”, nhưng thật ra là chính bổn phận và nhiệm vụ của chúng ta. Thiên Chúa vừa khuyên nhủ vừa khuyến cáo: “Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơ-ri-va, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.” (Tv 95:8-9) Có nhiều kiểu cứng lòng, mỗi người mỗi kiểu và với mức độ khác nhau. Chúng ta vẫn phạm tội phản nghịch Ngài vì còn cứng lòng chứ chưa mềm lòng.
Thánh Phaolô hồi tưởng lại lòng tin không giả hình của Timôthê, nhờ lòng tin đã có nơi cụ Lô-ít và nơi bà cố Êu-ni-kê (ngoại và mẹ của Timôthê), và nói: “Tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh. Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ. Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy ĐỒNG LAO CỘNG KHỔ với tôi để loan báo Tin Mừng.” (2 Tm 1:6-8)Đó là công vụ, là nhiệm vụ chung của mọi người. Ai cũng có trách nhiệm cộng tác bằng cách nào đó theo hoàn cảnh và khả năng của mình – mà khả năng đó là do Chúa ban chứ tự mình chẳng làm được gì. (x. Ga 15:5)
Quả thật, Thánh Phaolô giải thích chi tiết và rõ ràng: “Người đã cứu độ và kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Người, không phải vì công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Người. Ân sủng đó, Người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Đức Kitô Giêsu, nhưng giờ đây mới được biểu lộ, vì Đấng cứu độ chúng ta là Đức Kitô Giêsu đã xuất hiện. Chính Đức Kitô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử.” (2 Tm 1:9-10)Đồng thời thánh nhân xác định trách nhiệm của mình:“Thiên Chúa đã đặt tôi làm người rao giảng Tin Mừng đó, làm tông đồ và thầy dạy.” (2 Tm 1:11) Nhận biết ý Chúa và ý thức trách nhiệm là điều tuyệt vời nhưng không dễ chút nào.
Có nhiều thứ đối lập, cụ thể là ánh sáng – bóng tối. Người nào hướng về ánh sáng thì đối nghịch với bóng tối – và ngược lại, lẽ tất nhiên là vậy, vì hai thứ không thể nhìn chung hướng với nhau.Thánh Phaolô giải thích:“Chính vì lý do ấy mà tôi phải chịu những đau khổ này; nhưng tôi không hổ thẹn, vì tôi biết tôi tin vào ai, và xác tín rằng: Người có đủ quyền năng bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho tôi, mãi cho tới Ngày đó. Với đức tin và đức mến của một người được kết hợp với Đức Kitô Giêsu, anh hãy lấy làm mẫu mực những lời lành mạnh anh đã nghe tôi dạy. Giáo lý tốt đẹp đã giao phó cho anh, anh hãy bảo toàn, nhờ có Thánh Thần ngự trong chúng ta.” (2 Tm 1:12-14)
Và rồi một hôm, các môn đệ thưa với Thầy Giêsu: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” (Lc 17:5) Ngài nói với họ: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em.” (Lc 17:6) Lời cầu xin đức tin rất cần thiết, nhưng đôi khi chúng ta thường quên, hoặc cho rằng đó là chuyện tất nhiên.
Quả thật, đức tin vô cùng quan trọng – mọi nơi và mọi lúc. Khi thấy cây vả không sinh trái, Chúa Giêsu nguyền rủa nó và nó chết khô, Ngài xác định với các môn đệ về tầm quan trọng của đức tin: “Thầy bảo thật anh em, nếu anh em TIN và KHÔNG CHÚT NGHI NAN thì chẳng những anh em làm được điều Thầy vừa làm cho cây vả, mà hơn nữa, anh em có bảo núi này: ‘Dời chỗ đi, nhào xuống biển!’, thì sự việc sẽ xảy ra như thế. Tất cả những gì anh em lấy lòng tin mà xin khi cầu nguyện, thì anh em sẽ được.” (Mt 21:21-22) Đức tin thật là kỳ diệu!
Không chỉ vậy, Ngài còn phân tích chi tiết và rất cụ thể:“Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: ‘Mau vào ăn cơm đi’, chứ không bảo: ‘Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau’? Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao?” (Lc 17:7-9)Đặc biệt hơn, Ngài căn dặn rằng khi chúng ta đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm thì hãy nói: “Chúng tôi là những ĐẦY TỚ VÔ DỤNG, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.” (Lc 17:10) Một dạng khiêm nhường cần thiết. Mà đúng như vậy, bởi vì tất cả những gì chúng ta có được cũng đều là hồng ân của Thiên Chúa.
Nhận mình vô dụng là một động thái “nhỏ” nhưng lại rất khó thực hiện, nếu thật lòng mà nói thì đã là khó rồi, huống chi là hành động thật, bởi vì Cái Tôi không “cho phép” làm vậy. Mở ngoặc nhỏ: Có lẽ “cái tôi” của người Anh Mỹ “lớn” hơn, bởi vì chính mình luôn viết hoa là “I”, không bao giờ viết thường, dù đứng bất cứ vị trí nào trong câu.Ghê thật!
Khi nói gì hoặc làm gì, ai cũng muốn nhiều người biết, thậm chí người ta còn “nổ” dù làm chi chẳng ra hồn. Tay trái làm mà không cho tay phải biết thì chắc là… “khó chịu” lắm. Thực tế đã và đang có nhiều “cấp độ” về bảng vàng, bằng ân nhân, giấy chứng nhận,… Chuyện nhỏ mà hóa chuyện lớn chứ chẳng đùa đâu.Chắc chắn phải thực sự khiêm nhường thì mới khả dĩ nhận mình là “vô dụng” theo phong cách của Thầy Giêsu chí thánh.
Thật tuyệt khi Thánh Vịnh gia thân thưa: “Xin đừng làm rạng rỡ chúng con, vâng lạy Chúa, xin đừng, nhưng xin cho danh Ngài rạng rỡ, bởi vì Ngài thành tín yêu thương.” (Tv 115:1) Lời cầu nguyện thật khiêm nhường và tốt đẹp biết bao!
Lạy Thiên Chúa, con thực sự vô dụng nhưng không muốn nhận như vậy, mà chỉ muốn tự tôn rởm. Xin Ngài thương ban ơn biến đổi để con biết sống khiêm nhường, dám nhỏ lại để Ngài được nổi bật, xin làm cho trái tim chai cứng của con trở thành mềm mại và chứa đầy máu hồng trắc ẩn, nhờ đó mà con có thể trở thành cộng tác viên của Ngài, trở nên con người theo đúng Thánh Ý Ngài, để hữu dụng cho mọi người và cho chính con nữa. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU