Home / Chia Sẻ / CÔNG LÝ và HÒA BÌNH

CÔNG LÝ và HÒA BÌNH

Công lý và Hòa bình – Justice (J) và Peace (P) – có liên quan lẫn nhau. Muốn có hòa bình thì công lý phải được tôn trọng đúng mức, nghĩa là “có công lý mới khả dĩ có hòa bình”.

Theo La ngữ, chữ “Justitia” nghĩa là Nữ Thần Công Lý (Lady Justice). Đó là một nhân vật nữ được cách điệu hóa để trở thành một biểu tượng của công lý, pháp luật hay xét xử trong hệ thống Tư pháp. Nữ thần công lý đã được khắc họa và được miêu tả với ba biểu tượng đặc trưng: [1] một tay cầm thanh gươm (biểu tượng về quyền lực cưỡng chế, quyền uy của toà án; [2] một tay cầm chiếc cân để phân định cái thiện và cái ác (biểu tượng cho lẽ phải, sự công bằng, chính trực, nghiêm minh, không thiên vị); [3] mắt bịt chiếc khăn (tượng trưng cho ý tưởng công lý, đối lập với áp lực và sự ảnh hưởng từ bên ngoài).

Luật pháp được ví như chiếc gương phản chiếu các hình ảnh về sự thay đổi của xã hội. Các sự kiện của con người ở trong tình trạng thất vọng đôi khi đan kết trong luật pháp theo những cách khó có thể tin được, điều đó cho chúng ta thấy cách mà một quốc gia xử lý tình hình phát triển dân số, thiếu phương thế, thiếu cơ hội, mở rộng nhập cư, mở cửa khẩu và có sự thù ghét cuồng bạo.

Nói cách khác, luật pháp vẽ một bức tranh về sự chịu đựng của một quốc gia. Các thế kỷ qua, các nhà lập pháp đã dùng lịch sử, thần thoại vàcác thần tượng để mô tả mục đích và vị thế của họ. Thần Công Lý là một trong các biểu tượng tiêu biểu. Nhưng Thần Công Lý đến từ đâu và ủng hộ cái gì? Thần Công Lý thì chắc chắn là bảo vệ công lý và chân lý. Điều đó đã được Chúa Giêsu minh định: SỰ THẬT sẽ giải phóng quý vị (Ga 8:32).

LỊCH SỬ LUẬT PHÁP

Văn minh lần đầu tiên xuất hiện khoảng 6.000 năm trước. Trước hết, các làng nông nghiệp nhỏ đã nảy nở ở thung lũng sông Mesopotamia gần nơi mà Tigris và Euphrates sáp nhập. Không lâu sau đó, các cộng đồng xã hội với các quy tắc phức tạp hơn vềcách cư xử đã trở nên khả thi.

Một nền văn minh tiến triển chỉ với sự hỗ trợ của một nền tảng vững chắc, và việc thiết lập thẩm quyền đòi hỏi một sự cân bằng giữa những người làm quản lý và những người được quản lý. Hòa bình thực tế này đòi hỏi một số đơn vị tinh nhuệ về chỉ huy và lao động.

Chính quyền vững chắc cũng đòi hỏi sự chấp nhận. Mesopotamia, về sau là Ai Cập, có các vị vua hùng mạnh và giai cấp tư tế. Khi tìm kiếm trật tự xã hội, người ta đã kiểm soát những người có vẻ như có một số của cải, quyền lực hoặc khôn ngoan đặc biệt.

Hai nền văn minh phương Tây vĩ đại khác – Hy Lạp và Roma– đã giúp định hình những sự khởi đầu sớm của luật pháp. Tại Hy Lạp, chính khách Solon là thẩm phán của Athens, ông đã soạn thảo một bộ luật phân chia các tầng lớp dựa trên thu nhập và tài sản, cho quyền công dân ngay cả những người thấp kém nhất, và phong trào của ông cho phép nam giới có cơ hội cải thiện tình trạng kinh tế của họ – bất kể tổ tiên là ai.

Tại Roma, luật pháp đã được ban hành bởi các công dân trong quân đội hoặc các địa chủ, và họ đã giải quyết phần lớn các vấn đề công cộng như phân phối đất đai và các lệnh quân sự ở nước ngoài. Luật mà người dân ảnh hưởng phần lớn là công việc của các thẩm phán được bầu chọn hoặc có sự đồng ý của các đồng nghiệp của họ.

CÁC VỊ THẦN LINH

Mỗi nền văn hoá có những loại thần thoại riêng để giúp họ hiểu được phong tục tập quán và cách nhìn thế giới. Thần thoại chủ yếu về các vị thần và siêu nhiên. Các đấu thủ có quyền hạn và khả năng không phổ biến đối với con người bình thường.

Những câu chuyện có vẻ do tưởng tượng và thường là tất cả những điều vô lý, nhưng người ta tin là đúng. Đối với một số người, các câu chuyện có ý nghĩa sâu sắc về tôn giáo. Họ có thể bị coi là những người ngoại đạo, những người cầu nguyện và hy sinh cho nhiều vị thần. Người La Mã đặt theo tên nhiều thần thoại Hy Lạp và biến nó thành của riêng mình, chọn một tiêu đề hoặc đặc trưng La Mã hơn. Điều này làm chúng trở nên các “chuyện cổ tích”.

Thần thoại quan trọng đối với chúng ta bởi vì việc đề cập các vị thần vẫn còn ở xung quanh chúng ta ngày nay. Từ văn hoá nhạc pop đến khoa học, ví dụ: [1] Giầy thể thao Nike được đặt theo tên một nữ thần chiến thắng, [2] Các chòm sao trên bầu trời đại diện cho các vị thần, [3] Các tháng trong năm dương lịch cũng được dựa vào tên các vị thần.

Có rất nhiều vị thần cổ đại. Một vị nữ thần quyền năng đã cho chúng ta trái đất, bầu trời và biển khơi, một vị thần khác giúp cây cối phát triển, và một vị thần khác nữa đại diện cho thiên nhiên. Thậm chí còn cómột vị thần khóc lóc đã biến thành “sương” làm thảm trái đất và lấp lánh trong ánh sáng mặt trời buổi sáng.

Có các nữ thần đã gợi hứng cho người ta về thi ca có tên là Muses (Thi Thần), và nỗ lực của một nhóm thần khác dẫn tới việc sinh sản và họ quyết định ai sống và ai chết. Cũng có các quái vật gây trở ngại –  thậm chí có khi là chính các thú cưng.

Các vị thần không phải là không thể sai lầm, và họ đã mắc sai lầm. Họ trở nên ghen tương và lên kế hoạch trả thù. Họ thao túng những người dưới quyền. Đó là lý do tại sao hầu hết các câu chuyện đều có các hệ quả về đạo đức – các bài học răn đời. Các nhà lãnh đạo cuộc sống trong thời kỳ Hy Lạp và La Mã đã sử dụng tốt các vị thần để giúp kiểm soát và chỉ dẫn cho nhân dân. Đó là kế hoạch tốt.

Thần Themis là người bảo vệ Hy Lạp về luật pháp và trật tự thiêng liêng, đồng thời cũng là một nữ thần của lời tiên tri và lời tuyên thệ. Thần Zeus là nữ thần của công lý trọng đại, con cái của bà là Fates và Dike. Bà có tài nói tiên tri nên phụ trách “Lời Sấm Bí Ẩn” (Oracle Delphic) cho đến khi bà giao cho Apollo. Theo thần thoại La Mã, bàcó tên gọi là Justitia – Nữ Thần Công Lý.

Nữ Thần Công Lý cầm một thanh gươm biểu hiện của sức mạnh và quyền lực của công lý, đồng thời nắm giữ một cái cân biểu hiện sự cân bằng và công bình của công lý. Một biểu tượng thứ ba trên bức tượng là bịt mắt, tượng trưng cho sự khách quan khi thực thi công lý của luật pháp.

Bức tượng Nữ Thần Công Lý có thể nhìn thấy ở Washington D.C (Hoa Kỳ), ngay lối vào chính Tòa nhà Tòa Án Tối Cao đối diện Tòa nhà Capital của Hoa Kỳ. Những bức tượng cẩm thạch bên cạnh tượng Nữ Thần Công Lý gồm hai người ngồi, một là “Người Giám Hộ Pháp Luật” và một là “Người Thẩm Định Công Lý”. Các bức tượng này đại diện cho nhiệm vụ của Tòa án Tối cao.

Nữ Thần Công Lý là sự kết hợp của các nữ thần La Mã và Hy Lạp: Justitia là Nữ Thần Công Lý của La Mã và Themis là Nữ Thần Công Lý của Hy Lạp bao gồm trật tự, luật pháp và phong tục. Các bức tượng nữ thần này bắt nguồn từ thời cổ đại, hình ảnh biểu hiện sớm nhất của Nữ Thần Công Lý về việc mắt bịt mắt là Giếng Nước Công Lý ở Berne (Thụy Sĩ), có từ năm 1543. Các bức tượng Nữ Thần Công Lý thường thấy có ở các phòng xử án và tòa án. Tại sao Việt Nam không sử dụng bức tượng này? Một vấn đề đáng lưu ý!

CÔNG LÝ LÀ GÌ?

Theo Bách khoa Toàn thư Internet về triết học, công lý là từ được sử dụng đồng nghĩa với sự công bằng. Mặc dù trong phòng xử án hoặc tại nơi làm việc, mọi người luôn mong muốn được đối xử công bằng. Hình ảnh của công lý thường được miêu tả là bịt mắt và cầm cân, được sử dụng để cân bằng cả hai mặt của một vấn đề như nhau, người Việt gọi là “cầm cân, nảy mực”. Mọi người tìm kiếm cách đối xử công bằng và vô tư, chứ không dựa trên màu da, giới tính hoặc xu hướng tình dục. Công lý có thể giúp các cá nhân được đối xử bình đẳng.

Tuy nhiên, đó là một khái niệm đa diện với nhiều ý nghĩa khác nhau giữa các nền văn hóa và dân tộc. Đây là kết quả của các nền văn hoá khác nhau nhưng cùng chia sẻ về lịch sử, thần thoại và các tôn giáo. Điều cần nhớ là công lý chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi đạo đức và giá trị của mỗi nền văn hoá. Vì thế, công lý dễ trở thành một khái niệm mơ hồ cho các cá nhân từ các nền văn hoá khác nhau. Mặc dù có một vài viễn cảnh về công lý phổ quát trong các nền văn hoá, vẫn không đủ để tạo ra một loại tường thuật về công lý phổ quát.

Còn con ngựa là biểu tượng gì? Con ngựa tượng trưng cho nhiều điều khác nhau trên khắp thế giới. Trong văn hoá Celtic, con ngựa tượng trưng cho chiến tranh, chiến thắng và tuổi thọ. Người Hy-La đã sử dụng ngựa làm biểu tượng cho danh dự và sức mạnh. Trong văn hoá Hindu, con ngựa không chỉ liên kết với Thần Varuna, nhưng con ngựa trắng được cho là hóa thân cuối cùng của Vishnu. Trong văn hoá Trung Hoa, con ngựa đại diện cho Gemini (cung Song Sinh trong tử vi), đồng thời tượng trưng cho tình yêu, tính thực tế, sự bền bỉ, lòng tận tụy và sự ổn định.

NHIỆM VỤ CÔNG LÝ và HÒA BÌNH

Trong thời gian họp Công đồng Vatican II (1962-1965), ĐGH Gioan XXIII và các nghị phụ đã quyết định rằng Giáo Hội cần dấn thân vào thế giới nhiều hơn nữa. Do đó, Thánh bộ Công lý và Hòa bình (Pontifical Commission for Justice and Peace) đã được thiết lập, quyết định rằng mỗi Hội đồng Giám mục cũng nên thành lập một Ủy ban Công lý và Hòa bình (UBCL-HB), và các giám mục thúc đẩy việc thành lập các Ủy ban này trong các giáo phận của mình.

Mục đích của UBCL-HB là thúc đẩy hành động về công lý và hòa bình theo ánh sáng của Giáo huấn Xã hội Công giáo như căn nguyên của nhiệm vụ loan báo Tin Mừng của Giáo Hội. Đây là một số nhiệm vụ cụ thể:

– Giúp cộng đồng dân Chúa nhận thức được sự đau khổ, bất công, chia rẽ và bạo lực trong đời sống và cam kết chuyển đổi xã hội.

– Nâng cao nhận thức của mọi người về nguyên nhân của sự đau khổ và nghèo đói, giúp họ nhận ra ý nghĩa xã hội của đức tin đối với mọi lĩnh vực của cuộc sống con người cũng như môi trường.

– Làm việc để xã hội công bằng hơn, là nơi tôn trọng nhân quyền cơ bản của mọi người, đặc biệt là của người nghèo, phụ nữ và những người bị gạt ra bên lề xã hội.

– Có một mối quan tâm đặc biệt trong Giáo Hội để giảng dạy và thúc đẩy hành động vì công lý và hoà bình nhằm hỗ trợ người nghèo, người thiệt thòi và người bị áp bức, đồng thời hoạt động như một cơ quan tư vấn về các vấn đề liên quan công lý.

– Nâng cao nhận thức về tính toàn vẹn của sự sáng tạo và khuyến khích cộng đồng dân Chúa làm việc vì công lý về môi trường.

– Là điểm liên lạc cho các nhóm phụ nữ và giúp họ nâng cao mối quan tâm của phụ nữ, đặc biệt là các vấn đề về công lý liên quan phụ nữ trong xã hội, vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội và sự tham gia của họ trong cuộc sống.

– Nói về sự bất công trong chính Giáo Hội để có thể là chứng nhân đáng tin cậy hơn đối với sứ điệp Tin Mừng.

Công lý là một khái niệm xuất hiện trong lĩnh vực triết học từ thời Hy Lạp cổ đại và được phát triển mạnh mẽ trong nền khoa học pháp lý ngày nay. Công lý là sự công bằng của xã hội, là phán quyết đúng theo luật pháp, đặc biệt là thi hành Thánh Luật của Thiên Chúa.

CÔNG LÝ CỦA THIÊN CHÚA

Alexander Hamilton (1755-1804, “cha đẻ” của Hoa Kỳ) đã xác định: “Nghĩa vụ đầu tiên của xã hội là công lý” (The first duty of society is justice). Ai cũng phải thực hiện công lý, can đảm thực hiện công lý với tha nhân và với cả chính mình. Người ta vì sợ liên lụy mà không dám đòi công lý cho tha nhân, cao lắm thì chỉ dám đòi công lý cho mình – nhưng vẫn… run! Hàng ngày, bất công vẫn không ngừng xảy ra khắp nơi trên thế giới, thậm chí còn xảy ra ngay trong các giáo xứ và các hội đoàn, vì thế mà càng phải mạnh mẽ lên án bất công, đòi lại công lý và đừng bao giờ hèn nhát hoặc kỳ thị nhau! Đó chính là sống Luật Yêu mà Chúa Giêsu truyền dạy!

Một lần nọ, khi lên Đền Thờ, thấy cảnh nhố nhăng, Chúa Giêsu đã “ngứa mắt” nên mới nổi nóng và nói ngay: “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp” (Lc 19:46). Ngài nổi nóng vì Ngài là Đấng Chí Thiện, không chấp nhận cái xấu, và Ngài muốn người ta phải cố gắng hoàn thiện hơn. Thấy cảnh trái tai gai mắt, những người yêu thích Chân-Thiện-Mỹ không thể làm ngơ được, dù biết rằng nói ra sẽ bị người ta ghét, vì người ta “chạm tự ái”. Quả thật, rất cần can đảm. Đừng mạnh miệng xó bếp! Nếu không can đảm hành động vì ích lợi chung (Giáo huấn Xã hội Công giáo gọi là “công ích”) thì làm sao có những vĩ nhân và thành nhân mà chúng ta thấy xuất hiện trong lịch sử đời và đạo? Dân oan làm sao ngước đầu lên nổi? Chúa Giêsu đến không chỉ cứu thoát những tội nhân mà còn bảo vệ công lý của đám dân đen khốn khổ bị áp bức, bị bóc lột tận xương tủy, bị lũ “đỉa” có chức quyền hút hết máu sống!

Chính trị gia kiêm sử gia Horace Walpole (1717-1797, Anh quốc) phân tích: “Công lý là hành động của sự thật hơn là đạo đức. Sự thật cho chúng ta biết điều gì do người khác, và công lý thực hiện sự thích đáng đó. Sự bất công là hành động của dối trá”. Rất rõ ràng, chính xác. Còn John Adams (1735-1826, tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ) nhận định: “Hãy để công lý được thực hiện cho dù bầu trời có sụp đổ”. Câu nói thực sự đáng để chúng ta vắt tay lên trán mà suy tư thật nhiều!

Chiến tranh cũng có “bóng dáng” của công lý. Người ta BỊ ÁP BỨC nên phải đấu tranh để ĐÒI LẠI CÔNG LÝ. Con chó bị dồn vào góc tường thì nó cũng cắn lại, dù đó là chính chủ của nó. Bị dồn vào thế cùng, người ta có thể nổi loạn. Mỗi người phải “sống” ba dạng người mà hiền triết Khổng Tử đề cập: “Người nhân không lo buồn, người trí không nghi kỵ, người dũng không sợ hãi”.

Từ thuở khai thiên lập địa, công lý đã được Thiên Chúa áp dụng. Vì con rắn quỷ quyệt đãhại người khác, làm mất tự do của người khác, thế nên Ngài nói thẳng bằng lời nguyền rủa: “Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3:14-15).

Công lý cũng được áp dụng đối với người phụ nữ đầu tiên khi Thiên Chúa chúc dữ: “Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi” (St 3:16).

Và với người đàn ông đầu tiên, Thiên Chúa cũng nghiêm khắc trừng trị: “Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: ‘Ngươi đừng ăn nó’, nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3:17-19).

Còn nữa, trình thuật St 4:1-15 nói về anh em Ca-in và A-ben. Kinh Thánh cho biết rằng A-ben dâng lễ vật và được Đức Chúa chấp nhận, còn Ca-in dâng lễ vật thì Thiên Chúa không đoái nhìn. Ca-in giận dữ và sa sầm nét mặt. Đức Chúa hỏi Ca-in: “Tại sao ngươi giận dữ? Tại sao ngươi sa sầm nét mặt? Nếu ngươi hành động tốt, có phải là ngươi sẽ ngẩng mặt lên không? Nếu ngươi hành động không tốt thì tội lỗi đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ngươi; nhưng ngươi phải chế ngự nó”.

Nhưng vì giận mà mất khôn. Ca-in rủ A-ben ra ngoài đồng rồinhẫn tâm sát hạichính em ruột của mình. Đức Chúa hỏi Ca-in: “A-ben em ngươi đâu rồi?”. Ca-in thưa: “Con không biết. Con là người giữ em con hay sao?”. Đức Chúa phán: “Ngươi đã làm gì vậy? Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta! Giờ đây ngươi bị nguyền rủa bởi chính đất đã từng há miệng hút lấy máu em ngươi, do tay ngươi đổ ra. Ngươi có canh tác đất đai, nó cũng không còn cho ngươi hoa màu của nó nữa. Ngươi sẽ lang thang phiêu bạt trên mặt đất”. Ca-in thưa: “Hình phạt dành cho con quá nặng không thể mang nổi. Đây, hôm nay Ngài xua đuổi con khỏi mặt đất. Con sẽ phải trốn tránh để khỏi giáp mặt Ngài, sẽ phải lang thang phiêu bạt trên mặt đất, và bất cứ ai gặp con sẽ giết con”. Đức Chúa hứa: “Không đâu! Bất cứ ai giết Ca-in sẽ bị trả thù gấp bảy”. Đức Chúa ghi dấu trên Ca-in, để bất cứ ai gặp ông khỏi giết ông.

Ca-in đã phạm tội, vi phạm công lý đối với A-ben, nhưng Thiên Chúa đã đòi lại công lý cho người oan và xử người có tội. Tuy nhiên, Ngài vẫn xót thương mà mở đường sống cho người có tội: “Công lý của Ngài như đỉnh núi Thái Sơn, quyết định của Ngài tựa vực sâu thăm thẳm” (Tv 36:7). Thật vậy, “công lý của Chúa: công lý trường tồn, luật Chúa truyền ban quả là chân lý” (Tv 119:142). Hạnh phúc thay được sống trong một đất nước biết tôn trọng công lý và công bình!

CHUYỆN CÓC KIỆN TRỜI

Cóc là con vật xấu xí, chẳng ai ưa, không ai thích, thậm chí còn ghét bỏ nó. Thế nhưng có lúc người ta vẫn cần đến nó, chẳng hạn người ta phải “nhờ vả” nó khi chữa bệnh cho trẻ em bị chứng Sài Cóc. Và còn hơn thế nữa…

Với con người cũng vậy, những người nhỏ bé, hèn mọn, nghèo khó,… bị người ta khinh chê, ruồng bỏ, miệt thị, xa lánh, áp bức, nhưng người ta đâu biết rằng họ vẫn có thể là ân nhân của người khác.

Tục ngữ Việt Nam nói: “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Mà cũng lạ, tại sao người ta không dùng hình ảnh khác mà lại dùng hình ảnh “thầy tu” nhỉ? Phải chăng có “dụng ý” trong đó? Chắc hẳn là vậy. Thầy tu là ai? Là tu sĩ – người đi tu, là những người được coi là có trái tim nhân hậu, tốt lành, từ bi, hỉ xả,… nghĩa là người-của-Chúa. Thế nhưng, trong thực tế cuộc sống, họ đã và đang cứu nhân độ thế hay chưa? Rất “đau đầu” khi phải xét mình như vậy!

Chúa Giêsu xác định: “Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7:7; Lc 11:9).

Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam có truyện “Cóc Kiện Trời”. Vì yếu thế mà Cóc bị hàm oan, lại dù thấp cổ bé miệng, khó kêu thấu trời, nhưng Cóc vẫn quyết đòi công lý là đến tận Cửa Trời và đánh trống kêu oan.

Cổ tích kể rằng…

Ngày xửa ngày xưa, con cóc vẫn sần sùi xấu xí như ngày nay, nhưng cóc nổi tiếng giữa muôn loài là một con vật tuy BÉ NHỎ nhưng rất GAN DẠ. Người ta nói “gan cóc tía” là thế!

Vào một năm nọ, Ngọc hoàng Thượng đế sai Thần Mưa làm mưa cho muôn loài. Vậy mà đã 3 năm trôi qua không có lấy một giọt mưa nào. Hạn hán kéo dài, cây cối khô héo, đất đai nứt nẻ, dân tình khốn khổ. Không ai dám lên tiếng, chỉ có Cóc tía nhỏ bé xấu xí kia có gan to. Cóc tính chuyện lên thiên đình kiện Trời làm mưa cứu muôn loài…

Không ai dám hộ tống Cóc, chỉ có một mình Cóc đi. Qua một vũng đầm khô, Cóc tía gặp Cua càng. Cua hỏi Cóc đi đâu, Cóc bèn kể rõ sự tình và rủ Cua cùng đi kiện Trời. Ban đầu Cua bàn ngang. Đúng là “ngang như cua”. Cua nói rằng thà chết ở đây còn hơn, chứ Trời xa thế đi sao tới mà kiện với tụng. Nhưng những con vật ở quanh đó nghe Cóc nói thì cũng tranh nhau bàn ngang bàn lùi. Cua nổi giận, vì nói ngang bàn lùi là “tính cách độc quyền” của Cua thế mà họ lại dám tranh mất cái quyền ngang ngược như vậy. Thế là Cua làm ngược lại, Cua tình nguyện cùng đi với Cóc. Cái ngang này lại hóa hay, có lợi!

Ði được một đoạn nữa, Cóc gặp Cọp đang nằm phơi bụng thở thoi thóp vì khát khô, Gấu đang chảy mỡ ròng ròng vì khát cháy họng. Cóc rủ Gấu và Cọp đi kiện trời. Cọp còn lưỡng lự thì Gấu đã gạt đi mà nói: “Anh Cóc nói có lý, chẳng có lẽ chúng mình cứ nằm ở đây đợi chết khát cả ư? Ta theo anh Cóc thôi. Ðến ngang như anh Cua còn theo anh Cóc được thì tại sao chúng mình không theo chứ?”.

Thế là cả bọn nhập lại thành đoàn. Ði thêm một chặng nữa thì gặp đàn Ong đang khô mật và con Cáo bị nắng lửa cháy xém cả lông. Hai con vật này cũng hăng hái nhập đoàn cùng đi kiện Trời, trưởng đoàn không ai khác chính là Cóc tía. Bé con mà… “ngon” ra trò!

Đi mãi, đi mãi,… rồi cũng đến Cửa Thiên Đình. Khi đi trên đường cả bọn đều hăng hái nhưng đến trước Cửa Trời oai nghiêm, con vật nào cũng thấy sợ, có con run như cầy sấy, duy chỉ có Cóc tía là gan lì và dõng dạc ra lệnh: “Bây giờ các anh phải nghe lời tôi. Kia là chum nước của Trời, anh Cua vào nấp trong ấy. Anh Cáo nấp ở phía bên trái tôi, anh Gấu nằm ở phía bên phải tôi, còn anh Cọp chịu khó nằm đằng sau tôi. Các anh có nghe lệnh của tôi thì mới thắng được Trời”.

Tất cả đều răm rắp nghe lệnh chỉ huy của Cóc. Sắp đặt xong đâu đấy, Cóc nhảy lên mặt trống và thẳng tay đánh ba hồi trống ầm vang như sấm động.

Ngọc Hoàng đang ngủ trưa cũng phải giật mình thức giấc nên bực tức lắm, bắt Thiên Lôi ra xem có chuyện gì. Thiên Lôi uể oải phủi bụi và mạng nhện giăng đầy trên lưỡi búa tầm sét rồi cắm đầu cắm cổ chạy ra. Thiên Lôi ngạc nhiên vì ở ngoài Cửa Thiên Đình chẳng thấy có một người nào cả, chỉ thấy mỗi một con Cóc xù xì xấu xí đang ngồi chễm trệ trên mặt trống của Nhà Trời. Thiên Lôi hết nhìn con Cóc lại nhìn lưỡi búa tầm sét khổng lồ của mình và thở dài, vì cái búa to quá mà Cóc lại bé quá, chưa chắc đánh trúng được. Thiên Lôi bèn chạy vào tâu Ngọc hoàng. Ngọc hoàng nghe xong bực lắm, bèn sai con gà trời bay ra mổ chết thằng Cóc hỗn xược kia.

Gà trời vừa hung hăng bay ra thì Cóc đã nghiến răng ra hiệu, lập tức chàng Cáo nhảy ra cắn cổ gà rồi tha đi mất. Cóc lại đánh trống ầm ĩ. Ngọc hoàng càng điên tiết, sai Chó nhà trời xổ ra cắn Cáo. Chó vừa xồng xộc chạy ra thì Cóc lại nghiến răng ra hiệu. Lập tức Gấu lừng lững xổ ra đón đường tát cho Chó một đòn chí mạng. Chó chết tươi!

Cóc không nản lòng, lại thúc trống tiếp. Ngọc hoàng bèn sai Thiên Lôi ra trị tội Gấu. Thiên Lôi có lưỡi tầm sét mỗi lần vung lên thì thành sét đánh ngang trời, thành sấm động tứ phương tám hướng. Sức mạnh của Thiên Lôi không ai bì nổi. Ngọc hoàng yên trí vì lần này cử đến Thiên Lôi thì cái đám Cóc tía ắt hẳn là tan xác. Vì thế, khi Thiên Lôi vác lưỡi tầm sét đi thì Ngọc hoàng lại co chân nằm trên ngai vàng mà ngủ tiếp.

Thế nhưng Thiên Lôi vừa hùng hổ vác búa tầm sét ra đến Cửa Thiên Đình, Cóc nghiến răng ra lệnh, lập tức chàng Ong nấp trên cánh cửa bay vù ra và cứ nhè vào mũi Thiên Lôi mà chích. Nọc ong độc lắm, khiến đau điếng, mũi Thiên Lôi rát như phải bỏng. Nhớ là ở cửa trời có một chum nước, Thiên Lôi vội vàng vứt cả búa tầm sét nhảy ùm vào chum nước chạy trốn. Nào ngờ vừa nhảy ùm vào trong chum nước thì anh Cua càng nấp trong đó từ bao giờ đã chờ sẵn, liền giương đôi càng như đôi gọng kìm cắp chặt lấy cổ Thiên Lôi. Đau điếng, Thiên Lôi vừa gào thét vừa vùng vẫy nên vỡ cả chum nước. Thiên Lôi tìm đường chạy trốn thì Cóc tía lại nghiến răng ra lệnh. Lập tức Cọp nấp sau Cóc tía nhảy bổ ra gầm lên một tiếng vang động xé tan xác Thiên Lôi.

Ngọc hoàng thấy thế sợ quá bèn xin giảng hoà và xin Cóc cho nhận lại xác của Thiên Lôi để cứa chữa. Cóc bằng lòng nhưng với một điều kiện. Ngọc hoàng miễn cưỡng chấp nhận. Theo lệnh nghiến răng của Cóc, Cọp và Gấu vác xác Thiên Lôi về sân thiên đình. Ngọc hoàng phải ra tay làm phép tưới nước cam lộ vào cái xác đầy thương tích đó thì Thiên Lôi được sống lại. Ngọc hoàng nghĩ mình đường đường là một ông Trời mà lại chịu thua Cóc thì thật là sỉ nhục. Ngọc hoàng tính lật lọng, sai Thiên Lôi vác búa tầm sét chống lại Cóc và các bạn của Cóc. Biết thế nào Ngọc hoàng cũng tính chuyện lật lọng nên Cóc lại nghiến răng. Lập tức các bạn của Cóc dàn trận: Ong giương nọc, Cáo giương nanh, Cọp giương vuốt, Cua giương càng, Gấu giương tay đầy sức mạnh… Thiên Lôi vừa mới thoát chết, hoảng quá nên lui lại, không dám tiến lên, đành thụt vào nấp sau chiếc ngai vàng. Các tướng nhà Trời oai phong lẫm liệt thấy đến như Thiên Lôi còn sợ sệt thì cũng hoảng vía, tìm cách thoái lui, bỏ của chạy lấy người.

Thấy tướng nhà trời của mình như vậy, Ngọc hoàng biết không thể thắng nổi Cóc và các bạn của Cóc. Ðến lúc bấy giờ Ngọc hoàng mới thật lòng giảng hoà. Ngọc hoàng ôn tồn hỏi Cóc lên tận thiên đình có việc gì. Cóc oai phong nhảy hẳn lên tay ngai vàng và dõng dạc thưa: “Ðã bốn năm nay, ở dưới trần gian hạn hán kéo dài, không một giọt mưa. Muôn cây khô héo, vạn vật chết khát, dân tình khốn khổ… Tưởng Ngọc hoàng bận gì hoặc giận gì trần gian mà giáng hoạ, ai ngờ lên đây mới biết Ngọc hoàng và các tướng nhà trời mê ăn mê ngủ, không nhớ đến việc làm mưa cứu muôn vật muôn loài dưới trần thế. Chúng tôi phải lên tận đây đánh thức Ngọc hoàng, xin Ngọc hoàng làm mưa ngay cho trần gian được nhờ!”.

Thấy Cóc nói giọng oai phong và bạn bè Cóc lại đằng đằng sát khí, Ngọc hoàng vội cuống quýt chống chế: “Cóc với ta là chỗ thân tình, việc gì mà cậu phải mất công đến như vậy! Thôi được, ta sẽ sai Thần Mưa, Thần Gió xuống hạ giới làm mưa ngay bây giờ… Cậu Cóc có bằng lòng thế không nào?”.

Cóc vừa cười, vừa gật gù và nghiến răng thưa: “Muôn tâu Ngọc hoàng! Trần gian được một trận mưa cứu khát thì còn gì bằng nữa. Anh em chúng tôi vô cùng đội ơn Ngọc hoàng. Nhưng ở hạ giới, hễ bị hạn hán là bọn anh em chúng tôi lại lên đây kêu với Ngọc hoàng đấy nhá!”.

Nghe Cóc hẹn lại lên thiên đình, Ngọc hoàng hoảng hồn, rối rít lắc đầu xua tay: “Thôi khỏi, thôi khỏi phải bận đến cậu như thế. Chỗ cậu và ta là tình thân, cậu chả nên bầy vẽ vất vả mệt nhọc như vậy làm gì. Cậu không phải nhọc công lên thiên đình nữa. Khi nào có hạn hán, cậu muốn ta làm mưa thì cậu chỉ cần ngồi dưới đất nghiến răng là ta nghe thấy liền”.

Ðể chứng tỏ lòng thành thật không lật lọng của mình, Ngọc hoàng sai Thần Mưa bay xuống phun mưa. Té ra là Thần Mưa lo rong chơi, tối về mệt thì đắp chăn ngủ, quên không làm mưa, Ngọc Hoàng Thượng đế trách mắng cho một trận. Thần Mưa làm mưa xong thì Ngọc hoàng tiễn Cóc cùng các bạn về hạ giới. Cơn mưa cứu hạn làm cây cối tươi tốt, muôn loài nhảy múa chào đón anh em Cóc trở về. Từ đó, hễ Cóc nghiến răng là trời lập tức đổ mưa. Thế nên đồng dao có câu:

Con Cóc là cậu ông Trời

Ai mà đánh nó thì Trời đánh cho

Truyện này gợi nhớ chuyện bà góa kêu oan trong trình thuật Lc 18:1-8. Đó là dụ ngôn Chúa Giêsu kể về một ông quan toà ngang ngược, coi trời bằng… nắp bia, không kính sợ Thiên Chúa mà cũng chẳng coi ai ra gì, và một bà goá nghèo khổ, oan ức.

Con cóc nhỏ bé và xấu xí, không ai coi ra gì, nhưng Cóc đã can đảm lên tiếng bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công ích của muôn loài. Đó là “bóng dáng” của bà góa nghèo khổ, tiền bạc không có để “chạy án”, nhưng bà vẫn quyết đòi lại công lý. Quan tòa không hề vị nể hoặc thương xót bà chút nào, nhưng vì bị quấy rầy mãi thì ông ta cũng phải xử cho xong. Ông xử vì để tránh phiền toái cho mình, vị kỷ, vì mình chứ không vì người khác. Nhưng dù sao thì bà góa cũng là người can đảm,không quỵ lụy kẻ mạnh, và bà đã đòi được công lý cho mình.

Quan tòa nghĩ bụng: “Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ goá này quấy rầy mãi thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc” (Lc 18:4-5). Chúa Giêsu nói: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ” (Lc 18:6-8a).

Chúa Giêsu đặt vấn đề: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18:8b). Đức tin rất quan trọng trong cuộc sống, cả đời thường và tâm linh. Hãy chân thành tín thác vào Ngài, chắc chắn không ai phải thất vọng! Thật vậy, Chúa Giêsu nói: “Ai tin vào tôi thì không ở lại trong bóng tối” (Ga 12:46). Và Ngài hứa: “Ai tin thì được sự sống đời đời” (Ga 6:47).

Tuy nhiên, không chỉ phải can đảm đòi công lý cho chính mình (và người thân), mà còn phải can đảm lên tiếng đòi công lý cho tha nhân: “Hãy bênh quyền lợi kẻ mồ côi, người hèn mọn; minh oan cho người khốn khổ, kẻ bần cùng, giải phóng ai hèn mọn, ai nghèo túng, cứu khỏi nanh vuốt bọn ác nhân” (Tv 82:3-4).

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN