Home / Chia Sẻ / CÔNG BẰNG

CÔNG BẰNG

CÔNG BẰNGĐại nhân Mahatma Gandhi xác định: “Luật lệ không công bằng thì tự nó đã là một dạng bạo lực.” Công bằng liên quan con người, Brian Tracy phân tích: “Bạn sẽ HỐI TIẾC rất nhiều điều trong đời, nhưng bạn sẽ KHÔNG BAO GIỜ HỐI TIẾC vì đã quá tốt hoặc quá công bằng.”

Tay làm, hàm nhai; tay quai, miệng trễ. Đó là tất yếu. Thật vậy, Thánh Phaolô nói: “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn!” (2 Tx 3:10) Đó là công bằng. Lao động chân chính là dùng sức mình để làm việc có mục đích (tốt) và có ý thức. Lao động không chỉ là cách mưu sinh mà còn là cách trau dồi sức khỏe, đặc biệt là tránh dịp tội: “Nhàn cư vi bất thiện.” Lao động chân tay hoặc lao động trí óc đều cần thiết, có giá trị nhất định, không ai hơn ai. Mỗi người một việc để bổ túc lẫn nhau. Chỉ có lòng người xấu và hèn hạ, không có nghề xấu, nghề hèn.

Làm việc gì cũng phải chịu khó, chứ đừng khó chịu. Người chịu khó lao động là người biết tự trọng, không ỷ lại vào người khác, tức là không ích kỷ, là một dạng phục vụ, và cũng là cách giúp đỡ người khác. Những người lười biếng là một dạng bóc lột sức lao động của người khác, cướp công sức của người khác.

Ngày 15-05-1891, ĐGH Lêô XIII (1810-1903) đã năm ban hành Thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự) liên quan giới lao động, thông điệp này vẫn còn giá trị ngày nay. Ngày 14-09-1981, dịp kỷ niệm 90 năm ban hành Thông điệp Rerum Novarum, ĐGH Gioan Phaolô II (1920-2005) đã ban hành Thông điệp Laborem Exercens (Lao Động của Con Người), đề cập vấn đề Tin Mừng trong sự lao động và trong công việc. Điều đó cho thấy sự lao động là hoạt động quan trọng, cả thể lý và tâm linh, vì Chúa Giêsu cho biết: “Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.” (Ga 5:17) Thiên Chúa đã dạy chúng ta qua cách hoạt động của Ngài: Lao động 6 ngày, chỉ nghỉ 1 ngày cuối tuần. (x. St 1:1-31 – 2:1-3)

Công việc có liên quan luật lệ, đặc biệt là luật của Chúa. Có câu chuyện kể rằng…

Có hai người tên Tốt và Lành nói chuyện với nhau về công việc đời thường và tinh thần. Anh Tốt chê anh Lành về việc giữ ngày Chúa Nhật – cầu nguyện, đọc kinh, dự lễ,… Anh Lành cười và đặt vấn đề:

– Này nhé, nếu tôi có 7 đồng, tôi ra đường và gặp một người ăn mày, tôi cho anh ta 6 đồng, anh nghĩ sao?

– Ôi, anh thật là đại lượng, đáng khen, còn người ăn mày kia chắc phải cảm ơn anh lắm.

– Đúng vậy. Thế nhưng người ăn mày kia lại đè tôi xuống để lấy nốt một đồng nữa. Vậy anh nghĩ sao?

– Cái thằng khốn nạn thật. Nó đáng chết!

– Đó là chuyện giữ ngày Chúa Nhật đấy. Anh cứ nghĩ coi: Chúa cho anh 6 ngày để làm việc, Ngài chỉ giữ lại cho Ngài một ngày là Chúa Nhật. Thế mà anh không biết ơn Chúa, không tôn trọng ý Ngài, lại còn dám cướp cả ngày Chúa Nhật. Động thái của anh có khác thằng vô ơn, độc ác và khốn nạn kia không?

Có thể câu chuyện này cũng là vấn nạn của chúng ta, bởi vì chúng ta thường có nhiều lý do để thoái thác và biện hộ cho chính mình, và theo ý mình.

Làm việc gì cũng mệt, không thể thoải mái. Chơi nhiều còn mệt kia mà. Nhưng khi lao động, chúng ta tự hoàn thiện mình qua việc tìm kiếm Chân-Thiện-Mỹ, tức là đi tìm chính Thiên Chúa, vì chỉ có Ngài là Đấng chí thiện. (x. Mc 10:18) Thật vậy, ngôn sứ Êdêkien đã từng nhắn nhủ: “Hãy tìm Đức Chúa khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên.” (Is 55:6) Ở dưới bầu trời này, cái gì cũng chỉ có một thời mà thôi. (x. Gv 3:1-8) Giờ Thương Xót sẽ đến lúc kết thúc. Vì thế, đừng lần lữa kẻo không kịp: “Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo, người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có mà trở về với Đức Chúa, và Người sẽ xót thương, về với Thiên Chúa chúng ta, vì Người sẽ rộng lòng tha thứ.” (Is 55:7) Đợi nước đến chân mới nhảy thì sẽ không kịp, thời gian cứ lặng trôi và đang dần thu ngắn lại. Chắc chắn có tận thế, và cái chết của mỗi người rất bất ngờ.

Hãy quyết tâm, đừng lần lữa, đừng chần chừ, đừng ngần ngại, và đừng sợ hãi, vì Thiên Chúa đã hứa: “Khi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại, lúc ngặt nghèo, có Ta ở kề bên. Ta giải cứu và ban nhiều vinh dự, cho sống lâu, tuổi thọ dư đầy và hưởng ơn cứu độ Ta ban.” (Tv 91:15-16) Ngài không chỉ lắng nghe và đáp lại, mà Ngài còn ban cho chúng ta hơn cả những gì chúng ta ước muốn. Thật là trên cả tuyệt vời, chắc chắn chẳng có thần linh nào ngoài Thiên Chúa chúng ta tôn thờ, vì Ngài là Thiên Chúa duy nhất. (Xh 20:3; Xh 34:14; Đnl 4:35; Đnl 4:39; Đnl 5:7; Đnl 6:4; Đnl 32:39; Kn 12:13; Is 43:10-13; Is 44:8; Is 45:5-6; Is 46:9; Đn 14:41; Hs 13:4; Mc 12:29; Ga 5:44; Ga 17:3; 1 Cr 8:4; 1 Tm 2:5; Gl 3:20)

Là thụ tạo, là phàm nhân, chúng ta không thể nào hiểu hết lòng thương xót của Thiên Chúa, ngay cả tình mẫu tử của người mẹ trần gian mà chúng ta còn chưa hiểu hết huống chi tình yêu Thiên Chúa. Chính Ngài xác định: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.” (Is 55:8-9) Hạt bụi phàm nhân quá bé nhỏ, li ti như loài vi trùng vậy.

Ngày xưa, người ta so sánh điều không tưởng với chuyện lên cung trăng, tức là không thể xảy ra. Nhưng ngày nay, người ta đã có thể lên cung trăng, có thể bay lượng trên bầu trời, nhưng đó chỉ là một góc nhỏ của trời mà thôi. Khoa học tiến bộ, người ta tìm mọi cách để khám phá bầu trời, nhưng càng khám phá thì người ta càng thấy thăm thẳm, còn nhiều nơi người ta không biết là gì nên gọi là “lỗ đen” – chỉ thấy tối thui. Đành chịu thua!

Thiên Chúa toàn năng, siêu việt, chúng ta chỉ còn biết xưng tụng Ngài: “Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời. Chúa thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng. Người cao cả khôn dò khôn thấu.” (Tv 145:2-3) Càng tìm hiểu vũ trụ, người ta càng nhận biết Thiên Chúa. Càng tìm hiểu Thiên Chúa, chúng ta càng kính thờ và tạ ơn Ngài. Đó chính là hành trình đức tin, là quá trình lao động tâm linh.

Tuy cao vời khôn ví, nhưng Ngài lại giàu lòng xót thương đối với mọi người, ai càng yếu thì Ngài càng thương: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương. Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.” (Tv 145:8-9) Đúng như Thánh Phaolô đã xác định: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội.” (Rm 5:20) Nếu vấp ngã, hãy vững lòng tin và đứng dậy ngay!

Thiên Chúa vô tiền khoáng hậu, vô thủy vô chung, và yêu thương vô bờ bến, nhưng Ngài cũng rất thẳng thắn: “Chúa công minh trong mọi đường lối Chúa, đầy yêu thương trong mọi việc Người làm. Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa, mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người.” (Tv 145:17-18) Vấn đề không phải là tội nhiều hay tội ít, vì ai cũng là tội nhân, chẳng ai hơn ai, nhưng vấn đề cần thiết là chân thành sám hối: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mt 9:13) Ngài thực sự chỉ muốn tình yêu chứ không muốn hy lễ. (x. Hs 6:6) Ước gì không ai trong chúng ta phải nghe lời “nói nặng” của Chúa: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.” (Mt 15:8; Mc 7:6)

Câu châm ngôn của dân Pháp rất độc đáo: “Đừng vì yêu mến Chúa mà chống đối người khác.” Vào thời Thánh Phaolô, có những kẻ rao giảng về Đức Kitô chỉ vì lòng ganh tị và tranh chấp, nhưng cũng có những người làm điều đó vì ý ngay lành, làm vì bác ái và bênh vực Tin Mừng. Lại có những người loan báo Đức Kitô vì tính ưa tranh giành, không có lòng ngay. Nhưng Thánh Phaolô vẫn bảo là “không sao,” chỉ cần Đức Kitô được rao giảng. Thánh Phaolô mừng vì điều ấy sẽ giúp ngài đạt được ơn cứu độ nhờ Thần Khí của Đức Giêsu Kitô phù trợ.

Cuối cùng, Thánh Phaolô nói: “Đó là điều tôi đợi chờ và hy vọng. Sẽ không có gì làm cho tôi phải hổ thẹn, trái lại tôi hoàn toàn vững tin. Bây giờ cũng như mọi lúc, Đức Kitô sẽ tỏ bày quyền uy cao cả của Người nơi thân xác tôi, dù tôi sống hay tôi chết: vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi.” (Pl 1:20-21) Thánh nhân lý giải: “Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi được sinh hoa kết quả thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô, điều này tốt hơn bội phần: nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em.” (Pl 1:22-24) Vấn đề là miễn sao có lợi cho Thiên Chúa, tức là để “tuân phục Thánh Ý và vinh danh Chúa” mà thôi. Cũng vì thế mà Thánh Augustinô ước nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con.” Biết Chúa là chân nhận chỉ một mình Ngài nhân lành và giàu lòng thương xót để mà tôn thờ Ngài hết linh hồn, hết sức lực; biết mình là tự ý thức yếu đuối và tội lỗi để mà khiêm hạ, quên mình.

Đại nhân Mahatma Gandhi rất thích Tám Mối Phúc của Chúa Giêsu, ông gọi đó là Bản Tuyên Ngôn Độc Lập đầu tiên của nhân loại. Ông có công giành độc lập cho Ấn Độ bằng con đường bất bạo động theo tinh thần của Đức Kitô. Ông đã từng xác nhận thẳng thắn: “Tôi yêu mến Đức Kitô nhưng tôi không phục các Kitô hữu.” Tại sao? Có lần ông vào một nhà thờ Công giáo và thấy bảng ghi: “Cấm người da đen vào nhà thờ.” Ông liền quay ra và không bao giờ đến nhà thờ nữa. Là Kitô hữu, là môn đệ Chúa Giêsu và là con cái Thiên Chúa, chúng ta vô cùng xấu hổ, bởi vì chúng ta bảo người ta yêu thương mà chính mình lại kỳ thị người khác, chỉ lẻo mép nói suông mà không thực hiện. Nước Chúa chưa rộng mở là lỗi của chúng ta: “Lỗi tại tôi mọi đàng!”

Đối với cộng đoàn Philíp, Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Kitô. Như thế, dù tôi có đến thăm anh em hay vắng mặt đi nữa, tôi vẫn muốn được nghe người ta nói về anh em là anh em luôn đứng vững, cùng chung MỘT tinh thần, MỘT lòng MỘT dạ cùng nhau chiến đấu vì đức tin mà Tin Mừng mang lại cho anh em.” (Pl 1:27) Và đó cũng là lời khuyên dành cho chúng ta hôm nay.

Ai cũng là người lao động vì mỗi chúng ta đều là “người thợ làm vườn nho” cho Chúa. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là đừng so đo, ganh tị, liếc xéo, mỉa mai, bè phái,… Sự công bằng vừa đáng mừng vừa đáng sợ: đáng mừng vì Chúa không chấp tội, đáng sợ vì chúng ta cố chấp. Sự sống và sự chết lúc đó mang tính đời đời. Phúc và họa không thể thay đổi. Vấn đề đó được đề cập trong dụ ngôn “ông nhà giàu và Ladarô nghèo khó.” (Lc 16,19-31)

Sau khi nói về phần thưởng dành cho ai biết buông bỏ mọi sự để nhẹ bước theo Ngài, Đức Giêsu kết luận: “Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.” (Mt 19:30) Sự hoán vị trái ngược, rất đáng quan ngại. Rồi Ngài kể câu chuyện này: Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. Khoảng giờ thứ ba, giờ thứ sáu, giờ thứ chín, rồi giờ mười một, ông trở ra và thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Với ai ông cũng bảo: “Hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.” (Mt 20:4)

Nắng nhạt, chiều buông, ông chủ bảo người quản lý gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất. Những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại và lãnh được mỗi người một quan tiền. Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn ông chủ bất công, họ so kè việc họ đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, nắng nôi thiêu đốt, thế mà chẳng hơn gì người vào làm muộn.

Rạch ròi và thẳng thắn, ông chủ trả lời cho một người trong đám thợ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức?” (Mt 20:13-15) Trong cuộc sống, ngay cả trong vấn đề tâm linh và bác ái, cái tôi luôn nổi dậy, thế nên chúng ta vẫn thường so đo đủ thứ, “ngụ ý” rằng mình nổi trội hơn người khác. Giả sử Chúa Giêsu cũng đặt vấn đề như vậy với chúng ta như vậy thì chắc hẳn chúng ta chỉ có “câm như hến” mà thôi. Người ta gọi người đó là “Pathological Narcissist” – Người Tự Ái Bệnh Lý, nghĩa là tự yêu mình thái quá hóa thành bệnh lý. Bệnh gì cũng phải điều trị ngay.

Khi há miệng thì mắc quai nón. Vướng víu lắm. Càng nói càng dở, càng nói nhiều càng liều lĩnh, càng lý luận càng đuối lý. Nói nhiều thì sai nhiều. Chúa Giêsu thấy họ im re nên Ngài lặp lại và nhấn mạnh: “Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót. Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít.” (Mt 20:16) Cứ chảnh như vậy thì công sức lao động trở thành công cốc. Phí đời!

Chính Chúa Giêsu không ngừng mời gọi mọi người tin vào Ngài là Đấng Cứu Độ duy nhất để được trường sinh bất tử, nhưng chỉ ít người được chọn. Động từ “chọn” ở đây không là “thích ai thì chọn,” mà là tùy quyết định riêng của người được gọi với đầy đủ quyền tự do. Sự tự do này do Thiên Chúa ban, có thể hữu ích hoặc bất lợi cho chúng ta, tùy thuộc ý muốn của mỗi người, Thiên Chúa hoàn toàn tôn trọng quyền tự do này. Đó là sự công bằng, vì thế chúng ta không thể biện hộ bất cứ lý do gì.

Có phải là nhiều người không được vào Nước Trời? Rất có thể, vì người ta bướng bỉnh và cố chấp. Đó là lỗi của chúng ta chứ Thiên Chúa thực sự muốn mọi người được hưởng phúc trường sinh với Ngài, không muốn bất cứ ai phải hư mất, bị trừng phạt. Mối nguy là chúng ta ỷ lại, tự cho mình là tốt lành hơn người khác, mạo nhận là đạo đức, thánh thiện và công chính, để rồi “liếc xéo” tha nhân, cho rằng họ là người tội lỗi, xấu xa, thế nhưng chính họ lại có Visa Nước Trời trước chúng ta. (x. Mt 21:31-32) Thế thì thật khốn thay!

Thánh Thomas Aquino cho biết: “Chúng ta không có quyền đòi hỏi, nhưng phải nài xin Thiên Chúa ban cho ơn bền đỗ. Nhận ra những ai là người mà chúng ta phải tránh là phương thế quan trọng để cứu lấy linh hồn mình.”

Lạy Thiên Chúa chí công, xin tăng lực để chúng con kiên trì miệt mài làm việc, xin giúp chúng con biết quên mình, khiêm nhường dấn thân, hết lòng phục vụ vì yêu mến. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN