Home / Giáo Dục Kito Giáo / Con trẻ học bằng cách nhìn vào người lớn

Con trẻ học bằng cách nhìn vào người lớn

    Một chiều đông, tuyết rơi nặng hạt. Một người đàn ông say rượu đang lảo đảo bước đi trên tuyết. Cậu con trai 14 tuổi của ông, sau khi ngồi chờ cha mình ngoài quán rượu, cũng lẽo đẽo theo cha về nhà. Cậu đặt bàn chân nhỏ bé của mình lên những dấu chân hằn sâu trên tuyết mà cha cậu để lại. Những bước chân ngả nghiêng chao đảo. Bất chợt người đàn ông quay lại, nhìn thấy con mình bước thấp bước cao, dáng vẻ như người say rượu, ông gắt gỏng, hỏi nó với giọng lè nhè:

– Mày đi kiểu gì vậy ?

Cậu bé trả lời:

– Dạ con đi theo bước chân của cha!

Sự gương mẫu đối với trẻ em là yếu tố quan trọng nhất trong giáo dục.Cha mẹ có thể huyên thuyên giảng giải trong hàng giờ đồng hồ song chúng chẳng nhớ bao nhiêu, thế nhưng những gì chúng nhìn thấy sẽ để lại những ấn tượng rất sâu đậm.

Có bao giờ bạn nhìn vào gương và thấy trên mặt mình một cung cách diễn tả nét mặt của cha mẹ bạn không? Có bao giờ bạn nghe thấy mình nói với con cái mình một điều mà cha mẹ của bạn đã từng nói với bạn lúc bạn còn nhỏ? Có bao giờ bạn nhận ra rằng bạn có những thái độ, ý kiến và thói quen mà cha mẹ của bạn từng có khi bạn còn nhỏ, mặc dù bạn đã thề rằng lớn lên bạn sẽ khác cha mẹ bạn?

Bây giờ đến phiên bạn làm cha mẹ. Con cái của bạn đang hấp thu từ bạn những cách biểu lộ, ý kiến, và thói quen y như bạn đã hấp thu từ cha mẹ của bạn. Cả bạn lẫn con của bạn không hề ý thức điều ảnh hưởng này khi nó đang diễn ra. Bạn luôn luôn đang ở trên sân khấu, và con của bạn là khán giả, ngồi ngay hàng ghế đầu!

Con trẻ sinh vào thế giới trước hết họa lại hành vi của cha mẹ. Cha mẹ không thể làm được bất cứ điều gì để ngăn chặn được việc này. Khả năng bắt chước của con trẻ mạnh mẽ đến nỗi các nhà khoa học cho rằng nó là một phần của lịch sử tiến hóa con người. Ví dụ, nếu bạn ẳm một đứa trẻ chỉ mới vài ngày tuổi, giữ bé sao cho bé nhìn thẳng vào mặt bạn. Sau đó bạn lè lưỡi ra với bé, bạn sẽ thấy bé lè lưỡi lại với bạn. Bắt trước người lớn, nhất là cha mẹ, là bản chất tự nhiên của chúng ta. Thực ra, khả năng học bằng cách quan sát của trẻđã có từ lâu trước khi phát triển khả năng học những điều người khác dạy bảo sau này.

Một cách con trẻ học biết thế giới này là giải mã hành vi của người lớn xung quanh chúng. Ngay cả trước khi biết nói, trẻ sơ sinh tìm nơi cha mẹ những dấu hiệu cho biết chúng đang an toàn hay gặp nguy hiểm. Ví dụ, khi bạn và đứa con bảy tháng tuổi của bạn đi ra bên ngoài chơi và một người lạ tiến đến bên bạn và nói con bạn dễ thương làm sao, em bé luôn nhìn bạn trước khi “cho rằng” có đáng lo âu không. Nếu bạn tỏ ra lo lắng và hồi hộp, em bé có thể sẽ khóc hoặc sợ hãi khi người lạ đến gần. Tương tự, khi bò quanh phòng, em bé sáu tháng tuổi thường dừng lại và ngoái nhìn ra sau, chờ đợi dấu hiệu của mẹ trước khi em tiếp tục cuộc hành trình của mình. Em bé không chỉ muốn biết rằng mẹ vẫn ở trong phòng, em còn đang có gắng giải mã những biểu hiện của mẹ để nhận biết điều em sắp làm là an toàn.

Cha mẹ thường không ý thức những thông điệp họ truyền thông cho con cái qua hành vi và cảm xúc của mình. Nếu đứa con tuổi mẫu giáo của bạn đang leo lên cây, ánh nhìn hoảng sợ trên khuôn mặt bạn nói cho em bé biết không những bạn lo sợ, màtình cảnh ấy cũng đáng sợ đối với bé. Nếu bạn đứng dưới cây ấy với nụ cười trên khuôn mặt, em bé sẽ rút ra một điều hoàn toàn khác. Đây là lý do tại sao cha mẹ hay lo lắng sẽ sản sinh ra em bé cũng hay lo lắng. Sự lo lắng này không chỉ là do thừa kế mà còn do ảnh hưởng. Em bé hấp thu cảm xúc mà cha mẹ truyền tải.

Khi con trẻ lớn hơn, chúng quan sát cha mẹ để tìm những hướng dẫn trong nhiều tình huống khác nhau. Nếu con của bạn nhìn thấy bạn và người chồng/vợ của bạn thường giải quyết xung đột bằng cách gào lên và la hét, hoặc bằng nắm đấm, cào cấu, con của bạn sẽ tin rằng cách thức tốt nhất để giải quyết sự bất đồng với người khác là bằng vũ lực. Những cha mẹ nói với con mình không được đánh nhau, nhưng bản thân họ thì bạo lực, có thể ngạc nhiên khi thấy con cái họ bắt chước hành vi bạo lực này và sử dụng lại trong mối tương quan với bạn bè, người yêu và con cái của chúng sau này. Đó là lý do tại sao những đứa trẻ thường bị đánh đập sau khi lớn lên cũng thường có hành vi bạo lực trong đời sống hôn nhân hoặc đối với con cái họ.

Con trẻ cũng có khuynh hướng họa lại hành vi của cha mẹ bởi vì chúng có một ước muốn mạnh mẽ, gần như bẫm sinh, là trở nên giống như cha mẹ chúng. Bạn có thể thấy khuynh hướng bắt chước cha mẹ của con trẻ  mạnh mẽ đến thế nào khi bạn lén nghe trong khi chúng chơi đùa. Khi con của bạn chơi với trẻ khác, rất thông thường bạn nghe thấy những câu nói của bạn thoát ra từ miệng con mình. Một bé gái trừng phạt búp-bê của mình bằng cách rút lại cử chỉ yêu thương hoặc tát đánh vào búp-bê có lẽ bản thân em bé cũng nhận những hình phạt như thế. Một đứa trẻ đọc chuyện cho con thú nhồi bông của mình nghe bằng giọng êm đềm và dịu dàng có lẽ em đã được nghe ba mẹ đọc chuyện bằng cung giọng như thế. Khi con trẻ chơi trò chơi làm ba mẹ, chúng thường làm lại những hành vi của cha mẹ mà chúng chứng kiến hoặc nhận được.                                                                                        

Nhiều cha mẹ xem nhẹ việc con trẻ để ý đến lời nói và việc làm của họ. Con trẻ có một khả năng đặc biệt là nhìn bên ngoài xem ra chúng chẳng biết gì trong khi đó chúng thực sự đang chú ý rất kỹ. Cha mẹ có thể nghĩ rằng đứa con nhỏ của mình đang say mê với tập tô màu nên không hề biết cha mẹ đang nói chuyện với nhau về tài chính khó khăn trong gia đình, nhưng thực sự đứa trẻ hầu như đang hấp thu mọi điều cha mẹ đang trao đổi, ngay cả những điều vượt quá tầm hiểu của trẻ. Và nếu có sự lo âu hoặc căng thẳng trong cuộc trò chuyện của cha mẹ, chắc chắn đứa trẻ cũng cảm nhận được điều ấy.

Đừng cho rằng con cái chỉ quan sát bạn khi bạn ở nhà. Con cái bạn cũng nhìn và học mọi điều từ hành vi của bạn khi bạn ở bên ngoài. Con cái bạn quan sát bạn khi bạn trả tiền nơi quầy siêu thị, gọi món ăn nơi nhà hàng, và nói chuyện với người quen trên đường. Nếu bạn lịch sự, tử tế và thân thiện, đó là cơ hội cho con bạn học được những phẩm chất đó. Nếu bạn bất lịch sự, thô lỗ và càu nhàu, con bạn sẽ cho rằng đây là cách cư xử đúng khi giao tiếp với người khác. Con bạn học cách giao tiếp với người khác bằng cách nhìn vào bạn.

Học bằng cách nhìn vào người lớn tiếp tục diễn ra từ tuổi nhi đồng cho đến tuổi dậy thì. Ngay cả khi lời nói và hành vi của bạn là điều sau cùng tác động lên tâm trí những đứa con tuổi dậy thì, chúng cũng đang nhận biết bạn sử dụng thời giản rảnh rỗi như thế nào, bạn cân bằng công việc và đời sống gia đình ra sao, bạn vui tươi hoặc xử lý các căng thẳng như thế nào. Con trẻ tuổi dậy thì rất thích thú việc nhận ra sự khác nhau giữa lời nói và hành vi của cha mẹ. Ví dụ, nếu con bạn nhìn thấy bạn xử lý vấn đề khó khăn bằng cách uống rượu, thì những lời dạy của bạn về nguy hiểm của việc uống rượu sẽ có ảnh hưởng rất ít lên chúng.

Điều này không có nghĩa là con trẻ sẽ sao chép y hệt mọi điều từ cha mẹ. Mặc dù cha mẹ có vai trò rất quan trọng trong việc làm gương cho con cái, cha mẹ không phải là người duy nhất; con trẻ còn học từ các người thân khác trong gia đình, từ bạn bè, và từ những gì chúng thấy trên tivi. Nhưng chúng nhìn vào cha mẹ kỹ lưỡng hơn bất cứ ai khác.

Bạn có thể nghĩ rằng la hét vào mặt người chồng/vợ của mình, nói năng vô tội vạ, chỉ trích nặng lời, hoặc thỉnh thoảng nhậu quá cỡ là chuyện bình thường. Xin bạn vui lòng đừng làm những điều như vậy trước mặt con cái bạn.

Cha mẹ thường nói với con cái rằng, “Làm điều ba mẹ nói, chứ đừng làm theo điều ba mẹ làm”, nhưng con trẻ không bao giờ tuân theo lời dạy này.  Con trẻ học nhiều điều bằng cách nhìn vào cha mẹ hơn là những lời cha mẹ nói. Đó là lý do tại sao cha mẹ cần cẩn trọng những lời  mình nói và những việc mình làm bởi vì con trẻ có thể nghe và nhìn thấy.

Bạn không thể chọn lựa lúc nào bạn là hình mẫu cho con cái mình. Cho dù bạn có thích hay không thích việc này, con cái bạn luôn luôn học bằng cách nhìn vào bạn.

“Chẳng có ai thắp đèn rồi đặt bên dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế và nó soi sáng cho mọi người trong nhà” (Mt, 5,15). Khi bạn là cha mẹ, bạn đã là chiếc đèn được đặt trên đế, để soi sáng cho con cái bạn. Ước nguyện bạn luôn chiếu tỏa ánh sáng yêu thương, vui tươi và an bình trong gia đình bạn.

HỌC TỪ NHỮNG SAI PHẠM

Là cha mẹ, chúng ta cũng có lúc sai phạm. Có lúc chúng ta quá dễ dãi bởi vì chúng ta quá mệt nên không làm theo điều lệ chúng ta đã đặt ra, hoặc chúng ta cư xử quá nghiêm khắc bởi vì chúng ta đang bực bội. Không ai là cha mẹ hoàn hảo trong mọi lúc.

Điều quan trọng là nhận biết những sai phạm và học từ những lỗi lầm đó.Khi bạn hiểu tại sao bạn sai lỗi, bạn sẽ tìm ra cách giải quyết và giảm thiểu cơ hội cho chúng lại xãy ra.

Có phụ huynh thấy rằng họ sẽ cư xử tệ khi họ đang vội. Nếu bạn thấy mình cũng hay như vậy, bạn tránh đưa ra các quyết định quan trọng. Ví dụ, khi con bạn xin bạn một điều quan trọng trong khi bạn đang vội, chuẩn bị đi làm, bạn nên trả lời: “Ba/mẹ cần suy nghĩ thêm, chúng ta sẽ nói về điều này sau nhé.”

Có phụ huynh cảm thấy họ cư xử không hay khi họ bị mệt. Nếu bạn thấy mình cũng như vậy, bạn cần ý thức việc này khi bạn bước vào nhà sau một ngày dài làm việc. Bạn có thể nói với con cái mình bạn cần nghỉ ngơi một chút trước khi bạn nghe chúng nói về việc ở trường. Làm như vậy tốt hơn là bạn giả vờ lắng nghe chúng trong khi bạn thực sự không chú ý gì hết.

Bạn cũng nên nhớ rằng bạn rất khó cư xử chuẩn mực khi bạn giận dữ hoặc bực bội. Khi bạn giận dữ với con hoặc bực bội vì một lý do nào đó, cảm xúc ấy dễ dàng tuôn chảy vào cách cư xử của bạn. Thỉnh thoảng cha mẹ cũng cảm thấy giận dữ hoặc bực bội với con cái, nhưng, đây là qui luật, thật là không tốt khi sửa dạy con trong lúc bạn tức giận. Cơn giận của bạn có thể rất có lý (ví dụ, con bạn làm bể một vật rất quí giá), nhưng bạn sẽ cư xử tốt hơn khi bạn đợi cho cơn giận hạ xuống và bình tĩnh. Bạn có thể nói ngay với con: “Ba/mẹ lúc này rất đang giận, không thể nói gì về việc đã xãy ra. Ba/mẹ cần đợi cho đến lúc ba/mẹ có thể nói về việc này một cách điềm tĩnh.” Con cái của bạn sẽ biết ơn bạn về điều này.
     Nếu bạn sai phạm, đừng giả vờ cho rằng điều bạn đã làm là đúng.Rất quan trọng khi cha mẹ biết nhận lỗi với nhau và với con trẻ. “Ba xin lỗi đã la hét con. Ba đã có một ngày làm việc bực bội và ba đã trút lên con” hoặc “Mẹ đã nghĩ về cuộc nói chuyện tối qua, và mẹ nghĩ rằng con đúng.” Khi con trẻ nhận thấy cha mẹ sẳn sàng nhận lỗi, chúng sẽ tôn trọng ý kiến của cha mẹ bởi vì chúng biết cha mẹ tôn trọng ý kiến của chúng.

     Khi bạn cư xử quá đáng, hãy nhận rằng bạn đã sai, cố gắng làm tốt hơn một chút cho lần sau, và cứ thế bạn sẽ trở nên cha mẹ tốt.

  Sh. Trần Trung Lập, FSC

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN