Cái ước mơ được “đổi đời” trong chốc lát luôn thường trực trong thân phận con người từ khởi thủy đến nay. Càng khốn cùng, cái ước mơ ấy càng mãnh liệt hơn. Người ta mong ước được giải phóng khỏi mọi kìm kẹp, khỏi mọi ràng buộc để được bung mình trong tự do.
Tiên báo về ngày con người được giải phóng
Tiên tri Isaia đệ nhị sống vào thời dân Israel đang bị lưu đày tại Babylon vào thế kỷ thứ VI trước Công nguyên. Ngài đã tiên báo về ngày mà toàn dân được giải phóng bởi một “tôi tớ” của Thiên Chúa. Dù người ta chưa biết Đấng ấy là ai nhưng một điều chắc chắn là “Người không bẻ gẫy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói” (Is 42,3).
Thiên Chúa không xóa bỏ tất cả để tạo dựng lại từ đầu. Ngài sẽ vực họ dậy dù họ chỉ còn như là “cây lau bị giập” hay như “tim đèn chỉ còn khói.” Ngài sẽ “mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm” (Is 42,7).
Cái khát vọng thoát khỏi ách lưu đày tại Babylon của dân Do Thái xưa sẽ được thỏa mãn bởi Hoàng đế Kyro của Ba Tư. Nhưng cái khát vọng sâu xa của con người mong được giải phóng khỏi cảnh lưu đày trong tội lỗi chỉ có thể được thỏa mãn bởi Đấng Mê-si-a.
Thiên Chúa xuống làm người để nâng con người lên
Những gì mà Thánh Mac-cô mô tả tại dòng sông Gio-đan cho ta thấy những lời tiên báo của Isaia trước đó không phải là là một lời hứa suông. Quả thực Thiên Chúa đã không ruồng bỏ con người, nhưng Ngài đã đi xuống đến tận cùng thân phận tội lỗi của con người để nâng con người lên, giải phóng con người và đưa nó vào quỹ đạo của Tình Yêu Trời Đất.
Đức Giêsu, Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Ngài đã đi vào giữa dòng người tội lỗi đang ngụp lặn tìm kiếm sự giải thoát. Ngài đã ngụp lặn xuống với họ, cùng họ bước vào sự tăm tối tột cùng của cảnh nô lệ tội lỗi. Ngài không bị nô lệ bởi tội lỗi, nhưng ngài đi vào trong sự tăm tối tột cùng của cảnh nô lệ tội lỗi mà con người đang chịu đựng.
Một cách hình ảnh, nơi mà Chúa Giêsu bước xuống với đoàn dân để lãnh nhận phép rửa của ông Gioan là nơi chẳng còn cách Biển Chết bao xa. Dòng sông Gio-đan chảy từ hồ Galile tới Biển Chết. Biển Chết là một hồ nước mặn sâu nhất thế giới. Nó được gọi là Biển Chết bởi chẳng có sinh vật nào sống được trong độ mặn chát của hồ nước. Hình ảnh này khiến ta liên tưởng đến sự tận cùng của con người. Họ tuốn đến và bước xuống dòng sông Giođan, và chẳng còn bao xa nữa họ sẽ đi đến Biển Chết. Thiên Chúa đã hiện diện tại khúc đường cùng ấy của con người. Chính vào thời điểm cận kề với điểm chết, vào lúc con người đi đến cuối con đường cụt thì Thiên Chúa đã can thiệp và kéo con người lên.
Quả thực, Thiên Chúa đã đến với con người trong chính thân phận của con người để nâng con người dậy. Ngài đi vào cuộc sống của từng người, vào trong chính tâm tư tình cảm và hoàn cảnh sống của mỗi người để nâng ta lên.
Con người được nâng lên trong chính thân phận của mình
Suốt hàng ngàn năm, dân Do Thái suy ngẫm về Ơn Cứu Độ. Đi từ chỗ hiểu rằng Ơn Cứu Độ chỉ dành cho Dân Riêng của Thiên Chúa là dân Do Thái, họ đã dần nhận thấy Ơn Cứu Độ còn dành cho mọi dân tộc. Nhưng dẫu sao thì họ vẫn coi Giê-ru-sa-lem là tâm điểm mà mọi dân tộc phải rời bỏ quê hương của mình để tiến về Giê-ru-sa-lem. Não trạng ấy vẫn ăn sâu trong tiềm thức của dân.
Trong sách Công vụ Tông đồ được trích trong bài đọc thứ hai của ngày lễ này viết lại lời khẳng định của Thánh Phê-rô Tông đồ: “Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận” (Cv 10,34).
Lời khẳng định của Thánh Phêrô diễn ra trong bối cảnh ngài đến làm Phép Rửa cho gia đình một người dân ngoại tên là Cornelio (Cv 10,1-48). Thần Khí Chúa đã dẫn lối cho Phêrô đến gia đình này. Thánh Phêrô đã bỏ qua những tục lệ bắt buộc của người Do Thái để làm Phép Rửa cho gia đình ông Cornelio. Trước đó, chính Thánh Phêrô cũng đã không thể chấp nhận việc đem Ơn Cứu Độ ra ngoài Do Thái giáo. Nhưng với sự can thiệp của Thần Khí qua thị kiến thanh sạch hay nhơ bẩn mà Thánh Phêrô đã thay đổi lập trường (Cv 10,9-16).
Quả thực, không phải mọi dân phải rời bỏ quê hương của mình để đến với Giê-ru-sa-lem mà hưởng Ơn Cứu Độ. Nhưng là Ơn Cứu Độ đến với mọi dân ở trong chính quê hương của họ, trong chính hoàn cảnh sống của họ, trong chính thân phận thực tại của mỗi người, trong lịch sử cuộc đời của bạn, cuộc đời của tôi.
Thiên Chúa đã làm tất cả vì con người. Đấng Tạo Hóa đã muốn ở trong mỗi chúng ta để tái tạo mỗi chúng ta nên một con người xinh đẹp mỹ miều. Ngài muốn mỗi người là một công trình riêng biệt, mỗi người mang một vẻ đẹp rất riêng và mỗi người cũng có mối tình rất riêng tư với Ngài.
Tôi và bạn, mỗi người một vẻ, mỗi người một lịch sử, mỗi người một hoàn cảnh sống đã qua và đang sống. Tôi, một người Việt Nam, không thể vất bỏ lại sau lưng tất cả những gì tôi đã sống, bởi làm thế tôi không còn là tôi, và thực tế tôi cũng chẳng thể làm được. Thiên Chúa cũng không bắt tôi phải làm thế. Nhưng Ngài đến với tôi trong chính những khiếm khuyết và nhơ uế của tôi. Từ chính trong tôi, Ngài tái tạo và nâng tôi lên, cho tôi tiến bước trên con đường thong dong trong Ơn Nghĩa Chúa.
Lạy Chúa, con tin thật Chúa yêu con nhiều. Xin Chúa ở lại trong con dù đôi khi con lãng quên Ngài. Xin Chúa tái tạo con để con được trở nên tạo vật mĩ miều trong Vũ trụ xinh tươi.
Lm. Giuse Lê Danh Tường