Kitô hữu không bao giờ nên tức giận. Vì Chúa Giêsu đã dạy: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình thì đáng bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo thì đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt.” (Mt 5:21-22) Dường như Ngài ngăn cấm sự tức giận không phải vì lý do vị lợi nhẹ nhàng rằng nó có thể dẫn đến giết người, mà vì lý do đầy đủ và sâu sắc hơn là có điều gì đó đã tiềm ẩn trong sự tức giận.
Từ lâu các Kitô hữu đã cố gắng trốn tránh sức mạnh của lời dạy này. Sau khi nghiên cứu các bản thảo và nguồn tài liệu, Thánh Giêrônimô lưu ý rằng một số bản viết tay đã đưa vào tiêu chuẩn này “một cách vô cớ,” nhưng “bằng cách đọc thực sự, sự tức giận bị từ chối đối với chúng ta một cách vô điều kiện. Những chữ “thêm vào vô cớ” phải bỏ đi; xét cho cùng, “khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa.” (x. Gc 1:20)
Ngược lại, nhiều độc giả sốt sắng của Kinh Thánh đã lập luận rằng chính Chúa Giêsu cũng tức giận. Khi những người Pharisêu ngăn cản ngài chữa lành cho người đàn ông bị teo tay vào ngày Sabát, ngài “giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá.” (Mc 3:5) Tiếng Hy Lạp là met’ orgês – không thể phủ nhận là “có giận dữ.” Khi các môn đệ cố gắng ngăn cản những đứa trẻ, Ngài đã “bực mình” (Mc 10:14) như khi Ngài thấy bệnh tật của người cùi. (Mc 1:41)
Nhưng đây rõ ràng là những trường hợp giận dữ với đồ vật chứ không với con người: sự cứng lòng, sự cản trở thiện chí, sự suy thoái là bệnh phong cùi. Trong Bài Giảng Trên Núi, Ngài cấm tức giận với anh em mình. Chúng ta cảm thấy tức giận “với ai đó” khi tin chắc rằng họ đã tỏ ra khinh thường khi làm tổn thương chúng ta và chúng ta muốn họ phải chịu sự ác để trả thù, như những gì họ đáng phải chịu. Chúa Giêsu không cho thấy điều gì giống như vậy trong các trường hợp được mô tả; vả lại, khi ở trên Thập Giá, bị những kẻ hành hạ tỏ ra khinh thường, Ngài đã “xin Cha tha cho họ.”
Còn việc Ngài làm roi, lật bàn, đuổi những kẻ đổi tiền, bán hàng ra khỏi Đền Thờ thì sao? Chắc lúc đó Ngài giận lắm phải không? Chưa hết, hãy nhìn kỹ, mặc dù chúng ta có bốn câu chuyện về điều đó, nhưng không một nhà truyền giáo nào sử dụng dù chỉ một từ để mô tả cảm xúc của Chúa Giêsu. (Mt 21, Mt 11, Lc 19, Ga 2) Đúng hơn, Gioan trích dẫn một lời tiên tri: “Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.” (Ga 2:17) Hình ảnh đó không phải là lòng nhiệt thành của Ngài ăn mòn người khác, mà là lòng nhiệt thành ăn mòn chính Ngài – bất cứ điều gì Ngài có thể cho là của Ngài, điều này có thể được cho là lý do để Ngài không làm gì khi đối mặt với sự xúc phạm.
Trong thế giới cổ điển, có một cuộc tranh cãi nổi tiếng về sự tức giận. Những người theo chủ nghĩa khắc kỷ, những người đàn ông “điềm tĩnh” đầu tiên, cho rằng sự tức giận là phi lý, và một người khôn ngoan và có đạo đức sẽ có khả năng tự chủ đến mức anh ta sẽ không bao giờ trải qua điều đó. Những người theo chủ nghĩa “Peripatetics” [*] cho rằng chúng ta được sinh ra để cảm thấy tức giận có mục đích, và sự tức giận đó là có đạo đức miễn là nó phù hợp với lý trí.
Giáo Hội luôn đứng về phía những người theo chủ nghĩa Peripatetics, không bao giờ giải thích Bài Giảng Trên Núi theo lối khắc kỷ. Giáo Hội khẳng định rằng “nhiệt tâm” là tốt, khác với “giận dữ” là xấu. Giận dữ là niềm đam mê khi phi lý; nhiệt tâm đôi khi được gọi là “sự tức giận chính đáng,” cũng là niềm đam mê nhưng thể hiện sự hợp lý, không vượt quá những gì hợp lý, không làm đảo lộn sự phán xét đúng đắn, không tập trung sai vào đối tượng.
Thánh Augustinô nói theo tinh thần này: “Không người có đầu óc tỉnh táo nào cấm việc giận dữ với một người anh em đến cùng để anh ta có thể sửa chữa. Khi xuất phát từ lòng yêu mến điều thiện và lòng bác ái thánh thiện, các loại cảm xúc như vậy sẽ không bị gọi là thói xấu khi chúng tuân theo lý trí đúng đắn.”
Thánh Gioan Chrysostom thậm chí còn cảnh báo chúng ta không nên nóng giận khi đáng lẽ phải tức giận: “Nếu không có giận dữ thì việc giảng dạy sẽ bất lợi, sự phán xét sẽ thiếu hiệu lực và tội ác sẽ không được kiểm soát. Vì vậy, ai không tức giận khi có lý do chính đáng thì đó là phạm tội; vì sự kiên nhẫn vô lý sẽ gieo rắc thói xấu, sinh ra sự bất cẩn và mời gọi người tốt cũng như kẻ xấu làm điều ác.”
Không gì đáng ngạc nhiên khi thời đại của chúng ta bộc lộ cả hai thói xấu: vừa dễ dãi, buông thả và kiêu ngạo dung túng những tội lỗi khiến chúng ta tức giận, vừa giận dữ tràn lan đối với người khác, đặc biệt là những người chống lại tội lỗi.
Mặc dù thời đại chúng ta tự coi mình nhạy cảm với cảm xúc, nhưng tôi thấy điều đáng ngạc nhiên là khả năng tự hiểu biết về cơn giận của chúng ta kém cỏi như thế nào so với các thời đại trước. Đơn giản chỉ cần so sánh giáo lý. Giáo Lý Công Giáo có 9 đoạn rất ngắn gọn về cảm xúc, và không đề cập điều gì sâu sắc.
Chẳng hạn: “Cảm xúc mạnh mẽ không quyết định sự đạo đức hoặc sự thánh thiện của con người; chúng chỉ đơn giản là kho chứa vô tận những hình ảnh và tình cảm mà trong đó đời sống đạo đức được thể hiện. Đam mê là tốt về mặt đạo đức khi chúng góp phần vào một hành động tốt, hoặc xấu trong trường hợp ngược lại.” (số 1768)
Nhưng Giáo Lý Công Đồng Trentô đưa ra nhiều lời khuyên bổ ích cho các mục tử về cách giảng về sự giận dữ và hận thù. Ngoài ra, bài giáo lý dễ tiếp thu của Thánh Tôma Aquinô về Mười Điều Răn có các phần riêng biệt về Tội Giận Dữ, Cách Tránh Giận Dữ, Ba Điều Cân Nhắc Khi Tức Giận, và Lý Do Không Nên Dễ Tức Giận.
Thánh nhân kết luận: “Chính vì tất cả những điều này mà Chúa Kitô đã dạy chúng ta không chỉ đề phòng tội giết người mà còn đề phòng cả cơn giận dữ. Người thầy thuốc giỏi loại bỏ những triệu chứng bên ngoài của căn bệnh, thậm chí còn loại bỏ tận gốc rễ của căn bệnh, để không bị tái phát. Vì vậy, Chúa cũng mong muốn chúng ta tránh xa tội lỗi ngay từ đầu, do đó cần tránh sự tức giận, vì đó là khởi đầu của việc giết người.”
MICHAEL PAKALUK
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)
[*] Peripatetic (περιπατητικός) là tên đặt cho những người theo Aristotle, triết gia Hy Lạp. Thuật ngữ này có nghĩa là “những người đi bộ.” Theo lời kể, giáo phái này được gọi như vậy vì thực tế là Aristotle vừa đi vừa nói chuyện với các đệ tử của ông. Một cách giải thích khác là tên này bắt nguồn từ cuộc đi dạo công cộng ở Lyceum mà Aristotle và các đệ tử của ông thường xuyên tham gia.