Trời đất xoay vần, Tết đã đến Xuân lại về, trong bầu khí đầm ấm của những ngày đầu năm thuộc về con giáp thứ 11 của chi Tuất trong chu kỳ 12 năm tính theo Âm lịch, kỳ này được gọi lên: Đó là con Chó, một con vật sống gần gũi, được tin cậy và yêu mến nhất của loài người, nên khi nói về nó cũng bật ra lắm điều bất ngờ và liên quan tới nhiều lãnh vực.
I.- NĂM TUẤT THUẬT CHUYỆN CHÓ.
Theo nguồn gốc, Chó Nhà cùng loại với chó Sói (Wolf), Chồn (Fox) và chó Rừng (Coyote). Căn cứ theo xét nghiệm DNA xương, thì chó Sói đã xuất hiện khoảng 100 ngàn năm trước đây, cùng dựa vào tài liệu khảo cổ có lẽ chú chó đã về ở với loài người để được thuần hóa, đầu tiên bắt nguồn từ miền Viễn Đông cách đây khoảng 15 ngàn năm rồi.
Nuôi chó trong nhà thuần rồi, ngưới ta tìm cách lai giống, hiện nay ước tính có trên 800 giống ở khắp nơi trên trái đất. Vì thuộc giống săn và ăn thịt nên chó có bắp thịt rắn chắc, răng và hàm sắc, hệ thống tuần hoàn thích hợp cho việc sử dụng bắp thịt vừa mạnh mẽ, vừa dẻo dai, do đó sống bên cạnh con người đã phụ giúp được nhiều việc, nên càng được đánh giá là con vật rất thông minh, biết nghe lời chủ, trở thành một con vật gánh vác công tác trên các lãnh vực như: coi nhà cửa vườn tược, đi săn bắt, làm trò xiệc, đóng phim ảnh, canh chừng biên giới,, tìm kẻ buôn lậu, kiếm bãi mìn bon đạn còn sót lại sau thời kỳ chiến tranh, đưa thư từ, chăn súc vật, kéo xe vùng băng giá, hướng dẫn giúp đỡ người mù, kẻ tàn tật tránh nguy hiểm, cứu cấp các nạn nhân ở những nơi con người không thể tiếp cận được, đánh hơi tìm tội phạm buôn bán sì ke, khám phá ma túy, thuốc phiện rất thiện nghệ… vì chó rất thính tai, mắt tinh tường trong đêm tối và bao quát hơn con người, về đánh hơi thì chó lại rất tài, vì nó có gần 220 triệu tế bào đánh hơi trong khi người chỉ có 5 triệu mà thôi!
Qua thời gian được nuôi nấng, sống gần gũi với chủ nhân Loài người, nên hình ảnh con chó cũng đã len lỏi vào các lãnh vực: Tôn giáo Tín ngưỡng, Văn chương Chữ nghĩa, Phong tục Tập quán, Ca dao Tục ngữ và cả Văn hóa Ẩm thực nữa, nói đâu xa ở Việt Nam và các Quốc gia Trung Hoa, Hàn Quốc, Malaysia, thực đơn thịt Cầy đã trở thành món “Quốc hồn Quốc túy” nên Quý Ông luôn tấm tắc khen ngon và thường xuyên rêu rao: “Sống trên đời ăn miếng dồi chó. – Xuống Âm Phủ biết có hay không?” để cổ võ cho món khoái khẩu này.
II.- CON CHÓ TRONG KINH THÁNH.
Có thể nói, hình tượng con chó đã được các tác giả Kinh Thánh đề cập đến khá nhiều trong sách Cựu Ước lẫn Tân Ước, trên nhiều khía cạnh qua các câu chuyện, dụ ngôn, để cảnh báo và răn đe con người.
Chỉ riêng trong Tin Mừng Nhất Lãm, cả ba Thánh Sử ít nhiều đều có nhắc đến hình ảnh con chó, một sinh vật sống gắn bó với con người, liên hệ trong một số Chương.
Điển hình Thánh Mát-thêu đã ghi lại lời Chúa Giêsu khuyên dạy các Tông Đồ chớ xét đoán ai trước, và đòi buộc mọi người hãy tự ném cái xà ra khỏi mắt mình đã, rồi mới lấy cái rác nhỏ bé nơi mắt người anh em, cũng như “Đừng cho con chó ăn của Thánh, chớ liệng ngọc trai cho con heo, kẻo chúng giầy đạp dưới chân, rồi quay lại cắn xé các ngươi.” (Mt 7,6).
Phần Thánh Mác-cô thì mô tả đoạn đối thoại giữa Chúa Giêsu với người đàn bà đến xin trừ quỷ cho con gái mình. Chúa nói với bà “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con” ( Mc 7, 27 ). Bà ấy với lòng tin mạnh mẽ đã đáp lại: “Thưa Ngài đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con”( Mc 7,28 ). Chúa nghe vậy liền phán với bà: Quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi, quả nhiên về đến nhà bà đã thấy quỷ ra khỏi đứa bé và em khỏe mạnh, an vui trở lại.
Riêng phần Thánh Lu-ca lại có đoạn mô tả dụ ngôn về ông nhà giầu có, ăn mặc toàn lụa là gấm vóc ngày đêm yến tiệc linh đình, trong khi đó anh chàng La-da-rô là kẻ nghèo khó, mụn nhọt đầy mình, nằm co ro trước cổng nhà giầu trên, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà lượm ăn cho no “lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chóc nơi người anh ta“ (Lc 16,21).
Sau đó người nghèo chết được Thiên Thần cho ngồi vào lòng ông Ap-ra-ham, tiếp đến nhà phú hộ cũng chết phải xuống âm phủ chịu nhiều cực hình.
Ngước nhìn lên Thiên Đàng, ông Bá Hộ mới than khóc cùng Tổ Phụ Ap-ra-ham về hoàn cảnh của gia quyến mình hiện nay ở dương trần, mong được quay về cảnh báo; tiếp đến còn so bì với La-da-rô nhưng mọi sự đã quá muộn, vì trước đây Bá Hộ đã hưởng mọi sự sung sướng trên cõi đời rồi, còn La-da-rô suốt đời cam chịu bất hạnh. Nay được hưởng phúc đó là điều đương nhiên. Bài học cho mọi người noi theo.
III.- CON CHÓ NHÀ ĐỨC CHÚA TRỜI.
Thánh Đa Minh sinh ngày 24.6.1170 tại Caleruega thuộc nước Tây Ban Nha, thân phụ là Bá tước Felix de Guzman, thân mẫu là Chân Phước Gioanna de Aza. Thánh nhân sống trong một gia đình quý phái và đạo đức cả 3 anh em trai trong nhà đi tu đều được thụ phong Linh Mục.
Thánh Đa Minh đi giảng đạo vào năm 35 tuổi và Ngài là đấng sáng lập dòng Thuyết Giáo – OP – tại Toulouse và được Tòa Thánh Phê chuẩn luật dòng vào năm 1216, chúng ta quen gọi là dòng Đa Minh, là một trong những tổ chức có công đầu đem Tin Mừng đầu tiên đến đất nước Việt Nam, hiện nay Địa phận Bùi Chu nhận Thánh Đa Minh là Quan thầy và hằng năm vào ngày 8 tháng 8 mừng lễ rất long trọng, đông đảo giáo dân các nơi rủ nhau tham dự gọi là đi lễ Đầu Dòng.
Trước và sau khi Thánh Đa Minh chào đời có nhiều dấu hiệu lạ xẩy ra ứng nhiệm vào cuộc đời của Ngài. Theo Thánh Jordan Saxong kể lại rằng: “Khi đang mang thai, mẹ ngài nằm mơ thấy mình cho chào đời một con chó ngậm bó đuốc đang cháy sáng và mang lửa đó đi khắp thế giới“. Rồi trong ngày rửa tội, người đỡ đầu lại trông thấy trên trán chú bé xuất hiện một ngôi sao sáng chiếu tỏa xung quanh. Do đó khi tạc tượng Thánh Đa Minh ngày nay, người ta cũng tạc luôn tượng con chó đang ngậm đuốc sáng nằm dưới chân, còn trên trán Ngài thì có ngôi sao sáng là bởi hai sự tích trên.
Tuy là người sáng lập Dòng, nhưng Thánh Đa Minh sống rất đơn sơ, ăn chay, nằm đất ép xác, mặc áo quần xấu nhất trong anh em, nhưng luôn quảng đại với những kẻ nghèo khó, giúp đỡ người bệnh tật. Khi đi rao giảng bị chê bai, diễu cợt, Ngài vẫn vui vẻ chấp nhận và khiêm nhường chối từ chức Giám mục Thành Consêran. Vào năm 1213, Thánh Đa Minh bắt đầu khởi xướng cùng ra sức phổ biến việc Lần Hạt Mân Côi tới mọi Tín Hữu một cách sốt sắng, cho đến tận khi qua đời vào ngày 6.8.1221, Đức Thánh Cha Grêgoriô IX Tôn Phong Ngài lên Hiển Thánh vào năm 1234.
Hình ảnh “con chó ngậm bó đuốc sáng rực” biểu hiệu cho các nhà Thuyết giáo, hổ trợ vị Mục Tử Giêsu, canh chừng cho đoàn chiên khỏi sói rừng cũng từng xuất hiện trong tiểu sử Thánh Bênatô (1090-1153) cũng như ở nhiều văn bản Tôn giáo thời Trung Cổ, từ đó nhiều vị Linh Mục nhân đức, khiêm nhường khi về nhận xứ Đạo thường ví mình như: “con chó của nhà Đức Chúa Trời“, nên luôn ra sức canh phòng gìn giữ đức tin và hăng say giảng giải, loan truyền Tin Mừng đến Giáo hữu, mà mình được giao phó coi sóc, làm tròn bổn phận như con chó giữ nhà thức khuya, dậy sớm và miệng luôn sủa vang rao giảng sự kính Chúa yêu người cho Bổn Đạo. Quả là gương lành thật là hiếm quý đáng trân trọng biết bao.
Giờ đây những ngày đông tàn của năm Đinh Dậu con Gà dần dần khép lại, nhường cho năm con Chó với mùa xuân Mậu Tuất, cầu mong mọi sự tốt lành đến với mọi người, mọi gia đình, và cả đất nước thân yêu nói chung. Riêng Quý vị mạng tuổi Tuất, căn cứ theo sách Tử vi Tướng số thì sẽ được sự thương yêu quý mến của nhiều người vì tính tình nhu mì, dễ thương, hơn nữa lại rất thành đạt công danh sự nghiệp trên trường đời, kể cả đường tình duyên cũng rất tốt số đào hoa. Đáng mừng thay.
Hoa Thịnh Đốn, những ngày đầu năm 2018
Vinh sơn Vũ Đình Đường