Chúa Nhật XVI TN A
“Lạy Chúa, Ngài nhân hậu khoan hồng!”.
Năm 1770, tại một nhà thờ Ý, hai chú giúp lễ kèn cựa nhau ‘ai ở bên phải’ cha chủ sự. Cuộc cãi vã trở nên ồn ào, dẫn đến ẩu đả. Castiglioni dùng chân đèn đánh vào đầu Della Genga, máu chảy! Giáo dân la lên, “Ném chúng ra ngoài! Trục xuất chúng!”. 55 năm sau, Vatican cử hành Năm Thánh, Della Genga, nay là Giáo Hoàng Lêô XII, tiến ra, bắt đầu với nghi thức mở cửa đền thờ. Quay sang vị Hồng Y bên cạnh, ngài nói khẽ, “Đưa cho tôi cái búa!”. Với nụ cười ranh mãnh, Castiglioni đáp, “Như con đã đưa chân đèn cho ngài ngày trước?”. Không thể tin được! 4 năm sau, Castiglioni, Giáo Hoàng Piô VIII, kế vị bạn mình!
Kính thưa Anh Chị em,
Nếu 55 năm trước, biết có hai Giáo Hoàng tương lai sau phòng thánh, giáo dân hẳn không la lên “Ném chúng ra ngoài! Trục xuất chúng!”. Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay gióng lên một tin vui, Chúa chúng ta không phải là Thiên Chúa của “Ném chúng ra ngoài! Trục xuất chúng!”; Ngài là một Thiên Chúa của “Cứ để vậy!”, một Thiên Chúa nhân hậu khoan hồng có thể biến ‘cỏ thành lúa!’. Bằng chứng, hai ‘chiến binh bàn thờ’ trở nên công cụ cứu rỗi!
Qua dụ ngôn cỏ trong lúa, Chúa Giêsu cho thấy Thiên Chúa là Đấng nhân hậu, nhẫn nại. Ngài cho điều tốt lẫn điều xấu cùng tồn tại; Ngài chừa chỗ cho kẻ xấu thay đổi và ăn năn. Bài đọc Khôn Ngoan mô tả Thiên Chúa như người cha không quan tâm đến khả năng nhưng quan tâm đến những gì mỗi người đang có, “Ngài đã cho con cái niềm hy vọng tràn trề, người có tội được Ngài ban ơn sám hối”. Ngài nhẫn nhịn, bao dung khôn lường đến nỗi không chỉ làm nản lòng lúa tốt, con cái Ngài, nhưng còn làm tổn thương chúng, vốn đang cố sức sinh trái. Ngài nói, “Đừng hoảng sợ, cứ để vậy!”. Đó là lý do tại sao qua thư Rôma hôm nay, Phaolô tâm sự, “Có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn”.
Thế giới hôm nay tin vào việc ‘thay thế và phá huỷ’ hơn là ‘sửa chữa và bổ sung!’. Thế giới khiến chúng ta không tin rằng, chúng ta có thể kiên nhẫn với nhau, và kiên nhẫn với chính mình! Ngày nay, hầu hết các cuộc hôn nhân và các mối quan hệ đang đổ vỡ; bởi lẽ, chúng ta không tin chúng ta có thể sửa chữa nó một lần nữa, ngoài việc thay đổi. Cần có sự kiên nhẫn để sửa chữa những món đồ bị hỏng. Sửa chữa khó hơn phá huỷ! Với Thiên Chúa, Đấng mà Thánh Vịnh đáp ca xác tín, “Ngài nhân hậu khoan hồng!”, thì với Ngài, ‘điều không thể vẫn là điều có thể’, Ngài có thể biến ‘cỏ thành lúa!’.
Anh Chị em,
“Ngài nhân hậu khoan hồng!”. Rõ ràng, về phía Chúa, Ngài muốn “Cứ để vậy!”. Thế tại sao chúng ta lại bất khoan dung với chính mình và với người khác? Chúng ta những chỉ muốn nhổ, ném, trục xuất. Ranh giới giữa điều tốt và điều không tốt trong bạn rất mong manh. Nếu quá nôn nả trong việc loại bỏ những điều không tốt trong cuộc sống mình hoặc trong cuộc sống người khác, bạn có thể làm hỏng cả những điều tốt đẹp ở đó! Như Chủ Vườn, bạn và tôi hãy cho phép chính mình thay đổi và sửa chữa hơn là tự ném mình hay ném những người khác! Chỉ có sự kiên nhẫn và khoan dung mới có thể hàn gắn các mối tương quan của linh hồn, của gia đình, cộng đoàn. Nếu Della Genga và Castiglioni tự ném mình, tự trục xuất mình; hoặc nếu cha xứ và giáo dân ngày ấy nhất định ném hai cậu bé, hẳn Giáo Hội đã không có hai vị Giáo Hoàng! Đừng quên, Chúa có thể biến ‘cỏ thành lúa!’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa chỉ nhìn lúa, Chúa không nhìn cỏ! Chúa khoan hồng chừa chỗ cho con sám hối. Cho con đừng bao giờ nhổ ai, ném ai; nhất là ném chính linh hồn con!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
—