Home / Chia Sẻ / Có một nơi thể hiện Lòng thương xót

Có một nơi thể hiện Lòng thương xót

co-mot-noiCó những chuyện nghe kể tưởng như cổ tích, nhưng thực tế đang xảy ra trong cuộc sống hôm nay mà không phải ai cũng biết. Một người bạn từ Hà Nội giới thiệu một địa chỉ, mà mới nghe tên gọi, tôi tưởng như một trung tâm bán hàng trang sức dành cho những quí bà sang trọng quyền quý: Trung tâm Kim Cương tươi đẹp, thuộc Quận 12, Thành Phố Hồ Chí Minh. Thực ra đây là nơi chữa trị và phục hồi cho các cháu thiếu nhi bị mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh Xương thủy tinh, tức là bệnh xương bất toàn, rất dễ vỡ, gãy, cơ thể khó phát triển.

Nằm dọc theo đường Hà Huy Giáp về hướng Ba Thôn, địa chỉ số: 303/38 Khu Phố 3, Phường Thạnh Xuân, Quận 12, không khó tìm dù số nhà nơi đây sắp xếp như ma trận, do ngay đầu hẻm có bảng hướng dẫn vào. Gọi là trung tâm nhưng thực ra chỉ là một khu nhà tọa lạc trên mảnh đất khoảng tám trăm mét vuông, nép mình trong khu dân cư chắc mới hình thành độ hai chục năm nay, đường nội bộ nhỏ vẫn còn mấp mô, lồi lõm, chưa được bê tông hay nhựa hóa. Tấm bảng nhỏ đặt ngoài cổng chưa đầy một mét vuông ghi địa chỉ để khách đến được biết. Trung tâm không nhà cao cửa rộng bề thế, không khác so với nhà các hộ dân liên kế. Tôi bấm chuông, người bảo vệ ra mở cổng hướng dẫn tôi vào chỗ để xe. Một phụ nữ đứng tuổi từ trong căn nhà trệt có gắn cửa kiếng bước ra đón, chị giới thiệu là điều dưỡng tại đây. Sau khi biết tôi đến thăm và tìm hiểu về hoạt động của trung tâm, chị mời vào trong. Căn phòng khoảng 50 mét vuông với nền trải simili, dưới là thảm mềm, đi lại thật êm ái. Có khoảng mười mấy cháu đang vui chơi cùng hai cô còn trẻ, chắc là cô giáo? Các cháu thấy có khách đến, lễ phép thưa chào ông, chào bác. Với sự thân mật thật dễ gần gũi của người phụ nữ Nam bộ, chị mời tôi ngồi xuống ngay trên nền nhà, bên các cháu. Sau mấy lời chào hỏi, biết tôi là một tín hữu, chị cũng giới thiệu mình là giáo dân thuộc giáo xứ Hạnh Thông Tây, Gò Vấp gần đó. Chị Nguyễn Thị Tơ, nguyên là điều dưỡng của Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, năm nay 60 tuổi. Chị đã nghỉ hưu được 5 năm, được mời về cộng tác ba năm nay. Vừa trò chuyện, vừa nhìn xem các cháu hoạt động, vui chơi, tôi mới hiểu thêm được nhiều mảnh đời bất hạnh vì cơn bệnh khó chữa này mà các cháu phải mang suốt đời. Có cháu đi lại được nhưng chưa vững, có cháu phải dùng đôi nạng. Nhiều cháu khác di chuyển bằng cách chống bằng hai tay, lết mông trên nền nhà. Tôi ngộ ra rằng nền nhà đã được lót êm như thế để các cháu nếu lỡ vấp té không nguy hại đến bộ xương dễ tổn thương khi va chạm vật cứng. Một điều ngạc nhiên hơn nữa là cháu nào cháu nấy khuôn mặt rất vui tươi, trò chuyện với nhau, với các cô, với khách lạ một cách rất tự nhiên khi được hỏi đến. Không có vẻ gì là được tập trước theo kiểu “dạy mẫu“ hay “làm màu” trong trường học. Chị Tơ cho biết ngoài trung tâm này còn có Phòng khám Diamond Bone đặt tại số 96/9/4 đường TL 30, Phường Thạnh Lộc, Quận 12 (Làng Cá sấu Saigon2), chuyên khám chữa trị các bệnh về xương khớp và bệnh Xương thủy tinh, do Bác Sĩ Trần Văn Năm, nguyên Viện Phó viện Y học dân tộc TP.HCM phụ trách. Về phần giải phẫu, chỉnh hình, các cháu được đưa đến Bệnh viện quốc tế MINH ANH do Giáo sư bác sĩ Nguyễn Quang Long, nguyên trưởng bộ môn chấn thương chỉnh hình, đại học Y dược TP HCM và các bác sĩ, y tá trong bệnh viện đảm nhiệm. Còn nơi đây là trung tâm Kim Cương tươi đẹp do ông Tôn Thất Hưng, Giám đốc  Công ty Cá Sấu Hoa Cà sáng lập lo chăm sóc, nuôi dưỡng, tập luyện cho các cháu sau chỉnh xương được hồi phục và trở về lại với gia đình hoàn toàn miễn phí. Trung tâm được hình thành từ năm 2011.

Các cháu bệnh nhi khi thấy bà Sáu (chị Tơ) trao đổi với khách thăm cũng xà tới làm nũng thật đáng yêu, cháu thì gọi: bà Sáu ơi! con đau chỗ này, cháu khác lại méc: bà Sáu ơi! bạn Thiện không xếp đồ chơi cho con… các cháu coi chị như bà ngoại trong nhà, bởi tấm lòng của bà, của các cô điều dưỡng, bảo mẫu, hàng ngày lo cho các cháu từ việc uống thuốc, tập luyện đến ăn uống, tắm rửa, dạy bảo như chăm sóc con cháu ruột thịt của mình. Cháu Nguyễn Trần Nhật Thiện, năm nay 7 tuổi, chân lẫn tay cong queo do bị gãy xương nhiều lần nên chỉ ngồi, nằm nhưng lăn, lết đi được. Cháu đang được uống thuốc nhằm phục hồi thể lực, sau đó mới tiến hành mổ sắp xếp lại xương, thời gian cần khoảng 4 năm. Trong số các cháu nơi đây còn có hai mẹ con chị Đinh Thị Hải, 31 tuổi, con là Phạm đình Anh Tuấn, 3 tuổi, gia đình từ Quảng Ngãi nghe biết được, xin vào chữa trị cả hai mẹ con, mới được hơn 4 tháng nay. Chị Hải kể gia đình có 3 chị em cũng bị bệnh này. Sau mấy tháng uống thuốc, nay chị đã thấy đỡ đau nhức, bệnh thuyên giảm nhiều và hiện có thể phụ giúp công việc với nhà bếp như nhặt, rửa rau, lau dọn phòng, đồng thời chăm sóc chính con mình đang được chữa trị. Cháu Phạm Bảo Trâm, năm nay 10 tuổi. Mẹ cháu từ Sơn La gửi con vào từ năm 2014. Cháu đã bốn lần được phẫu thuật, kéo dài xương chân, đến nay đã đi lại thăng bằng. Cháu đang học lớp NĂM tại trường tiểu học trong phường gần đó, năm vừa qua cháu đạt học sinh giỏi. Hiện trung tâm đang chữa trị chăm sóc cho 21 cháu, trong đó có 11 cháu học tiểu học, 3 cháu cấp II và 2 cháu cấp III và điều trị ngoại trú hơn 60 cháu.

 Chúng tôi đang trao đổi với nhau, chụp vài tấm hình các cháu sinh hoạt thì giám đốc, anh Tôn Thất Hưng về tới. Không khách sáo, anh mời tôi ngồi xuống nền nhà và vồn vã hỏi thăm như một người bạn thân nhau từ lâu. Biết tôi là một tín hữu Công Giáo, anh tự giới thiệu dù không là người đạo Công giáo, nhưng anh cũng có quan hệ thân thiết với những Linh mục như Cha Ty, dòng Salésien DonBosco ở Thủ Đức mà anh rất thân, coi ngài như vị cố vấn về tâm linh, Cha Số ở KonTum, Cha Phan (SDB), thầy Bình (mái ấm Tê-Phan), Thầy Thành… và có không ít bạn bè trong đạo. Tôi tò mò muốn biết cơ duyên nào đưa anh đến với việc chăm sóc các trẻ em bị bệnh xương thủy tinh. Anh cười tươi như gặp cố tri, anh kể: “Trước đây sản phẩm làm ra từ cá sấu chỉ có thịt, da, còn xương thì bỏ đi. Sau nhờ người có kinh nghiệm hướng dẫn nấu cao từ xương cá sấu và lấy làm quà cho bạn bè ngâm rượu uống, chỉ nghĩ không bổ dọc cũng bổ ngang, không ngờ trong đám bạn có người bị bệnh xương khớp đã lâu, uống thấy thuyên giảm nhiều.

Sau đó mình đề nghị Viện Y Dược Học Dân Tộc Tp.HCM hợp tác nghiên cứu thành thuốc chữa bệnh thoái hóa khớp, loãng xương cho người cao tuổi rất thành công. Năm 2010 tình cờ đọc báo thấy một trường hợp cháu bé bệnh xương thủy tinh ở Bến Tre bị gãy xương rất nhiều lần, mình đề nghị gia đình đưa cháu lên Viện YDHDT để chữa trị bằng cao xương cá sấu. kết quả chỉ sau 4 tuần xương bị gãy của cháu đã liền lại. Mừng quá mình chạy vào bệnh viện Chấn Thương Chinh Hình trình bày với các bác sĩ, nhưng không ai tin. Nghĩ đến nhiều cháu khác đang bị đau đớn do bị căn bệnh xương thủy tinh hành hạ mà không có thuốc chữa trị, “Biết điều đúng mà không làm là có tội”, nên mình đề xuất với bác sĩ Trần Văn Năm, phó Viện trưởng thành lập trung tâm Kim Cương Tươi Đẹp để tập trung chữa trị. Các cháu được trị đều khỏe lên, hết đau nhức và giảm tỉ lệ gãy xương hơn 90% . Giáo sư Bác sĩ Nguyễn Quang Long nguyên trưởng Bộ môn chấn thương chỉnh hình Đại học Y Dược Thành phố nghe tin đến tìm hiểu. Lúc ban đầu Giáo sư không tin, nhưng sau được thấy bệnh tình các cháu có tiến triển, Ông đề nghị đưa loại thuốc này qua đại học Y- Dược Thành phố nghiên cứu, phân tích, thực nghiệm trong thời gian 3 năm.

Thuốc này cũng được Bác sĩ Trần Văn Năm, Phó viện trưởng Y học dân tộc TP.HCM  cho thử nghiệm và kết luận có tác dụng tốt trong điều trị bệnh xương khớp. BS Trần Văn Năm cho hay: Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, trong cao cá sấu chứa loại collagen thủy phân có tác dụng kết dính canxi lại với nhau trong xương, nhờ đó xương mới cứng chắc. Đây là yếu tố quan trọng giúp hỗ trợ điều trị cho bệnh nhi xương thủy tinh, hạn chế được tình trạng xương dễ gãy vỡ. Công trình nghiên cứu về xương thủy tinh đã được vinh danh là một trong 10 thành tựu y tế của TPHCM trong năm 2011“.

Anh cũng kể tôi nghe thêm, anh từng hai lần sang Mỹ để trình bày với các nhà khoa học Hoa Kỳ về thuốc trị bệnh và phương pháp tập luyện chữa trị của Trung tâm Kim Cương Tươi Đẹp, cũng đã mời các vị ấy sang tham quan, nghiên cứu. Họ rất khâm phục và vui mừng vì những thành quả  của nền y học Việt Nam, nhưng để công nhận một loại thuốc mới là cả một quá trình thực nghiệm phức tạp, lâu dài, tốn kém, họ ghi nhận và tiếp tục theo dõi. Hy vọng vào một ngày gần đây khoa học thế giới sẽ tiếp nhận thành quả của nền y học Việt Nam trong điều trị, phục hồi các trẻ em bị bệnh này.

Về cơ sở trung tâm hiện nay, anh Hưng tâm sự cho thấy dường như  Ông Trời đã định để anh gắn với các cháu bệnh nhi? Nơi đây trước là một quán cà phê sân vườn. Năm 2010, người chủ cũ kinh doanh không hiệu quả và có ý định sang lại cơ sở với giá 250 triệu, chưa tính các vật dụng đã đầu tư. Nghe biết, anh đến nhận sang lại. Nhưng tiền chưa sẵn ngay lúc đó, mà thời hạn ba tháng đã đến gần. Trong lòng nóng như lửa đốt, anh cầu ơn trên xem có cách nào, có quí nhân nào trợ giúp hỗ trợ? Đúng một ngày trước ngày hẹn, người chị bà con có 200 triệu tiền nhàn rỗi, điện thoại ngỏ ý muốn gửi anh kinh doanh kiếm ít tiền lãi tiêu dùng hàng tháng. Lạy trời! Sao lại có sự trùng hợp như vậy? Anh tức tốc cầm số tiền đến gặp người chủ quán định bụng xin thiếu lại 50 triệu trả sau. Ai ngờ ông cho biết đã nghĩ lại. Trong lòng anh lại càng xốn xang, e ngại ông đổi ý vì giá cả đã lên chăng, hay ông không muốn sang lại cho anh nữa. Thế nhưng, điều lạ lùng đã xảy ra, người chủ quán cho biết, vì thấy anh muốn xây dựng, cải tạo thành trung tâm nuôi dạy các cháu bệnh nhi xương thủy tinh mà có lần ông đã nghe đến, nên ông quyết định bớt cho anh 50 triệu, vừa đúng bằng với số tiền anh mang theo. Còn mừng nữa là toàn bộ dụng cụ bếp núc, bát đũa, ly tách, bàn ghế, máy móc đã trang bị ông đều để lại cho anh, không lấy đi vật dụng nào. Anh hỏi tôi thấy thế nào? Tôi chia sẻ là trường hợp này đối với người Công Giáo chúng tôi thì có thể coi đó là phép lạ đấy! Anh tiếp: “Vậy là ý Trời đã định cho mình theo đuổi con đường này, tôi thấy không thể cưỡng lại được. Bây giờ mình mới hiểu được câu ‘Tình yêu Thiên Chúa thúc bách tôi’ mà có lần mình đọc được trong nhà thờ Maria Nữ Vương Hòa Bình ở Buôn Ma Thuột khi đi lễ cùng Cha Ty”. Tôi chia sẻ với anh về niềm tin vào sự thiện, vào lòng nhân ái, thương người như thể thương thân, là đạo làm người, là đạo lý của dân tộc đã đưa anh đến công việc này, chắc chắn ơn trên sẽ nâng đỡ, nhiều người sẽ cộng tác với anh, để làm vơi đi nỗi đau của các cháu đang mắc chứng bệnh tưởng như không chữa trị được này. Anh cũng đồng tình và tin như vậy. Và cứ thế công việc xây dựng trung tâm tiến hành đến nay đã được trên 6 năm.

Chia tay Anh Hưng và các cháu bệnh nhi, các cô diều dưỡng của Trung tâm, lòng tôi rộn lên một niềm vui bởi quanh ta vẫn có biết bao người có tấm lòng nhân ái, dù những người như anh Hưng, chưa gia nhập vào Hội Thánh, nhưng như người thông luật trong Tin Mừng khi đến hỏi Đức Kitô: “Ai là người thân cận của tôi? “, ông ta được Chúa kể cho nghe truyện người Samaritano nhân hậu, cuối cùng Chúa nhắc ông ấy: ”Hãy đi và làm như vậy” (x. Lc 10, 25-37). Anh Hưng và những người cộng sự với anh đang làm những điều Chúa mong muốn. Hẳn anh không còn xa nước Thiên Chúa bao nhiêu.

Rời trung tâm Kim Cương tươi đẹp, trên xe ra về trong lòng tôi âm vang lên lời của bài Thánh ca: ”Ai cho người bé mọn này, dù chỉ chén nước lã thôi, là trao ban cho chính Chúa, là giơ tay đón nhận Ngài“.

Đỗ Công Minh

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …