Home / Chia Sẻ / CÓ CHĂNG MỘT THẾ GIỚI BÊN KIA?

CÓ CHĂNG MỘT THẾ GIỚI BÊN KIA?

Sau khi Raymond Moody xuất bản quyển Life after life (Cuộc Sống sau cõi đời nầy) vào năm 1975, công chúng phương Tây ngày càng quan tâm đến kinh nghiệm cận tử (tạm gọi là trải nghiệm sự chết đi sống lại).  Có một số người vì một tai nạn hay một lý do nào đó đã được giới chuyên môn về y khoa xác nhận là đã chết lâm sàng và thi thể của họ được đưa vào nhà xác.  Nhưng sau đó họ hồi sinh.Cochangmot

Năm 1982, George Gallup ước lượng có khoảng 8 triệu người ở Mỹ và 23 triệu người trên toàn thế giới đã trải qua kinh nghiệm nầy.

Những năm gần đây, một số bác sĩ người Đức và Mỹ rất chú ý đến hiện tượng nầy.  Họ đã phỏng vấn 1,370 người trải qua kinh nghiệm cận tử.  Trong những điều họ thuật lại, có những điểm mà ai cũng nhất trí, như sau:

  • Có một cuộc sống khác ở “cõi bên kia” và cuộc sống đó hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này.

 

  • Điều đặc biệt là sau khi “chết đi sống lại”, không ai còn sợ chết nữa, không còn ham muốn kiếm tiền bạc danh vọng lạc thú nữa.  Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người. (Willie Hoffsuemmer).

Bác sĩ George Rodonaia, có học vị tiến sĩ trong ngành thần kinh học (về sau nầy cũng là một tiến sĩ tâm lý học tôn giáo) vốn là công dân Liên Xô, nhập cư vào Mỹ năm 1989.  Ông là chuyên gia nghiên cứu về thần kinh tại Đại học Moscow.  Ông đã trải qua một kinh nghiệm cận tử đặc biệt nhất được ghi nhận từ trước đến giờ.  Ông được giới y khoa xác nhận là chết ngay lập tức sau một vụ tai nạn ô tô vào năm 1976, được đưa vào nhà xác và được quàn tại đó trong ba ngày.  Ông vẫn không hồi sinh cho tới khi bác sĩ tiến hành giải phẫu phần bụng như một phần của công tác khám nghiệm tử thi.

Ông thuật lại trải nghiệm về cuộc sống bên kia và xác quyết rằng chính biến cố nầy khiến ông đổi đời tận gốc rễ.

Trước khi trải qua kinh nghiệm cận tử, ông vừa là bác sĩ vừa là một nhà thần kinh học, và là người theo chủ nghĩa vô thần.  Vậy mà sau lần chết đi sống lại đó, ông chú tâm học bộ môn tâm lý học tôn giáo, nhận bằng tiến sĩ tâm lý học tôn giáo.  Sau đó ông trở thành tín đồ thuộc giáo hội Eastern Orthodox.  Hiện nay, ông là mục sư tại nhà thờ the First united Methodist ở Nederland, bang Texas, Hoa Kỳ.  (nguồn: Tổ Chức Nghiên Cứu Về kinh nghiệm cận tử (Near Death Experience Reseach Foundation. (http://www.nderf.org/Vietnamese/index.htm)

Có chăng một cuộc sống đầy hoan lạc ở ‘cõi bên kia’ như những người trải qua kinh nghiệm cận tử xác quyết?

Những người thuộc phái Xa-đốc không tin điều đó.  Họ dựng lên một kịch bản một vợ bảy chồng để phỉ báng niềm tin vào sự sống đời sau.

Chúa Giêsu Dạy Cho Chúng Ta Biết Có Sự Sống Đời Sau

Khi những người thuộc phái Xa-đốc đến chất vấn Chúa Giêsu về sự sống lại, Chúa Giêsu khẳng định có sự sống đời sau.  Ngài dạy rằng có những người được xét là đáng được hưởng phúc đời sau thì không còn chết nữa.  Họ giống như các thiên thần (câu 36).  Rồi Ngài cũng trích dẫn sách thánh, đoạn sách nói về Thiên Chúa hiện ra với Mô-sê trong bụi gai, để chứng tỏ rằng Abraham, Isaac và Gia-cóp dù đã từ trần từ lâu nhưng vẫn còn đang sống.  Mà nếu các vị nầy còn sống, tức là có sự sống đời sau.

Trong dụ ngôn về ngày phán xét cuối cùng, Đức Giêsu cũng tỏ cho thấy kẻ dữ thì “phải ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng lấy sự sống muôn đời.” (Mt 25,46) Như thế, Chúa Giêsu tỏ cho thấy không những có cuộc sống đời sau mà còn cho biết cuộc sống đó sẽ kéo dài “muôn đời muôn kiếp.”

Cuộc Đời Của Đức Giêsu Minh Chứng Cho Sự Sống Lại

Ngoài những lời dạy của mình, Chúa Giêsu còn dùng cả cuộc đời của Ngài để minh chứng cho thấy có cuộc sống đời sau.

* Nếu không có cuộc sống đời sau, không có thiên đàng hoả ngục, con người chết rồi là hết, chỉ còn là bụi đất… thì Chúa Giêsu chịu khổ nạn để làm gì?  Máu Chúa Giêsu đổ ra hoàn toàn vô ích.

Nhưng chính vì để cứu con người khỏi hư mất và đem lại cho họ sự sống hoan lạc đời sau nên Con Thiên Chúa đã xuống trần, chịu vô vàn đau thương khổ luỵ và chấp nhận trả bằng giá máu để chuộc lấy con người.

* Chúa Giêsu, dù là Thiên Chúa quyền năng, nhưng đã trở nên hoàn toàn là người như chúng ta, đã sống như chúng ta, đã chết như chúng ta nhưng rồi Người đã từ trong cõi chết sống lại và lên trời vinh hiển.

Sự kiện Chúa Giêsu sống lại chứng tỏ cho chúng ta biết có sự sống đời sau và những ai gắn bó với Chúa Giêsu, trở nên chi thể trong Thân Mình Người thì cũng sẽ được sống lại như Người.

* * *

Niềm tin vào sự sống mai sau đem lại cho chúng ta niềm vui và hy vọng.  Niềm tin ấy mang lại ý nghĩa cho cuộc đời và cho mọi sinh hoạt của chúng ta hôm nay.

Ước gì niềm tin nầy thôi thúc chúng ta sống theo đường lối Chúa Giêsu để rồi chúng ta sẽ đạt đến nơi mà Người đã đến.  Ước gì niềm hy vọng nầy cũng sẽ thúc đẩy chúng ta hy sinh cầu nguyện nhiều hơn, siêng năng dâng lễ nhiều hơn trong tháng 11 nầy để cầu cho ông bà cha mẹ, và các tín hữu đã ra đi trước chúng ta được về quê trời vui hưởng hạnh phúc ngàn thu.

 

Lm Ignatio Trần Ngà (Trích dẫn từ ‘Cùng Đọc Tin Mừng’)

Xem thêm

THÁNH GIUSE VÀ CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH

THÁNH GIUSE VÀ CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH

Có vô số người, vương cung thánh đường, nhà thờ, đền thánh, chủng viện, tu …