Là phàm nhân, chúng ta vô cùng yếu đuối! Bất kỳ ai cũng cần được nâng đỡ. Vì yếu đuối nên mới cần người khác hỗ trợ, vì không đủ mạnh nên mới cần tăng lực. Là phàm nhân, ai cũng yếu đuối – người thì YẾU cái này, kẻ lại ĐUỐI cái kia. Không ai yếu đuối mọi thứ hoặc mạnh mẽ mọi thứ. Ai cũng có sở trường và sở đoản, yếu điểm và nhược điểm. Người xưa kinh nghiệm đầy mình nên kết luận: “Nhân vô thập toàn.” Thật vậy, chỉ có Thiên Chúa toàn thiện, toàn tri, toàn năng, toàn quyền, vì vậy Ngài mới bảo chúng ta cố gắng hoàn thiện Cha trên trời là Đấng hoàn thiện. (Mt 5:48) Còn chúng ta chưa hoàn thiện vì là tội nhân, vương tội ngay từ trong lòng mẹ. (Tv 51:7)
Yếu đuối cũng đa dạng: Yếu đuối thể lý, yếu đuối tinh thần, yếu đuối trí khôn, yếu đuối tình cảm, yếu đuối tâm linh,… Yếu đuối không hẳn là nhu nhược. Có những trường hợp thì sự yếu đuối đồng nghĩa với sự nhu nhược, nhưng cũng có những trường hợp KHÔNG đồng nghĩa với nhu nhược.
Một trong các dạng yếu đuối là tình trạng “thiểu năng trí khôn.” Thiểu năng trí khôn (hoặc trí tuệ) có hai dạng: Thiểu năng trí khôn về thể lý và thiểu năng trí khôn về tâm linh.
I- THIỂU NĂNG TRÍ KHÔN THỂ LÝ
Đó là dạng ngừng phát triển hoặc phát triển không đầy đủ các chức năng trí tuệ, làm cho người ta lâm tình trạng yếu kém về khả năng học tập, nhận thức, giao tiếp,… Hầu hết các trường hợp không xác định được căn nguyên.
Về nguyên nhân trước khi sinh: (1) Sai lệch nhiễm sắc thể gây hội chứng thể ba nhiễm sắc thể 21, nhiễm sắc thể X dễ gãy; (2) Bất thường bẩm sinh của hệ thống thần kinh; (3) Rối loạn chuyển hóa di truyền như chứng phenylceton niệu, galactose huyết, loạn lipid huyết, bệnh mucopolysaccharid; (4) Nhiễm khuẩn từ trong tử cung vì mẹ bị bệnh sởi khi mang thai, mẹ bị nhiễm virus cự bào, toxoplasma, hoặc bị bệnh giang mai; (5) Mẹ sử dụng các loại thuốc có khả năng sinh quái thai; (6) Hội chứng nghiện rượu phôi thai ở trẻ do người mẹ nghiện rượu sinh ra, thường kết hợp các dạng bất thường như chậm phát triển tâm thần, không bình thường ở đầu, mắt, mặt, hoặc dị tật tim bẩm sinh.
Về nguyên nhân chu sinh: Chết non, chết trong bụng mẹ, và chết sau khi sinh. Những trường hợp đẻ non (mà không được chăm sóc thích đáng), thiếu oxy, xuất huyết màng não và những biến chứng chu sinh khác có thể là nguyên nhân của thiểu năng trí tuệ.
Về nguyên nhân sau khi sinh: Viêm màng não, viêm não, bệnh AIDS, ngộ độc chì, thủy ngân, chấn thương sọ não,… ở trẻ em có thể là nguyên nhân gây chậm phát triển trí tuệ và suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng kết hợp với nhiễm khuẩn là một nguyên nhân gây thiểu năng trí tuệ hay gặp ở các nước đang phát triển.
Có vài mức độ về thiểu năng trí tuệ. Đây là vài phát hiện của y hoặc và khoa học:
– Thiểu năng trí tuệ sâu sắc: Dạng này ngày xưa gọi là “đần độn,” chỉ số thông minh (IQ – Intelligence Quotient) dưới 20. Họ không đủ khả năng tự phục vụ về nhu cầu sơ đẳng, sống thực vật đơn thuần và hầu như không thể nói, thường không làm chủ tiểu tiện và đại tiện, rối loạn tâm thần, rối loạn vận động và có dị dạng.
– Thiểu năng trí tuệ nặng: Dạng này ngày xưa gọi là “ngu ngốc,” chỉ số thông minh ở trong khoảng 20 và 35. Chậm phát triển tâm thần là trung bình nếu chỉ số thông minh ở trong khoảng 36 và 51. Nếu không có những rối loạn vận động, đứa trẻ tập đi và tập nói ở mức độ chậm, không đủ khả năng độc lập.
– Thiểu năng trí tuệ nhẹ: Dạng này có chỉ số thông minh ở trong khoảng 52 và 67, thường chỉ có thể nhận ra khi trẻ đến tuổi đi học. Ở trường, đứa trẻ có thể đạt được thành tích ở mức độ nào đó, nhưng cần được giám sát và trợ giúp.
– Thiểu năng trí tuệ giới hạn: Dạng này có chỉ số thông minh ở trong khoảng 68 và 85, khó có thể nhận ra trước tuổi đi học, khi đứa trẻ đi học mới có thể phát hiện thiểu năng trí tuệ vì quá trình học tập chậm chạp. Đứa trẻ có thể thích nghi tốt trong môi trường gia đình và có thể tự phục vụ các nhu cầu cá nhân.
Các liệu pháp thực hiện tùy mức độ nặng nhẹ của tình trạng chậm phát triển tâm thần, tùy điều kiện gia đình và xã hội. Trừ những trường hợp chậm phát triển tâm thần nặng, càng giữ trẻ bị chậm phát triển trí tuệ ở nhà càng tốt, và nhà trường phải có trách nhiệm chăm sóc chúng như những người khuyết tật.
Những người thiểu năng trí tuệ thật đáng thương. Có những tâm hồn thật đại lượng. Và cũng có những trường hợp khiến chúng ta mủi lòng!
- TẤM LÒNG BIỂN KHƠI
Suốt 20 năm qua, những đứa trẻ bị thiểu năng trí tuệ ở phường Trương Định (Hai Bà Trưng, Hà Nội) gọi cô Nguyễn Thị Côi là mẹ, cô giáo “mẹ” đã 72 tuổi. Đôi mắt đã mờ nhưng cô luôn dành cho học sinh ánh mắt trìu mến, ấm tình thương yêu.
Lớp học của cô Côi có 15 học sinh, mắc nhiều căn bệnh – thiểu năng trí tuệ, tự kỷ, nhiễm chất độc hóa học,… Gọi là “trẻ” nhưng họ đều đã lớn tuổi. Người lớn nhất sinh năm 1984, nhỏ nhất cũng sinh năm 1993, nhưng nhận thức của họ chỉ như đứa trẻ, nụ cười vẫn “hồn nhiên,” những câu hỏi rất ngây ngô.
Cô Côi dạy miễn phí. Học mỗi ngày hai buổi, chỉ nghỉ thứ bảy và Chúa nhật. Cô là cựu là hiệu trưởng trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, từng tham gia dự án giáo dục từ thiện dành cho trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật và thiểu năng trí tuệ của Tổ chức Plan năm 1995. Dạy học trò bình thường đã khó, dạy học trò bị thiểu năng trí tuệ hoặc khuyết tật còn khó hơn. Các em không thể ghi kiến thức vô bộ não, học trước quên sau, suy nghĩ lung tung.
Cô Côi bộc bạch: “Dạy những học trò như thế này, mình phải hiểu được tâm lý các em. Dù có thế nào, mình vẫn luôn phải nhẫn nại và nhẹ nhàng, nếu dạy chữ này một ngày em không nhớ, tôi sẽ dạy cho đến khi em nhớ ra, cho đến khi nào em ấy có thể đánh vần, làm toán.” Cô Côi có tâm hồn cao thượng nên mới kiên nhẫn được như vậy. Tấm lòng cô Côi là tấm lòng của người mẹ, sâu rộng như biển khơi. Thật đáng ngưỡng mộ!
Vốn là một người điên dại từ nhỏ, nhưng chị Rứa vẫn bị lợi dụng để rồi hai lần chị sinh con mà không biết cha chúng là ai. Nhiều năm qua, chị Rứa phải dắt theo hai người con bị thiểu năng trí tuệ sống lay lắt qua ngày, đoạn tháng. Cuộc sống bấp bênh, đói khát của ba con người điên dại trong căn nhà hoang đầy mùi hôi thối khiến không ít người cảm thấy xót xa.
- MỸ NHÂN ĐIÊN
Bà Trần Thị Rứa (sinh 1948) ở thị trấn Quán Hàu (Quảng Ninh, Quảng Bình), sinh ra đã là một đứa trẻ chậm chạp, sớm bộc lộ là đứa trẻ không bình thường. Dù vậy, cô Rứa đến tuổi mười tám, đôi mươi, đã có không ít chàng trai thầm tiếc nuối khi đứng trước một cô gái xinh đẹp nhưng… bị điên. Nhưng Rứa cũng biết yêu như bao cô gái khác cùng trang lứa.
Năm 1966, khi mới bước vào tuổi đẹp nhất đời người con gái, Rứa đã gặp được người tình trong mộng của mình. Không một lời cầu hôn, không một bàn tiệc cưới, Rứa chấp nhận sống với người đàn ông ấy. Nhưng Rứa đâu biết rằng “người tình trong mộng” kia chỉ thương hoa tiếc ngọc một chút cho cái nhan sắc “nghiêng nước, khuynh thành” của một “con dở hơi” chứ đâu có yêu thương chân thành!
Rứa vui sướng khi cảm nhận được một sinh linh bé nhỏ đang lớn dần lên trong mình. Nhưng niềm hạnh phúc của cô cũng không thể biến cô từ một kẻ điên trở thành một người bình thường. Sau chín tháng mười ngày, cô Rứa sinh ái nữ đầu lòng là Lê Thị Mùi (sinh 1967). Người mẹ điên loạn mà không có bà đỡ, nhưng rồi cũng mẹ tròn, con vuông.
Lọt lòng mẹ chưa được bao lâu, Mùi được phát hiện bị thiểu năng bẩm sinh, lúc nào cũng đờ đẫn, ngây dại, chứ không giống những đứa trẻ bình thường khác. Nhưng được sự giúp đỡ của gia đình, Rứa vẫn nuôi con lớn lên từng ngày. Và rồi Rứa lại sinh thêm cậu con trai thứ hai là Lê Văn Kiếm (sinh 1970). Con trai chào đời được một thời gian thì “người chồng hờ” của Rứa đi lấy vợ khác, có lẽ vì không thể vượt qua được định kiến xã hội để rước một cô gái điên về làm vợ. Chỉ thương cho cô Rứa, bất hạnh nối tiếp bất hạnh, vì cậu con trai thứ hai cũng giống y như chị của nó, ngay từ khi sinh ra đã “ngây dại.” Người bình thường chăm trẻ sơ sinh còn khó, vậy mà người mẹ điên như bà Rứa vẫn một mình chăm sóc và ở cạnh hai đứa con thơ. Thật lạ!
Những năm đầu, Rứa còn có người thân để dựa dẫm, chăm sóc. Nhưng rồi những người thân cũng lần lượt ra đi theo luật “sinh ký, tử quy,” để lại mẹ con cô trong căn nhà tồi tàn, dột nát đến không thể trú ngụ được nữa. Ba mẹ con điên dại này đã bỏ ngôi nhà của mình đến trú ngụ trong cái trạm y tế bỏ hoang từ hơn chục năm nay ở xã Lương Ninh. Ba mẹ con cứ lay lắt sống qua ngày đoạn tháng, ai thấy cũng mủi lòng, cám cảnh, thương tâm. Sự sống của ba mẹ con này đúng là phép lạ!
II- THIỂU NĂNG TRÍ KHÔN TÂM LINH
Ngược với thiểu năng trí khôn về thể lý là thiểu năng trí khôn về tinh thần – dạng “gần gũi” với thiểu năng trí khôn về tâm linh. Dạng thiểu năng trí khôn về tinh thần khó nhận biết hơn dạng thiểu năng trí khôn về thể lý. Thiểu năng dạng nào cũng “đáng sợ,” y học và khoa học cũng chỉ lần mò tìm hiểu từ những gì đã xảy ra rồi rút ra kết luận, chứ không thể làm chủ tình hình. Điều đó chứng tỏ có Thiên Chúa, và chúng ta thực sự RẤT CẦN Ngài, đúng như Đức Kitô đã nói: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 5:15)
Người thiểu năng trí khôn về tinh thần (gọi tắt: “thiểu năng tinh thần”) là những người yếu kém về tinh thần, sống nhu nhược, thậm chí là hèn nhát. Có thể nói rằng dạng thiểu năng này cũng không ít. Họ sống ích kỷ, lợi dụng, khinh người, nhỏ mọn, phe cánh,… Tuy không dùng từ rõ ràng, nhưng Thánh Phaolô có đề cập dạng thiểu năng này: “Vì ăn không ngồi rồi, họ học thói la cà hết nhà nọ đến nhà kia. Đâu phải chỉ ăn không ngồi rồi, họ còn nhiều chuyện, lăng xăng, nói năng bừa bãi.” (1 Tm 5:13) Ngửi thấy toàn mùi “hành” và mùi “tỏi,” nguy hiểm vô cùng!
Về tôn giáo, có một dạng thiểu năng nguy hiểm nhất: Thiểu năng trí khôn về tâm linh (gọi tắt: “thiểu năng tâm linh”) là những người yếu kém về đức tin, về đời sống đạo đức,… Chắc hẳn không ai lại không có những lúc đã từng bị “thiểu năng tâm linh.” Yếu đuối tâm linh như vậy mới đáng quan ngại! Điển hình là các kinh sư, thầy thông luật, nhóm Biệt Phái (Pharisêu),… Nói chung là những người kiêu căng, luôn tự nhận mình là Number One, là Số Dzách, là Cái Rốn Của Vũ Trụ, là Đệ Nhất Phàm Nhân, ưa đeo “kính mát sẫm màu.” Họ vừa yếu lại vừa đuối, vậy mà vẫn ảo tưởng về mình – kiểu như người Biệt Phái khúm núm mà lại “nổ” với Chúa rằng mình sống đạo đức, thánh thiện, rồi vênh váo chê trách người Thu Thuế vuốt mặt không kịp. (x. Lc 18:9-14)
Là con người, ai trong chúng ta đều đã có những lúc yếu đuối, không làm chủ được chính mình và có lúc ngã quỵ trên đường chinh phục ước mơ, vượt qua những thử thách trong cuộc sống. Sự yếu đuối vốn dĩ rất đậm “chất người,” rất đời thường, nhưng đôi khi nó lại là rào cản khiến chúng ta không thể bước tới đỉnh cao như mình mong muốn.
Thánh Phaolô là dân trí thức, mạnh mẽ trí tuệ, nhưng lại thiểu năng tâm linh, do đó mà ông truy sát bất kỳ ai dám tin nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, ông tưởng mình mạnh nhưng thực ra lại yếu xìu. Sau khi ngã ngựa chí mạng và mù mắt, Thánh Phaolô đã sáng con mắt đức tin. Khi đã hồi phục tâm linh, có lần ông thú nhận: “Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: ‘Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.’ Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.” (2 Cr 12:8-10) Sự yếu đuối của chúng ta là “bất trị,” nhưng đó lại là cơ hội để sức mạnh của Thiên Chúa được tỏ lộ rõ nét nơi chúng ta. Kỳ diệu quá!
Thiên Chúa biết chúng ta chỉ là hạt bụi nhỏ nhoi bay trong gió, nên Ngài “tội nghiệp” chúng ta lắm, nhất là những ai nhỏ bé, như tác giả Thánh Vịnh tâm sự: “Chúa là Đấng nhân từ chính trực, Thiên Chúa chúng ta một dạ xót thương, hằng gìn giữ những ai bé mọn, tôi yếu đuối, Người đã cứu tôi.” (Tv 116:5-6)
Phàm nhân muốn một đàng làm một nẻo, yếu đuối mà vẫn “chảnh,” ác mà tưởng mình hiền, xấu xa mà tự nhận mình đạo đức, vẫn tưởng mình “ngon,” dù chẳng làm nên trò trống gì: “Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi.” (Rm 7:18-20) Tội thật tồi tệ!
Ước gì chúng ta có thể vui mừng nói như Thánh Phaolô: “Nếu phải tự hào, thì tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi.” (2 Cr 11:30) Theo một mức độ nào đó, nhà soạn nhạc Beethoven đã khiêm nhường tự nhận mình yếu đuối khi ông nói: “Lạy Chúa, con viết được nhạc, ngoài ra con chẳng làm được gì khác.”
Chúa Giêsu đã nghiêm túc cảnh báo chúng ta: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối.” (Mt 14:38) Đó là dạng thiểu năng tâm linh rất nguy hiểm. Có nhiều liệu pháp điều trị thiểu năng tâm linh, chẳng hạn:
[1] “Anh hãy tránh xa các đam mê của tuổi trẻ, cố gắng trở nên người công chính, giàu lòng tin và lòng mến, ăn ở thuận hòa cùng những ai kêu cầu Chúa với tấm lòng trong sạch. Còn những tranh luận điên rồ và ngu xuẩn, anh hãy gạt ra một bên, vì biết rằng những thứ ấy sinh ra cãi cọ.” (2 Tm 2:22-23)
[2] “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé.” (1 Pr 5:8)
[3] “Hãy coi chừng kẻo sự tự do của anh em nên dịp cho những người yếu đuối sa ngã.” (1 Cr 8:9)
Khi đã phục hồi đức tin, phục hồi tâm linh, chúng ta phải biết nghĩ tới người khác: “Bổn phận của chúng ta, những người có đức tin vững mạnh, là phải nâng đỡ những người yếu đuối, không có đức tin vững mạnh, chứ không phải chiều theo sở thích của mình.” (Rm 15:1) Thật vậy, chỉ muốn vào Nước Trời một mình là ích kỷ. Ích kỷ thì làm sao vào Nước Trời được chứ?
Người Việt có câu: “Có ăn nhạt mới biết thương mèo.” Có té ngã rồi mới biết đau. Có khổ rồi mới biết chạnh lòng thương người khác: “Hãy khuyên bảo người vô kỷ luật, khích lệ kẻ nhút nhát, nâng đỡ người yếu đuối, và kiên nhẫn với mọi người.” (1 Tx 5:14) Cuộc sống luôn có những điều-trái-ngược-kỳ-lạ, không thể hiểu trong một sớm một chiều: “Những bộ phận xem ra yếu đuối nhất thì lại là cần thiết nhất.” (1 Cr 12:22)
Thật vậy, dù biết là sự thật, thực tế đời thường cũng vẫn thấy, nhưng nếu không có đức tin thì người ta khó có thể chấp nhận: “Gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí.” (1 Cr 15:42-44) Người chấp nhận yếu đuối thì cũng chấp nhận thiệt thòi, điều mà Chúa Giêsu đã đề cao: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.” (Mt 5:10-11)
Quả là “căng” quá chừng, “căng” thật đấy. Chúa biết thừa. Vì thế mà Ngài động viên: “Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.” (Mt 5:12)
Có thể coi một dạng “thiểu năng tâm linh” khác là tình trạng bị quỷ ám. Ngày nay hầu như không còn thấy, nhưng thời xưa thì thường thấy: “Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến gặp Đức Giêsu để Ngài trừ các thần dữ và chữa lành mọi kẻ ốm đau.” (Mt 8:16; Mc 1:32)
Trình thuật Mt 9:32-34 cho biết: Họ vừa đi ra thì người ta đem đến cho Đức Giêsu một người câm bị quỷ ám. Khi quỷ bị trục xuất rồi, người câm nói được. Dân chúng kinh ngạc, nói rằng: “Ở Israel, chưa hề thấy thế bao giờ.” Nhưng người Pharisêu lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.” Vẫn lại tụi Pharisêu, chỗ nào rắc rối là có mặt, thọc gậy bánh xe đủ thứ. Đúng là bất trị với những con người “thiểu năng tâm linh” như vậy!
Trình thuật Mt 12:43-45 cho biết: Nhóm Biệt Phái xin dấu lạ, Chúa Giêsu không cho dấu lạ nào khác ngoài dấu lạ Giôna. Ngài nói: “Khi thần ô uế xuất khỏi một người, nó đi rảo qua những nơi khô cháy, tìm chốn nghỉ ngơi mà tìm không ra. Bấy giờ nó nói: ‘Ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta đã bỏ ra đi.’ Khi đến nơi, nó thấy nhà để trống, lại được quét tước, trang hoàng hẳn hoi. Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc, tình trạng của người ấy lại còn tệ hơn trước. Thế hệ gian ác này rồi cũng sẽ bị như vậy.”
Trình thuật Mt 15:21-28 cho biết: Ra khỏi đó, Đức Giêsu lui về miền Tia và Siđôn, thì này có một người đàn bà Canaan, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: “Lạy Ngài là con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!” Nhưng Người không đáp lại một lời. Người đáp: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi.” Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!” Người đáp: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” Bấy giờ Đức Giêsu đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.”
Trình thuật Mt 17:14-21 cho biết: Khi thầy trò đến với đám đông, thì có một người tới quỳ xuống trước mặt Đức Giêsu và nói: “Thưa Ngài, xin thương xót con trai tôi, vì cháu bị kinh phong và bệnh tình nặng lắm: nhiều lần ngã vào lửa, và cũng nhiều lần ngã xuống nước. Tôi đã đem cháu đến cho các môn đệ Ngài chữa, nhưng các ông không chữa được.” Đức Giêsu đáp: “Ôi thế hệ cứng lòng không chịu tin và gian tà! Tôi còn phải ở với các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem cháu lại đây cho tôi.” Đức Giêsu quát mắng tên quỷ, quỷ liền xuất, và đứa bé được khỏi ngay từ giờ đó. Bấy giờ các môn đệ đến gần hỏi riêng Đức Giêsu rằng: “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy.” Người nói với các ông: “Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này ‘rời khỏi đây, qua bên kia!’ nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được.”
Chúa Giêsu xác định: “Giống quỷ này không chịu ra, nếu người ta không ăn chay cầu nguyện.” (Mt 17:21) Chúa Giêsu luôn đề cao việc cầu nguyện, và đó là lời Ngài nhắc nhở chúng ta phải chuyên cần cầu nguyện liên lỉ để lợi ích cho chính mình, cho tha nhân, cho các linh hồn. Cầu nguyện vừa là biệt dược vừa là lương thực của linh hồn. Vì quá yếu đuối, chắc chắn chúng ta phải luôn tỉnh thức để “đánh điện tín” báo khẩn lên Thiên Chúa, và hãy tha thiết cầu xin như Giáo hoàng Tiên khởi Phêrô: “SOS, Chúa ơi! Con chìm mất, Thầy ơi!” (Mt 14:30)
Voltaire nhận định: “Nước mắt là ngôn ngữ câm lặng của nỗi đau buồn.” Thật dễ lau sạch nước mắt, như lại thật khó xóa sạch vết nước mắt nơi trái tim. Nước mắt là dấu chỉ sự yếu đuối. Người ta bật khóc vì yếu đuối, không chịu nổi “sức ép” tâm lý nào đó. Nhưng dù trong tình trạng nào, chúng ta cũng “đừng tuyệt vọng,” (2 Cr 4:8) “đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi,” (Ga 14:27) cứ “tin vào Thiên Chúa.” (Ga 14:1) Tại sao? Thiên Chúa đã giao ước: “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi: ngươi là của riêng Ta!” (Is 43:1)
Thiên Chúa đã gọi và chọn mỗi người theo cách riêng để hoàn tất công cuộc cứu độ của Ngài. Thế là an tâm, chẳng gì phải lo ngại, chẳng gì phải giấu giếm, mà hãy cứ hãnh diện về sự yếu đuối của mình. Đặc biệt là đừng quên chân thành thực hiện lời Đức Kitô đã truyền dạy: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài! – Jezu, ufam Tobie! – Jesus, I trust in You.”
TRẦM THIÊN THU