Home / Chia Sẻ / CHUYỆN VỀ SÓNG

CHUYỆN VỀ SÓNG

CHUYỆN VỀ SÓNGSóng liên quan nước – sông và biển. Sóng có nhiều loại: Sóng to, sóng nhỏ, sóng cao, sóng thấp, sóng cồn, sóng cả, sóng bạc đầu, sóng thần,… Sóng còn mang nghĩa khác như sóng truyền hình, sóng phát thanh, sóng điện, sóng từ,… thậm chí còn nói là làn sóng người. Chắc hẳn nguy hiểm nhất và đáng sợ là sóng cám dỗ, sóng tội lỗi, sóng mê đắm, sóng thù hận,… Các xu hướng xấu càng ngày càng xuất hiện nhiều, đó là “con sóng” nguy hiểm!

Về điện tử, sóng còn gọi là bước sóng, có chuyển động với tần số dài hoặc ngắn, và có tác dụng khác nhau. Sóng phát thanh có tần số ngắn thì phát đi xa, sóng phát thanh có tần số dài thì phát đi gần. Trong vật lý, sóng là sự lan truyền của dao động, sóng có thể mang theo năng lượng, lan truyền trong nhiều môi trường khác nhau, cũng có thể bị đổi hướng (bởi khúc xạ, phản xạ, tán xạ, nhiễu xạ,…), và có thể thay đổi năng lượng bởi hấp thụ, bức xạ,… thậm chí là thay đổi cấu trúc – như thay đổi tần số, môi trường phi tuyến tính,…

Sóng nước có nghĩa đen và nghĩa bóng. Trình thuật Mc 4:35-41 (≈ Mt 8:23-27; Lc 8:22-25) nói về sóng biển theo nghĩa đen, nhưng cần hiểu sóng theo nghĩa bóng trong đời sống, nhất là về tâm linh.

Thánh Máccô cho biết rằng, vào một buổi chiều, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!” Vâng lời Thầy, các ông chở Ngài đi. Trời quang mây tạnh, hiu hiu gió mát, thuyền nhẹ lướt sóng,… Nhưng bỗng dưng một trận cuồng phong nổi lên, sóng dâng cao, ập nước vào đầy thuyền. Trong khi đó, Chúa Giêsu ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Ngài dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” Ngài thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. Rồi Ngài bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”

Những người chưa đi tàu thuyền có lẽ khó cảm nhận sức mạnh và sự nguy hiểm của những đợt sóng. Còn trong cuộc sống, ai cũng có kinh nghiệm về những “con sóng” bất ngờ duềnh lên khiến “con thuyền đời” chao nghiêng. Đó là lúc người ta nhận biết chính mình, nhận ra mình có sức mạnh tinh thần và có can đảm hay không.

Là con người, ai cũng cảm thấy sợ, nhưng quan trọng là có thể lấy lại bình tĩnh hay không. Vua Đavít đã từng than: “Sóng tử thần dồn dập chung quanh, thác diệt vong làm tôi kinh hãi, màng lưới âm ty bủa vây tứ phía, bẫy tử thần ập xuống trên tôi.” (2 Sm 22:5-6) Và ông vội vàng kêu cầu: “Lạy Chúa Trời, xin cứu vớt con, vì nước đã dâng lên tới cổ. Con bị lún sâu xuống chỗ sình lầy, chẳng biết đứng vào đâu cho vững, thân chìm ngập trong dòng nước thẳm, sóng dạt dào đã cuốn trôi đi.” (Tv 69:2-3)

Lo lắm. Sợ lắm. Hãi hùng lắm. Và như phản xạ tự nhiên, tín nhân phải kêu xin Chúa: “Xin Ngài kéo con lên cho khỏi lún xuống chỗ sình lầy, cho con thoát tay thù, thoát dòng nước thẳm. Xin đừng để sóng cồn cuốn con đi, đừng để cho vực thẳm nuốt con vào, và miệng hố sâu ngậm lại, chôn sống.” (Tv 69:15-16) Khi phạm tội, người ta sợ sóng hơn vì có thể cảm nhận mức đau khổ: “Cơn giận Chúa đè nặng thân con như sóng cồn xô đẩy dập vùi.” (Tv 88:8) Chắc chắn “không ai cứu khỏi tay Chúa” (Đnl 32:39) vì “mọi sự đều do Ngài” (Hc 11:14) mà thôi. Chạy trời không khỏi nắng. Phàm nhân thúc thủ, chỉ Thiên Chúa có thể hành động: “Chính Ngài chế ngự trùng dương ngạo nghễ, dẹp yên bao sóng cả sóng cồn.” (Tv 89:10)

Một danh nhân nào đó có ý tưởng thâm thúy về cuộc sống: “Nhìn lại phía sau và có kinh nghiệm; nhìn lên phía trước và thấy hy vọng; nhìn ra xung quanh và thấy thực tại; nhìn vào nội tâm và thấy chính mình.” Kinh nghiệm rất cần thiết, vô hình mà vô giá, Albert Einstein dày kinh nghiệm sau những thí nghiệm thất bại, ông xác định: “Nguồn tri thức duy nhất là kinh nghiệm.” Muốn có kinh nghiệm thì phải can đảm – không liều lĩnh hoặc nhút nhát. Phải dám làm, dám thử thì mới có thể thành công. Nhưng có những thứ không nên thử mà vẫn có thể “trải nghiệm” ở mức độ nào đó, và phải tránh xa: ma túy, tội lỗi,…

Xin cảm ơn những thử thách và khó khăn trong cuộc sống, vì nhờ đó mà có được cơ hội trải nghiệm sống. Niềm tin như một tờ giấy, khi nó bị vò nát thì sẽ không thể làm phẳng phiu như trước. Rất cần duy trì niềm tin, vì mất niềm tin là mất tất cả. Nguyện xin Thiên Chúa ban thêm đức tin và lòng can đảm!

TRẦM THIÊN THU

Chiều Hạ Chí, 20-06-2024

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …