Home / Chia Sẻ / CHUYỆN TO – NHỎ

CHUYỆN TO – NHỎ

h1_resizeTrong cuộc sống có nhiều thứ to – nhỏ, cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Có những thứ to mà lại chỉ là nhỏ, có những thứ nhỏ mà lại hóa to. Có những cái đầu to mà chứa những ý tưởng nhỏ, có những chiếc cặp nhỏ mà chứa những dự án to, có những dự án to mà hiệu quả lại nhỏ, có những ông nhỏ mà quyền lại to, mối nguy nhỏ mà mối hại to, lỗ rỉ nhỏ làm đắm thuyền to,… Cứ thế và cứ thế!

Là “người lớn” mà hòa đồng, khiêm nhường, coi mình là “người nhỏ”, thế mới là khéo sống và khôn ngoan, và đó mới đúng nghĩa “lớn” mà Chúa Giêsu đề cập. Thật vậy, Chúa Giêsu đã xác định: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20:26-27). Chính Ngài đã nêu gương phục vụ qua việc rửa chân các môn đệ, đặc biệt là Ngài vẫn rửa chân cho cả Giuđa mặc dù Ngài biết đó là kẻ sắp sửa “bán đứng” Ngài.

Thông thường, “thùng rỗng” vốn dĩ “kêu to”, càng rỗng càng kêu to. Bởi vì cái trống rỗng tuếch nên nó kêu to lắm; quả bong bóng cũng thế, nó càng to và càng rỗng thì càng nổ to!

Có những “người lớn” thực sự mà lại hóa “nhỏ bé”. Nếu không tự thu mình nhỏ lại thì Thiên Chúa không thể lớn lên trong chúng ta. Một trong những người gây “ấn tượng” mạnh mẽ là Thánh GH Gioan XXIII (1881-1963), người được mệnh danh là “ông già tốt lành và nhân từ”.

Khi chưa làm giáo hoàng, trong ngày nhận chức thượng phụ Venezia năm 1953, Thánh Gioan XXIII đã bộc bạch: “Đời giám mục mà cứ phải ngồi bàn giấy và làm ngoại giao thì tội nghiệp quá. Tôi bắt đầu sứ vụ trực tiếp vào tuổi mà người khác kết thúc hoạt động của mình (72 tuổi). Từ nay tôi nghèo hơn trước, một vị hồng y nghèo lo giúp người nghèo… Tôi thấy mình như một bà mẹ nghèo, phải nuôi một đoàn con đông đảo. Tôi xuất thân từ giới bình dân. Cha mẹ tôi là người nghèo. Chúa đã đưa tôi ra khỏi xóm làng quê hương, cho tôi chung đường và kề vai sát cánh với những người có tín ngưỡng khác nhau. Bây giờ cũng vậy, tôi không quan tâm đến những gì gây chia rẽ mà chỉ quan tâm đến những gì gây tình đoàn kết. Xin anh chị em hãy coi tôi như một tôi tớ của Chúa”.

Không chỉ vậy, ngài còn đơn sơ tự bạch: “Sinh ra nghèo, do cha mẹ nghèo nhưng khả kính, tôi đặc biệt sung sướng khi được chết nghèo. Bất luận tôi đi đâu, nếu ban đêm có người nào lỡ đường trước cửa nhà tôi, họ sẽ thấy cửa sổ tôi luôn có ngọn đèn sáng. Xin đừng ngại, hãy cứ gõ cửa. Tôi sẽ không hỏi anh em là Công Giáo hay không, nhưng chỉ xin người anh em cứ vào, sẽ có đôi tay thân ái đón tiếp và tấm lòng thân thiện nồng hậu rộng mở”.

Gương sáng và lớn như thế mà không soi, lẽ nào lại muốn soi gương mờ và nhỏ? Chuyện To và Nhỏ hẳn là có liên quan “chức quyền” – gồm chức tước và quyền hành. Chức vụ và chức danh nghe có vẻ giống nhau, nhưng có phần khác nhau quan trọng. Chức danh đề cập phẩm tước, còn chức vụ đề cập công việc, trách nhiệm và bổn phận về chức vụ – gọi là chức phận.

Theo đó, chức danh không cần có chuyên môn, nhưng chức vụ cần có chuyên môn. Danh từ “chức sắc” thường dùng trong tôn giáo, tức là nói về những người có chức vụ nào đó. Người có chức vụ mà không làm đúng chức năng thì chỉ là “hữu danh vô thực”, là “bù nhìn”, là hình nộm, chẳng khác gì ma-nơ-canh (mannequin, người giả ở các tiệm trang phục). Có “chức” thì tất nhiên có “vụ” kèm theo. Loại người “ham Chức, quên Vụ” thì chẳng làm nên trò trống gì, đôi khi còn phá bướng, nhưng lại hay lên mặt “ta đây”. Chúa rất ghét loại người “ta đây” như thế!

Kinh Thánh Cựu Ước cho biết rằng, viên quan Sép-na là tể tướng triều đình (tương tự thủ tướng ngày nay), được người ta coi là “người hùng”, nhưng Đức Chúa tuyên phán thẳng thắn và rõ ràng: “Ta sẽ tống ngươi khỏi chức vụ, Ta sẽ đuổi ngươi khỏi địa vị. Ngày ấy, Ta sẽ gọi tôi tớ Ta là En-gia-kim, con của Khin-ki-gia-hu. Áo thụng của ngươi, Ta sẽ lấy mặc cho nó, cân đai của ngươi, Ta sẽ đem thắt cho nó, quyền bính của ngươi, Ta sẽ trao vào tay nó, nó sẽ là cha đối với cư dân Giêrusalem và với nhà Giuđa. Chìa khoá nhà Đa-vít, Ta sẽ đặt trên vai nó. Nó mở ra thì không ai đóng được, nó đóng lại thì không ai mở được. Ta sẽ làm cho nó vững chắc như đinh đóng cột, nó sẽ nên như ngai vinh hiển cho nhà cha nó” (Is 22:19-23). Quyền “tháo cởi” này trong Cựu Ước có liên quan quyền “tháo cởi” trong Tân Ước: Bí tích Hòa Giải.

Chắc chắn Thiên Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, giàu lòng xót thương, nhưng Ngài cũng rất thẳng thắn và dứt khoát. Ngài đã cho chúng ta thời gian để sửa đổi, nếu không chịu chấn chỉnh, chúng ta sẽ bị Ngài tước hết. Có lần chính Chúa Giêsu đã minh định: “Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất” (Mt 13:12; Mt 25:29; Mc 4:25; Lc 8:18; Lc 19:26). Một lần khác, Ngài nói rõ: “Cây nào mà Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời đã không trồng thì sẽ bị nhổ đi” (Mt 15:13). Thật là đáng sợ biết bao!

Nhưng trái lại, nếu người có lỗi biết sám hối và sửa sai, Chúa sẵn sàng tha thứ và phục hồi nguyên trạng: “Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta” (Tv 103:12). Sau khi Ép-ra-im sám hối, Thiên Chúa nói về Ép-ra-im: “Mỗi lần nhắc tới nó, Ta lại thấy nhớ thương, nên lòng Ta bồi hồi thổn thức, Ta thương nó, thương nó thật nhiều”(Gr 31:20). Ôi, thật là trên cả tuyệt vời! Và Thiên Chúa cũng luôn ưu ái với mỗi tội nhân chúng ta y như vậy. Hãy vững lòng tin, phải “tin” chứ đừng “tưởng”.

Hiền nhân Khổng Tử xác định: “Có lỗi mà không sửa mới thành ra có lỗi”. Tuy nhiên, Lời Chúa có lúc làm chúng ta vui mừng, rồi cũng có khi làm chúng ta đau điếng, nhưng tất cả vẫn là Hồng Ân, Ngài luôn lắng nghe và thấu hiểu nỗi lòng của mọi người. Thánh Vịnh gia đã thành tâm thân thưa: “Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ, Ngài đã nghe lời miệng con xin. Giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính Chúa, hướng về đền thánh, con phủ phục tôn thờ. Xin cảm tạ danh Chúa, vì Ngài vẫn thành tín yêu thương, đã đề cao danh thánh và lời hứa của Ngài trên tất cả mọi sự” (Tv 138:1-2).

Thánh nhân nào cũng có một quá khứ đen tối, và tội nhân nào cũng có một tương lai xán lạn. Và dù cho chúng ta có thế nào thì cũng vẫn cần tâm tình tạ ơn, một động thái rất cần thiết vì nhiều lý do, vừa minh nhiên vừa mặc nhiên: “Ngày con kêu cứu, Chúa đã thương đáp lại, đã gia tăng nghị lực cho tâm hồn. Lạy Chúa, mọi đế vương dưới trần đều cảm tạ khi nghe những lời miệng Ngài phán ra. Họ sẽ ca ngợi đường lối Chúa: Vinh quang Chúa vĩ đại dường bao!” (Tv 138:3-5).

Và còn hơn thế nữa, Thiên Chúa làm cho chúng ta đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, và chúng ta chẳng bao giờ hiểu nổi lòng thương xót bao la vô tận của Ngài: “Chúa tuy thật cao cả, nhưng vẫn nhìn đến kẻ thấp hèn; đứa ngạo mạn ngông nghênh, từ xa Ngài đã biết. Việc Chúa làm cho con, Ngài sẽ hoàn tất; lạy Chúa, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Công trình do tay Ngài thực hiện, xin đừng bỏ dở dang” (Tv 138:6 và 8). Được thương xót nhiều hay ít là tùy vào niềm tin của mỗi người: “Ai tin thế nào thì được như vậy” (Mt 8:13; Mt 9:29).

Vừa đặt vấn đề vừa giải thích, Thánh Phaolô minh định: “Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa? Ai đã làm cố vấn cho Người? Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau? Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời! Amen” (Rm 11:33-36). Những vấn đề như thế này cũng vẫn còn nóng bỏng và nhức nhối ở mọi thời đại. Đó cũng là những câu hỏi để mỗi chúng ta tự trắc nghiệm và tự cân-đo-đong-đếm mức độ tín thác của mình vào Thiên Chúa.

Có lẽ đây là dạng câu hỏi không xa lạ gì: “Tại sao tôi tin vào Thiên Chúa? Ngài là ai mà tôi tin?”. Đó là nghi vấn người ta vẫn luôn đặt ra ở mọi thời đại. Người vô thần cho rằng người hữu thần (cụ thể là Kitô hữu) chỉ ảo tưởng và mơ hồ, nhẹ dạ nên bị tôn giáo “ru ngủ” và mê hoặc. Người ta cũng muốn dùng các tiến bộ khoa học hoặc bất cứ thứ gì khác để chứng minh rằng “không có Thiên Chúa”, nhưng tất cả đều vô vọng. Đức Tin cần có lý trí, nhưng phải là lý trí “trong suốt”, dùng lý trí để cố ý chối bỏ và không tin thì hoàn toàn bất trị – nói khôi hài theo ngôn ngữ thời @ là “bó-tay-chấm-com” (BoTay.com). Vâng, chắc là phải “bó tay chống cằm” mà suy tư và ngán ngẩm sự đời thôi! Người vô thần càng cố tìm cách chối bỏ Thiên Chúa thì họ càng đi vào ngõ cụt, hoàn toàn bế tắc. Thật vậy, chính một Saolê giỏi giang và bạo tàn đến thế, nhưng rồi cũng đành phải “bó tay”, chịu đầu hàng Thiên Chúa, để rồi trở nên một con người hoàn toàn khác, một Phaolô thuần hóa và nhiệt thành rao giảng Chúa-Giêsu-Kitô-chịu-chết-và-phục-sinh. Một sự đối lập rất “thuận chiều”, một dạng nghịch-lý-thuận.

Ngay trước thời điểm Chúa Giêsu công khai sứ vụ, Ngôn sứ Gioan phải chịu cảnh tù đày nên ông đã bảo đệ tử đến gặp Chúa Giêsu và hỏi xem Ngài có phải là Đấng phải đến hay còn phải đợi ai khác. Ngài không trả lời rõ ràng mà chỉ nói: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Mt 11:4-6). Rồi trong lúc xét xử Chúa Giêsu, vị thượng tế cũng muốn thể hiện quyền bính mà hỏi: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Đấng Kitô Con Thiên Chúa không?” (Mt 26:63; Mc 14:61). Chúa Giêsu nói: “Chính ngài vừa nói” (Mt 64). Thánh Luca thuật lại chi tiết hơn về câu trả lời của Chúa Giêsu: “Tôi có nói với các ông, các ông cũng chẳng tin; tôi có hỏi, các ông cũng chẳng trả lời” (Lc 22:67-68). Và rất có thể chúng ta cũng đã hoặc đang có những lúc tự hỏi về Thiên Chúa như vậy. Cũng có thể đức tin của chúng ta là “theo thói quen” chứ chưa thấm sâu, ở ngọn và ở cành chứ chưa hẳn tới gốc rễ.

Qua trình thuật Mt 16:13-20, Thánh Mátthêu cho biết: Một hôm, khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Ngài hỏi các môn đệ xem người ta nói Ngài là ai. Hỏi để mà hỏi vậy thôi, chứ Ngài biết rõ mười mươi rồi. Ngài hỏi là để người khác tự xác tín. Và rồi các ông cho Ngài biết: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ”. Mỗi người mỗi ý, mỗi người mỗi cách nhìn, nhưng chung quy vẫn coi Ngài là một người “đặc biệt”, rất đặc biệt.

Ngay sau đó, Ngài hỏi chính các đệ tử của mình xem họ nhìn nhận Ngài như thế nào. Ông Simôn Phêrô thưa ngay: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:16). Đức Giêsu vui mừng cho biết: “Này anh Simôn, con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16:17-19). Ý Chúa quan phòng và tiền định vô cùng kỳ diệu, chúng ta chẳng làm sao suy thấu. Nghe ông Phêrô nói vậy, Ngài cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Ngài là Đấng Kitô.

Và kể từ đó, Ngư phủ Phêrô đã trở thành Giáo hoàng tiên khởi với quyền tối thượng. Chiếc chìa khóa mà Sư phụ Giêsu trao cho đệ tử Phêrô là Chìa-Khóa-Yêu-Thương-và-Tha-Thứ, là chiếc Chìa Khóa đặc biệt có thể mở Cửa Nước Trời, để mở “lối vào” cho các hối nhân, chứ không là Chìa-Khóa-Nhà-Tù để giam hãm người khác. Có chức thì có quyền, nhưng cũng đầy bổn phận và trách nhiệm. Quyền cũng đi với Hành, gọi là quyền hành, thế nên đôi khi những người có quyền thì cũng dễ lạm dụng rồi khoái “hành” người khác. Việt ngữ thâm thúy thật!

Có một câu chuyện về một Tượng Chịu Nạn rất đặc biệt, liên quan Bàn Tay của Chúa. Chuyện kể rằng tại một nguyện đường của tu viện St. Ann & St. Joseph ở Cordoba, Tây Ban Nha, có một Thánh Giá cổ được giáo hữu rất tôn sùng: Thánh Giá tha tội. Tượng này đặc biệt là có cánh tay phải rời khỏi Thập Giá và hạ thấp xuống.

Một hôm, có một tội nhân đến xưng tội với linh mục ngay dưới chân Thánh Giá này. Như thường lệ, mỗi khi giải tội cho một hối nhân mắc nhiều tội trọng, linh mục này thường tỏ ra rất nghiêm khắc, ra việc đền tội nặng và ngăm đe nhiều điều.

Không bao lâu, người đó sa ngã và lại đến xưng tội. Linh mục đe dọa rằng đó là lần cuối cùng giải tội cho người đó. Sau một thời gian, anh ta lại đến xưng tội với linh mục cũng ở bên Thánh Giá này, nhưng linh mục kia dứt khoát nói: “Ông đừng có đùa với Chúa. Tôi không thể ban phép giải tội cho ông nữa”.

Lạ thay, khi linh mục vừa khước từ hối nhân thì Chúa Giêsu liền rút tay phải ra khỏi Thánh Giá và ban phép lành cho hối nhân, rồi Chúa Giêsu thì thầm từ trên Thánh Giá: “Chính Ta là người đã đổ máu ra cho người này, chứ không phải ngươi!”. Rất đáng “giật mình” lắm, bởi vì “khí cụ” đã dám lộng hành vì lạm dụng “quyền” để “hành” người khác!

Chúa Giêsu trao quyền “tháo cởi” không phải là thích thì cởi, không thích thì thôi. Thế nhưng điều đó đã bị người ta hiểu sai và lạm dụng. Bài học “tha bảy mươi lần bảy” (Mt 18:21-22) và dụ ngôn “tên mắc nợ không biết thương xót” (Mt 18:23-25) vẫn còn đó, vẫn mới tinh và vẫn nóng hổi!

Bản tính con người rất dễ háo danhhám lợi, vì có “cái danh” thì thường có kèm theo “cái lợi”. Chức danh càng cao, bổng lộc càng nhiều. Điều này xảy ra trong xã hội thì quá rõ ràng, từ cổ chí kim và từ Đông sang Tây đều có, nhưng ngay trong Giáo hội cũng có những người không thoát khỏi vòng kiềm tỏa của DANH và LỢI. Người ta chú trọng “cái danh” mà quên “cái phận”, trong khi “cái phận” cần thiết hơn “cái danh”. Thật vậy, Đức Kitô đã động viên người ta làm “ngược đời” chứ không theo lẽ thường: “Nhiệt tâm phục vụ, không mong hưởng thụ” (x. Mt 20:28). Hai động thái trái ngược mà vẫn xuôi chiều, thuận lý.

Hẳn là nhiều người còn nhớ điều thú vị này: Thứ Sáu 1-8-2014, ĐGH Phanxicô (TGM Jorge Mario Bergoglio ngày nào luôn gần gũi đám dân nghèo) đã bất ngờ đến ăn trưa tại một tiệm ăn bình dân dành cho các công nhân áo xanh và những người lao công trong khu công nghiệp nhỏ ở Vatican. Ngài vẫn tự cầm khay và đứng xếp hàng chờ đến lượt mình nhận thức ăn nơi quầy thức ăn làm sẵn, giống như mọi người, không nhận quyền ưu tiên nào, đi đây đó thì tự xách cặp. Điều này chứng tỏ lời ngài là thật đối với câu nói của ngài đã phát biểu trước đám đông giới trẻ: “Tôi không muốn làm giáo hoàng đâu”.

h2Ai cũng biết rằng Giáo hoàng là “vua” của Công giáo, tức là “ông lớn” thực sự, thế nhưng “ông lớn” lại thích làm “ông nhỏ”, tự phục vụ chứ không cần người khác phục vụ, còn nhiều “ông nhỏ xíu” lại muốn biến thành “ông lớn”, chẳng khác gì truyện thơ ngụ ngôn “Ếch Muốn Bằng Bò” (La Grenouille Qui Veut Se Faire Aussi Grosse Que Le Bœuf) của Jean de La Fontaine (Pháp). Vừa khôi hài, vừa đau điếng!

Cổ nhân nói: “Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư yên” (Trong ba người cũng có một người làm thầy). Tất nhiên là thế thôi! Tự nhiên, chức vụ là để phục vụ chứ không để tự tôn hoặc lên mặt với người khác. Mỗi người đều được Thiên Chúa mời gọi hoạt động trong một lĩnh vực nào đó để cộng tác với Ngài mà hoàn tất công trình cứu độ của Thiên Chúa, không ai được phép “ngồi mát ăn bát vàng”, rung đùi hưởng nhàn. Người ta thích “nói hay” về sự phục vụ nhưng chưa chắc muốn phục vụ. Người ta cũng leo lẻo nói rằng “lao động là vinh quang”, nhưng rồi có mấy ai thích vinh quang mà chỉ ưa ung dung tự tại, chỉ tay năm ngón, và… hốt bạc tỷ. Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi. Thế là ô-kê. Xong. Đời cũng thế mà đạo cũng vậy!

Nói được thì phải làm được, đừng nói trước rồi bước không qua, đó là “lẻo mép”, là ba hoa, là giả hình. Viết được thì cũng phải làm được, đừng viết lắm mà nắm không xong, đó là “lẻo bút”, là phét lác. Dạng “lẻo” nào cũng chết. Chết chắc! Vì đó là người có “máu” Pharisêu, mang gien-đạo-đức-giả, đúng như Ngôn sứ Isaia đã nói trước: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân” (Mt 15:8-9). Dạng người như vậy “được” Chúa Giêsu gọi là “mồ mả tô vôi” (Mt 23:27). Một biệt hiệu (nickname) nghe rất “kêu”, nhưng lại cảm thấy “nhột gáy” quá chừng! Thánh Phaolô cũng “phang” thẳng: “Lạ gì đâu! Vì chính Satan cũng ĐỘI LỐT thiên thần sáng láng! Vậy có gì là khác thường khi kẻ phục vụ nó ĐỘI LỐT người phục vụ sự công chính” (2 Cr 11:14-15).

Thiết tưởng cần ghi nhớ rạch ròi để đừng ảo tưởng: Trước mặt Thiên Chúa, ai cũng bình đẳng, chẳng ai hơn hoặc kém ai, và mọi người là con cái Chúa thì tất nhiên cũng là anh em với nhau (x. Mt 23:8). Chắc chắn Chúa không quan tâm cái CHỨC mà chỉ xét đến cái VỤ. Mười nén, năm nén, ba nén,… thậm chí là nửa nén cũng không thành vấn đề, quan trọng là SINH LỜI hay không. Vậy thôi! Thế nhưng ở đời cũng “lắm chuyện”. Không nói thì người ta bảo hèn nhát, a dua, nịnh hót, theo đóm ăn tàn. Dám nói thẳng nói thật thì bị ghét bỏ, bị trù dập, bị xa lánh. Dốt nát thì bị KHINH, thông minh thì bị GHÉT. Chúa Giêsu cũng chỉ vì thẳng-thắn-thật-thà nên thiệt thòi, bị mỉa mai đủ thứ, và rồi còn bị giết chết thê thảm!

Rất cần can đảm, tức là “dám” nhìn vào sự thật và đối mặt với kẻ giả nhân giả nghĩa. Dù sao thì cũng PHẢI cứ là chính mình, không nịnh bợ, luồn cúi hoặc khép nép trước bất cứ ai – dù ông to hay bà nhỏ, nhưng cũng không hống hách hoặc khinh miệt bất cứ ai. Cứ bình thường!

Thánh Phaolô cho biết: “Kẻ trồng người tưới đều NHƯ NHAU, nhưng ai nấy sẽ được thù lao theo công khó của mình” (1 Cr 3:8). Thiên Chúa muốn chúng ta cộng tác với Ngài, mỗi người mỗi việc, tùy khả năng Chúa ban. Đó là Ngài chia sẻ công việc để chúng ta làm mà có thêm công trạng theo danh chính ngôn thuận, chứ Ngài đâu cần gì chúng ta góp một tay. ĐGH danh dự Benedict XVI, khi còn đương nhiệm, đã nhận xét: “Kitô giáo không là triết lý mới hoặc luân lý mới. Chúng ta chỉ là Kitô hữu nếu chúng ta gặp gỡ Đức Kitô. Chỉ trong mối quan hệ riêng với Đức Kitô, Đấng phục sinh, chúng ta mới thực sự là Kitô hữu”.

h3Con người luôn khắc khoải về thân phận hoặc số phận, luôn thao thức về chính mình, một hạt bụi nhỏ nhoi mà đầy nỗi gian truân, nỗi đọa đày. Cố NS Trịnh Công Sơn đã tự hỏi: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi?” (Cát Bụi). Nhưng ông không thể giải đáp, nên ông tự nhủ và nhắn nhủ, rồi lại tiếp tục tự vấn: “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng… Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng… Tôi là ai mà còn ghi giấu lệ, tôi là ai mà còn trần gian thế? Tôi là ai, là ai, là ai mà yêu quá đời này?” (Tôi Ơi, Đừng Tuyệt Vọng). Cuộc đời như một chu kỳ lẩn quẩn. Biết suy tư là còn sinh tồn. Cõi lòng Thánh Augustinô cũng luôn như biển động: “Linh hồn con bồn chồn lo lắng mãi cho tới khi được nghỉ ngơi trong Chúa”. Cuối cùng, Thánh Vịnh gia kết luận: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 62:2).

Đó là một quá trình gian nan, chiến đấu với nhiều thứ và phải cố gắng vượt lên chính mình. Ước gì mỗi chúng ta khả dĩ xác định được như vậy, đồng thời có thể nói như Ngôn sứ Êlia: “Lòng nhiệt thành đối với Chúa nung nấu con” (1 V 19:14). Biết Chúa và biết mình, điều nào cũng khó, nhưng cần phải biết Chúa để có thể biết mình. Vâng, Thánh tiến sĩ Augustinô đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con – Domine, noverim Te, noverim me”. Chính Thánh Augustinô cũng đã tỏ ra hối tiếc mà thú nhận: “Con yêu Chúa quá muộn màng”. Biết Chúa và được yêu Chúa thì quả là đại phúc!

Cả đời Chúa Giêsu chỉ chạnh lòng thương người ta, chẳng chơi ép ai bao giờ, và Ngài còn là người-nghèo-chính-hiệu, thế nên Ngài rất yêu thương người nghèo, Ngài nghèo tột cùng: SINH nơi hang chiên, SỐNG ở ngoài đường, và CHẾT trần trụi trên đồi hoang. Thật vậy, từ ngàn xưa Thiên Chúa đã minh định: “Ta KHÔNG hề ở trong một NGÔI NHÀ, nhưng Ta đã nay đây mai đó trong một CÁI LỀU và trong một NHÀ TẠM” (2 Sm 7:6). Còn chúng ta, thế nào là Nhỏ và thế nào là To? CHỨC (tước) sinh ra QUYỀN (lực), sinh ra HÀNH (hạ). Quả là TO thật!

Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, xin giúp con chân nhận Ngài là Thánh Phụ, tuyên xưng Ngài là Thiên Chúa chí tôn duy nhất, và xin giúp con nhận biết chính mình để khả dĩ sống khiêm nhu đúng mức, chứ không ảo tưởng mà kiêu ngạo, giả hình, đồng thời cũng biết sống đúng bậc mình, quyết tâm sinh lời theo “số vốn” Ngài trao cho con. Xin cho những người có chức có quyền đừng “hành hạ” người khác, nhưng biết dùng quyền để yêu thương và dẫn đưa người khác đến với Chúa. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …