Đỉnh cao của lòng tha thứ là lời Chúa Giêsu xin tha thứ và bênh vực cho chính những kẻ thủ ác: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34).
Đại văn hào Victor Hugo nói: “Chết cho tình yêu là sống trong tình yêu”. Ông chỉ là một phàm nhân đầy tham-sân-si mà nhận thức được như vậy thì quả là tuyệt vời, và cũng… “ngược đời” quá!
Ai cũng muốn yêu và được yêu, không ai lại muốn bị phụ tình. Người phụ tình bị chê trách đã đành, nhưng đôi khi họ có thể được… khen là “cao cơ”. Còn người bị tình phụ thì thường bị chê là yếu kém, là dở, là nhu nhược,… Không nhiều người khả dĩ hiểu thâm thúy như ông Victor Hugo.
- TÌNH CUỒNG SI
Trong ca khúc “Vì Đó Là Em”, nhạc sĩ Diệu Hương xác định: “Không cần biết em là ai, không cần biết em từ đâu, không cần biết em ngày sau, ta yêu em bằng mấy ngàn biển rộng, ta yêu em qua đông tàn ngày tận, yêu em như yêu vùng trời mênh mông. Không cần biết đêm dài sâu, không cần biết bao gầy hao, ta ngồi đếm tên thời gian, nghe thương yêu dâng cao như ngọn đồi, như xa xôi nay quay về gần gũi, yêu em khi chỉ biết đó là em. Để rồi từ đó, ta yêu em không ngại ngần, để rồi từ đó trong bước chân nghe gần hơn. Một ngày lại đến trái tim ta dại buồn, rồi từng chiều lên mang nỗi buồn vô biên. Cho dù biết em rồi đi, cho dù biết không chờ chi, nhưng lòng vẫn nghe cuồng si, nghe trong ta quên đi lòng sầu hận, ta yêu em chưa bao giờ một lần, yêu em vì chỉ biết đó là em”.
Ca từ chân thật, giản dị mà sâu sắc. Giai điệu cũng nhẹ nhàng hòa quyện với từng ca từ. Một ca khúc thật đẹp, dường như không thể bỏ từ nào hoặc thêm từ nào. Điệp ngữ “đó là em” và “không cần biết” cứ lặp đi lặp lại cho thấy đó là khối u tình nhưng cường độ yêu cực mạnh. Tình yêu chân thật là thế, CHO nhiều hơn NHẬN. Người yêu thật lòng sẽ không so đo gì, “không cần biết” gì khác, chỉ cần biết “đó là em” – với phụ nữ thì “đó là anh”.
Khi yêu, không ai biết đường tình của mình có “mát mái, xuôi chèo” để “cặp bến bờ hạnh phúc” hay không. Nếu “lỡ” bị phụ tình mà vẫn yêu, vẫn nhớ mong, vẫn tương tư, thì người ta cho người đó là ảo vọng, là ngu xuẩn, là dại dột, “tâm thần”, là lụy tình,… Nếu vậy, Chúa Giêsu hẳn là còn là người “siêu tâm thần”, “siêu” lụy tình, cực kỳ siêu đẳng về mọi thứ. Tại sao? Vì Ngài biết trước là chúng ta sẽ phụ tình Ngài: “Gà chưa kịp gáy hai lần, con đã chối Thầy đến ba lần” (Mc 14:72), hoặc: “Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy” (Ga 13:26). Ngài biết rõ cả trong tư tưởng của chúng ta, biết trước và biết rõ, thế mà trước khi tắt thở, Ngài vẫn nài xin Chúa Cha và biện hộ cho chúng ta, những-kẻ-phụ-tình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34).Chúng ta thật là quá tệ!
Chúa Giêsu là Tình Yêu (x. 1 Ga 4:8 và 16), là Tình Yêu của mọi tình yêu, là Sư Tổ của tình yêu, là hiện thân của Lòng Thương Xót. Ngài yêu tội-nhân-chúng-ta mà “không cần biết” gì khác, và Ngài chỉ nói với chúng ta một điều duy nhất: “Vì đó là con”. Ngài yêu chúng ta “bằng mấy ngàn biển rộng”, Ngài yêu chúng ta “qua đông tàn ngày tận”, Ngài “không cần biết bao gầy hao”, Ngài không ngại ngần, dù biết chúng ta đến rồi đi, hứa rồi quên, Ngài vẫn dành cho chúng ta khối cuồng si, chỉ vì “đó là chúng ta”. Kỳ diệu quá!
- XIN LỖI THIÊN CHÚA TÌNH YÊU
Khi yêu nhau, người ta hứa với nhau đủ điều, sẵn sàng liều mình mà dám “bán trời không văn tự”, thậm chí còn dám “bắt chước” vua Hêrôđê cho gái cả nửa đất nước (x. Mc 6:23). Người ta hứa “thật lòng yêu nhau”, dù cho vật đổi sao dời nhưng cuối cùng lại nói: “Tình yêu hỡi, ngàn lần xin tha thứ…!”.
Người phụ tình đó chính là chúng ta, những còn to gan hơn, bởi vì đã dám phụ tình Chúa, không chỉ một lần mà rất nhiều lần. Tội tày trời! Thế nhưng, liệu chúng ta đã có động thái hoặc một lời nào xin lỗi Chúa một cách chân thành chưa? Hay chúng ta coi việc tha thứ là bổn-phận-của-Chúa, là chuyện tất yếu, chúng ta không cần phải xin lỗi? Và có thể chúng ta ỷ lại vào Lòng Chúa Thương Xót, lợi dụng lòng tốt của, viện cớ là Chúa Giêsu đã nói: “Lòng Thương Xót của Ta lớn hơn cả tội lỗi của con và của nhân loại”. Có lẽ không hề oan đối với chúng ta đâu. Lạy Chúa tôi!
Thứ Sáu Tuần Thánh, thời tiết thường oi ả, nắng nóng, như nhắc nhở chúng ta về “lòng chân thành xin lỗi Chúa”. Tuần Thánh cũng thường trùng vào những ngày có trăng đẹp, ánh trăng lung linh kỳ ảo và dịu mát như nhắc nhở chúng ta về Mầu nhiệm Tình yêu của Thiên Chúa, về Lòng Thương Xót vô biên của Ngài.
Tình-yêu-cuồng-si của Đức Kitô biến Ngài hóa “yếu đuối” và “điên rồ” vì những-tội-nhân-chúng-ta. Tuy nhiên, Thánh Phaolô so sánh: “Cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1 Cr 1:25). Hiểu được như vậy nên Thánh Phaolô mong muốn: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô!” (Gl 6:14a). Thập giá là nhục hình, là đau khổ, là thua thiệt, thế mà lại có người hãnh diện, “lạ” thật!
“Lạ” cũng phải. “Khó hiểu” cũng đúng. Vì “nhờ Thập giá của Đức Kitô mà thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá” (x. Gl 6:14b). Nhờ Thập giá mà chúng ta được cứu độ, được hưởng Lòng Chúa Thương Xót: “Kính lạy Máu và Nước đã tuôn trào từ Thánh Tâm Chúa Giêsu, như thác nguồn thương xót chúng con, con tín thác vào Chúa. Ôi suối nguồn sự sống LTX vô biên của Chúa, xin bao phủ thế giới và trút hết cho chúng con”.
Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi loài người không thể nào hiểu nổi, vì “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta” (Ep 2:4). Giờ Thứ Chín, ba giờ chiều, Giờ Cứu Độ, Giờ Thương Xót: “Lạy Chúa, vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót chúng con và toàn thế giới”.
Đức Kitô không cần biết chúng ta là ai, không cần biết chúng ta là gì, không cần biết chúng ta thế nào, Ngài chỉ cần một điều duy nhất là THƯƠNG XÓT và CỨU ĐỘ chúng ta. Thế thôi!
Lạy Thiên Chúa, chúng con xin lỗi Ba Ngôi, đặc biệt xin lỗi Đức Giêsu Kitô, chúng con cũng xin lỗi Đức Mẹ Maria và Đức Thánh Giuse. Chúng con thành tâm ăn năn sám hối về mọi tội lỗi của chúng con, xin cứu độ chúng con và toàn thế giới. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Giờ Thứ Chín – Giờ Cứu Độ – 2012