Home / Chia Sẻ / CHUYỆN THA THỨ

CHUYỆN THA THỨ

Không dễ để tha thứ, vì cái tôi không chịu thua ai. Tha thứ rất khó, hầu như là vấn đề nan giải. Khó như vậy mà làm được thì đúng là thánh nhân ngay khi còn sống. Chúa Giêsu đã nêu gương tha thứ khi Ngài xin Chúa Cha tha tội cho chính những kẻ giết Ngài. Noi gương Ngài đã có Thánh Stêphanô, Thánh Gioan Phaolô II, và một số vị thánh khác.

Quả là khó thật, thế nên có lần ông Phêrô đã phải lên tiếng hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con thì con phải tha đến MẤY LẦN? Có phải BẢY LẦN không?” Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến BẢY MƯƠI LẦN BẢY.” (Mt 18:21-22; Lc 17:3b-4)

Tại sao nên tha thứ? Đơn giản là tự giải thoát, để cho “nhẹ lòng.” Không tha thứ là tự làm khổ chính mình mà thôi! Vả lại, Chúa Giêsu đã khẳng định rõ ràng: “Nếu anh em tha lỗi cho người ta thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.” (Mt 6:14-15; Mc 11:25-26; Lc 6:34) Điều đó chứng tỏ sự tha thứ cực kỳ quan trọng.

Nhân vô thập toàn. Nghĩa là không ai vô tội, ngay cả người ngay chính cũng sai lầm mỗi ngày 7 lần. Mình có lỗi thì luôn mong người khác tha thứ, vậy người khác lầm lỗi thì sao mình không tha thứ? Đó là ích kỷ, cần sự công bằng. Vì thế, tha thứ rất cần: “Chính lúc thứ tha là khi được tha thứ.” (Thánh Phanxicô Assisi) Chính Chúa Giêsu đã nhấn mạnh: “Tôi không bảo tha thứ bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18:22) Thật vậy, “dù người khác xúc phạm chúng ta một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại họ nói ‘Tôi hối hận’ thì chúng ta cũng phải tha cho họ.” (Lc 17:4) Khó quá! Nhưng “khó” không phải là “không thể,” mà phải làm, không thể nói suông, vì đó là luật-yêu-thương của Thiên Chúa!

Mắt là máy chụp hình, tai là máy ghi âm, miệng là máy phát thanh. Mỗi ngày chúng ta “ghi nhận” biết bao thứ, không lỗi này cũng lỗi nọ. Đó là chưa kể tới hành động của tay và chân, nhất là bộ óc!

1.BÀI HỌC THA THỨ

Một thiền sinh hỏi: “Thưa sư phụ, con đau khổ vì cha mẹ tàn nhẫn, vợ con ruồng bỏ, anh em phản bội, bạn bè phá hoại,… Con phải làm sao để rũ bỏ được oán hờn và thù ghét đây?” Sư phụ đáp: “Con ngồi xuống tịnh tâm, tha thứ hết cho họ.” Vài hôm sau, đệ tử trở lại: “Con đã tha thứ cho họ sư phụ ạ. Nhẹ cả người! Coi như xong.” Sư phụ đáp: “Chưa xong, con về tịnh tâm, mở hết lòng ra và thương yêu họ.” Đệ tử gãi đầu: “Tha thứ thôi cũng đã quá khó, lại phải thương họ thì… Thôi được, con sẽ làm.”

Một tuần sau, đệ tử trở lại, mặt vui vẻ hẳn khoe với sư phụ là đã làm được việc thương những người mà trước đây đã từng đối xử tệ bạc với mình. Sư phụ gật gù bảo: “Tốt! Bây giờ con về tịnh tâm, ghi ơn họ. Nếu không có họ đóng những vai trò đó thì con đâu có cơ hội tiến hóa tâm linh như vậy.”

Lần sau đệ tử trở lại, tin rằng mình đã học xong bài vở. Đệ tử hớn hở thưa rằng mình đã ghi ơn hết mọi người vì nhờ họ mà anh đã học được sự tha thứ! Sư phụ cười: “Vậy thì con về tịnh tâm lại đi nhé. Họ đã đóng đúng vai trò của họ chứ họ có lầm lỗi gì mà con tha thứ hay không tha thứ?”

Tha thứ thì phải bỏ qua, không được nhắc lại: “Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước.” (Is 43:18) Thiên Chúa đã ban ơn cho chúng ta, chúng ta khoái chí tạ ơn ngay lúc đó, nhưng đa số lại bội nghĩa vong ân: Mười người được khỏi bệnh, nhưng chỉ có một người trở lại tạ ơn, mà người đó lại là người ngoại (x. Lc 17:11-19). Hành động tạ ơn cũng nên được lưu ý, vì có thể chính việc tạ ơn của chúng ta là muốn đề cao mình chứ chưa hẳn thật lòng tạ ơn vì Chúa. Nếu vậy thì thật nguy hiểm!

Không chỉ đôi ba lần mà hằng ngày chúng ta còn “làm cho Chúa cực khổ vì lầm lỗi của chúng ta, làm cho Chúa chán chường vì tội ác chúng ta phạm” (Is 43:24). Thế nhưng Chúa vẫn nhân từ: “Vì danh dự của Ta, Ta sẽ xoá bỏ các tội phản nghịch của ngươi, và không còn nhớ đến lỗi lầm của ngươi nữa.” (Is 43:25) Còn gì hạnh phúc hơn?

Cái gì cũng có tính liên đới. Một chuỗi hệ lụy nối tiếp như điều kiện “ắt có và đủ” thế này: Có yêu thương mới khả dĩ tha thứ, có tha thứ mới khả dĩ được thứ tha, và có tha thứ mới khả dĩ quan tâm người khác. Thật vậy: “Phúc thay kẻ lưu tâm đến người nghèo khổ: trong ngày hoạn nạn, sẽ được Chúa cứu nguy.” (Tv 41:2) Chúa quá nhân hậu và đại lượng, Ngài không chỉ “bảo vệ và giữ gìn mạng sống,” mà còn “ban cho hạnh phúc trên đời, không trao cho địch thù hung hãn” và “chăm nom khi liệt giường liệt chiếu, lúc bệnh hoạn, lại chữa cho lành.” (Tv 41:3-4) Đó là Tình yêu bao la của Chúa, là Lòng Thương Xót sâu thẳm của Chúa. Chúng ta không là gì đối với Chúa, nhưng thật may mắn vì Ngài vẫn quan tâm chăm sóc “như con ngươi trong mắt Ngài.” (Tv 17:8) Đừng mặc cảm, đừng lẩn tránh, Thiên Chúa rất bình dân, hãy mau đến thân thưa với Ngài: “Lạy Chúa, xin thương xót và chữa lành con, quả thật con đắc tội với Ngài.” (Tv 41:5) và hãnh diện tung hô: “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ítraen, từ muôn thuở cho đến muôn đời. Amen.” (Tv 41:14)

Bảo đảm Ngài sẽ chạnh lòng, chính Ngài đã hứa và Ngài sẽ giữ lời. Thánh Phaolô đã xác định: “Nơi Người chỉ toàn là CÓ. Mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là CÓ nơi Người.” (2 Cr 1:19-20) Vì thế, mà chúng ta càng phải tôn vinh Thiên Chúa. Đó không chỉ là niềm hãnh diện mà còn là bổn phận và trách nhiệm của chúng ta, vì không ai lại không từng nhận lãnh Ơn Ngài: Đơn giản nhất, nhưng lại cần thiết nhất, đó là không khí chúng ta hít thở từng giây hằng ngày. Thánh Phaolô nói thêm: “Đấng củng cố chúng tôi cùng với anh em trong Đức Kitô và đã xức dầu cho chúng ta, Đấng ấy là Thiên Chúa. Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng.” (2 Cr 1:21-22) Vâng, ấn tín đó là đời đời, là vĩnh hằng.

2.KẾT QUẢ THA THỨ

Phụng Vụ các tuần 70, 60 và 50 (Septuagesima, Sexagesima, và Quinquagesima) chuẩn bị và hướng chúng ta về Mùa Chay. Điểm nổi bật trong Mùa Chay là sám hối, mà sám hối thì phải tha thứ. Rất logic!

Thánh sử Máccô cho biết rằng khi Đức Giêsu trở lại thành Caphácnaum, dân chúng tụ tập lại đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết. Họ không chỉ lắng nghe Ngài giảng mà còn đem đến cho Ngài một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. Dân chúng quá đông nên họ không sao khiêng bệnh nhân đến gần Ngài được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Ngài ngồi, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống. Một cảnh tượng thật ngoạn mục, y như trong phim hoặc làm xiếc vậy.

Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.” (Mc 2:5) Chắc hẳn Ngài không muốn “chọc tức” hoặc “khiêu khích,” mà Ngài chỉ nói sự thật. Người nào dám nói thằng nói thật thì đều bị ghét. Thế là mấy kinh sư ở đó cho rằng “Chúa Giêsu dám nói phạm thượng.” (Mc 2:7) Họ biết rõ chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội, mà anh chàng Giêsu này mới độ tuổi “tam thập nhi lập,” lại là con bác thợ mộc Giuse và cô Maria ở làng Nadarét, ai mà không biết, nhà nghèo rớt mùng tơi, thế mà dám lộng ngôn nói “tha tội.”

“Chàng trai” Giêsu biết tỏng họ nghĩ gì nên mới bảo họ: “Sao cái bụng các ông lại nghĩ những điều ấy? Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: ‘Bạn đã được tha tội rồi,’ hai là bảo: ‘Đứng dậy, vác lấy chõng của bạn mà đi,’ điều nào dễ hơn?” (Mc 2:8-9) Họ “ngậm tăm.” Chúa Giêsu thản nhiên: “Vậy để các ông biết ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội.” (Mc 2:10) Rồi Ngài bảo người bại liệt: “Tôi truyền cho anh hãy đứng dậy, vác chõng mà đi về nhà!” (Mc 2:11) Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ!” (Mc 2:12) Chắc hẳn các “vị chức sắc” kia ấm ức và tức điên lên được, nhưng đành chịu “ngậm bồ hòn” chứ làm gì được!

Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Ngài không phán xét ích kỷ và gắt gao như chúng ta, nhiều khi Chúa chưa kết án mà chúng ta đã kết án nhau rồi. Vì sao? Vì chúng ta chưa đủ yêu thương nên chưa đủ tha thứ, lại muốn chứng tỏ “bản lĩnh” và “quyền hành” của mình. Con người thường làm khổ nhau đủ kiểu và nhiều quá, thế nên càng cần sự tha thứ, cũng có nghĩa là hoàn thiện để nên thánh.

Quả thật, tha thứ là một loại biệt dược có khả năng chữa trị siêu phàm, một loại liệu pháp đặc biệt dành cho cả thể lý và tâm hồn. Tha thứ thì tinh thần thanh thản, bớt tật và giảm bệnh. Thật tuyệt vời!

Lạy Thiên Chúa chí tôn chí thánh, xin thương xót và tha thứ tội lỗi tày trời của con, xin mở lòng con để con biết yêu thương chân thành, xứng đáng là hiền tử của Ngài và là tiểu đệ của Đại Huynh Giêsu. Xin giúp con khiêm nhường đúng mức và sống Mùa Chay suốt đời. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa giàu lòng thương xót và là Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

▶ Đỉnh Cao Tha Thứ – https://youtu.be/8J4uHh1wpz8

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN