Home / Chia Sẻ / Chuyện Nước Trời

Chuyện Nước Trời

 

Chuyen NuocTroiAi muốn vào Nước Trời? Nếu bạn là Kitô hữu mà “bị” hỏi như vậy, hẳn là bạn sẽ thấy “ngứa tai” hoặc “xốn bụng”. Có thể bạn sẽ “hỏi ngược” lại: “Có ai lại không muốn vào Nước Trời chứ?”. Thế nhưng có thể cũng chẳng oan đâu!

Ví dụ: Người ta cảnh báo “hút mỗi điếu thuốc lá sẽ tổn thọ 4 phút”. Thử làm toán nhân thì “ớn” thật. Hoặc lấy chất nicotine có trong một điếu thuốc mà chích vào cơ thể thì người ta chết ngay lập tức. Thế mà người ta vẫn hút, cứ “điếu này vừa hạ rộng, điếu kia đã động quan”. Vì người ta không chết ngay nên vẫn “phớt tỉnh Ăng-lê”.

Cũng vậy, người ta biết nghiện ma túy là chết chắc, thế mà người ta vẫn “chơi”, hít chưa “đã” nên chích thẳng vào máu mới “phê”. Tử Thần đối với họ chẳng là cái quái gì cả!

Về ý nghĩa tâm linh cũng tương tự. Rõ ràng là dù Nước Trời vô cùng quý giá, đáng mơ ước, đáng khao khát, không gì sánh bằng, thế mà vẫn có những người thẳng thừng từ chối bước vào Nước Trời!

Vào một ngày Sabát, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa. Khi đề cập việc tổ chức tiệc tùng, Chúa Giêsu nói: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù” (Lc 14:12-13).

Nghe kỳ quá! Rất sốc! Chắc hẳn lúc đó ông ta rất “ngứa óc” và khó chịu lắm, nhưng lại không nói được gì! Và rồi Đức Giêsu nói luôn lý do: “Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại” (Lc 14:14). Lúc này không còn là “kỳ cục” mà “kỳ lạ”. Đúng là quá kỳ lạ, dù có vẻ rất ngược đời!

Thường thì khi tổ chức các loại đám tiệc, người ta muốn mời những người “tai to, mặt lớn” để hãnh diện, mời những “đại gia” để có lời, thậm chí mời ai cũng “nhắm chừng” trước, chứ chuyện “tình nghĩa” có đáng gì! Thế nên người ta vẫn thích “đùa dai” với câu: “Tình cảm là chín (chính), tiền bạc là mười”. Quả thật, nếu đãi tiệc gì mà đi mời mấy người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù thì có nước mà… ăn mày!

Chúng ta không hiểu hay cố tình không hiểu ý Chúa? Sao chỉ thấy ít người làm như Chúa dạy? Cũng có thể chúng ta cho rằng Chúa “nói bóng” hoặc “nói cho vui” thôi. Tuy nhiên, thiết tưởng Chúa Giêsu hoàn toàn nói theo nghĩa đen chứ chẳng bóng gió gì cả. Trong lịch sử Giáo hội, đã có nhiều vị thánh sống đúng nghĩa đen của tinh thần khó nghèo theo Phúc Âm đủ chứng minh cho chúng ta thấy rõ: Thánh Phanxicô Assisi (mệnh danh là Phanxicô khó nghèo), Thánh Gioan Maria Vianney, Chân phước Têrêsa Calcutta,…

Khi nghe Chúa Giêsu nói về cách đãi tiệc “kỳ cục” như vậy, một trong những kẻ đồng bàn nói với Đức Giêsu: “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!” (Lc 14:15). Nói được như vậy chứng tỏ ông này biết Chúa Giêsu muốn nói đến Tiệc Nước Trời, Thiên Đàng, Vương Quốc Thiên Chúa. Thế nhưng cũng có thể ông này nói mỉa mai chứ chưa hẳn thật lòng!

Chúa Giêsu trả lời ông ta bằng một dụ ngôn: Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người. Đến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng: “Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn” (Lc 14:17). Được mời đích danh, nhưng mọi người đồng loạt bắt đầu xin kiếu với đủ lý do, ai cũng có “cớ”… chính đáng!

Người thứ nhất thản nhiên nói: “Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; cho tôi xin kiếu” (Lc 14:18). Người khác phân bua: “Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu” (Lc 14:19). Người khác lại viện cớ: “Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được” (Lc 14:20). Ai cũng có lý do chính đáng riêng để từ chối đi dự tiệc. Rõ ràng HỌ KHÔNG MUỐN VÀO NƯỚC TRỜI.

Đầy tớ ấy trở về, kể lại sự việc cho chủ. Chủ nhà liền nổi cơn thịnh nộ và bảo người đầy tớ: “Mau ra các nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây” (Lc 14:21). Đầy tớ chân thật trình bày: “Thưa ông, lệnh ông đã được thi hành mà vẫn còn chỗ” (Lc 14:22). Ông chủ ôn tồn bảo người đầy tớ: “Ra các đường làng, đường xóm, ép người ta vào đầy nhà cho ta” (Lc 14:23). Cuối cùng, Ông Chủ Giêsu quyết định: “Tôi nói cho các anh biết: Những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi” (Lc 14:24).

Những lý do họ đưa ra để từ chối dự tiệc đều là những lý do rất “quen thuộc”, liên quan vật chất và thực tế, chẳng khác ngày nay, có điều là ngày nay chúng ta từ chối “khéo” hơn nhiều. Quả thật, chính chúng ta cũng đã và đang có những lúc là Pharisêu nhưng lại khoác chiếc-áo-nhân-nghĩa, rất khó có thể phát hiện. Miệng nói muốn vào Nước Trời nhưng cách sống lại trái ngược!

Các lối dẫn vào những nơi ăn chơi hoặc các khu nhà cao cấp đều rộng thênh thang, bóng láng, trơn tru, mượt mà và sang trọng, ai thấy cũng ham; còn những con hẻm nhỏ vào những khu dân cư nghèo thì nhỏ bé, gồ ghề, lầy lội, hôi tanh, chẳng ai thèm nhìn chứ đừng nói bước chân vào.

Đường vào Nước Trời cũng tương tự. Nếu thật lòng muốn vào Nước Trời thì phải làm sao? Hẳn là ai cũng biết!

Chúa Giêsu đã từng sống trong ngôi làng nhỏ bé, lao động cực khổ, nên Ngài khuyên thực tế lắm: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7:13-14). Đáng lưu ý cách Chúa nói về tỷ lệ chênh lệch nhau: “Nhiều người” đối với “cửa rộng” và “đường thênh thang”, còn “ít người” đối với “cửa hẹp” và “đường chật”.

Muốn vào Nước Trời thì phải tuân phục Thánh Ý Chúa. Chắc chắn không còn cách khác. Điều đó thể hiện qua dụ ngôn hai người con, đứa nhận lời thì không làm, đứa cãi lời thì lại làm (x. Mt 21:28-30), nhưng vấn đề là tuân phục hay bất tuân: Chính đứa đi làm mới là đứa hiếu thảo và biết vâng lời cha, vì biết cãi lệnh là sai nên nó hối hận.

Chúa Giêsu đã cảnh báo nhóm Pharisêu nhưng cũng chính là cảnh báo mỗi chúng ta: “Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước quý vị” (Mt 21:31). Một sự thật trắng trợn, quá phũ phàng, nhưng sự thật luôn là sự thật. Nước Trời không có chỗ cho những người giả hình hoặc ảo tưởng!

Như vậy, vào Nước Trời dễ hay khó?

Dễ, vì ai cũng có thể vào; nhưng cũng khó, vì phải nghiêm túc thực hiện Thánh Ý Chúa. Vả lại, phàm điều gì dễ thì ít giá trị, điều gì khó mới thực sự giá trị cao: “Phải trải qua nhiều nỗi khó khăn mới vào được Nước Thiên Chúa” (Cv 14:22), thậm chí còn phải từ bỏ chính mình (x. Mt 16:24; Mc 8:34; Lc 9:23).

Muốn vào Nước Trời còn phải có động thái dứt khoát, không được chần chừ hoặc lần lữa: “Vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3:16). Động thái dứt khoát rất quan trọng đối với việc “vào Nước Trời”. Dứt khoát còn đòi hỏi phải thực sự can đảm. Một là “vào Nước Trời qua cửa hẹp”, hai là “vào Hỏa ngục qua đại lộ”. Chỉ có hai con đường, nhưng phải chọn một trong hai. Không thể sống hai mặt, lơ lửng con cá vàng, bắt cá hai tay, hoặc “chân trong, chân ngoài”.

Chúa Giêsu nói rõ ràng: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9:62). Không ai có thể tự biện hộ, và cũng chẳng ai có thể biện hộ giúp, bằng bất cứ lý do gì nữa!

Người Pháp nói: “Vouloir, c’est pouvoir! – Muốn là được”. Vấn đề là có thực sự muốn và quyết tâm thực hiện để biến ước mơ thành hiện thực hay không mà thôi. Điều đó tùy vào mỗi người, vì Chúa không hề ép buộc, Ngài hoàn toàn cho mọi người tự do!

Thánh tiến sĩ Augustinô nói: “Chúa dựng nên con, Chúa không cần con; nhưng Chúa cứu độ con, Chúa cần con”. Nghĩa là phải có sự hợp tác của chúng ta, và Chúa coi sự hợp tác nhỏ bé đó là công trạng đáng giá riêng của mỗi chúng ta.

Lạy Thiên Chúa chí minh, chí công và chí thiện, xin thương tha thứ chúng con về những ước muốn chủ quan hoặc ích kỷ, những ý tưởng không đẹp lòng Chúa. Xin Cha ban Thánh Thần cho chúng con và giúp chúng con luôn mau mắn tuân phục Thánh Ý Ngài. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

 

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …