Đối với người Công giáo, Tháng Mười Một là Mùa Cầu Hồn, Mùa Báo Hiếu, Dịp Tưởng Niệm. Có câu chuyện về những đóa hoa như thế này…
Tại một Nghĩa Trang nọ, người chăm sóc Nghĩa Trang là một ông già. Ông làm công việc này đã lâu, không biết từ bao giờ, đối với ông đó là điều bình thường, một ngày như mọi ngày. Nhưng suốt ba năm qua, mỗi tháng ông đều nhận được một một số tiền, người gởi nhờ ông mua hoa để đặt tại một ngôi mộ, với ông nó có vẻ khác hơn các ngôi mộ khác.
Thời gian cứ trôi qua, và công việc cứ như thế…
Một buổi chiều Lễ Cầu Hồn năm đó, một phụ nữ lái chiếc xe đến và tự tay đặt những đóa hoa lên ngôi mộ của cậu con trai chết trong một vụ tai nạn ba năm trước.
Mặc dù bà mặc trang phục màu đen, nhìn phụ nữ này vẫn toát ra vẻ quý phái, sang trọng, lịch lãm, nhưng trên khuôn mặt đôn hậu của bà không thể giấu được nỗi buồn sâu thẳm. Bà cho biết rằng bác sĩ chẩn đoán bà bị ung thư giai đoạn cuối, chỉ còn sống được vài tháng. Bà đến đây để cắm hoa cho con trai lần cuối. Bà đốt vài nén nhang và cầu nguyện cho con trai xong, bà nói lời cảm ơn và từ biệt ông già giữ Nghĩa Trang – dân trong vùng không biết tên ông, nhưng họ quen gọi ông là ông Nghĩa Hiệp.
Nghe vậy, ông Nghĩa Hiệp trầm giọng và ôn tồn nói với bà:
– Cuộc đời ai cũng một lần sống và một lần chết. Chuyện sinh – tử là điều tất nhiên, là quy luật muôn đời. Sống xứng đáng danh hiệu con người là điều khó, nhưng không phải là không thể thực hiện. Là Kitô hữu, chúng ta có niềm tin vào Đức Kitô, Ngài đã chết nhưng Ngài đã phục sinh. Điều đó củng cố đức tin của chúng ta.
Phụ nữ kia nghe như thấm thía, ông thấy bà lấy khăn chấm giọt nước mắt chực rơi xuống gò má. Ông nói thêm:
– Theo tôi, những đóa hoa bà đem đến cho con trai như vậy rất quý. Nhưng những đóa hoa tươi đẹp và lộng lẫy kia cũng chỉ tồn tại được vài ngày. Vả lại, ở đây là những người đã chết, không ai có thể thưởng thức vẻ đẹp của chúng, cả con trai bà cũng chẳng được lợi gì với những đóa hoa kia, dù chúng là loại hoa mắc tiền nhất. Cũng vậy, những nén nhang cũng chỉ tỏa hương thơm được vài phút. Nói chung, người chết chẳng có lợi gì nhờ người ta cắm những đóa hoa đẹp và thắp những nén nhang trầm thơm tho. Lời cầu nguyện mới thực sự có giá trị đối với người chết. Bà đồng ý chứ?
– Dạ, tôi hiểu.
– Tôi đề nghị với bà điều này.
– Dạ, xin ông cứ nói!
– Những đóa hoa mắc tiền bà đem đến đây thật lãng phí. Thay vì bà mua hoa đem đến Nghĩa Trang này, bà hãy mua hoa tặng các bệnh nhân ở bệnh viện, nhất là những bệnh nhân không còn thời gian sống bao lâu. Bà cũng có thể mua hoa tặng các cụ già ở nhà dưỡng lão, các trẻ em ở viện mồ côi, những người khuyết tật,… Họ là những người còn sống, họ có thể thưởng thức hương sắc của những đóa hoa, đặc biệt là họ có niềm vui để chiến đấu với bệnh tật, với tuổi già sức yếu. Họ có niềm vui thì chính bà cũng có niềm vui vì làm việc có ý nghĩa.
Nghe nói vậy, bà lặng lẽ ra xe và chuyển bánh, chiếc xe hắt bóng trong nắng chiều tà vàng võ và xa dần, xa dần cho tới khi mất hút…
Ông Nghĩa Hiệp giật mình rồi thẫn thờ suy nghĩ, không biết những điều ông nói có làm phật lòng ba hay không, và ông cũng tự trách mình… “lắm chuyện”. Ông thầm cầu nguyện cho bà, xin Thiên Chúa chúc lành và nâng đỡ bà trong những ngày tháng cuối cuộc đời lữ hành trần gian này.
Khoảng gần một năm sau, phụ nữ kia trở lại Nghĩa Trang. Ông thấy bà khác hẳn, niềm vui lộ rõ nét trên khuôn mặt bà, nụ cười rạng rỡ. Bà cho biết rằng bà đã làm theo lời gợi mở của ông, bà đã mua hoa khi thì tặng các bệnh nhân, khi thì tặng các trẻ em mồ côi hoặc khuyết tật, khi thì tặng các cụ già. Đặc biệt là bà vừa đi tái khám theo định kỳ, và bà rất mừng vì bác sĩ cho bà biết một tin rất quan trọng, đó là khối u ác tính của bà đã chuyển thành lành tính. Bà còn cho ông biết rằng, theo lời bác sĩ, tế bào ung thư rất sợ tình yêu thương. Bà đến đây trước là thăm ông, sau là cảm ơn ông, và xin ông cùng tạ ơn Chúa với bà.
Hoa, nến, nhang,… không là những thứ không tốt hoặc xấu xa, nhưng chúng cần được người ta sử dụng đúng mục đích. Dùng sai mục đích là lãng phí. Ai cũng như nhau – dù giàu hay nghèo, giỏi hay dốt, cao hay thấp, đẹp hay xấu,… Và rồi ai cũng “một đi không hẹn ngày tái ngộ”. Cuối cùng, trăm năm chỉ còn lại nắm tro và vài hàng chữ trên bia mộ. Bia đá rồi cũng mòn, bia miệng vẫn còn hoài.
Hãy tự viết bia mộ cho mình ngay từ hôm nay, khi mà chúng ta thực sự ý thức về cái chết, và cần nhất là tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng chỉ muốn những điều tốt lành nhất cho chúng ta mà thôi. Vì thế, cùng với ơn Chúa, hãy tận dụng cuộc sống tới mức tối đa, ở mức cao nhất. Kiếp người chỉ như gió thoảng, yếu hơn lau sậy, chẳng có gì để mà kiêu căng hoặc tự mãn. Hãy yêu thương nhau trước khi quá muộn!
Lạy Chúa, xin dạy cho con biết: đời sống con chung cuộc thế nào, ngày tháng con đếm được mấy mươi, để hiểu rằng kiếp phù du là thế. Ấy tuổi đời con, Chúa đo cho một vài gang tấc, kiếp sống này, Chúa kể bằng không. Đứng ở đời, thật con người chỉ như hơi thở, thấp thoáng trên đường tựa bóng câu. Công vất vả ngược xuôi: làn gió thoảng, ky cóp mà chẳng hay ai sẽ hưởng dùng. Giờ đây con biết đợi trông gì, lạy Chúa, hy vọng của con đặt ở nơi Ngài (Tv 39:5-8).
TRẦM THIÊN THU
Cuối ngày 13-11-2016