Home / Chia Sẻ / CHUYỆN MÈO NĂM MÃO

CHUYỆN MÈO NĂM MÃO

ChuyenMeonamMaoCọp Nhâm Dần Buồn Bã Nhường Ngôi Vị

Mèo Quý Mão Hớn Hở Nhận Chức Quyền

Đến hẹn lại lên. Không hẹn cũng đến. Quy luật thiên nhiên là vậy, vì Thiên Chúa đã ấn định như thế. Chính Ngài “ấn định đường ngay lẽ phải,” (Tv 99:4) Ngài cũng “ấn định con số các vì sao, và đặt tên cho từng ngôi một.” (Tv 147:4)

Ngày tháng qua dần, năm cũng qua đi. Khép lại năm cũ để mở ra năm mới. Nhâm Dần kết thúc để Quý Mão khởi đầu. Quý Mão là sự kết hợp thứ 40 trong hệ thống đánh số Can Chi của người Á Đông, được kết hợp từ thiên can Quý (thủy âm) và địa chi Mão (thỏ/mèo), xuất hiện sau Nhâm Dần và trước Giáp Thìn. Mèo có hình thể giống như hổ nên mèo được gọi là Tiểu Hổ.

Mỗi loài vật đều có đặc điểm riêng. Trong loài đó, mỗi con lại có “tính cách” riêng. Con người cũng vậy. Cha sinh con, trời sinh tính. Và có lẽ vì vậy mà người ta nói: “Nhân sao, vật vậy.” Ca dao, tục ngữ cũng thường dùng loài vật để ám chỉ con người. Năm Quý Mão nên chúng ta đề cập loài mèo. Kinh Thánh không nói gì về loài mèo. 

I- MÈO TRONG ĐỜI SỐNG

Đối với người ăn uống từ tốn, cứ chậm rãi từng miếng một, người ta nói: “Ăn nhỏ nhẻ như mèo.” Phụ nữ ăn uống như vậy thì được khen là “có nết,” nhưng đàn ông ăn uống như vậy lại bị chê, cho là yếu đuối hoặc thói xấu. Rắc rối ghê! Thế nên người ta nói: “Nam thực như hổ, nữ thực như miu.” Đối với người hà tiện, keo kiệt, bủn xỉn, người ta nói: “Buộc cổ mèo, treo cổ chó.”

Ai cũng có sở trường và sở đoản, chẳng ai giỏi mọi thứ. Có những người vội chê người khác, nên người ta nói: “Chẳng biết mèo nào cắn mỉu nào.” Mỉu là chữ “miu” đọc chệch đi, nghĩa là mèo. Ở đời, và trong mọi lĩnh vực, chưa chắc ai hơn ai. Vì thế mà đừng kiêu căng, hợm mình, rồi chê người. Ai cũng có chuyên môn riêng, đừng tị nạnh nhau, và cũng đừng can thiệp vào việc của nhau. Và người ta nói: “Chó giữ nhà, mèo bắt chuột.” Chó không làm được như mèo, và ngược lại.

Máu Biệt Phái thời nào cũng có, nơi nào cũng thấy. Để phê phán kẻ không thấy lỗi mình mà chỉ thấy lỗi người, người ta nói: “Chó chê mèo lắm lông.” Kiểu như ca dao nói: “Chân mình còn lấm bê bê, Lại cầm bó đuốc đi rê chân người.” Mỗi loại người, độ tuổi, giới tính,… cũng cần có cách cư xử khác nhau: “Chó treo, mèo đậy.” Nghĩa đen thì dễ hiểu, vấn đề quan trọng là nghĩa bóng: cảnh giác với kẻ thực dụng, mưu mô, gian xảo, quỷ quyệt,…

Khi đề cập vật vô giá trị, bỏ lăn lóc mà chẳng ai thèm lấy, người ta nói: “Chó tha đi, mèo tha lại.” Khi ngụ ý có lâm cảnh khốn khổ thì mới biết thương người kém may mắn, người ta nói: “Có ăn nhạt mới thương tới mèo.” Thiếu khôn ngoan hoặc thiếu cảnh giác mà vô tình làm ơn cho kẻ có thể hại mình, người ta nói: “Chuột cắn dây buộc mèo.” Còn khi làm một việc liều lĩnh, có thể nguy hiểm, người ta nói: “Chuột gặm chân mèo.”

Tỏ vẻ tức giận người khác bằng cách mắng chửi vu vơ, bâng quơ, người ta nói: “Chửi chó, mắng mèo.” Hoặc tức giận người này mà lại trút bực tức qua người khác hoặc con vật, người ta nói: “Đá mèo, quèo chó.” Tương tự câu: “Giận cá chém thớt.”

Khi ám chỉ những kẻ cố tình che giấu tội mình bằng cách im lặng, hoặc những kẻ cứ thấy lợi là giấu giếm để hưởng một mình, người ta nói: “Im ỉm như mèo ăn vụng.” Còn đối với người lắm lời, nói dai, nói đi nói lại để nài xin, người ta nói: “Lèo nhèo như mèo vật đống rơm.”

Nói về người tuổi trẻ tài cao, làm được việc mà nhiều người lớn làm không nổi, người ta nói: “Mèo con bắt chuột cống.” Đối với người tự đề cao mình, khoe mẽ có ý tự khen mình, người ta mỉa mai: “Mèo khen mèo dài đuôi.” Khi nói: “Mèo nhỏ bắt chuột con,” người ta có ý khuyên hãy biết liệu sức mình mà đảm đương công việc, nếu tài hèn sức mọn thì đừng tham đảm trách việc lớn, kẻo chuốc lấy thất bại.

Ngụ ý người già sống lâu, đúc kết nhiều kinh nghiệm, người ta nói: “Mèo già hóa cáo.” Nhưng cũng có nghĩa là người mới đầu làm việc gì thì rụt rè, nhút nhát, nhưng lâu năm thì tinh ranh, ma mãnh. Khi ám chỉ hạng người vô lại, trai trộm cướp, gái lăng loàn, khiến ai cũng khinh ghét, người ta nói: “Mèo mả gà đồng.” Thấy ai đó nghèo khó mà có vận may bất ngờ, người ta nói: “Mèo mù vớ cá rán.”

Có một quan niệm mê tín dị đoan từ xưa lưu truyền lại, khiến người ta tin rằng: “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu.” Tại sao? Bởi vì chó sủa “gâu gâu” – nghe giống âm “giàu giàu,” còn mèo kêu “meo meo” – nghe giống âm “nghèo nghèo.” Kiểu này chỉ có ở người Việt, không có ở người ngoại quốc.

Kinh Thánh nói: “Các tượng thần chỉ nói điều gian trá, lũ thầy bói chỉ thị kiến điều gian; chúng công bố những giấc chiêm bao nhảm nhí, nói những lời an ủi vu vơ. Chính vì thế, họ phải ra đi, thảm não ê chề, như đàn chiên không người chăn dắt.” (Dcr 10:2)

II- MÈO TRONG NGỤ NGÔN

Ngụ ngôn là một thể loại văn học, mang tính giáo dục với nội dung đạo đức, dạy cách đối nhân xử thế, chê trách thói hư tật xấu. Ngụ ngôn có thể ở dạng thơ hoặc văn xuôi, sử dụng phúng dụ và thường ngắn gọn.

  1. Mèo Dạy Hổ

Ngày xưa, hổ không biết cách bắt mồi như mèo. Một hôm, hổ dụ dỗ mèo: “Bác mèo ơi, tôi là người cùng họ với bác. Tôi và bác giống nhau như hệt. Mình tôi cũng vằn vằn như mình bác. Tôi có râu, bác cũng có râu. Tôi có vuốt sắc, bác cũng có. Tôi có đuôi dài, đuôi bác cũng dài. Thế mà bác lại biết rình mồi, biết nhảy, biết trèo tài hơn tôi. Chỗ họ hàng với nhau, bác dạy cho tôi biết với.”

Mèo nghe lời ngọt ngào, thương hổ là chỗ họ hàng, liền nói: “Nhưng bác đừng ăn thịt tôi đấy.” Hổ vỗ về: “Ai lại ăn thịt người cùng họ bao giờ! Bác nói dở quá, bác cứ tin ở tôi.” Mèo yên tâm dạy hổ học cách ngồi thu mình rình mồi, cách nhảy bắt mồi, cách vờn mồi, cách mài giũa vuốt.

Học xong, hổ lấy làm đắc chí. Đang lúc đói bụng, hổ định vồ mèo ăn thịt. Hổ bảo: “Mẻo mèo meo! Ta bắt được mèo, ta nhai ngấu nghiến!” Mèo vội trèo tót lên cây, bảo hổ: “Mẻo mèo meo! Ta có võ trèo, ta chưa dạy hổ.”

Hổ tức quá, gầm nhảy dưới đất, nhưng không làm gì được mèo. Vì thế, bây giờ hổ không biết trèo như mèo. Mèo quắc mắt: “Đồ dối trá, lừa thầy phản bạn! Ta không cao tay thì thành mồi ngon của mày rồi. Hãy cút về rừng sống cô độc với cái bụng xấu xa của mày. Cút ngay đi, nếu không ta đạp cho cái nữa thì toi mạng!”

Hổ cúi mặt, cụp đuôi, lủi thủi bước đi. Từ đó, bao giờ hổ cũng cúi mặt mà đi. Và rồi cũng chẳng có loài nào muốn kết bạn với hổ nữa.

Chắc chắn chẳng ai ưa những kẻ mưu mô, lợi dụng, gian xảo,… Thánh Gioan xác định rằng “không có sự dối trá nào phát xuất từ sự thật.” (1 Ga 2:21) Kinh Thánh nói: “Người thô bạo phỉnh phờ bằng hữu, dẫn họ vào đường nẻo xấu xa. Nháy mắt mím môi, nghĩ ra điều dối trá là làm sự ác rồi.” (Cn 16:29-30) Tội tư tưởng là tội dễ bị coi thường, nhưng thực sự rất nguy hiểm, vì tư tưởng dẫn đến hành động.

Tác giả sách Huấn Ca chia sẻ: “Có ba hạng người tôi gớm ghét, và không chịu nổi lối sống của họ: nghèo mà kiêu, giàu mà gian trá, già đầu mà ngu, còn đi ngoại tình.” (Hc 25:2) Dân thường mà xấu bụng thì cũng nguy hiểm rồi, kẻ có chức quyền mà xấu bụng thì còn nguy hiểm hơn nhiều: “Lãnh đạo mà để tâm nghe lời gian trá thì thuộc hạ sẽ thành một lũ xấu xa.” (Cn 29:12)

Tốt hay xấu đều có hệ lụy tất yếu!

  1. Mèo và Chuột

Con mèo dí súng vào đầu con chuột và hỏi: “1 cộng 1 bằng mấy?” Chuột trả lời: “Dạ, bằng 2.” – Pằng! Con mèo vừa thổi khói súng vừa nói: “Mày biết quá nhiều.” Vẫn câu hỏi đó, con chuột thứ hai suy nghĩ rồi run rẩy trả lời: “Dạ, em không biết.” – Pằng! Con mèo lại thổi khói súng và nói: “Loại dốt nát như mày không nên sống.”

Đến con chuột thứ ba, mèo hỏi lại câu đó. Con này suy nghĩ rồi nói: “Biết thì sao mà không biết thì sao?” – Pằng! Con mèo nói: “Nguy hiểm như mày thì càng phải chết.” Tiếp tục con chuột thứ tư, vẫn với câu hỏi đó. Con này suy nghĩ rồi nói: “Trả lời, anh giết; không trả lời, anh giết; trả lời sai, anh giết; trả lời đúng, anh cũng giết. Em biết phải làm sao?” – Pằng! Con mèo gằn giọng: “Mày phải chết vì mày nói quá nhiều.”

Đến con chuột cuối cùng, vẫn câu hỏi cũ. Con này nhanh nhảu trả lời: “Dạ, thưa anh. Với những câu hỏi hóc búa như vậy, chỉ có những người cao siêu như anh mới có đáp án chính xác thôi!” Con mèo khoái chí nói: “Mày được, theo tao!”

Sống ở đời, thông minh cũng chết, dốt nát cũng chết, thủ đoạn cũng chết, lý luận nhiều cũng chết. Chỉ có nịnh bợ là sống sót. Phải chăng vì thế mà người ta càng ngày càng gian dối, bợ đỡ, tâng bốc nhau? Thoái hóa di truyền chăng?

Ở phương diện tích cực, người ta nói: “Khôn sống, mống chết, biết thì sống.” Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết điều mới là người khôn ngoan, khéo sống. Có khi cần thẳng thắn, có khi cần im lặng. Cái khó là biết phải làm gì trong mỗi tình huống và với từng loại người khác nhau. Ơn phân định rất cần thiết trong cuộc sống.

Kinh Thánh cho biết: “Kẻ dám khiển trách người cuối cùng lại được người quý yêu hơn kẻ chỉ buông lời xu nịnh.” (Cn 28:23) Kẻ tâng bốc, bợ đỡ, a dua,… không chỉ đồng lõa với kẻ ác, mà họ cũng là kẻ ác, vì Kinh Thánh nói: “Nịnh hót ai là giăng lưới dưới chân kẻ ấy.” (Cn 29:5)

Thánh Phaolô nói: “Thưa anh em, tôi khuyên nhủ anh em hãy coi chừng những kẻ gây chia rẽ và làm cớ vấp ngã, vì đi ngược lại với đạo lý anh em đã học hỏi; anh em hãy xa lánh họ. Hạng người đó chẳng phục vụ Đức Kitô, Chúa chúng ta, mà phục vụ chính cái bụng của mình. Họ dùng những lời ngọt ngào nịnh bợ mà quyến rũ những tâm hồn đơn sơ.” (Rm 16:17-18)

Ma quỷ rất ranh mãnh, vì “chính Satan cũng đội lốt thiên thần sáng láng.” (2 Cr 11:14) Do đó, ai cũng phải luôn cảnh giác: “Còn việc tên gian ác xuất hiện là do tác động của Satan, có kèm theo đủ thứ phép mầu, dấu lạ, điềm thiêng, và đủ mọi mưu gian chước dối, nhằm hại những kẻ phải hư mất, vì đã không đón nhận lòng yêu mến chân lý để được cứu độ. Vì thế Thiên Chúa gửi đến một sức mạnh mê hoặc làm cho chúng tin theo sự dối trá; như vậy, tất cả những kẻ không tin sự thật, nhưng ưa thích sự gian ác, thì sẽ bị kết án.” (2 Tx 2:9-12)

Xuân về, Tết đến. Cơ hội cho con người thư giãn sau những ngày tháng vất vả. Thiên Chúa cũng muốn người ta vui vẻ và tận hưởng hạnh phúc ngay ở đời này. Tết cũng là dịp nghỉ ngơi để lấy lại sức mà tiếp tục sinh sống và tiếp tục vác thập giá mà theo Thầy Chí Thánh Giêsu.

Tạ ơn Thiên Chúa thương ban mùa Xuân mới để nhắc nhở chúng con về mọi điều cần thiết đối với Ngài và đối với tha nhân. Xin Ngài chúc lành cho chúng con trong năm mới Quý Mão này. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 2, 1-14

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Cửa Thánh mở – Niềm vui Chúa ra đời SUY NIỆM ĐÊM GIÁNG SINH (Lc …