Home / Chia Sẻ / CHUYỆN LUẬT LỆ

CHUYỆN LUẬT LỆ

CHUYỆN LUẬT LỆBất cứ lĩnh vực nào cũng có luật, ngay cả một nhóm nhỏ cũng có luật, nhưng để cho nhẹ nhàng, người ta gọi là nội quy. Nhà có gia phong, nước có quốc pháp. Không có luật thì xã hội loạn hết. Có luật mà người ta còn chẳng coi luật là gì, huống chi không có luật!

Cả tôn giáo và xã hội đều có nhiều thứ luật, theo truyền thống hội đường Do Thái, Luật gồm 613 điều răn – 365 điều cấm làm và 248 điều phải làm. Điều CẤM LÀM nhiều hơn điều PHẢI LÀM. Có lệch pha? Nếu chia đều một năm, mỗi ngày một điều cấm. Sống như vậy thì thực sự rất mệt mỏi!

Tuy nhiên, nên biết rằng luật có sau con người – gọi là “luật vị nhân sinh,” nhằm chấn chỉnh và củng cố cách sống của con người cho đúng đắn. Theo ý nghĩa nào đó, không nên “nhân sinh vị luật.” Luật theo vùng, theo miền, theo quốc gia cũng chưa đủ, người ta còn phải có luật của Liên Hiệp Quốc. Thế mà cái ác vẫn hoành hành khắp nơi, như Thánh Phaolô đã nói: “Mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành.” (2 Tx 2:7) Ngày nay, điều đó cũng đang xảy ra, ngay tại Việt Nam chứ chẳng đâu xa. Thật đáng quan ngại vô cùng!

Montesquieu (1689-1755, Pháp quốc) đã so sánh: “Pháp luật phải như thần chết, không khoan dung bất kỳ ai.” Nghe có vẻ cứng ngắc, nhưng không phải vậy, ông chỉ muốn nói rằng luật pháp phải nghiêm minh, nhưng cũng có chút du di cho hợp với lòng nhân đạo – đạo làm người. Mahatma Gandhi (1869-1948, Ấn Độ) đã nhận định: “Luật pháp không công bằng tự nó là một dạng bạo lực.” Luật là tốt, nhưng áp dụng sai thì vô cùng nguy hiểm! Benjamin Franklin (1706-1790, Hoa Kỳ) cũng có cách so sánh tương tự: “Luật pháp nghiêm khắc nhất đôi khi lại là sự bất công trầm trọng nhất.”

Nhân chi sơ tính bổn thiện. Nhưng vì con người ích kỷ, tham lam và mưu mô nên lương tâm thoái hóa thời gian. Và vì vậy mà người ta có “luật rừng” – loại luật bất nhân, luật côn đồ. Nhìn thế sự và ngán ngẩm cái gọi là thế thái nhân tình, Honoré de Balzac (1799-1850) đã có tầm nhìn sâu sắc và tinh vi: “Luật pháp là mạng nhện mà ruồi lớn thì bay qua còn ruồi con thì mắc kẹt.”

Sau những đợt bão lũ hoành hành miền Trung, một số người đã bất chấp luật nhân đạo. Đoàn từ thiện vừa ra khỏi nhà dân, cán bộ thôn liền đến thu tiền hỗ trợ. Không còn ngôn từ nào có thể mô tả sự tàn nhẫn của bọn ác nhân đó. Tệ hơn nữa là những người tự ý làm từ thiện cũng bị kết tội vi phạm pháp luật. Thể hiện bác ái mà là tội, con người với nhau mà không có chút nhân đạo nào!

Ngày xưa, Chúa Giêsu đã từng bị người ta ghen ghét, gài bẫy và kết án tử chỉ vì Ngài nhân lành và thương xót. Cái “tội” đáng xử tử của Ngài là “tội tốt lành” quá. Ôi, không thể tưởng tượng nổi, không thể hiểu nổi những con người “siêu ác độc.” Và ngày nay cũng vẫn có những “siêu nhân” giống như vậy!

Trong Phúc Âm có nhiều chỗ cho thấy người ta viện cớ “giữ luật” mà cố ý chơi “luật rừng.” Điển hình là hai trình thuật Mc 2:23-28 và Lc 13:10-17.

Thứ nhất là trình thuật Mc 2:23-28 (≈ Mt 12:1-8 và Lc 6:1-5). Trình thuật này cho biết việc các môn đệ bứt lúa trong ngày nghỉ lễ. Thánh Máccô cho biết: Vào ngày sabát, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. Người Pharisêu liền nói với Đức Giêsu: “Ông coi, ngày sabát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!” Người đáp: “Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đavít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? Dưới thời thượng tế Abiatha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế.” Người nói tiếp: “Ngày sabát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sabát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sabát.”

Rõ ràng “luật vị nhân sinh” chứ không “nhân sinh vị luật.” Người ta biết nhưng lại không muốn áp dụng, viện cớ hình thức để bỏ những gì cần thiết thuộc tinh thần. Sai bét mà vẫn vỗ ngực mạo nhận mình đúng. Thật là khốn nạn quá! Tuy nhiên, ai biết sai mà không chịu chấn chỉnh thì khốn nạn hơn. Đó là cố chấp, mà cố chấp thì phạm đến Chúa Thánh Thần, phạm đến Chúa Thánh Thần thì không được tha đời này và đời sau!

Thứ hai là trình thuật Lc 13:10-17. Trình thuật này cho biết việc Đức Giêsu chữa một phụ nữ còng lưng ngày sabát. Thánh Luca kể: Ngày sabát kia, Đức Giêsu giảng dạy trong một hội đường. Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được. Trông thấy bà, Đức Giêsu gọi lại và bảo: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!” Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa.

Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giêsu đã chữa bệnh vào ngày sabát. Ông lên tiếng nói với đám đông rằng: “Đã có sáu ngày để làm việc thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sabát!” Chúa đáp: “Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sabát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? Còn bà này, là con cháu ông Ápraham, bị Satan trói buộc đã mười tám năm nay, chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sabát sao?” Nghe Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.

Quá lo về hình thức mà bất cần điều cần thiết hơn thuộc tâm linh. Người ta giả hình rành rành như thế mà lại không dám nhận mình là giả nhân giả nghĩa, thậm chí còn vênh váo nhận mình là nhân đức, là công chính, là… làm đúng luật. Kiểu này ngày nay người ta gọi là “bó toàn thân” luôn. Hết nước nói, hết thuốc chữa!

Với những loại người như vậy, người ta có cách nói khôi hài mà nhức nhối: Thuốc chống ngu, uống mỗi lần 3 viên, uống hằng ngày và uống suốt đời. Đối với nữ giới, người ta có dạng khác: Kem lột da ngu, thoa khi thức dậy và trước khi ngủ, thoa hằng ngày, thoa suốt đời!

Chuyện kể rằng có một rabbi (giáo sĩ Do Thái) bị giam trong nhà tù vì một lý do nào đó. Ở trong tù, dù phải sống khó khăn trong bốn bức tường chật hẹp nhưng ông vẫn được người ta cho ăn và có nước sử dụng đầy đủ. Tuy nhiên, không hiểu sao mà ông càng ngày càng ốm yếu. Người ta cho mời bác sĩ tới khám. Cuối cùng, bác sĩ kết luận là rabbi kia bị thiếu nước trầm trọng. Lạ thật, đồ ăn và nước sử dụng vẫn cung cấp đầy đủ, tại sao cơ thể ông ta lại bị thiếu nước?

Sau nhiều ngày bí mật tìm hiểu, người ta biết được rằng ông vẫn ăn đầy đủ, uống nước rất ít, ông ta dùng nhiều nước để rửa tay trước và sau khi ăn theo đúng luật Do Thái giáo. Ui da, thảo nào cơ thể ông bị thiếu nước trầm trọng!

Hình thức cũng cần, nhưng đừng quá coi trọng, còn có cái khác quan trọng hơn nhiều. Cứ lo giữ luật như rabbi kia thì có lợi gì – cho chính ông ta và người khác? Máu Pharisêu đã thấm vào ông ta quá nhiều, máu đó cũng thấm vào một số người trong chúng ta – rất có thể là nhiều người chứ không ít. Loại mặt nạ đó được người ta ưa chuộng, thích đeo khi gặp người khác. Thế nên André Berthiaume đã phải chua chát nói: “Tất cả chúng ta đều đeo mặt nạ, và rồi sẽ đến lúc chúng ta không thể tháo chúng xuống mà không lột theo một ít da.”

Lạy Thiên Chúa, xin dạy cho con biết đường nẻo của Ngài, xin chỉ bảo con lối đi của Ngài. Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ, vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con. Xin Ngài chỉ dạy đường lối phải theo để con sống đúng Thánh Ý Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …