Home / Chia Sẻ / CHUYỆN KIÊNG CỮ

CHUYỆN KIÊNG CỮ

CHUYỆN KIÊNG CỮ 1Tiền nhân nói: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Tinh thần và thể lý có liên quan mật thiết với nhau, do đó mà việc kiêng cữ tốt cho cả tinh thần và thể lý. Ví dụ: Kiêng sử dụng chất béo để tránh béo phì, tránh được béo phì thì sống khỏe, sống khỏe thì tinh thần minh mẫn. Kiêng ăn chất béo không chỉ để giảm béo, mà còn giảm bệnh, giảm bệnh thì tính khí cũng thoải mái. Cũng vậy, tránh nghĩ đến điều xấu để tinh thần không bị cám dỗ, không bị cám dỗ thì bớt phạm tội.

Thái quá bất cập. Sạch quá cũng không tốt, bởi vì có thể triệt tiêu các vi sinh tốt cần thiết cho cơ thể. Người ta kiêng cữ quá mức cũng không tốt, đến nỗi trở thành mê tín, dị đoan – nhất là trong vấn đề kiêng cữ thuộc lĩnh vực tinh thần. Cưới xin thì kỵ tuổi, tình cảm mà cũng bị người ta lạm dụng. Hai người yêu nhau mà tuổi thuộc “vùng” tứ hành xung thì chỉ có nước đợi… kiếp sau! Ngày nào cũng đủ 24 giờ, thế mà người ta cũng “tạo ra” giờ tốt và giờ xấu; hướng đi đã có đường sẵn mà người ta lại “biến hóa” thành hướng tốt và hướng xấu. Ví dụ cổng nhà hướng Đông, đi ra theo hướng đó không tốt, vậy phải chui “lỗ chó” mà đi ngang hoặc phía sau nhà cho hên sao? Mà có hên thật không? Có ai cưỡng lại được “mệnh trời” chưa? Đúng là “rách việc”, nhảm nhí hết sức!

Ai có thể biết giờ nào tốt? Vậy giờ chết và giờ sinh thì sao? Ai biết chắc? Nếu thực sự biết giờ nào tốt, sao không ráng chờ đến đúng giờ phút tốt rồi chết hoặc sinh, sao lại “quéo” người lại mà lo sợ? Người ta có chủ động chọn giờ tốt để “dọn chỗ” mà chết hoặc sinh? Còn nữa, ba ngày Tết phải cữ quét nhà vì “sợ” tiền của “đi ra”. Nghe nói mà đủ thấy “nóng mặt”. Rác rưởi bừa bộn, mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe không lo lại lo “bò trắng răng”!

Nuôi chó thì cho là tốt, là hên, vì chó sủa “gâu gâu”, người ta cố ý hiểu là “giàu”. Nuôi mèo thì cho là xấu, là xui, vì mèo kêu “meo meo”, người ta cố ý “dịch” ra là “nghèo”. Không phải là mê tín, dị đoan, mà là hủ tục và nhảm nhí! Kiêng cữ kiểu nhảm nhí như vậy thì chỉ có nước là không ăn gì, không uống gì, không đi đâu, không gặp ai, vậy là tốt nhất, hên nhất, chắc cú nhất! Có ai muốn như thế, có ai dám làm vậy?

KIÊNG CỮ

Tết đến, Xuân về, khoảng thời gian thanh thản nhất, chúng ta cùng “điểm” lại vài tục lệ kiêng cữ của dân ta, gọi là “nói chuyện vui đầu Xuân” để… lấy hên. Thôi kệ, xấu tốt gì cũng vô thưởng vô phạt, mà cũng có chuyện để nói cho vui.

  1. Kiêng Quét Nhà – Theo quan niệm của Người Việt, nếu quét nhà trong 3 ngày đầu năm mới thì Thần Tài sẽ đi mất, tiền bạc sẽ không ở lại với gia đình, thậm chí còn mang lại điềm xấu. Có lẽ do một điển tích của Trung quốc: Trong “Sưu thần ký” có chuyện người lái buôn tên Âu Minh, khi đi qua hồ Thanh Thảo thì được Thủy Thần ban cho một người hầu tên Như Nguyệt. Sau vài năm, Âu Minh làm ăn phát đạt và trở thành người giàu có. Mồng Một Tết năm nọ, Âu Minh tức giận đánh Như Nguyệt. Nàng sợ quá chui vào đống rác và biến mất. Từ đó, nhà Âu Minh cứ nghèo dần đi. Theo đó, mọi người kiêng không dám quét nhà và không đổ rác trong mấy ngày Tết.
  2. Kiêng Mặc Quần Áo Trắng hoặc Đen – Theo quan niệm của người xưa, màu trắng và đen là màu của tang tóc và chết chóc, thế nên không được dùng hai màu này vào ngày đầu năm. Thay vào đó, mọi người thường mặc các bộ trang phục có màu sắc tươi tắn như màu hồng, đỏ, vàng, xanh…
  3. Kiêng Khóc Lóc, Buồn Rầu, Nói Điều Không Vui – Lỡ gặp chuyện buồn thì cũng ráng nhịn, chớ có khóc lóc, phải cố gắng kiềm chế để có thể hưởng thụ mấy ngày đầu năm mới cho trọn niềm vui bên người thân, bạn bè. Đồng thời, người ta còn phải kiêng nói những điều không vui, vì khi nói ra cũng có nghĩa là làm cho người khác “lây nhiễm” nỗi lo lắng, u buồn theo mình, gây không tốt trong những ngày đầu năm. Người ta còn phải kiêng nói to, kiêng cãi nhau, kiêng nói xấu, kiêng chửi rủa hoặc la mắng người khác.
  4. Kiêng Làm Đổ, Làm Vỡ – Người ta cho rằng sự đổ vỡ vật dụng sẽ tạo nên sự chia cắt, đứt lìa, là điềm gở cho cả năm. Vì thế, cần phải hết sức thận trọng khi sử dụng các đồ vật dễ vỡ như đồ thủy tinh, sành, sứ, gốm, pha lê,… Tất nhiên cũng phải tránh làm đổ chất lỏng tùm lum, vì như thế là xui xẻo.
  5. Kiêng Vay Mượn Tiền Bạc, Đồ Đạc – Người xưa cũng quan niệm rằng, những ngày đầu năm mới, chúng ta không nên vay tiền hoặc mượn đồ dùng, vì làm vậy có thể khiến chúng ta rơi vào cảnh túng thiếu cả năm, cứ phải đi vay đi mượn.
  6. Kiêng Đi Chúc Tết Khi Gia Đình Có Tang – Nếu gia đình có đại tang thì người ta kiêng đi chúc Tết đầu năm. Người xưa quan niệm rằng nếu những người có tang đến chúc Tết gia đình ai đó thì sẽ mang nỗi buồn đến “chia sẻ” cho gia đình đó. Ngược lại, xóm giềng lại cần đến chúc Tết và an ủi gia đình bất hạnh ấy.
  7. Kiêng Đi Chúc Tết Vào Sáng Mồng Một – Người ta có tục lệ xông đất hoặc xông nhà đầu năm. Theo tục lệ này, người đầu tiên bước vào nhà ai trong ngày mồng Một Tết chính là “người quyết định” sự may mắn hoặc xui xẻo đối với gia đình ấy suốt năm, người ta gọi là “hãm tài”. Vì thế, nếu không được gia chủ mời, nên tránh đi chúc Tết vào sáng mùng Một. Người được mời xông đất phải là người có uy tín, có thế giá, vị vọng hoặc giàu có.
  8. Kiêng Cho Nước, Cho Lửa – Lửa và nước tượng trưng cho sự may mắn, sự thuận lợi. Nếu chúng ta cho lửa và nước vào mấy ngày đầu năm, nghĩa là gia đình sẽ không giữ được tiền bạc và may mắn trong cả năm, vì cho người ta hết.
  9. Kiêng Giặt Giũ Vào Mồng Một và Mồng Hai – Vì sinh nhật của Thủy Thần là ngày 1 và 2 tháng Giêng (âm lịch), do đó nên tránh giặt quần áo trong hai ngày này để đề phòng chuyện xui xẻo xảy đến với mình.
  10. Kiêng Mở Tủ – Người ta còn có tục lệ kiêng mở tủ vào ngày mùng Một, vì họ tin rằng mở tủ lấy tài sản ra tức là “tống tiễn” tài lộc ra khỏi nhà. Do vậy, người lớn thường nhắc trẻ con cần gì thì lấy sẵn ra trước, bất cứ đồ gì (quần áo, của cải, đồ trang sức, dụng cụ,…), và phải lấy trước giờ giao thừa.
  11. Kiêng Xõa Tóc – Tại các vùng quê Việt Nam và một số gia đình gốc Hoa, người ta kỵ việc xõa tóc của các thiếu nữ. Họ cho rằng tóc xõa rũ rượi gợi lên những hình ảnh ma quái thuộc cõi âm. Vì vậy, vào những ngày này, phụ nữ nên chọn các kiểu tóc buộc, tết, kẹp sao cho gọn gàng khi ra đường.
  12. Kiêng Ăn Một Số Món – Dân miền Trung có tục lệ kiêng ăn trứng vịt lộn hoặc thịt vịt trong ngày Tết, và cả tháng Giêng. Người ta cho rằng ăn thịt vịt sẽ “gặp xui xẻo”. Tại một số vùng, người ta còn kiêng ăn tôm vì sợ “đi giật lùi như tôm”. Nếu ăn tôm trong ngày Tết, công việc trong năm mới sẽ không xuôi xắn, cứ giật lùi chứ không thể tiến tới. Vả lại, tôm còn là con vật mà người ta cho rằng “họ nhà tôm cứt lộn lên đầu”.

MÙ QUÁNG

CHUYỆN KIÊNG CỮ 2Thật là “mệt mỏi” với chuyện kiêng cữ. Không chỉ liên quan thể lý, việc kiêng cữ còn có phần liên quan tâm lý, tinh thần, thuộc phạm trù tâm linh. Ví dụ: Treo “vật may mắn” để lấy hên, treo “gương” trước cửa để trừ tà thần, treo một số lá cây để trừ tà khí, tránh bệnh tật,… Như vậy, việc kiêng cữ dẫn tới mê tín dị đoan.

Mê tín dị đoan là tin vào những điều mơ hồ, nhảm nhí, không phù hợp với lẽ tự nhiên – tin vào bói toán, chữa bệnh bằng phù phép, ngoại cảm…, dẫn tới hậu quả xấu. Mê tín là tin suông một điều gì đó chứ không hề biết rõ nguyên nhân, chỉ tin theo kiểu a dua, hùa theo, thấy người ta tin thì mình cũng tin – tin tưởng theo cách u mê. Còn cuồng tín là tin điều gì đó một cách rồ dại, đến nỗi đầu óc không còn tỉnh táo và trở thành điên cuồng. Cuồng tín là phi tôn giáo.

Mê tín hoặc cuồng tín đều dẫn tới hệ lụy không tốt, nhưng mê tín có vẻ tệ hại hơn cuồng tín. Nguyên nhân dẫn tới mê tín và cuồng tín là do mong cầu điều gì đó thái quá mà hóa lú lẫn, hoặc do lo sợ xui xẻo quá mà “nhắm mắt, đưa chân”. Ít hay nhiều gì thì cũng có phần nào ảnh hưởng quan niệm về “luật nhân quả”, khiến người ta sợ hãi.

Một dạng “lú lẫn” cấp thấp hơn là thần tượng. Thần tượng ai đó cũng là một dạng thuộc phạm trù mê tín dị đoan hoặc cuồng tín, nhưng thần tượng không thuộc lĩnh vực tâm linh mà về phương diện hữu hình. Thần tượng là ngu xuẩn, tự đánh mất chính mình, không còn khả năng phân biệt cái gì “phải” hoặc “trái”, ngay cả cái sai của người ta mà mình cũng thấy là tốt. Thật là nguy hiểm!

Mê tín dị đoan, cuồng tín và thần tượng đều là mù quáng! Do kém hiểu biết, không biết mà lại cố chấp, thế nên dễ sinh ra bi kịch trong cuộc sống.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN