Có lẽ ai cũng có máu “bà tám” – dù mức độ khác nhau. Bởi vì người ta sợ im lặng, muốn nói cho khuây khỏa, gọi là “xả xì-trét.” Thế là cứ cái đà ấy, người ta nói liên tu bất tận, có người nói “cắt” không đứt, nói như cái máy. Đa số phụ nữ nói nhiều hơn, vì họ sử dụng cả hai bán cầu não, nhưng có những đàn ông cũng nói liên tục, thậm chí có ông còn nói nhiều hơn đàn bà.
Ôi thôi, có vô vàn thứ chuyện ở cõi đời này, đếm không xuể, kể không hết. Ba bà mà có đến bốn chuyện, chín người mà có đến mười ý. Đủ loại, đủ kiểu. Vui có, buồn có. Thậm chí người ta còn “buôn chuyện,” lấy câu chuyện “làm quà,” có thể “tám” cả ngày chưa hết chuyện. Hết Đông sang Tây, hết ta sang Tàu, hết Tàu sang Tây, hết chuyện nhà ra chuyện người. Cỡ nào người ta cũng nói được. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Chẳng ai có tay mà bịt miệng đời. Mệt mỏi thật đấy!
Mọi nơi và mọi lúc đều có chuyện để nói. Quá khứ có chuyện dĩ vãng, hiện tại có chuyện ngày nay, tương lai có chuyện… phỏng đoán. Rắc rối lắm. Đôi khi hóa ra “rách việc.” Năm cũ chưa hết chuyện năm cũ mà năm mới lại thêm chuyện năm mới. Nào là chuyện đại dịch, nào là chuyện bầu cử tổng thống Mỹ, nào là chuyện tham nhũng, nào là chuyện phe cánh, nào là chuyện lọc lừa, nào là chuyện hàng giả,… thậm chí là người giả – giả danh làm chuyện khuất tất.
Năm mới mà có những người không thấy an tâm, lòng cứ rối như tơ vò, bởi vì tương lai chưa có định hướng mới. Thường thì mơ nhiều mà chẳng được bao nhiêu, nhưng người ta vẫn cứ hy vọng để mà tiếp tục sống cho hết kiếp người. Trong lĩnh vực tâm linh cũng vậy, con người yếu đuối nên cứ vấp ngã rồi lại cố đứng dậy, tay rửa rồi lại bẩn, và lại phải rửa. Cứ thế và cứ thế. Cuộc sống là như thế, biết thế để không thất vọng, cố gắng yêu thương nhau và tha thứ cho nhau nhiều hơn.
Cũ qua, mới tới. Bốn mùa luân phiên. Xuân đến là việc của thiên nhiên, tứ thời bát tiết xoay vòng là quy luật càn khôn, như phần cứng cài đặt mặc định. Còn chúng ta, dù muốn dù không thì cũng phải đón năm mới. Người giàu và kẻ nghèo, người vui hoặc kẻ buồn, vấn đề quan trọng là vẫn khát vọng vươn lên. Dù thế nào cũng vẫn phải hy vọng một tương lai xán lạn hơn năm cũ. Thiên Chúa sẽ phù trợ nếu thực sự tín thác vào Ngài.
Xuân về thì Tết đến – với mọi người, không phân biệt ai, dù người đó có muốn đón Xuân hay không. Xuân cũng rất hào phóng, luôn trao tặng mọi người những điều tốt đẹp nhất. Những điều tốt đẹp đó được người ta thể hiện qua nụ cười rạng rỡ, lòng vui thì “trào” ra ngoài. Chưa cho nhau được điều gì cao xa thì chí ít cũng cần biết trao nhau điều giản dị nhất: Nụ cười. Tuy đơn giản nhưng nụ cười có sức mạnh kỳ lạ.
Dù muốn hay không thì tất cả sẽ qua đi. Niềm vui nào cũng kết thúc, và nỗi buồn nào cũng vơi dần theo thời gian. Xuân cứ đến rồi đi, đó cũng là điều tất yếu. Có lưu luyến mới thấy quý. Thiếu cái gì đó có khi lại tạo cảm giác hạnh phúc, vì còn hy vọng, chứ sở hữu rồi thì người ta lại chán ngay. Con người luôn bị giằng co giữa hai thái cực. Nhưng hãy cố gắng bỏ qua mọi phiền muộn để khởi sự năm mới.
Người Nhật có câu nói chí lý: “Ai hài lòng với điều mà Thượng Đế đã định đoạt cho mình thì sẽ có cuộc sống tự do và hạnh phúc.” Điều đó cũng rất phù hợp với Kitô giáo. Pascal so sánh: “Con người là cây sậy có lý trí.” Cây sậy là loại thực vật yếu mềm. Ông so sánh như vậy chứng tỏ con người rất yếu đuối, cả tinh thần lẫn thể lý. Vì thế, người ta luôn khao khát yêu và được yêu, luôn cần được quan tâm, an ủi, nâng đỡ, cảm thông, chia sẻ,…
Con người là sinh vật cao cấp với thất tình và lục dục nên luôn phức tạp. Thánh Phaolô đã tự thú: “Tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm.” (Rm 7:15) Quả thật, con người quá rắc rối, quá nhiêu khê, đôi khi không nhận biết ngay cả chính mình. Muốn thì muốn lắm, mà làm thì chẳng được, đủ lý do để biện hộ.
Không chỉ chuyện đời thường là vậy, ngay cả vấn đề tâm linh cũng chẳng khá hơn: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi lại cứ làm.” (Rm 7:19) Đôi khi thực sự thấy buồn chính mình!
Nhiều lần và nhiều cách, Thiên Chúa đã cảnh báo: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần,” (Mt 3:2) hoặc là: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng,” (Mc 1:15) thậm chí là: “Nếu không sám hối thì sẽ chết hết.” (Lc 13:1, 3 và 5) Vậy mà chúng ta vẫn coi chỉ là “chuyện nhỏ” mà thôi, thậm chí còn cho rằng Chúa nói người khác chứ không nói đến mình. Cái tôi bé nhỏ nhất mà lại cồng kềnh nhất.
Khi hiện ra với ba trẻ tại Fatima, một trong ba mệnh lệnh Đức Mẹ đưa ra cũng liên quan việc đổi mới: “Hãy canh tân đời sống,” Nhưng để thay đổi cuộc sống một cách hiệu quả, Thánh Phaolô chỉ cho chúng ta một bí quyết: “Anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em.” (Ep 4:23) Thật đáng sợ về lời cảnh báo của Kinh Thánh: “Chúng đã ra hư đốn, làm những điều ghê tởm, chẳng có một ai làm điều thiện.” (Tv 53:2)
Tất cả mọi người đều được ơn hiểu biết, (1 Ga 2:20) vấn đề còn lại là chúng ta có muốn hiểu biết hay không. Đó là trách nhiệm riêng của mỗi người, tất nhiên phúc và họa cũng có liên quan.
Lạy Thiên Chúa, chúng con lắm chuyện vì hèn yếu nên luôn cần Ngài điều trị. (x. Lc 5:31) Xin thương xót và ban cho chúng con có những khởi đầu mới theo Thánh Ý Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Tân Niên Tân Sửu – 2021