Home / Chia Sẻ / CHUYỆN CƯU MANG

CHUYỆN CƯU MANG

CHUYỆN CƯU MANG1Kinh Thánh nhiều lần đề cập việc CƯU MANG. Động thái CƯU MANG có nghĩa đen và nghĩa bóng. Việc CƯU MANG thực sự là một mối phúc.

Theo nghĩa đen, đó là việc mang thai, cụ thể là người mẹ mang thai đứa con. Tục ngữ nói: “Nặng nề chín tháng CƯU MANG – Công sinh bằng vượt bể  sang nước người.” Nhớ mẹ, không thể quên cha: “Ân cha nặng lắm ai ơi – Nghĩa mẹ bằng trời, chín tháng CƯU MANG.” Đó là điều cụ thể mà ai cũng biết rõ. Theo nghĩa bóng, CƯU MANG là giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn, bế tắc, đặc biệt là CƯU MANG trẻ em vô gia cư, mồ côi, bị bỏ rơi,…

Khi sứ thần truyền tin, Đức Maria ngạc nhiên và quan ngại, nhưng sứ thần trấn an: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlidabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang CƯU MANG một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.” (Lc 1:35-36)

Nghe vậy, Đức Maria khiêm nhường xin vâng. Sau đó, Đức Maria đã lập tức đi thăm bà Êlidabét. Hai chị em gặp nhau, người chị Êlidabét vui mừng ca ngợi người em Maria: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang CƯU MANG cũng được chúc phúc.” (Lc 1:42)

Khi nghe tin Đức Maria có thai, Thánh Giuse công chính không muốn tố cáo nên định tâm bỏ đi cách kín đáo. Nhưng sứ thần báo cho biết: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà CƯU MANG là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” (Mt 1:20-21) Thế là Thánh Giuse an tâm, làm như sứ thần Chúa dạy, rồi vui vẻ đón Đức Maria về nhà.

Trong thời gian Chúa Giêsu hoạt động sứ vụ công khai, có lần Ngài đang giảng dạy, giữa đám đông có một phụ nữ lên tiếng nói: “Phúc thay người mẹ đã CƯU MANG và cho Thầy bú mớm!” (Lc 11:27) Nhưng Ngài đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: ‘Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa’.” (Lc 11:27) Chắc hẳn phụ nữ này là một người mẹ nên bà đã không thể im lặng. Bởi vì theo tự nhiên, người mẹ nào có đứa con giỏi giang, tài năng, nhân đức,… thì đúng là có phúc thật!

Chuyện “cưu mang” cũng có trong lĩnh vực tâm linh. Khi đề cập thử thách, Thánh Giacôbê nói: “Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách, vì một khi đã được tôi luyện, họ sẽ lãnh phần thưởng là sự sống Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Người. Khi bị cám dỗ, đừng ai nói: ‘Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ,’ vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai. Nhưng mỗi người có bị cám dỗ là do dục vọng của mình lôi cuốn và dùng mồi mà bắt. Rồi một khi dục vọng đã CƯU MANG thì đẻ ra tội; còn tội khi đã phạm rồi, thì sinh ra cái chết.” (Gc 1:12-15) Cái gì chứ việc “cưu mang” như vậy thật đáng quan ngại, đáng lo sợ!

Trong thời gian đi qua hoang địa để tiến về đất hứa, ông Môsê nghe thấy dân tụm năm tụm bảy theo thị tộc mà kêu khóc tại cửa lều của mình. Còn Đức Chúa thì bừng bừng nổi giận. Ông lấy làm khổ tâm và thưa với Đức Chúa: “Sao Ngài lại làm khổ tôi tớ Ngài? Tại sao con lại không đẹp lòng Ngài, khiến Ngài đặt gánh nặng tất cả dân này lên con? Có phải con đã CƯU MANG tất cả dân này không? Có phải con đã sinh ra nó không mà Ngài lại bảo con: Hãy bồng nó vào lòng, như vú nuôi bồng trẻ thơ, mà đem vào miền đất Ta đã thề hứa với cha ông chúng?” (Ds 11:11-12)

Khi đau khổ tột cùng, ông Gióp đã nguyền rủa chính mình: “Phải chi tinh tú ban mai thành tăm tối mịt mờ, và ban mai uổng công chờ ánh sáng, không hề thấy bình minh xuất hiện. Vì đêm ấy đã không đóng kín lòng dạ CƯU MANG tôi khiến mắt tôi khỏi nhìn thấy đau khổ.” (G 3:9-10) Và như một điều ước, ông đặt vấn đề: “Tại sao tôi đã không chết ngay trong lòng mẹ để mẹ tôi nên nấm mồ chôn tôi, và lòng bà CƯU MANG tôi mãi mãi?” (Gr 20:17)

CHUYỆN CƯU MANG2Cây nào, trái nấy. Nghĩ sao, làm vậy. Xấu – tốt có hệ lụy rạch ròi. Nguồn gốc xấu thì hệ quả xấu: “Đứa CƯU MANG gian ác, ắt sẽ sinh tai họa, bụng chúng chứa sẵn những điều gian.” (G 15:35) Ai cũng có thể nhận ra: “Kìa nó manh tâm làm điều bất chính, CƯU MANG điều ác hại, ắt phải sinh ra chuyện gian tà.” (Tv 7:15) Và có hệ lụy tất yếu: “Các ngươi đã CƯU MANG cỏ khô, ắt sẽ sinh rơm rạ. Hơi thở của Ta sẽ như lửa thiêu rụi các ngươi.” (Is 33:11) Nếu nguồn gốc tốt thì hệ quả tốt: “Hỡi con trai ta, đứa con lòng dạ ta đã CƯU MANG, đứa con ta đã cầu khẩn được.” (Cn 31:2)

Không phải Thiên Chúa ngắn tay không thể cứu, cũng chẳng phải Ngài nặng tai không nghe được, mà chính lỗi lầm của chúng ta đã phân cách chúng ta với Thiên Chúa, chính tội lỗi chúng ta đã khiến Ngài ẩn mặt: “Chẳng ai theo lẽ công minh mà kiện cáo, không ai xét xử theo đường chân thật. Người ta tin tưởng điều hư không và nói lời gian xảo, CƯU MANG chuyện xấu xa, đẻ ra điều gian ác.” (Is 59:4) Và rồi ngôn sứ thẳng thắn cảnh báo: “Épraim đã bị đánh nhừ đòn, gốc rễ của chúng bị héo khô, chúng không mang lại hoa trái gì được. Và giả như chúng có sinh sản, Ta cũng sẽ giết chết những đứa con yêu quý chúng đã CƯU MANG.” (Hs 9:16)

Trong cuốn “Strength for Service to God and Community,” tác giả Evan Hunsberger kể hai câu chuyện liên quan việc “cưu mang” thế này:

  1. Hạ sĩ Duy Nguyen sinh trưởng tại Việt Nam. Ông đến Mỹ lúc 14 tuổi, bỏ lại thân nhân và quê hương. Lúc 19 tuổi, ông gia nhập Thủy Quân Lục Chiến. Ông nói: “Để tạo sự khác biệt, để chấp nhận thử thách là một quân nhân Thủy Quân Lục Chiến. Tôi cảm ơn cha mẹ đã nuôi tôi nên người như hôm nay. Cha tôi rất hãnh diện về tôi như thế này.”

Ông có dịp tham gia tổ chức Pacific Partnership tới Việt Nam với tư cách là người vận hành máy móc. Có 9 người được chọn trong số 200.000 lính Thủy Quân Lục Chiến, ông Duy là một trong 9 người đó. Ông nói: “Tôi có dịp trở về quê hương Việt Nam sau những ngày xa cách mà tôi rất khó lý giải. Tôi nhìn thấy trẻ em Việt Nam khiến tôi nhớ đến tôi hồi nhỏ. Như tấm gương phản chiếu quá khứ, nó nhắc tôi nhớ rằng tôi may mắn biết bao, và tôi quyết định trở thành người lính Thủy Quân Lục Chiến. Khi tôi làm nhiệm vụ này, giống như mọi thứ trong một chu kỳ viên mãn, và tôi nhận biết rằng có thể có những điều xảy ra vì một lý do nào đó.”

Cuộc sống không xoay vòng, mà nó hoàn tất chu kỳ viên mãn, và mọi thứ cũng vậy, nó thực sự xảy ra vì lý do nào đó. Hãy biết rằng bất cứ điều gì bạn đi qua, chính Thiên Chúa đã  tác động và chăm lo cho bạn. Thiên Chúa ở đó và lắng nghe bạn. Đó là cách cưu mang mầu nhiệm của Thiên Chúa.

  1. Cha mẹ của Noah Jones là ông bà Nathan và Sara trở thành cha mẹ nuôi. Noah thấy trong vùng Kentucky có xấp xỉ 600 đứa con nuôi cứ phải thay đổi gia đình mỗi năm. Khi một đứa trẻ phải di chuyển, chiếc “vali” tạm thời là một “túi rác.” Đa số trong số các trẻ em đó xuất hiện tại gia đình mới với những gì chúng có trong chiếc túi đó. Điều này khiến Noah cảm thấy phiền toái.

Noah nói: “Những túi của các trẻ em đó như nói với chúng rằng đồ đạc của chúng không bằng thứ rác rưởi.” Thế nên nhờ sự giúp đỡ của cha mẹ và hai cô em gái, Noah thu gom tất cả. Anh quảng cáo trên báo địa phương và đài phát thanh. Trong vòng vài tháng, gia đình thu gom trung bình mỗi tuần khoảng 500 vali và túi xách. Noah bỏ vào các túi đó các đồ dùng cá nhân như xà bông và đồ chơi cho lũ trẻ.

Noah nói: “Tôi hy vọng rằng việc cho chúng các vật dụng như vậy sẽ làm cho chúng cảm thấy có sự kiểm soát giữa sự hỗn độn.” Mẹ của Noah nói: “Nếu một đứa trẻ 10 tuổi thấy được một vấn đề nào đó và có cách giải quyết, người lớn chúng ta có thể làm nhiều hơn không?”

Có nhiều vấn đề “nhỏ” trên thế giới mà chúng ta bỏ qua. Hãy tìm cách giải quyết vấn đề cụ thể nào đó. Điều đó có thể thay đổi thế giới – trong đó có phần của chúng ta. Đó là sống nhân bản, sống bác ái, là cách cưu mang tha nhân theo ý Chúa muốn. Thật vậy, Chúa Giêsu đã nói: “Người nghèo bên cạnh anh em lúc nào cũng có.” (Ga 12:8)

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN