Home / Chia Sẻ / CHUYỆN CHỮ CH

CHUYỆN CHỮ CH

Mẫu tự kép CH được phát âm là “chờ” – bắt đầu cả hai chữ Chủ Chiên. Thật ý nghĩa: CHỜ.

ChuyenChuHChúa Giêsu là Đệ Nhất Con Chiên và cũng là Đệ Nhất Chủ Chiên – Vị Mục Tử Nhân Lành, (Ga 10:11) đồng thời Ngài cũng là Cửa Chuồng Chiên. (Ga 10:7-9) Trình thuật Ga 10:27-33 cho chúng ta biết về mối quan tâm của Mục Tử Nhân Lành dành cho Đoàn Chiên.

Chúa Giêsu là Người Chăn Chiên đích thực nên nặng “mùi chiên.” Đó là sự ảnh hưởng tất yếu giữa chủ và chiên. Thật vậy, mấy bà bán cá làm sao tránh được mùi cá? Hoặc mấy người chăn heo lẽ nào không ám mùi heo? Một sự ảnh hưởng rất tự nhiên, không thể không có. Mùi chiên ở đây mang nghĩa bóng. Trong khi đại đa số chiên là dân nghèo – nhất là tại Việt Nam, thế thì tại sao chủ chiên không có “mùi nghèo” của chiên? Chủ chiên có “mùi” của chiên béo thì chủ chiên đó là thật hay giả, quen hay lạ? Câu hỏi dễ ẹc mà lại rất khó (hoặc ngại) trả lời!

Nhưng chính Chúa Giêsu đã trả lời qua câu nói xác định: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời, không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một.” (Ga 10:27-30) Vâng, MỘT chứ không HAI hoặc MỘT RƯỠI. Quá rõ ràng, chắc chắn không cần nói gì thêm nữa!

Thuận ngôn nghịch nhĩ. Lời thật mất lòng. Nghe Chúa Giêsu nói vậy, người Do Thái lại lấy đá để ném Ngài. Nhưng Ngài vẫn thẳng thắn bảo họ: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi?” Người Do Thái đáp: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.” (Ga 10:33) Đúng là những con người có tâm địa xấu xa, dốt mà chảnh, ngu mà ra vẻ ta đây giỏi, dại mà tưởng là khôn. Người ta còn nói đến mình là còn thương mình, người ta không thèm nói tới mình thì “hết nước nói” rồi. Nguy hiểm quá!

Về “mùi chiên,” đó phải là mùi thật, mùi tự nhiên, không thể là mùi nhân tạo. Ngày nay, người ta có thể chế biến đủ loại hương liệu để tạo mùi giả, liệu mùi chiên có bị “chế biến” hay không?

Chiên cũng đa dạng, lắm kiểu, nhiều loại: mập – ốm, cao – thấp, trắng – đen, sang – hèn, giàu – nghèo,… Nhiều người luôn tâng bốc, nịnh hót, luồn cúi,… “ra cái vẻ” đạo đức và ngoan ngoãn. Đáng quan ngại!

Khi nói đến danh từ “con chiên,” người ta có ý nói là “ngoan đạo,” nhưng cũng có nghĩa tiêu cực là “vâng lời mù quáng.” Anh ngữ có danh từ SHEEPLE /SHēpəl/ – được ghép bởi chữ Sheep (chiên, cừu) và People (người), ý nói về người dễ tin lời người khác, dễ bị dụ. Danh từ này được sử dụng từ năm 1945. Theo Thánh Tiến Sĩ Thomas Aquinas, đức tin cần có cả trí tuệ lẫn ý chí. Tin như vậy là sáng suốt chứ không mù quáng, ảnh hưởng đúng đắn.

Lạy Thiên Chúa, xin soi sáng và giúp con nhận thức đúng đắn, từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn, trong cuộc sống đời thường và tâm linh. Xin thương xót và bảo vệ hệ miễn nhiễm tâm linh để con không bị ảnh hưởng bởi những sự xấu, nhưng chỉ chịu sự ảnh hưởng của Ngài mà thôi. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

THÁNH GIUSE VÀ CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH

THÁNH GIUSE VÀ CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH

Có vô số người, vương cung thánh đường, nhà thờ, đền thánh, chủng viện, tu …