Dụ ngôn “Người Samari Tốt Lành” (Lc 10:25-37) đề cập “điều răn lớn” và cũng là điều răn quan trọng về lòng thương xót – sống đạo thực sự chứ không giữ đạo theo nguyên tắc, tích cực chứ không tiêu cực, chủ động chứ không thụ động.
Thánh Luca kể tình huống này: Một hôm, có người thông luật muốn THỬ Chúa Giêsu nên hỏi Ngài về CÁCH SỐNG TỐT NHẤT để được sống đời đời. Chúa Giêsu không trả lời thẳng mà hỏi ngược lại: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” Là người thông luật nên ông ta nói đâu ra đấy: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” Chúa Giêsu khen ông ta và xác định: “Ông trả lời đúng lắm. CỨ LÀM NHƯ VẬY thì sẽ được sống.”
Nếu được hỏi, chắc hẳn chúng ta cũng có thể trả lời ngay, không cần suy nghĩ lâu. Nhưng đó mới chỉ là lời nói suông. Từ miệng lưỡi tới bàn tay là khoảng cách rất ngắn nhưng cũng là con đường hun hút rất dài, ngỡ như vô tận, bởi vì nói được chứ chưa chắc làm được.
Chúa Giêsu nói rõ ràng, thẳng thắn, nhưng ông ta muốn chứng tỏ là mình có lý nên hỏi vặn lại: “Nhưng ai là NGƯỜI THÂN CẬN của tôi?” Chúa Giêsu ôn tồn kể dụ ngôn: Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có THẦY TƯ TẾ cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một THẦY LÊVI đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một NGƯỜI SAMARI kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông đưa tiền cho chủ quán và nhờ săn sóc nạn nhân, tốn kém thêm bao nhiêu rồi ông sẽ hoàn lại sòng phẳng.
Rồi Ngài hỏi người thông luật: “Vậy theo ông, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là NGƯỜI THÂN CẬN với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Người thông luật cũng mau mắn trả lời: “Chính là kẻ đã THỰC THI LÒNG THƯƠNG XÓT đối với người ấy.” Chúa Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng HÃY LÀM NHƯ VẬY.” Hai lần Ngài bảo người thông luật “hãy làm như vậy.” Liệu ông ta có thi hành? Không ai biết, nhưng rất có thể là “không,” vì điều đó có lẽ quá khó đối với ông.
Và hôm nay, Chúa Giêsu cũng bảo chúng ta y như thế. Làm hay không là quyền tự do của mỗi người, Chúa không muốn ai miễn cưỡng mà làm bất cứ việc gì. Câu nói “hãy làm như vậy” rất đơn giản mà lại phức tạp, dễ mà khó. Ai “làm như vậy” là thanh toán món nợ lòng thương xót đối với nhau – và Thiên Chúa coi như là làm cho chính Ngài. (x. Mt 25:31-46) Bất cứ ai “làm như vậy” thì “tên được ghi trên trời,” (Lc 10:20) và chắc chắn sẽ được lãnh nhận sự sống đời đời như Chúa Giêsu đã xác nhận.
Mỗi khi nghe dụ ngôn này lại thấy “nhột” lắm. Là thầy này thầy nọ, ông nọ bà kia, chức cao phẩm lớn, nhưng viện đủ lý do để làm ngơ người khác: lấy cớ bận việc, không có thời gian, vội vì có việc gấp, không muốn khó đến mình,… Đó là tự biện hộ cho sự vô cảm xấu xa của mình. Còn người mà chúng ta nhìn bằng nửa con mắt lại là NGƯỜI TỐT, thực sự nhân hậu, không so đo chi cả.
Trong dụ ngôn này có bốn người: Nạn nhân, thầy tư tế, thầy Lêvi, và người Samari. Nạn nhân là người “bị động” vì không thể làm gì được. Chúng ta cũng có những lúc đành thúc thủ như vậy, nhưng nhờ đó mà chúng ta nhận ra ai là người bạn đích thực, đa số chỉ là “bè” mà thôi.
Hai người kia là thầy tư tế và thầy Lêvi, những người được tôn trọng vì chức tước, những người dạy người ta sống đúng đắn và làm điều hay lẽ phải, thế nhưng họ chỉ nói năng hay, giảng thuyết giỏi, khuyên răn đúng, chứ chính họ không làm. Rõ ràng họ thấy nạn nhân khốn khổ mà họ làm ngơ, viện đủ cớ để thoái thác.
Còn người Samari? Ông này là người ngoại đạo, không biết luật tôn giáo, không nói hay, không chỉ bảo ai, nhưng ông thực sự có trái tim của Chúa, biết chạnh lòng thương xót nạn nhân mà ông bất ngờ gặp trên đường. Chắc là ông cũng bận việc, nhưng ông gác lại việc riêng để làm điều phải làm ngay: cứu người gấp. Ông không chỉ làm những gì cần thiết – sơ cứu, mà ông còn tận tụy đưa nạn nhân đi cấp cứu và thậm chí còn thanh toán mọi chi phí cho nạn nhân, chứ không đòi hỏi gì hoặc sợ bị thua thiệt. Ông ngoại giáo này sống đạo chứ không chỉ giữ đạo như những người có đạo, ông không nề khó khăn, cũng chẳng sợ bị phiền toái, sẵn sàng “vác tù và hàng tổng” mà không sợ người khác chê bôi.
Người Samari không mắc nọ nạn nhân nhưng ông vẫn thanh toán món nợ không vay: Nợ Yêu Thương. Ông là người thật tuyệt vời! Lạ thay, Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái.” (Rm 13:8a) Món nợ này rất kỳ diệu, bởi vì “ai yêu người thì đã chu toàn lề luật.” (Rm 13:8b) Yêu người là yêu Chúa, miệng nói kính mến Chúa mà không yêu thương tha nhân thì chỉ là nói xạo, phét lác. (x. 1 Ga 4:7-21)
Nhưng Chúa Giêsu còn “nghiêm khắc” hơn về món nợ này. Ngài bắt buộc mọi người đều phải “trả hết đồng xu cuối cùng.” (x. Mt 5:26) Đó cũng chính là mệnh lệnh yêu thương. Mệnh lệnh có nghĩa là phải thực hiện, không thể không làm.
Thời Cựu Ước, ông Môsê nói với dân: “Nếu anh em nghe tiếng Chúa, Thiên Chúa của anh em, hãy giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Người, ghi trong sách Luật này, miễn là anh em trở về với Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ. Quả thế, mệnh lệnh tôi truyền cho anh em hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh em.” (Ðnl 30:10-11) Ông cho biết thêm rằng mệnh lệnh đó không ở trên trời, cũng không ở bên kia biển, mà ở rất gần chúng ta, ngay trong miệng, ngay trong lòng chúng ta, để chúng ta đem ra thực hành. (Ðnl 30:12-14)
Hồng Ân Thiên Chúa luôn dạt dào, bao la, tuôn trào vô tận. Cảm nhận sâu sắc nên Thánh Vịnh gia đã thốt lên: “Lạy Chúa, phần con xin dâng Ngài lời nguyện, lạy Chúa Trời, đây giờ phút thi ân. Xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày, vì Chúa vẫn trung thành ban ơn cứu độ.” (Tv 69:14) Nhưng không phải vì thế mà ỷ lại, ảo tưởng. TIN Thiên Chúa yêu thương mình thì không là kiêu ngạo, nhưng TƯỞNG Thiên Chúa yêu thương mình thì là kiêu ngạo. Làn ranh giữa TIN và TƯỞNG rất mong manh. Là tín nhân thì phải thành tâm cầu xin: “Lạy Chúa, xin lấy lòng nhân hậu mà đáp lại lời con; xin mở lượng hải hà mà đoái thương nhìn đến.” (Tv 69:17)
Có vô số lý do để chúng ta cầu xin, đơn giản nhất là nhận biết mình yếu đuối: “Phần con đây, thật khốn cùng đau khổ, lạy Chúa Trời, xin cứu vớt đỡ nâng.” (Tv 69:30) Cầu nguyện không chỉ là cầu xin, mà trước tiên phải là tạ ơn và chúc tụng: “Tôi sẽ hát bài ca chúc mừng Danh Thánh, sẽ dâng lời cảm tạ tán dương Người.” (Tv 69:31)
Đối với đứa con yếu đuối, cha mẹ yêu thương đặc biệt hơn. Đó chính là hình bóng của Lòng Chúa Thương Xót, vì Ngài rất yêu thương và quan tâm những người mọn hèn – cả nghĩa đen và nghĩa bóng, như Thánh Phaolô xác nhận: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội.” (Rm 5:20) Thế thì thật may mắn cho chúng ta – những tội nhân xấu xa. Nhưng như vậy cũng có nghĩa là chúng ta “mắc nợ” Thiên Chúa. Vì thế, Thánh Vịnh gia động viên: “Những ai nghèo hèn, xem đấy mà vui lên, người tìm Thiên Chúa, hãy nức lòng phấn khởi. Vì Chúa nhậm lời kẻ nghèo khó, CHẲNG COI KHINH thân hữu bị giam cầm.” (Tv 69:33-34)
Thánh Phaolô xác nhận rằng “Đức Kitô đứng hàng đầu,” vì Ngài là Vua các vua, Chúa các chúa, và có toàn quyền. Thật vậy, Chúa Giêsu đã xác định: “Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã BAN CHO NGƯỜI CON MỌI QUYỀN XÉT XỬ, để ai nấy đều tôn kính người Con như tôn kính Chúa Cha. Kẻ nào không tôn kính người Con thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai người Con.” (Ga 5:22-23) Thánh Phaolô phân tích: “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, TẤT CẢ ĐỀU DO THIÊN CHÚA TẠO DỰNG NHỜ NGƯỜI và CHO NGƯỜI.” (Cl 1:15-16)
Thiên Chúa duy nhất, không có bất cứ thần linh nào khác. Thật hạnh phúc vì chúng ta được ơn nhận biết và tôn thờ Ngài. Nói về Ngài, Thánh Phaolô nói: “Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người. Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh; Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự, Người đứng hàng đầu.” (Cl 1:17-18) Vậy là quá rõ ràng, chúng ta là các chi thể, nghĩa là chúng ta không thể là một “phần rời” mà là “phần dính,” nghĩa là có tính liên đới về mọi sự – cả hữu hình và vô hình, cả tâm linh và đời thường. Ai tự tách rời là tự hủy diệt, vì cành nho không thể tách khỏi thân cây nho.
Tại sao? Thánh Phaolô cho biết nguyên nhân: “Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật ĐƯỢC HÒA GIẢI với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại BÌNH AN CHO MỌI LOÀI dưới đất và muôn vật trên trời.” (Cl 1:19-20)
Là tình yêu nên Thiên Chúa rất nhân từ và đại lượng. Mặc dù chúng ta ngang ngược, hoàn toàn bất xứng, nhưng chúng ta vẫn được tha thứ, được nâng như trứng mỏng, vậy mà chúng ta lại quá hẹp hòi, ngôn hành đối lập, nói một đàng, làm một nẻo. Vì ích kỷ và vô tâm nên không thực thi đức ái hoặc lòng thương xót. Có bị phạt cũng chẳng oan ức chi!
Kinh Thánh cho biết: “Người thương xót bao nhiêu thì cũng hạch tội bấy nhiêu: Người xét xử ai nấy tuỳ theo việc họ làm. Kẻ tội lỗi không thoát nổi với của gian đã cướp, và người đạo hạnh kiên nhẫn đợi chờ sẽ chẳng luống công.” (Hc 16:12-13) Kinh Thánh cũng xác định: “Áp bức người yếu thế là sỉ nhục Đấng tạo thành nên họ, thương xót kẻ khó nghèo là tôn kính Đấng dựng nên người đó.” (Cn 14:31)
Có bốn người nhưng có hai vấn đề: Tốt và Xấu. Người nào cũng dạy cho chúng ta bài học sống vô giá: Người xấu giúp chúng ta tránh đi vào vết chân của họ, còn người tốt thúc giục chúng ta phải đi theo dấu chân của họ.
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con nhận biết mình là “nạn nhân” giữa đời này và chấp nhận mọi sự, nhờ đó có thể sống khiêm tốn; xin giúp chúng con biết quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ tha nhân; và xin giúp chúng con tránh thói ỷ lại, hợm mình mà vô cảm trước nỗi đau của người khác. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU