“Thiên Chúa, Người thầm lặng; tất cả những gì có giá trị trong thế giới đều chứa đầy thinh lặng.” – E.Mounier.
Trong thế giới ngày nay, tiếng ồn ào đã thâm nhập cuộc sống con người như một cơn sóng thần, âm thanh tràn ngập mọi ngóc ngách. Phải công nhận rằng thời gian im lặng càng ngày càng trở nên hiếm hoi trong cuộc sống đời thường của đa số những con người ngày nay. Họ hầu như bị chìm sâu trong làn sóng dư luận, bị chao đảo theo các ngọn gió tin tức truyền thông, rồi những tiếng ầm ầm của máy móc hay những âm thanh của máy vi tính, chuông điện thoại, tiếng ồn ào trong các quán ăn, nhà hàng… đã chiếm hết tâm trí của họ đến nỗi họ không còn biết mình từ đâu đến và sẽ đi đâu. Sự hụt hẫng, trống rỗng, mà nhiều người ngày nay cảm nhận, chứng tỏ rằng họ đã bỏ sót một chiều kích của chính mình.[1] Họ đã quên mất con đường về căn nhà lương tâm và về mảnh vườn nội tâm của lòng mình, nơi có thể nói cho họ biết tất cả… Thiếu thinh lặng, con người đang sống ngoài lề của chính mình và thậm chí còn thu hẹp mọi tương quan với người khác.
Sự thinh lặng cần thiết biết bao! Không biết có ai đã bao giờ tự hỏi rằng: Tại sao bản nhạc lại phải có dấu lặng? Hay đã bao giờ có ai đọc một bài văn mà không hề có dấu chấm, dấu phẩy?
Nếu một bản nhạc không có dấu lặng, chúng ta sẽ chẳng bao giờ nghe được tiếng vọng của thanh âm, và những ngân nga của một giai điệu du dương. Cũng vậy, nếu một bài văn không có dấu chấm dấu phẩy, chắc chắn là người đọc sẽ đứt hơi, hoặc sẽ chẳng thể hiểu được trọn vẹn bài văn ấy. Thinh lặng cũng giống như một nốt lặng của bản nhạc, giúp ta nghe rõ hơn nốt trước và nốt sau đó, và cũng giống như dấu chấm dấu phẩy trong một bài văn, giúp người đọc hiểu trọn vẹn hơn ý nghĩa của bài viết.
Trên phương diện nhân bản, thì chỉ có sự thinh lặng mới giúp ta thực sự lắng nghe để thấu hiểu và đón nhận người khác một cách chân thực như chính họ, và giúp ta bước vào những mối tương quan bền vững hơn. “Người ta sẽ tin bạn không phải vì bạn nói nhiều, nhưng vì bạn biết thinh lặng để lắng nghe”(Paul Xardel). Còn trên phương diện tâm linh, thinh lặng càng cần thiết hơn, bởi vì tiếng ồn bên ngoài có thể gây biến động bên trong thay vì cho thấy những chiều sâu của tâm hồn[2]. Có sự thinh lặng trong tâm hồn ta mới có thể tiến tới đời sống tâm linh cao vượt mà con người hằng khát khao mong mỏi. Sự thinh lặng ấy tạo điều kiện quân bình cho đời sống và sự tăng trưởng của cá nhân mỗi người.
Trong cái thế giới ồn ào ngày nay, thiết nghĩ, cần phải sống thinh lặng nhiều hơn, bởi vì sự thinh lặng rất cần thiết để mỗi người nhìn lại chính mình. Trong sự thinh lặng ta dễ dàng làm chủ bản thân, làm chủ giác quan, và khi thinh lặng ta buộc phải đối diện với chính mình. Từ đó, ta có cơ hội tìm về nội tâm, tìm về với chính con người thật của mình để nhìn lại, tìm hiểu và suy xét bản thân…
Nhưng cũng cần phân biệt: thinh lặng khác với im lặng. Ta có thể im lặng bởi ta không thèm nói. Hoặc ta có thể im lặng vì đang tức giận đến tột độ, hoặc đau khổ đến nỗi không thể thốt nên lời. Nhưng thực ra, ngay lúc đang im lặng đó lại là những lúc ta đang “nói” nhiều nhất. Thinh lặng là một trạng thái hoàn toàn khác, thinh lặng là khi mặt hồ của tâm hồn không hề gợn sóng, và thinh lặng là khi ta đang lắng nghe, đang đắm mình trong một không gian bình an, tĩnh tại, phẳng lặng và dịu êm.
Nói như vậy, cũng thật là khó để giữ thinh lặng trong chúng ta, vì cuộc sống đầy những ồn ào và lộn xộn. Vì thế, muốn có được thinh lặng ta cần phải rất cố gắng. Trước hết, ta cần học biết lắng nghe, lắng nghe tiếng lòng và lắng nghe tiếng Chúa. Đồng thời, chúng ta hãy chiêm ngắm một gương mẫu tuyệt vời của sự thinh lặng, đó chính là Chúa Giêsu. Người là Ngôi Lời Thiên Chúa trong xác phàm, đã im lặng ba mươi năm trong số ba mươi ba năm cuộc đời trần thế. Người cũng đã thinh lặng bốn mươi ngày trong sa mạc trước khi bắt đầu cuộc đời công khai. Và trong suốt cuộc đời, Người luôn sống trong thinh lặng.
Tất nhiên, Chúa Giêsu không tìm kiếm sự thinh lặng để mà thinh lặng[3] nhưng để thiết lập một mối tương quan mật thiết với Chúa Cha, và để mở lòng đón nhận chương trình yêu thương của Ngài. Giờ đây, Chúa Giêsu cũng vẫn luôn hiện diện cách trọn vẹn trong thinh lặng và chờ đợi chúng ta trong thinh lặng. Chính trong thinh lặng chúng ta sẽ được gặp Người và Người sẽ nói với tâm hồn chúng ta. Tuy nhiên, để có thể lắng nghe Chúa nói, chúng ta cần có tâm hồn trong sạch, thành tâm ăn năn sám hối và trở lại với Người.
Thầy Giêsu ơi, con đang đi tìm thinh lặng nhưng chẳng thấy thinh lặng ở đâu hết. Có lẽ bởi vì tâm hồn của con vẫn còn ồn ào quá! Như con người ngày nay vẫn cứ chạy theo những ồn ào xao động đến điên cuồng ở ngoài kia mà cố tình bỏ quên mất cõi lòng mình. Và con, phải chăng con vẫn còn là một kẻ như con người ngày nay ở ngoài kia…?
ĐS Vân Phong. CM
[1] Michel Hubaut, Những nẻo đường thinh lặng, NXB Tôn giáo, 2007, tr 8
[2] Lm. Thái Nguyên, Thinh lặng sống tâm tình mùa chay, 2006
[3] Mẹ Teresa, Trên Cả Tình yêu, NXB Văn Hoá Sài Gòn 2009, tr 19