Home / Chia Sẻ / CHUÔNG ĐIỂM GIỜ G

CHUÔNG ĐIỂM GIỜ G

CHUÔNG ĐIỂM GIỜ GCuộc sống bình thường nhưng có những lúc khác thường. Bất ngờ đến một “thời điểm” quan trọng nào đó, người ta thường nói: “Giờ đã điểm” – tức là đến lúc người ta “phải hành động, phải ra tay”. Người ta gọi đó là Giờ G. Đối với Kitô hữu, Mùa Chay chính là chuông điểm Giờ G: “Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2 Cr 6:2).

Giờ G có thể mang ý nghĩa tốt hoặc xấu, nhưng là thời điểm rất quan trọng. Và đó là lúc cần phải “chạy nước rút”, vì nếu nước đến chân rồi thì nhảy cũng không kịp. Chúng ta thấy “sốt ruột” khi nhìn chiếc đồng hồ cát chậm rãi chảy, cứ nghĩ là còn lâu, nhưng rồi bất ngờ nó chảy hết cát. Và… bom nổ!

Cuộc đời có những người luôn thanh thản, nhưng có những người luôn phải tất bật ngược xuôi mà vẫn không thoát khỏi sự đau buồn. Trời sinh một bậc kỳ tài chắc chắn là để dùng vào một sứ mệnh nào đó, nhưng trước khi trao sứ mệnh đó, trời bắt họ phải trải qua trăm cay ngàn đắng – đúng như người ta thường ví von: “Tài mệnh tương đố”. Với con người, điều đó như sự bất công, nhưng chắc hẳn rằng đó là sự công bằng của Thiên Chúa mà chúng ta không thể hiểu thấu. Khi được trao nhiệm vụ, người ta có thể chấp nhận hoặc từ chối, một khi đã chấp nhận thì người đó phải chu toàn. Hãy tâm niệm: THÀ HỐI HẬN VỀ NHỮNG ĐIỀU MÌNH ĐÃ LÀM CÒN HƠN HỐI TIẾC VỀ NHỮNG ĐIỀU CHƯA LÀM.

Các động thái liên kết theo dây chuyền: mời gọi, đi theo, rồi hành động. Đó là một chuỗi động từ gắn kết và có hệ lụy với nhau thành một Tam-Giác-Sống, trước khi chuông điểm Giờ G.

Ngày xưa, ngôn sứ Giôna là người ngang bướng làm theo ý mình, dám cãi lệnh Thiên Chúa, nhưng vẫn không thoát khỏi “lưới trời”. Con người tính không bằng trời tính. Trên đường trốn tránh, ông bị ném xuống biển và phải chui vô bụng cá ba ngày.

Lần thứ hai, Thiên Chúa nói với ông: “Hãy đứng dậy, đi đến Ninivê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi” (Gn 3:2). Lần này ông không dám cãi lệnh nữa, ông mau mắn đứng dậy và đi Ninivê. Kinh Thánh cho biết Ninivê là “một thành phố cực kỳ rộng lớn, đi ngang qua phải mất ba ngày đường”. Ông vào thành và công bố: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ” (Gn 3:4). Dân thành đã tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ, từ vua quan tới thường dân, kể cả súc vật. Thiên Chúa thấy việc biết bỏ đường gian ác mà trở lại, thế là Ngài đã không giáng tai họa xuống trên họ nữa.

Một trình thuật ngắn gọn mà đầy đủ, chúng ta đọc và dễ hình dung. Thiên Chúa là Đấng giàu Lòng Thương Xót, Ngài “không đành bẻ gãy cây lau bị giập và chẳng nỡ tắt tim đèn leo lét” (x. Mt 12:20). Người nào càng tội lỗi thì Ngài càng thương. Đó là điều rất thật mà đôi khi chúng ta không dám tin, vì Ngài đại lượng ngoài sức tưởng tượng và vượt sức chịu đựng của loài người. Cứ suy tư về chính cuộc đời mình thì chúng ta sẽ thấy rõ, không cần dẫn chứng đâu xa. Và có điều chắc chắn: “Cầu nguyện và ăn chay có thể thay đổi số phận của chính mình và người khác”.

Thật vậy, lịch sử Giáo hội đã cho thấy hệ lụy đó: Có nhiều chứng nhân về Lòng Chúa Thương Xót: Thánh vương Đa-vít, thánh giáo hoàng Phêrô, thánh Phaolô, thánh Augustinô, người phụ nữ ngoại tình, người phụ nữ tội lỗi,… Đặc biệt nhất là “thánh trộm” cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu. Tuy Chúa Giêsu có trí nhớ tốt nhưng lại mau quên, vì dù biết tay này là tên trộm cướp khét tiếng, thế nhưng nghe “hắn” năn nỉ mấy tiếng là Ngài đồng ý ngay: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với Tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23:43). Sướng rơn! Không ai “đã” như “thánh trộm” này, bởi vì ông là người đầu tiên được nối gót Chúa Giêsu vào Thiên đàng ngay hôm đó.

Tội lỗi và tha thứ là hai đầu của con-đường-hoán-cải. Đừng mặc cảm, mà hãy trở về và chân thành cầu xin: “Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con” (Tv 25:4). Xin như vậy thì làm sao mà Thiên Chúa nỡ lòng lắc đầu chứ? Xin như vậy nghĩa là muốn thực hành theo Ý Chúa, mà Ngài rất thích người ta làm theo Ý Ngài. Đức Mẹ nhờ “xin vâng” mà được nên cao trọng, khiến mọi người mọi thời đều ca tụng Mẹ là “người diễm phúc” (Lc 1:48). Hãy không ngừng tin yêu và tiếp tục năn nỉ: “Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ, vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con” (Tv 25:5). Không phải là lải nhải nhiều lời, nhưng để chứng tỏ lòng thành, cứ mạnh dạn kể “chuyện cổ tích” cho Chúa nghe: “Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời. Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến, nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng” (Tv 25:6-7). Tuổi trẻ luôn bồng bột và ngang ngược, càng có tuổi thì người ta càng “ngộ” ra và “khôn” ra hơn. Thiên Chúa chỉ chờ chúng ta “nên người” như thế, vì “Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân, dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính, dạy cho biết đường lối của Người” (Tv 25:8-9).

Mùa Chay đã khởi đầu, nghĩa là Giờ G đã điểm. Tuy nhiên, người ta cứ đồn thổi ngày nọ, tháng kia sẽ tận thế, nhiều lần đã xảy ra như vậy. Và rồi người ta nhốn nháo lo sợ sốt vó, nhưng rồi không thấy “động tĩnh” gì, người ta lại “xả láng sáng về sớm”. Thời ông Nô-ê như thế, và ngày nay cũng như vậy. Đúng là… “động trời” thật! Họ chỉ là những “thầy bói mù đoán mò”, những người yếu bóng vía, muốn “chơi nổi” hoặc không biết gì về Kinh Thánh. Hãy nghe Chúa Giêsu xác định: “Về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không, chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi” (Mt 24:36).

Kể cũng “lạ” thật! Làm không lo làm mà cứ rình mò, sống không lo sống tốt mà cứ phá đám, tin không lo tin mà cứ dị đoan. Thánh Phaolô đã từng cảm thấy ái ngại nên thủ thỉ: “Thời gian chẳng còn bao lâu” (1 Cr 7:29), và giải thích tường tận: “Từ nay, những người có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi” (1 Cr 7:30-31). Thật thế chứ còn thật thế nào nữa? Nghe mà vừa thấy “lạ” vừa thấy… rờn rợn, nhưng đó lại là sự thật trăm phần trăm. Có thể là chưa tận thế, nhưng chắc chắn không bao lâu nữa sẽ “tận thế” cuộc đời mình (chết) – lát nữa, ngày mai, tuần sau,… không ai biết được!

Một hôm, khi đến địa phận miền Galilê để rao giảng Tin Mừng về Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu vừa xác định vừa cảnh báo: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15). Nghe thì nghe đấy, nhưng áp dụng cụ thể lại là chuyện khác. Sám hối ngay, không thể từ từ, lần lữa, bởi vì có thể “không còn kịp nữa”. Không phải “nói xui” mà là thật, bởi vì ai dám chắc rằng mình có thể sống Mùa Chay năm tới? Nếu không chắc thì đừng trì hoãn nữa vì Giờ G đã điểm!

Nên biết rằng nhận ra Ý Chúa là điều không dễ, vui vẻ chấp nhận và “xin vâng” thì lại càng khó hơn nhiều. Con người rất yếu đuối, không có Chúa thì chúng ta không thể làm gì được, chắc chắn chúng ta chỉ có nước mà BoTay.com mà thôi: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được!” (Ga 15:5).

Lạy Thiên Chúa nhân hậu và giàu lòng thương xót, xin dạy con biết đường lối công minh của Ngài, xin giúp con vui vẻ chấp nhận, can đảm tuân hành Tôn Ý Ngài ngay lúc này và suốt cuộc lữ hành trần gian. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Mùa Chay – 2017

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN