Home / Chia Sẻ / CHỨNG TRẦM KHA

CHỨNG TRẦM KHA

CHỨNG TRẦM KHAMột trong các nỗi khổ của con người là bệnh tật. Đau đâu khốn đó, dù chỉ là nhức răng. Bệnh càng nặng càng khổ, khổ đủ thứ, khổ mình mà cũng khổ cả người khác.

Bệnh nặng gọi là “trầm kha”. Đó là bệnh trạng nghiêm trọng, kéo dài, khó chữa. Theo Hán Việt: “Trầm” là chìm, đắm, lặn, nặng; “Kha” là bệnh tật, ốm đau. Ngày nay, chữ “trầm kha” cũng thường được hiểu theo nghĩa bóng, dùng để nói về các dạng tình trạng trầm trọng, khó giải quyết, mãn tính,… liên quan nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, đặc biệt là các thói xấu. Chứng kinh niên đã thành “thói quen” thì thật đáng sợ, nguy hiểm hơn cả chứng ung thư!

Một trong các chứng bệnh nan y là bệnh phong [còn gọi là (phong) cùi hoặc (phung) hủi] do vi khuẩn Hansen gây ra, nhất là ngày xưa, ngày nay đã giảm bớt – cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Bệnh nhân phong trông rất “kỳ dị” (sần sùi, lở loét, rụng tóc, mất ngón chân, ngón tay), và tất nhiên họ rất đau khổ – không chỉ thể lý mà cả tinh thần, vì bị người ta xa lánh.

Ngày nay, khoa học đã có thể chữa trị được bệnh phong nhưng di chứng phong sẽ không bao giờ có thể chữa khỏi.Các nhà nghiên cứu phân ra ba loại bệnh phong:

[1] Thể Củ: dạng nhẹ, ít nghiêm trọng và ít lây hơn. Những người mắc bệnh này chỉ xuất hiện một hoặc vài mảng da phẳng, màu nhợt nhạt.Vùng da bị ảnh hưởng có thể cảm thấy tê liệt do các dây thần kinh bên dưới bị tổn thương.

[2] Thể U:dạng nghiêm trọng và dễ lây hơn. Người mắc bệnh bị u da và nổi ban (đa cùi phiến), tê và yếu cơ.

[3] Thể Trung Gian: dạng này có các triệu chứng của cả hai dạng thể củ và thể u.

Chắc hẳn ai cũng biết rằng trại phong Di Linh (Djiring), thuộc GP Đà-lạt, tỉnh Lâm Đồng, do ĐGM Jean Cassaigne sáng lập. Ngài là một chủ chiên vì đoàn chiên, như Đức Kitô xác định: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15:13) Thật “ăn khớp” với khẩu hiệu giám mục của ngài: “Caritas et Amor” (Bác Ái và Yêu Thương).Câu nói đáng nhớ của ngài nhắn nhủ những người phong cùi: “Suốt 47 năm dài (1926-1973), cha đã sống giữa các con, đã sống tại Việt Nam này và đã dâng hiến tất cả cho các con. Giờ đây cha không còn tiếc gì về sự dâng hiến toàn diện ấy. Việt Nam chính là quê hương thứ hai của cha, bởi vì Chúa muốn như vậy. Khi về với Chúa, cha vẫn ở với các con, các con đừng lo…” Chính ngài cũng bị lây nhiễm và qua đời ngày 31-10-1973.

Tại Việt Nam, trong số các bệnh nhân phong có một bệnh nhân đặc biệt: Hàn Mặc Tử (Phanxicô Nguyễn Trọng Trí, 1912-1940), thi sĩ Công giáo nổi tiếng và có lòng sùng kính Đức Mẹ.Trong thi phẩm “Trăng Vàng Trăng Ngọc”, ông đã thốt lên: “Ai mua trăng tôi bán trăng cho.” Tại sao ông đòi bán trăng vậy? Vào những mùa trăng, các bệnh nhân phong càng đau đớn hơn, đêm nào trăng càng sáng thì họ càng khổ sở, bởi vì vi trùng đục khoét các vết thương và gây nhức buốt nhiều hơn.

Thời Cựu Ước, bất cứ người nào mắc bệnh phong cũng bị coi là “ô uế” – có thể ngày nay quan niệm của người ta cũng chẳng khác. Người ta coi các bệnh nhân phong là BẨN, ngụ ý tự nhận mình là SẠCH. Có lẽ nên nhớ lại lời Chúa Giêsu đã có lần xác định: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7:15) Quả thật, ai dám chê người khác bẩn mà nhận mình sạch thì đều là kẻ mạo nhận, ảo tưởng, giả đối, giả hình, có “máu” Pharisêu, thậm chí là bất công và nhẫn tâm – bởi vì không bác ái, thiếu yêu thương.

Giả gì cũng nguy hiểm, dù là vật chất hay tinh thần. Đề cập thói giả dối, Thánh Giacôbê nói: “Ai cho mình đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi, là tự dối lòng mình, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão. Có lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa Cha, là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian.” (Gc 1:26-27) Miệng lưỡi không đơn giản: “Ách của cái lưỡi là ách sắt, và xiềng của nó là xiềng đồng.” (Hc 28:20) Tiền nhân Việt Nam cũng đã cảnh báo: “Cười người hôm trước, hôm sau người cười.”Thật là thấm thía, nhưng thú vị và chí lý. Vẫn thường xảy ra đúng y như vậy!

Ngày xửa ngày xưa, ông Naaman mắc bệnh phung hủi, ông xuống dìm mình bảy lần trong sông Giođan, theo lời người của Thiên Chúa là ông Êlisa. Lạ thay, da thịt ông lại trở nên như da thịt một trẻ nhỏ. Vậy là ông đã được sạch. Ông cùng với đoàn tuỳ tùng trở lại gặp người của Thiên Chúa để cảm ơn. Ông vào, đứng trước mặt ông ấy và nói: “Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Ítraen. Bây giờ, xin ngài vui lòng nhận món quà của tôi tớ ngài đây.” (2 V 5:15) Tục ngữ Việt Nam dạy về lòng biết ơn qua cách nói giản dị nhưng cụ thể với hàm ý sâu sắc: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.”

Ngay sau khi thấy mình được sạch, ông Naaman trở lại để cảm ơn nhưng ông Êlisa nói: “Có Đức Chúa hằng sống là Đấng tôi phụng sự, tôi thề sẽ không nhận gì cả.” (2 V 5:16) Ông Êlisa chí công, vô tư, thanh liêm và chính trực. Ngôn hành song song, ông không nói suông hoặc nói một đàng làm một nẻo. Ông Naaman cố nài ép nhưng ông Êlisa vẫn một mực từ chối, nhất quyết không nhận gì, bởi vì ông sống khiêm nhường và mặc nhiên tự nhận mình vô dụng. Ông Naaman năn nỉ: “Nếu ngài từ chối, xin cho phép tôi tớ ngài đây mang về một số đất vừa sức hai con lừa chở được, vì tôi tớ ngài sẽ không còn dâng lễ toàn thiêu và hy lễ cho thần nào khác ngoài Đức Chúa.” (2 V 5:17)Cả người thi ân và thụ ân đều chân thành, đơn giản là vì cả hai đều có lòng kính sợ Thiên Chúa – Đấng mà họ hết lòng tôn thờ.

Trong cuộc đời con người, không ai lại không hàm ân – từ hồng ân của Thiên Chúa đến tình nghĩa của tha nhân. Vì thế, lòng biết ơn rất cần thiết, như người Việt nói: “Ăn cây nào rào cây nấy.”Đối với Thiên Chúa thì chúng ta lại càng phải biết ơn. Hồng ân đơn giản nhất nhưng lại cần thiết nhất cho sự sống, đó là không khí – cụ thể nhưng không thể thấy hoặc sờ, chỉ có thể cảm nhận. Vô cùng kỳ lạ! Vì vậy, không thể không tạ ơn Chúa từng phút, từng giây, ngay từ mỗi sớm mai mở mắt ra thì chúng ta phải biết tạ ơn Ngài rồi.Tại sao vậy? Bởi vì “Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi; lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi.” (Tv 104:29)

Chính xác như vậy, thế nên Thánh Vịnh gia đã lên tiếng – vừa mời gọi vừa động viên: “Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã thực hiện bao kỳ công. Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh, nhờ cánh tay chí thánh của Người.” (Tv 98:1) Thiên Chúa muốn chúng ta nhận biết Ngài là Thiên Chúa duy nhất nên Ngài “đã biểu dương ơn Người cứu độ, mặc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân” (Tv 98:2) để chúng ta có thể chân nhận Ngài và chỉ tôn thờ một mình Ngài mà thôi. Điều đó vừa là bổn phận vừa là sự công bằng mà chúng ta phải dành riêng cho Ngài.

Có điều kỳ diệu là chúng ta chúc tụng, tôn vinh và kính thờ Ngài thì chúng ta lại hưởng lợi, chứ chúng ta không hề thêm chút gì cho Ngài. Thiên Chúa là Đấng trung tín tuyệt đối, chính Ngài đã “nhớ lại ân tình và tín nghĩa dành cho nhà Ítraen” – và cũng là chúng ta, thế nên “toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.” (Tv 98:3)Vâng, “Thiên Chúa của chúng ta” chứ không của ai khác, chúng ta vui mừng được tuyên tín như vậy. Đúng vậy, không một quốc gia nào lại không có những nhân chứng sống động của Ngài, bằng cách này hoặc cách khác, vì Tin Mừng đã lan rộng khắp thế giới, tới tận các hang cùng, hẻm cụt, và từ đời nọ đến đời kia.

Bất cứ ai là tín nhân cũng có bổn phận đem Chúa đến với người khác, đồng thời phải thể hiện lòng thương xót đối với mọi người. Nhờ vậy chúng ta mới khả dĩ đồng thanh: “Tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu, mừng vui lên, reo hò đàn hát.” (Tv 98:4) Đó là điệp khúc tuyên tín của mọi Kitô hữu.

Thánh Phaolô nói rõ ràng vớiđệ tử Timôthê: “Anh hãy nhớ đến Đức Giêsu Kitô, Đấng đã sống lại từ cõi chết, Đấng xuất thân từ dòng dõi Đavít. Vì Tin Mừng ấy, tôi chịu khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi. Nhưng lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích! Bởi vậy, tôi cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Kitô Giêsu, và được hưởng vinh quang muôn đời.” (2 Tm 2:8-10) Đó là những lời tâm huyết mà Thánh Phaolô trút cả lòng mình nhân danh Đức Kitô, cho chúng ta thấy rằng không ai có thể sung sướng hưởng nhàn khi chấp nhận theo bước Đức Kitô, ai sống ung dung tự tại thì không thể xứng đáng là môn đệ của Ngài. Chắc chắn như thế!

Với cách nói rạch ròi hơn, Thánh Phaolô xác định: “Đây là lời đáng tin cậy: Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta. Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình.” (2 Tm 2:11-13) Một chuỗi chữ “nếu” vô cùng quan trọng. NẾU là một giả định, nhưng ở đây là một giả-định-có-thật, đồng thời cũng ngụ ý rằng trong đó có sự tự do. Thiên Chúa cho phép tùy ý mỗi người chọn cách sống, chứ Ngài không ép buộc, không muốn ai miễn cưỡng thi hành. Khó là chỗ đó.

Trong hành trình lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê. Khi Ngài vào một làng kia, có mười người phong hủi đón gặp Ngài. Họ không dám đến gần, vì sợ luật. Họ dừng lại từ đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!”(Lc 17:13)Họ thực sự tin Ngài nên mới cầu xin như thế. Thấy vậy, Đức Giêsu bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế” (Lc 17:14). Thật lạ lùng, Chúa không làm gì để chữa họ mà chỉ bảo họ “đi trình diện các tư tế”. Có điều ngạc nhiên là họ cũng không hề thắc mắc chi cả, chứng tỏ họ đã thực sự tin sẽ khỏi dù thân thể họ lúc đó vẫn đau nhức vì các vết lở loét. Và niềm tin của họ đã được như ý muốn: Họ được sạch khi đang trên đường đi. Việc “đi trình diện các tư tế” chỉ là quy ước phần đời thời đó để được công nhận là sạch, vì luật buộc phải làm như vậy.

Ngay khi thấy thân thể mình sạch boong, một người trong bọn liền quay trở lại (dù chưa trình diện các tư tế) và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sụp lạy dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. Có điều đáng quan ngại: Anh ta là người Samari – người ngoại giáo. Người Việt có cách ví von: “Khi vui chẳng nhớ đến ai, đến khi nóng cứ trái tai mà sờ.”Khi cầu xin điều gì thì ai cũng đều muốn được thỏa nguyện, không được thì “ấm ức”, được rồi thì “qua đò rút ván.” Trở tay hoặc phủi tay là điều dễ làm nhất, sẵn sàng “ăn cháo đá bát” mà không cần đắn đo gì. Làm toán trừ luôn dễ hơn các loại toán khác. Có lẽ chúng ta vẫn thường ảo tưởng mà mạo nhận mình là người“biết điều” – biết trước, biết sau, có tình, có nghĩa. Ôi, thấy ngại ghê đi!

Chắc chắn rằng bẩn ngoại tại không đáng lo, bẩn nội tại mới đáng sợ. Chứng phong cùi thân xác chưa nguy hiểm, phong cùi tâm hồn mới thực sự khủng khiếp và đáng sợ. Chứng phung hủi tâm linh nguy hiểm biết bao! Có khi chính mình bẩn mà lại tỏ ra ghê tởm người khác, chính mình mắc chứng phong cùi nặng mà không biết, thế mà lại dè bỉu và xa lánh người khác vì sự nọ hoặc lẽ kia. Cố ý bới bèo ra bọ vì tự tin hão huyền: “Tôi tự thấy tinh tuyền” – nhóm 5T thật đáng sợ!

Chỉ thấy một người trở lại, còn chín người kia biếtn mất, Chúa Giêsu đặt vấn đề: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17:17-18) Một câu hỏi nhẹ nhàng nhưng có thể xoáy sâu vào tâm khảm. Sự thật rõ ràng quá! Sự vô ơn đáng trách quá! Vấn đề nhức nhối quá!Đã không ít lần chính mình vô ơn với Thiên Chúa, bạc nghĩa bạc tình với tha nhân, thế mà lại cứ tưởng mình là người có lối sống đạo đức và tốt lành. Chúa Giêsu hỏi vậy là để mỗi người tự rà soát lương tâm, bởi vì điều tiên quyết phải là “tu thân” rồi mới có thể tính chuyện khác. Không vượt lên chính mình thì đừng mong vượt được gì. Cuối cùng, Chúa Giêsu ôn tồn nói với người-cùi-được-sạch: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” (Lc 17:19) Và Ngài minh định rằng Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa họ, và cũng ở giữa chính chúng ta ngày nay.

Khi nghe Chúa Giêsu nói vậy, những người Biệt Phái hỏi về thời gian Triều Đại Thiên Chúa sẽ đến. Đúng là Pharisêu (Phái Rởm Xạo), chỉ tìm cớ để mai mỉa xỉa xói người khác, tìm cách làm hại người khác, cố ý chèn ép và chà đạp người khác. Trong cuộc sống – cả đời và đạo, thậm chí cả trong các cộng đoàn tu trì,vẫn thấy có các “phong cách” Biệt Phái như vậy. Và rồi Chúa Giêsu trả lời thẳng thắn: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được.” (Lc 17:20)Đó cũng là lời nhắc nhở chúng ta phải tỉnh thức luôn luôn – mọi nơi và mọi lúc, kẻo không kịp nhảy khi nước đã chạm đến chân!

Kinh Thánh xác định và cảnh báo: “Trong ngày thịnh nộ, của cải ích lợi chi, chỉ Đức Công Chính mới cứu khỏi tử thần.” (Cn 11:4) Và Chúa Giêsu cũng đã nói rõ: “Đến Ngày Phán Xét, người ta sẽ phải trả lời về mọi ĐIỀU VÔ ÍCH mình ĐÃ NÓI. Vì nhờ lời nói của anh mà anh sẽ được trắng án; và cũng tại lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án.” (Mt 12:36-37) Chỉ là lời nói mà gió cũng không thể thổi bay mất đâu!

Lạy Thiên Chúa,xin ban ơn soi sáng để chúng con khả dĩ nhận biết mình ô uế với chứng bệnh trầm kha nguy hiểm, xin giúp chúng con tìm liệu pháp hiệu quả nhất để thanh tẩy và triệt mọi di căn, nhờ đó mà chúng con nên “thanh sạch”, không dám liếc xéo hoặc buông lời sắc bén làm tổn thương người khác. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …