Home / Chia Sẻ / CHỨNG NHÂN của LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

CHỨNG NHÂN của LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

CHNG-N-1Có lẽ không có đồng tiền nào trên thế giới lại “đặc biệt” như đồng đô-la Mỹ, “đặc biệt” không chỉ là tỷ giá đồng tiền hàng thứ ba (sau đồng Bảng Anh và Euro) trên thế giới, mà là trên đồng đô-la Mỹ có ghi câu: In God we trust (Chúng ta tin vào Thượng Đế, chúng tôi tín thác vào Thiên Chúa), cũng tương tự câu: “Jesus, I trust in You” (Lạy Chúa Giêsu, con tin Ngài; lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài) mà ngày nay rất phổ biến về Lòng Chúa Thương Xót. Cả đời Chúa Giêsu thực hành yêu thương và dạy người ta yêu thương, vì Ngài mệnh danh là Tình Yêu (x. 1 Ga 4:8 & 16). Ngài gọi “luật yêu thương” là điều răn mới: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13:34).

Chia tay luôn là điều buồn, thậm chí là rất đau khổ. Ai trong chúng ta cũng đã từng hơn một lần phải chia tay: Xa cha mẹ, xa con cái, xa người thân, xa người yêu, xa bạn thân, và nhất là bị phụ tình. Nhưng xa như vậy vẫn có thể còn gặp lại, có bị phụ tình thì vẫn có dịp gặp tình mới. Xa mà không thể gặp lại được chính là cái chết, lúc đó chúng ta còn đau khổ hơn rất nhiều. Ai đã từng mất cha mẹ, anh chị em, đặc biệt là mất mẹ, sẽ cảm thấy khoảng trống vô hạn tưởng chừng không gì khỏa lấp nổi. Những lúc đó trái tim nhói đau lắm. Tuy nhiên, vẫn không “nhằm nhò” gì so với nỗi đau của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu Kitô biết mình sắp phải xa những người thân thiết mà Ngài yêu thương hết lòng, đó là chúng ta. Có bản tính nhân loại, Ngài cũng xúc động 2 lần khi thấy người ta thương tiếc Ladarô (x. Ga 11:3 & 38), có lúc Ngài rất đau buồn, đau buồn đến nỗi Ngài đã phải thốt lên: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được” (Mt 26:38). Vâng, nỗi đau quá lớn! Và Ngài không muốn xa rời chúng ta một giây phút nào nên Ngài đã thiết lập Bí tích Thánh Thể (x. Mt 26:26-29; Mc 14:22-25; Lc 22:19-20; 1 Cr 11:23-25), chính là Bí tích Yêu Thương, để có thể ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28:20). Chưa xa mà Chúa đã rất nhớ các môn đệ, Chúa đã trút bầu tâm sự lần cuối bằng giọng buồn bã: “Từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy” (Mt 26:29).

Với người đời thì “xa mặt cách lòng”. Chúa biết rõ nên Ngài “không dám” xa chúng ta, Ngài vẫn ở bên chúng ta, vậy mà thoáng một cái thì chúng ta lại quên Ngài. Quá tệ! Chúng ta có thể dễ “chê” ông Phêrô, ở bên Chúa hằng ngày mà vẫn… nhát đảm, chưa đánh đã khai! Với bản tính chất phác, thật thà, có sao nói vậy, và lại nóng tính hơn cả Trương Phi, chẳng thế mà khi thấy Thầy bị bắt, ông liền vung tay tuốt gươm ra, chém phải tên đầy tớ của thượng tế làm nó đứt tai (x. Mt 26:51), nên ông hùng hồn quả quyết chắc như đinh đóng cột: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã” (Mt 26:33). Ấy thế mà chỉ là mấy đầy tớ gái trong đêm tối chợt nhận ra ông trong số người đi theo Chúa Giêsu thì ông đã giật thót người và “vô tư” chối Chúa đến 3 lần (x. Mt 26:69-75). Nếu là chúng ta chắc là còn tệ hơn, “giả nai” và bỏ của chạy lấy người thôi!

Thánh Phêrô “đại diện” cho chúng ta trong việc… chối Chúa. Chúa bị phụ tình. Tất nhiên Ngài đau lắm, Ngài đau không chỉ một lần mà đau hàng tỷ lần vì nhân loại hằng ngày phụ tình Ngài. Khi bằng an thì Thầy Thầy con con – có thể hy vọng được hưởng “ké” gì đó; khi Thầy bị bắt thì trò chạy mất dép, chối leo lẻo – vì quá thất vọng, bị vỡ mộng, vậy là… hết!

Trong vườn Ghết-sê-ma-ni, Chúa Giêsu đã toát mồ hôi hột vì quá run sợ và quá đau khổ nên Ngài đã phải hai lần thốt lên: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26:39), và “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi thì xin vâng ý Cha” (Mt 26:42). Nhưng Ngài chấp nhận vì tuân phục, vui nhận chứ không miễn cưỡng, không phải là không nhận cũng không được.

Nỗi đau này tiếp nỗi đau khác. Không chỉ bị phụ tình mà Ngài còn bị lợi dụng khi Giuđa nhân danh điều tốt để làm điều xấu: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy!” (Mt 26:48). Nụ hôn là biểu hiện yêu thương mà lại bị biến thành dụng cụ phản trắc. Chúa Giêsu đã biết trước: “Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con” (Ga 13:18). Nhưng một lần nữa, Ngài lại bị đau khổ đến tột cùng! Chúng ta đừng vội trách ông Giuđa vì chúng ta cũng đã, đang và sẽ lợi dụng lòng nhân hậu của Chúa, dám nhân danh lòng đạo đức mà cứ tưởng mình vì Chúa, và dám nhân danh lòng tốt mà làm tổn hại người khác bằng nhiều cách.

Sau khi họ bắt trói Chúa đi, họ hành hạ và sỉ nhục Chúa Giêsu đủ cách, họ còn khạc nhổ vào mặt Ngài và đấm đánh Ngài. Có kẻ lại tát Ngài và nói: “Ông Kitô ơi, hãy nói tiên tri cho chúng tôi nghe đi: Ai đánh ông đó?” (Mt 26:67-68). Nếu có ở đó, chắc hẳn chúng ta cũng phải “nóng gáy” mà lầm bầm theo kiểu nói ngày nay: “Đồ đểu!”.

Tột đỉnh đau khổ, tột đỉnh nhục nhã, tột đỉnh cô đơn, vì Chúa Giêsu không còn ai dám nhận mình là người quen, có người chỉ dám đứng xa xa xem sao. Thế nên Chúa Giêsu lại thốt lên: “Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni – Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27:45). Máu ra nhiều, Ngài kêu khát thì người ta lại nỡ lòng cho Ngài nếm giấm chua (x. Ga 19:28-29). Và thế là kết thúc bản hùng ca Liên Khúc Khổ Đau, thế là hoàn tất!

Lòng Chúa Thương Xót quá kỳ lạ, quá cao vời, quá mầu nhiệm. Ước gì mỗi người chúng ta khả dĩ cảm nhận Tình Yêu ấy như Chân phước LM Ludovico Casoria: “Tình yêu Chúa Kitô đã chạm đến trái tim tôi” (Christ’s love has wounded my heart).

Người ta thường nói: “Yêu là khổ, không yêu thì lỗ, thà chịu khổ hơn chịu lỗ”. Nhưng đó chỉ là nói… cho vui. Thực tế có nhiều người “bị lỗ” liền tìm cách hại người không yêu mình, thậm chí là giết chết người đó. Còn với Chúa thì không đùa giỡn, rất thật: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9:23). Thánh Phaolô kinh nghiệm đầy mình: “Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1:24). Yêu là phải khổ, như một quy luật tất yếu muôn thuở, không thể nói suông, bởi vì “nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Ngài: đó là niềm tin của chúng ta” (Rm 6:8).

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ các vĩ nhân là chính trị gia Mohandas Karamchand Gandhi và mục sư Martin Luther King.

Mohandas Karamchand Gandhi (2.10.1869 – 30.1.1948) được dân Ấn Độ tôn vinh là thánh nhân, là người cha của dân tộc, vì ông đã hết lòng vì nhân dân đến nỗi thân xác ông ốm o gầy mòn. Lúc 15 tuổi, ông thiếu tiền nên ăn cắp chiếc đồng hồ vàng của người cha. Lương tâm ông không ngừng bị day dứt, nhưng ông không dám nói thẳng với cha mà viết vào giấy rồi đưa cho cha. Ông đứng run lẩy bẩy chờ hình phạt. Người cha xem giấy xong liền xé nát, rồi nói: “Thôi được, dù sao con cũng biết nhận lỗi”. Sau đó, người cha ôm hôn đứa con thắm thiết.

Ông là người giải hòa giữa người Hindu và Hồi giáo. Phương pháp hành động của ông là khuyến khích, phi bạo lực và chân thật – gọi là Satyagraha. Ông bị bắt nhiều lần ở Anh và Nam Phi vì hoạt động chính trị, giành độc lập cho Ấn Độ năm 1947. Nhưng ngày 30.1.1948, một người Hindu cuồng tín là Nathuram Godse đã đâm ông 3 nhát dao oan nghiệt khiến ông gục ngã. Trước khi chết, ông còn thốt lên: “Chúa ơi! Chúa ơi!”, và xin tha thứ cho người sát hại mình. Ông thật xứng đáng được người dân Ấn Độ tôn xưng là “Mahatma” (Tâm hồn Vĩ đại).

Martin Luther King (15.1.1929 – 4.4.1968), người Mỹ da đen, đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1964, khi ông mới 35 tuổi. Năm 1957, ông thành lập tổ chức Southern Christian Leadership Conference (Hội nghị Lãnh đạo Kitô giáo Nam phương), lý tưởng của tổ chức này ông rút ra từ Kitô giáo, cách hoạt động được áp dụng theo kiểu của Gandhi.

Trong những năm hoạt động từ 1957–1968, ông đi nhiều nơi và viết nhiều sách báo để bảo vệ công lý. Ông hướng dẫn 250.000 biểu tình ở Washington, D.C., và hô to khẩu hiệu “Tôi có Mơ Ước” (I Have a Dream). Ông hoạt động chống kỳ thị chủng tộc nên bị bắt 20 lần và bị tấn công 4 lần, được tạp chí Time bình chọn là Nhân vật của năm 1963. Ông không chỉ là biểu tượng lãnh đạo của người Mỹ da đen mà còn là nhân vật của thế giới. Ông bị ám sát ngày 4.4.1968 tại phòng khách sạn ở Memphis, Tennessee, còn nhà ông bị bỏ bom.

Thánh linh mục Maximilien Kolbe đã bằng lòng chết thay cho một người bạn tử tù, Thánh GH Gioan-Phaolô II đã đích thân đến tận nhà tù để tha thứ cho chính kẻ đã ám sát ngài. Và còn nhiều những tâm hồn cao thượng chứa đầy tình yêu thương như vậy. Đó là những chứng nhân của Lòng Chúa Thương Xót – hôm qua, hôm nay, và mãi mãi…

Những con người như vậy đều có lý tưởng sống cao, đồng thời cũng có lòng yêu thương kỳ lạ, dám sống “khác người”, nhưng Đức Kitô còn “khác người” hơn nhiều – ba dụ ngôn điển hình về Lòng Thương Xót: con chiên bị lạc (Ga 15:4-7), đồng bạc bị mất (Ga 15:8-10), người cha nhân hậu (Ga 15:11-31). Họ dám xả thân vì người mình yêu vì họ khao khát yêu thương. Họ không chỉ vĩ đại mà thự sự là thánh nhân vậy. Chính Chúa Giêsu đã xác định: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13).

Lạy Thiên Chúa là Vua các vua nhưng dịu hiền, là Thẩm phán tối cao công minh nhưng nhân hậu, là người Cha yêu thương vô cùng, chúng con thật bất xứng. Vạn lạy Ngài, xin xót thương và tha thứ, “cha ơi, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa” (Ga 15:18-19). Nhưng chúng con vững tin vào Tình Chúa bao la và luôn tín thác vào Lòng Thương Xót của Ngài. Từ nay, “xin tạo cho chúng con tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho chúng con nên chung thuỷ và ban lại cho chúng con niềm vui được Ngài cứu độ” (Tv 51:12 & 14). Chúng con muốn trở thành lưỡi đòng đã vô tình đâm thấu Thánh Tâm Chúa, và xin cho chúng con ở trong đó mãi mãi. Amen.

 

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …