Home / Chia Sẻ / Chúng con biết theo ai?

Chúng con biết theo ai?

Linh mục Ron Rolheiser, OMI

26 Tháng Sáu 2017

“Bỏ Thầy, chúng con biết theo ai? Vì Thầy có lời ban sự sống đời đời.”

Thánh Phêrô đã nói thế với Chúa Giêsu. Nhưng đó là những lời trong một bối cảnh rất xung khắc. Chúa Giêsu vừa nói những lời khiến những người nghe Ngài thấy chướng tai đến mức giận dữ, và Tin mừng cho chúng ta biết là mọi người cứ xì xầm rằng những lời Chúa vừa nói thật “không thể chấp nhận được.”  Rồi Chúa Giêsu quay sang các tông đồ và hỏi: “Các con cũng muốn bỏ đi sao?” Thánh Phêrô trả lời: “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai? Nhưng câu này nghe như một tuyên bố buông bỏ kiểu khắc kỷ hơn là một câu hỏi thật sự.

Những lời của thánh Phêrô có hai tầm mức: Một là nghĩa bên ngoài, nó thể hiện một sự khiêm hạ và bất lực mà thỉnh thoảng chúng ta thấy mình cũng có. “Tôi chẳng còn chọn lựa thay thế nào cả! Tôi đã dành trọn bản thân cho mối quan hệ này và giờ tôi chẳng còn lựa chọn nào khác. Tôi bị mắc kẹt với chuyện này rồi!” Đây là lúc chúng ta hạ mình và bất kỳ ai từng thành tâm gắn bó với sự gì đó cuối cùng sẽ thấy mình như thế, biết rằng mình không còn chọn lựa thực tế nào nữa.

Nhưng những lời này cũng cho thấy một tình thế tiến thoái lưỡng nan vô cùng, cụ thể là nếu đã không tìm thấy ý nghĩa cuộc đời trong đức tin vào Thiên Chúa, thì tôi có thể tìm được nó ở đâu nữa đây? Tất cả chúng ta, đến lúc nào đó, sẽ tự hỏi mình câu đó. Nếu tôi không tin vào Chúa, không theo đạo, thì cuộc sống của tôi có ý nghĩa gì?

Chúng ta có thể đi đâu nếu không còn một niềm tin rõ ràng vào Thiên Chúa? Rất nhiều câu hỏi như thế. Tôi nghĩ  ngay về những nhà khắc kỷ đã vật lộn với câu hỏi này và tìm thấy sự khuây khỏa trong những dạng mà Albert Camus gọi là “nổi loạn siêu hình” hay theo kiểu chủ nghĩa hưởng lạc mà Nikos Kazantzakis đã nêu lên trong quyển Zorba, người Hy Lạp. Có một chủ nghĩa khắc kỷ muốn đem lại sự cứu rỗi bằng cách tìm ra sự sống và ý nghĩa cuộc đời trong việc đấu tranh với những hỗn loạn và bệnh tật, chỉ vì một lý do là chúng gây đau khổ và là thứ chống đối cuộc sống. Kiểu này cũng hệt như chủ nghĩa hưởng lạc đặt nền tảng cuộc sống trên khoái lạc. Có vẻ có nhiều kiểu thánh nhân.

Cũng có nhiều kiểu bất tử. Với một số người, có thể tìm thấy ý nghĩa bên ngoài một đức tin rõ ràng bằng cách để lại một di sản trên đời này, bằng con cái, bằng thành tựu. Chúng ta đều quen với câu ngạn ngữ: Trồng một cây, viết một quyển sách, có một đứa con! Các nhà thơ, nhà văn, nghệ sỹ thường có không gian riêng của họ để tìm ý nghĩa cuộc đời bên ngoài một đức tin cụ thể. Với họ, sáng tạo và vẻ đẹp có thể là cùng đích của chính chúng. Nghệ thuật vị nghệ thuật. Sáng tạo tự nó là đủ rồi.

Và vẫn còn những người khác tìm thấy ý nghĩa cuộc đời đơn thuần qua việc sống tốt, sống thành thật, và thế là đủ. Cũng có những nhân đức sống chỉ vì nhân đức, và nó đã là phần thưởng cho nó rồi. Sống một cuộc đời tốt lành và quảng đại có thể đem lại mức ý nghĩa vừa đủ cho những người đang đi qua cuộc đời này.

Vậy, có vẻ ngoài một đức tin cụ thể, có nhiều không gian khác để chúng ta tìm thấy ý nghĩa cho cuộc đời. Nhưng có thật thế không? Chẳng phải chúng ta tin rằng ý nghĩa đích thực chỉ có thể tìm thấy nơi Thiên Chúa hay sao? Câu nói kinh điển của thánh Augustino là gì? ‘Lạy Chúa, Ngài đã tạo thành chúng con cho Ngài, và tâm hồn chúng con khắc khoải mãi cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài.’ Có điều gì khác ngoài đức tin và Thiên Chúa thật sự có thể làm lặng yên cơn khắc khoải của chúng ta sao?

Có, có nhiều điều có thể làm thế, có cách đấu tranh với hỗn loạn, chữa lành bệnh tật, để lại di sản, sống vì tha nhân, kiến tạo gì đó, sáng tạo gì đó, hay đơn giản là sống thành thật và quảng đại. Nhưng tất cả chúng, là khởi đầu, để chúng ta tỏa ra những đặc tính siêu việt của Thiên Chúa và làm việc với Ngài để đem lại sự sống và trật tự cho thế giới này. Làm sao lại thế?

Thần học Kitô giáo cho chúng ta biết rằng, Thiên Chúa là Duy nhất, là Chân, Thiện, Mỹ. Và như thế, khi một nghệ sỹ dành trọn đời mình để tạo nên vẻ đẹp, khi một cặp vợ chồng sinh con cái, khi các nhà khoa học tìm cách chữa nhiều chứng bệnh, khi các giáo viên giảng dạy, khi bố mẹ chăm lo cho con cái, khi những vận động viên tham gia thi đấu, khi những công nhân làm việc cật lực, khi người ta sống thành thật và quảng đại, và thậm chí cả khi những người theo chủ nghĩa khoái lạc đắm chìm trong khoái lạc đời này, là họ, tất cả họ, dù có đức tin hay không, đều đang thực hành một đức tin, bởi họ đang đặt niềm tín thác vào sự Duy nhất, Sự thật, sự Tốt lành, hay Vẻ đẹp của Thiên Chúa.

“Bỏ Thầy chúng con biết theo ai? Vì Thầy có lời ban sự sống đời đời.” Có vẻ có nhiều nơi để đi, và nhiều người đã đi đến những nơi đó. Nhưng những nơi này không nhất thiết là những không gian trống rỗng, sai lầm và tự diệt. Tất nhiên, chúng là những thứ tự xem chính chúng là mục đích của mình, nhưng chỉ cần nhìn vào những sinh lực tích cực, tình yêu thương, sự sáng tạo, lòng quảng đại vẫn tràn đầy thế giới, thì chúng ta biết những người tìm Thiên Chúa bên ngoài một đức tin cụ thể vẫn được gặp Chúa.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Nguồn: phanxicovn

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …