Home / Chia Sẻ / Chứng cớ có sự hiện hữu của Thiên Chúa

Chứng cớ có sự hiện hữu của Thiên Chúa

Ronald Rolheiser, 2005-09-25

Bạn có chứng minh được Chúa hiện hữu không? Một vài triết gia lớn nhất tin rằng họ có thể làm được. Trong số đó có Anselm, Aquinas, Descartes, Leibnitz, Spinoza, Hatshorne đã từng cố gắng chứng minh điều này.

Họ có các cách tiếp cận khác nhau. Một số người như  thánh Tôma A-qui-nô cố gắng chứng minh có Chúa với lý lẽ cho rằng sự tồn tại và thiết kế của vũ trụ cần phải có một Thiên Chúa là đấng sáng tạo và làm căn nguyên cho nó.

Chẳng hạn, một trong những chứng cớ A-qui-nô đưa ra là theo hướng này: Tưởng tượng bạn đang đi dọc theo một con đường, bạn thấy một cục đá trên mặt đất, có người hỏi bạn: «Ai đã đặt nó ở đây?» Bạn có thể trả lời dễ dàng trước nay nó vẫn ở đó. Chẳng thắc mắc gì vì nó tự nhiên là như vậy. Nhưng, cũng đi dọc con đường đó, bạn thấy một chiếc đồng hồ đeo tay nằm trên mặt đất, còn kêu tích tắc, còn báo giờ được. Liệu bạn còn có trả lời dễ dàng trước nay nó vẫn ở đó không? Lần này thì không dễ. Thiết kế thông minh của tạo dựng cho bạn biết nó không đơn giản là kết quả của tự nhiên, nhưng là sản phẩm của một nhà thiết kế tài tình nào đó, cũng như sự việc chiếc đồng hồ còn kêu tích tắc chứng tỏ rõ ràng không phải lúc nào nó cũng ở đó.

Sau đó thánh A-qui-nô dùng hình ảnh này để mở rộng ra với toàn vũ trụ. Thiết kế tài tình của vũ trụ (chẳng hạn hệ thần kinh trung ương và cấu trúc não bộ của loài người) theo danh từ chuyên môn của ngành thiết kế thì nó phức tạp hơn chiếc đồng hồ đeo tay cả tỷ lần và sự kiện vũ trụ sẽ có ngày tàn lụi sẽ chứng tỏ cho chúng ta thấy không phải lúc nào nó cũng có mặt ở đây. Hẳn có một nhà thiết kế tài tình nào đó đã tạo ra và cho nó một khởi đầu thời gian.

Các triết gia Descartes, Leibnitz, Spinoza, và Anselm có cách lý giải khác. Họ đi theo hướng này: Nếu nói rằng khả thể có Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã hiện hữu, bởi vì không thể nào có một khả thể về Thiên Chúa. Và vì khả thể có Thiên Chúa, Thiên Chúa hiện hữu!

Điều đó nghe có vẻ khá ngớ ngẩn đối với đầu óc bình thường, tuy nhiên phương trình nhỏ bé khác thường này, đã từng được diễn đạt trong nhiều cách khác nhau, đã từng khiến một số bộ óc vĩ đại nhất thế giới phải suy nghĩ, nó cũng ngụ ý những đầu óc bình thường như chúng ta có lẽ đang bỏ quên một điều gì đó trong ý nghĩa của nó.

Triết gia Anh, Frederick Copleston, trong một cuộc tranh luận nổi tiếng với Bertrand Russell, từng đưa tất cả những tranh cãi này vào phương trình: Nếu vũ trụ có ý nghĩa, thì Chúa hiện hữu. Một người vô thần như Russell quả thật đã thừa nhận chân lý này, song sau đó ông lập luận rằng vũ trụ chẳng có ý nghĩa nào cả ngoài sự kiện ngẫu nhiên, khắc nghiệt không thể nào lý giải trọn vẹn.

Có thể nói gì về những “chứng cớ” này? Chúng chứng tỏ được gì không?

Những chứng cớ này không phải là những phương trình toán học hay khoa học, do đó chúng không chứng minh được gì trong đó cả. Chúng cũng không phải là những lý lẽ buộc một người theo chủ nghĩa hoài nghi phải tin vào Thiên Chúa. Nhưng cũng không hẳn là chúng không có ý nghĩa nào. Giá trị của chúng là đã đưa ra một điều gì đó sâu đậm, cách xa toán học và khoa học, một điều gì đó ẩn sâu dưới bề mặt mời gọi bạn hoặc tin tưởng hoặc hoài nghi, để tin rằng tất cả có nghĩa hay vô nghĩa. Sức mạnh của chúng là sức mạnh của tinh thần: Giống như làm sao bạn biết có người thương mình? Làm sao biết ai mình có thể tin được? Điều gì cho bạn cảm nhận rằng cuộc đời có ý nghĩa?

Karl Rahner từng đưa ra chứng cớ riêng của ông về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Đối với ông, chúng ta nếm trải Thiên Chúa bằng những trải nghiệm nào đó và những trải nghiệm này cuối cùng khắc sâu đậm trong lòng chúng ta với lòng tin rằng vũ trụ này có một ý nghĩa, rằng chúng ta có đủ lý do để yêu thương và tin tưởng, rằng có một thế giới cách xa thế giới này, và rằng có một Thiên Chúa. Ông lý giải điều đó như sau:

Có khi nào bạn thinh lặng, dù bạn đang muốn kháng lại, dù bạn đang bị đối xử bất công? Có khi nào bạn tha thứ, dù không nhận được một phần thưởng nào và người khác còn cho đó là chuyện dĩ nhiên? Có khi nào bạn vâng lời, không phải vì ép buộc hoặc sợ gặp rắc rối nào đó, nhưng đơn giản vì một cái gì huyền bí, không diễn tả nên lời, không thể hiểu được trong chính bản thân bạn? Có khi nào bạn hy sinh, mà không nhận một lời cám ơn, không có một sự công nhận nào, thậm chí không cảm thấy thỏa mãn trong lòng? Có khi nào bạn hoàn toàn cô đơn và, trong tình trạng đó, bạn phải quyết định làm một điều gì đó trong sạch vì lương tâm, từ một nơi xa xôi bạn có thể diễn tả được, một nơi cô đơn sâu thẳm, một nơi bạn biết bạn đang quyết định một điều gì đó mà trách nhiệm luôn luôn và vĩnh viễn sẽ thuộc về bạn? Có khi nào bạn cố gắng yêu thương khi không có một ngọn sóng nhiệt tình nào cuốn bạn đi cùng để bạn không bị xáo trộn giữa những đòi hỏi của mình với tình yêu? Có khi nào bạn nhẫn nại mà không cảm thấy cay chua khi làm nhiệm vụ của mình, khi nhiệm vụ đó giống như cái chết, nó như đang muốn giết bạn, có vẻ ngớ ngẩn khi người khác nhìn vào, và bỏ lại bạn lại với cảm giác vô vọng, không giống với những người đã chọn một lối đi dễ chịu hơn? Có khi nào bạn tốt với một người mà người đó không hề biết ơn hay thấu hiểu lại, bạn không có một phần thưởng nào mà còn bị cho là người không tốt và vị kỷ?

Nếu bạn từng trải nghiệm một trong những điều này, khi đó bạn đã trải nghiệm Thiên Chúa và bạn nhận ra rằng có một nền tảng sâu đậm nằm dưới bề mặt bạn đang bước lên.

J.B. Thái Hòa dịch

Nguồn: Phanxicovn

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN