Trong thời gian bước vào Mùa Vọng năm 2016 vừa qua, nhiều giáo xứ đã cho treo Logo năm Mục vụ 2017 có tên gọi là “Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân“. Đã có giáo xứ dùng chủ đề này cho các bưổi Tĩnh tâm Mùa Vọng. Về phía người giáo dân, xem ra chưa được chuẩn bị về việc đón nhận chương trình 3 năm liền của Hội đồng Giám Mục Việt Nam qua Thư Chung năm 2016 gửi cộng đồng dân Chúa tại Việt Nam (Tập san Lòng Chúa Thương Xót số ra tháng 11 và tháng 12.2016, đã đăng toàn văn Thư Chung dưới dạng Hỏi Đáp). Qua đó, chủ đề Mục vụ cho 3 năm tới như sau:
– Năm 2016-2017: Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân;
– Năm 2017-2018: Đồng hành với các gia đình trẻ;
– Năm 2018-2019: Đồng hành với những gia đình gặp khó khăn.
Trong thư này, các Ngài trình bày chi tiết hơn về chủ đề năm 2016-2017, qua đó Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh đặc biệt đến lãnh vực này.”Kết hôn là một quyết định rất quan trọng, vì thế cần được chuẩn bị chu đáo hết sức có thể. Trong thực tế ngày nay, một số người trẻ chỉ quan tâm đến việc tổ chức lễ cưới thật lớn, mà không hiểu biết đầy đủ về trách nhiệm trong đời sống hôn nhân. Một số khác, vì vất vả với cuộc mưu sinh, ít có thời giờ để chuẩn bị kỹ lưỡng cho đời sống hôn nhân họ sắp bước vào. Vì thế, cần khuyến khích người trẻ tham dự những lớp chuẩn bị hôn nhân, đồng thời các giáo xứ phải tổ chức chương trình cho chu đáo. Mỗi giáo phận có thể có chương trình riêng tùy theo hoàn cảnh, tuy nhiên chúng tôi mong muốn các khóa chuẩn bị hôn nhân phải giúp cho các bạn trẻ thấy đích điểm không chỉ là ngày cưới mà là cả đời sống gia đình lâu dài sau này” (TC 2016).
1- TẠI SAO GIÁO HỘI LẠI QUAN TÂM ĐẾN VIỆC CHUẨN BỊ CHO NGƯỜI TRẺ BƯỚC VÀO ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN?
Chúng ta cần biết những gia đình trẻ bất hạnh trong hôn nhân hiện nay, họ là ai?
*Họ là những hài nhi được sinh ra, rồi lớn lên thành những thiếu nhi, những thanh niên trong các gia đình VN giữa một toàn cảnh xã hội mới với bao nhiêu thay đổi chóng mặt về luân thường đạo lý, về khái niệm sống, ý nghĩa sống, mục đích sống…
*Họ là những người mà tuổi thiếu nhi được biết quá sớm về chuyện giới tính, những chuyện thuộc về giới tính, cả những chuyện của người lớn… bởi vì, tất cả đều được loan truyền cách tự nhiên trên các phương tiện truyền thông, tin tức, thời sự, quảng cáo cách vô tội vạ.
*Họ là những người mà tuổi vừa lớn đã phải tiếp thu bao nhiêu khái niệm sai lầm về đức khiết tịnh từ xã hội – một xã hội không những không đề cập, cổ súy ý nghĩa cao đẹp của đức khiết tịnh, không đề cao giá trị của việc gìn giữ cái nghìn vàng, mà còn “vẽ đường chuột chạy” từ việc hội nhập các cách sống tự nhiên của giới tính, đến việc thiết lập và quảng bá một bảo đảm an toàn hư ảo để tránh những hậu quả không mong muốn qua những phương pháp tránh thai cả tinh vi, cả tồi tệ…
*Họ là những người khi chưa bước vào đời sống hôn nhân gia đình, đã sống thử cuộc sống xác thịt của đời vợ chồng, có khi lén lút, có khi công khai. Việc sống thử tự nguyện ấy cho biết chính họ tự rước vào mình một thói quen hạ đẳng bắt nguồn từ một khái niệm không còn nhân tính nữa, một thói quen của một cái “con” hơn là một cái “người”.
*Họ là những người bước vào đời sống hôn nhân gia đình như bước vào một thế giới cũ rích, không còn gì là mới lạ, là hấp dẫn và cũng không phải đặt mình vào sự chuẩn bị chu đáo để đón nhận một ý nghĩa thiêng liêng cao quí, vì thực ra, khái niệm gia đình với những gì là thiêng liêng cao quí đã mất đi trong suy tư, trong tâm trí của họ.
*Họ là những người không hiểu biết thế nào là Đức Khiết Tịnh trong đời vợ chồng, và nếu có hiểu, thì cũng khó mà vượt thắng chính con người của mình đã có những thói quen tồi tệ từ thuở tiền hôn nhân. Ngay cả đối với những bạn trẻ công giáo đã bị thâm nhiễm một xã hội duy vật chất, thâm nhiễm những thói quen xấu dẫn đến trình trạng mất cảm thức về tội, nhất là tội điều răn thứ sáu, khi bước vào đời sống hôn nhân cũng không thể cưỡng nỗi con người cũ của mình với những đam mê, những dục vọng bất chính.
Vì thế, họ là những người không bao giờ cảm thấy thỏa mãn với chính người bạn đời của mình, mà mình đã chọn, đã quyết định chọn, không thể nào thỏa mãn với cuộc sống mới của mình trong một xã hội còn có thể có nhiều chọn lựa khác. Từ đó, luật đơn hôn, vĩnh hôn đối với họ là một trói buộc mang tính tôn giáo khắc nghiệt, và họ tự cho phép mình có thể tự giải thoát mình ra khỏi vòng lẩn quẩn một đời vô nghĩa.
Một gia đình đổ vỡ, chục gia đình đổ vỡ, hàng trăm gia đình theo cái đà đổ vỡ ấy cũng đổ vỡ tạo thành một xã hội hỗn độn, bát nháo trăm bề… (theo LM Nguyễn Xuân Anh-GP Phan Thiết)
2- GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM THẤY CẦN PHẢI QUAN TÂM NHỮNG YẾU TỐ NÀO?
– Hiểu biết ý nghĩa của ơn gọi hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa và theo giáo huấn của Hội Thánh, khám phá phẩm giá và vẻ đẹp của hôn nhân, ý nghĩa sâu xa của tính dục, trách nhiệm xây dựng một gia đình mới.
– Dẫn vào bí tích Hôn Phối, giúp đôi bạn đón nhận bí tích cách xứng đáng và có khởi đầu vững chắc cho đời sống gia đình. Bí tích Hôn Phối không chỉ là thời điểm cử hành hôn lễ nhưng là thực tại tác động toàn bộ đời sống hôn nhân. Vì thế, phải giúp họ cử hành bí tích Hôn Phối như một kinh nghiệm đức tin sâu xa và trân trọng ý nghĩa của từng lời nói và dấu chỉ trong cử hành bí tích.
– Tạo cơ hội cho đôi bạn thảo luận với nhau: họ mong chờ gì từ hôn nhân và từ người bạn đời; họ hiểu thế nào về tình yêu, về lời cam kết và trách nhiệm xây dựng một gia đình.
– Giúp đôi bạn tìm hiểu trước những vấn đề và khó khăn có thể xảy ra trong đời sống hôn nhân và gia đình.
Trong những lớp chuẩn bị hôn nhân, ngoài sự hướng dẫn của các linh mục và chuyên viên, thì chứng tá cụ thể của các gia đình đóng vai trò quan trọng, do đó nên mời những người sống đời gia đình chia sẻ kinh nghiệm. Ngoài ra, đừng quên rằng “những người được chuẩn bị tốt nhất cho đời sống hôn nhân là những người đã học được từ chính cha mẹ của họ thế nào là hôn nhân Kitô giáo” (Tông huấn Niềm vui của Tình Yêu, số 208). Vì thế, chính đời sống gia đình hiện nay là môi trường giáo dục và chuẩn bị tốt nhất cho cuộc sống hôn nhân mai sau của con cái trong gia đình (TC 2016).
3- THỜI KỲ ĐÍNH HÔN, THỜI GIAN CHUẨN BỊ HÔN PHỐI LÀ THỜI GIAN CỦA ÂN SỦNG?
Đức Giáo hoàng và các Nghị phụ Thượng Hội đồng Giám mục khuyến nghị các cộng đoàn Kitô hữu, đặc biệt tại các giáo xứ và giáo phận: “Thực tại xã hội phức tạp và những thách đố mà ngày nay các gia đình đang phải đối diện đòi hỏi toàn thể cộng đoàn Kitô hữu dấn thân hơn nữa trong công việc chuẩn bị cho các đôi bạn sắp kết hôn” [1]. “Tôi mời gọi các cộng đoàn Kitô hữu hãy nhận biết rằng việc đồng hành với những người đính hôn trong hành trình tình yêu của họ là một việc thiện ích cho chính họ” [2].
3.1* Đính hôn: thời gian của tăng trưởng
Xưa nay chúng ta vẫn biết đây là thời kỳ đôi bạn sống trong niềm hân hoan và với cả những khó khăn, để hiểu biết nhau sâu đậm hơn và với cả những hiểu lầm, khó hiểu về nhau. Nếu thời kỳ này được sống cách nghiêm túc và trưởng thành, đó sẽ là thời gian thuận lợi cho đôi bạn đối diện và đối thoại với nhau, cùng tiến tới trên hành trình tăng trưởng nhằm xây dựng quan hệ lứa đôi.
- 2* Đính hôn: thời gian của trách nhiệm
Thời đính hôn được xem như là thời gian của trách nhiệm. Thật vậy, trong viễn cảnh của ơn gọi, đây là thời gian thuận tiện để làm sáng tỏ hơn lần đầu tiên ơn gọi cá nhân đi đến kết hôn với người bạn của mình. Đây là một quyết định tạo khoảng không gian để kiểm nghiệm sau đó hướng tới lời ưng thuận dứt khoát mà hai người sẽ tuyên bố trong ngày cử hành hôn phối. Trách nhiệm của đôi bạn đính hôn được biểu lộ qua việc xây dựng mối quan hệ của họ ngày càng bền chặt, nhưng cũng đòi hỏi phải nuôi dưỡng và củng cố mối quan hệ thời kỳ này bằng một tình yêu thanh khiết.
Hôn nhân là một ơn gọi (x. 1Cr 7,7.17), là tiếng Chúa kêu gọi mỗi người theo mỗi cách. Nó được ghi khắc trong ơn gọi bẩm sinh và nền tảng của mỗi người hướng đến tình yêu. Đó là ơn gọi bởi vì ở nguồn cội của nó là một hành động vĩnh cửu tiền định cho ta nên giống hình ảnh của Chúa Giêsu: Thiên Chúa đã yêu dấu và quý mến tưởng nghĩ đến chúng ta như là hình ảnh Con của Ngài theo ơn huệ và đặc sủng tiêu biểu của đời đôi bạn. Chúa Thánh Thần hoạt động trong mầu nhiệm ơn gọi hôn nhân này làm sao để hai người được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô theo đặc sủng tình yêu phu thê. Tất cả những điều này được dần dần tỏ lộ ra trong thời gian, cách riêng trong thời kỳ đính hôn, chúng còn được hiểu và sống như là thời gian để chứng nghiệm ơn gọi này. Toàn bộ cuộc hành trình rồi sẽ đi tới lúc hai người tuyên bố long trọng và đóng dấu ấn dứt khoát trong cử hành bí tích hôn phối và đòi hỏi phải được sống trong cuộc sống hôn nhân và gia đình mỗi ngày.
3.3* Đính hôn: thời gian của ân sủng
Thời đính hôn chính là thời gian để khám phá để rồi sống những điều ấy. Như thế, đây là thời gian của ân sủng: một ơn huệ Thiên Chúa ban cho các người trẻ, nam cũng như nữ. Với ơn ấy, các bạn trẻ có khả năng làm triển nở tình yêu của họ đến mức trưởng thành, họ học tập nhìn và sống tình yêu ấy như một sự thông dự vào tình yêu của Đức Kitô bằng cách học hướng đến chính lý tưởng yêu thương ấy.
Thời đính hôn, theo viễn tượng ấy là thời gian của tăng trưởng trong đức tin, cầu nguyện, tham dự vào đời sống phụng vụ của Hội thánh…
3.4* Một hành trình chuẩn bị quan trọng
Cộng đoàn Kitô hữu cảm thấy vui mừng và có trách nhiệm giúp đỡ các đôi bạn sống thời kỳ đính hôn này và tạo cơ hội ưu tiên cho việc suy nghĩ kỹ lưỡng tất cả những điều này. Chính vì yêu mến và quý trọng những ai muốn kết hôn và kết hôn trong Hội thánh, cộng đoàn Kitô hữu không thể chấp nhận những người sắp chọn đời sống hôn nhân mà lại không được chuẩn bị cho thích đáng (Tài liệu mục vụ HĐGMVN).
Ước mong các vị hữu trách cộng đoàn, các bậc ông bà, cha mẹ trong các gia đình quan tâm hướng dẫn, giúp các bạn trẻ trong thời gian chuẩn bị bước vào hôn nhân, bời một điều mà chính những người trong cuộc, những người tưởng như chín chắn, trưởng thành sẽ quyết định cho cuộc đời mình thì xem ra lại thiếu quan tâm và thiếu chuẩn bị hơn cả. Gia đình là một Giáo hội thu nhỏ, một Hội Thánh tại gia, quan tâm xây dựng những gia đình trẻ tốt lành, thánh thiện chính là góp phần xây dựng Giáo hội và Xã hội vậy.
Fx Đỗ Công Minh