Đồi Sọ lặng Lẽ Cây Thánh Giá
Thế Trần Gieo Neo Nỗi Gian Truân
Thánh Ambrôsiô Optina nhắn nhủ: “Đừng lo sầu về quá nhiều điều, nhưng phải để tâm lo cho một điều chính: CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT CỦA MÌNH.” Bất cứ việc gì, dù to hay nhỏ, đều phải chuẩn bị: Phải im lặng trước khi có thể lắng nghe, phải lắng nghe trước khi học hỏi, phải học hỏi trước khi hành động, phải hành động trước khi phụng sự, phải phụng sự trước khi hướng dẫn,… Chết là sự kiện quan trọng nhất đời người, vì một đi không trở lại, càng phải chuẩn bị đặc biệt. Vả lại, cái chết đến bất ngờ, không thể biết trước.
Thiết tưởng đây là cách chuẩn bị tốt cho cái chết mà Thánh Barsanuphius đã áp dụng: “Đừng tìm cách để nổi trội. Trong bất cứ việc gì, đừng sánh mình với người khác. Hãy mặc kệ thế gian, hãy vác lấy thập giá, hãy vứt bỏ tất cả những gì phàm tục, hãy giũ sạch bụi trần khỏi bàn chân.” Đó là cách buông bỏ. Muốn bỏ thì phải buông, có buông ra thì mới nhẹ mình.
Điều đó có vẻ đơn giản nhưng lại không dễ dàng, bởi vì tính xác thịt của con người nặng nề lắm. Chân phước Claude de la Colombière tâm sự: “Chúa đã dang tay để kéo con ra khỏi vũng bùn nhơ mà tình cảm của con đã đẩy con vào và bản tính quá buông thả của con đã nhận chìm con trong đó.” Chắc chắn rằng nếu không có ơn Chúa, chúng ta không thể làm được gì. (Ga 15:5) Tuy nhiên, Thánh Thomas Aquino cho biết: “Chúng ta không có quyền đòi hỏi, nhưng phải nài xin Thiên Chúa ban cho ơn bền đỗ. Nhận ra những ai là người mà chúng ta phải tránh, đó là phương thế quan trọng để cứu lấy linh hồn mình.”
Từ thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã tuyên phán: “Này sẽ đến những ngày Ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Giuđa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai Cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng. Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Israel sau những ngày đó. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta.” (Gr 31:31-33) Bất kỳ Thiên Chúa hứa điều gì, dù to hay nhỏ, thì chắc chắn ứng nghiệm, không sai bao giờ.
Tất cả phàm nhân đều là tội nhân, chẳng đáng gì để được Ngài hứa, nhưng vì lòng thương xót mà Ngài dành cho chúng ta những giao ước kỳ diệu và vô giá: “Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: ‘Hãy học cho biết Đức Chúa,’ vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa.” (Gr 31:34) Quả thật, Thánh Vịnh gia không thể nín lặng nên đã thốt lên: “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?” (Tv 130:3)
Chúng ta cảm thấy khó thực hiện nhưng không phải do Thiên Chúa đòi hỏi hoặc bắt buộc nhiều, thực sự Ngài chỉ cần chúng ta thành tâm sám hối. Thế thôi, mọi thứ sẽ ổn, vì chính Chúa Giêsu đã “bù lỗ” cho chúng ta bằng giá máu. Nhưng là phàm nhân, chúng ta không chỉ có máu Pharisêu mà còn có máu Cuội – xạo ke. Thật là quá quắt lắm, vừa giả hình vừa hứa lèo. Mỗi Mùa Chay là cơ hội thuận tiện để chúng ta nghiêm túc xét lại chính mình, soi kiểu 3D – từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, từ bên này sang bên kia, rồi sám hối thật lòng: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.” (Tv 51:3-4)
Một chút tro rắc trên đầu (hoặc vẽ trên trán) cũng chỉ vô ích nếu chúng ta không “xức tro” linh hồn và “xé rách” lòng mình vì tự cảm thấy bất xứng với Thiên Chúa là Đấng chí thánh. Chắc chắn Ngài xót thương ngay, và sẵn sàng bỏ qua hết nếu chúng ta không vỗ ngực, nhưng chân thành đấm ngực mình, đấm vào chỗ sâu thẳm nhất của con tim, chứ không đấm ngực người khác. Không chỉ vậy, chúng ta còn phải cầu xin Thiên Chúa biến đổi chúng ta bằng cách “đại tu” linh hồn: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài. Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con; đường lối Ngài, con sẽ dạy cho người tội lỗi, ai lạc bước sẽ trở lại cùng Ngài.” (Tv 51:12-15) Lời nguyện chân thành đó là lời cầu nguyện có màu tím nhưng lại có sắc hồng lung linh. Tuyệt vời lắm!
Cuộc sống vô thường. Cái khổ nhiều hơn cái sướng, cái buồn nhiều hơn cái vui, nước mắt nhiều hơn nụ cười. Đáng quan ngại là “sinh hữu hạn, tử bất kỳ.” Đời phàm nhân là thế. Khi xuống thế làm người, Chúa Giêsu cũng phải trải qua trăm cay ngàn đắng. Cay xé lòng, đắng cứng miệng. Chẳng có con đường nào đau khổ và tang thương hơn Đường Thập Giá. Nhưng đó là con đường không thể tránh né, ai cũng phải đi qua.
Vừa giải thích vừa động viên, Thánh Phaolô cho biết: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.” (Dt 5:7-9) Vâng lời rất cần thiết, cần thiết hơn cả hy lễ, (Hs 6:6; 1 Sm 15:22; x. Tv 50:8-9) thế nhưng đó lại là bài học khó thuộc và khó thực hiện.
Có mấy người Hy Lạp trong số những người lên Giêrusalem thờ phượng Thiên Chúa. Họ đến gặp ông Philípphê, người Bếtxaiđa, miền Galilê, và xin được gặp Chúa Giêsu. Ông Philípphê đi nói với ông Anrê, rồi hai ông Anrê và Philípphê đến thưa với Đức Giêsu. Ngài không trả lời thẳng vấn đề mà Ngài nói: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy.” (Ga 12:23-26) Phải chết để có thể sinh ích lợi và tái sinh. Một loại triết lý sống vô cùng kỳ diệu.
Nếu thế này thì sẽ thế kia, nếu thế kia thì sẽ thế nọ. Rất bình thường mà cũng rất khác lạ. Chắc hẳn đã trải nghiệm nhiều nên Thánh Phanxicô Assisi có triết lý này: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, chính lúc hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.” (Kinh Hòa Bình) Quả thật, kỳ diệu ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Ai cũng phải tìm hiểu thấu đáo, rồi phải can đảm sống, như vậy mới có kinh nghiệm, có kinh nghiệm rồi thì mới khả dĩ cảm nghiệm dạng triết lý độc đáo như thế.
Mọi điều phải được ứng nghiệm, lời hứa phải được thực hiện, Ý Cha phải được thể hiện. Nhưng với nhân tính, Chúa Giêsu cũng cảm thấy lo sợ nên Ngài đã tâm sự với các môn đệ: “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây?” (Ga 12:27a) Rồi Ngài thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha.” (Ga 12:27b-28) Mặc dù rất sợ nhưng Ngài vẫn mong cho ý Cha nên trọn. Ngay lúc đó có tiếng xác nhận từ trời vọng xuống: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!” (Ga 12:29) Mọi người có mặt ở đó nghe “tiếng động” như vậy, có người bảo đó là tiếng sấm, có người lại cho đó là tiếng của một thiên thần. Phàm nhân không thể hiểu được. Chúa Giêsu nói: “Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người. Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài!” (Ga 12:30-31) Giờ G sắp sửa điểm!
Điều gì đến sẽ đến. Sự giằng co rất gay go. Thời đại chúng ta đang sống cũng là thời điểm “tranh tối, tranh sáng.” Đã có lần Thánh Phaolô phải thốt lên: “Mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành.” (2 Tx 2:7) Dù thế nào thì Chúa Giêsu vẫn muốn thực hiện trọn đức tuân phục, và dù đau khổ tột cùng thì Ngài vẫn hứa chắc: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” (Ga 12:32) Ngài nói thế để ám chỉ Ngài sẽ phải chết cách nào: Chết treo trên Thập Giá. Mọi điều ứng nghiệm từ A tới Z.
Chỉ là phàm nhân, là tội nhân, nhưng chúng ta vẫn được Thiên Chúa yêu thương và ban giao ước, do đó chúng ta cũng phải thề hứa với Ngài và tha nhân, hứa gì thì phải cố gắng thực hiện cho đúng. Bằng cách nào? Đó là đồng lao cộng khổ với Chúa Giêsu qua những điều trái ý mình hằng ngày.
Mùa Chay là Mùa Thương Khó, chúng ta hãy noi gương Thánh nữ Faustina cầu nguyện, đặc biệt biết tạ ơn về những gì mình không muốn: “Lạy Chúa Giêsu, con tạ ơn Ngài về những đau khổ nội tâm, về sự khô khan, về sự sợ hãi, về nước mắt, về sự lưỡng lự, về sự tăm tối nội tâm, về sự cám dỗ, về sự thử thách, về sự giày vò mà con không thể diễn tả, nhất là về những điều mà không ai hiểu, về giờ chết với sự chiến đấu dữ dội và cay đắng. Lạy Chúa Giêsu, con tạ ơn Ngài về những thập giá nho nhỏ hằng ngày, về sự đối nghịch với các nỗ lực của con, về sự gian khó của đời sống cộng đoàn, về sự hiểu lầm, về sự bẽ mặt vì người khác, về sự khó chịu mà người ta đối xử với con, về sự nghi oan, về sức khỏe yếu kém của con, về sự hy sinh, về sự chết cho chính con, về sự kém hiểu biết, về các kế hoạch thất bại của con.” (Nhật Ký, số 343)
Ôi, lời cầu nguyện vô cùng cao cả và tốt lành, hoàn toàn muốn tuân phục Ý Chúa, chắc chắn Ngài rất vui lòng. Tuy nhiên, muốn thực hiện thì chúng ta phải cố gắng lắm mới có thể hoàn tất lời ước nguyện đó. Thật là khó, nhưng với ơn Chúa thì người yếu đuối nhất cũng khả dĩ hoàn tất.
Lạy Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại, Ngài đã chịu chết để con được sống dồi dào và viên mãn, xin tăng lực can đảm và giúp con vững bước trên đường thập giá. Xin dạy cho con biết: đời sống con chung cuộc thế nào, ngày tháng con đếm được mấy mươi. (Tv 39:5) Con chân thành trở về, cố gắng canh tân cho hợp Thánh Ý Chúa, xin thương xót, tha thứ, cứu độ con và các tín nhân. Ngài Đấng hằng sinh và hiển trị cùng Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời. Amen.
TRẦM THIÊN THU