Ngày 30-9-2019, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã ấn định, Chúa Nhật thứ ba của mùa Thường niên là Chúa Nhật Lời Chúa. Mục đích của Đức Thánh Cha là giúp các tín hữu ý thức tầm quan trọng của việc đọc và suy niệm Lời Chúa. Đức Thánh Cha đã trích lời Thánh Giê-rô-ni-mô: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Ki-tô.” Và thật là một trùng hợp có ý nghĩa, vì Chúa Nhật hôm nay, Bài đọc I và bài Tin Mừng đều giới thiệu với chúng ta về việc loan báo Lời Chúa. Hai sự kiện ở hai thời điểm lịch sử khác nhau, nhưng đều mang một thông điệp, đó là hãy lắng nghe Lời Chúa và hãy trở nên những ngôn sứ để loan báo Lời của Ngài.
Sách Nơ-khe-mi-a là một cuốn sách nằm trong Kinh Thánh Cựu Ước. Sách gồm có 13 chương, không rõ tác giả là ai. Thời gian viết vào khoảng năm 440-350 TCN, thời gian được tường thuật trong sách vào khoảng năm 445-425 TCN. Nhân vật chính cũng là tên của cuốn sách này. Ông là người nỗ lực xây lại tường thành và Đền thờ Giê-ru-sa-lem sau khi từ nơi lưu đày trở về. Công việc này vô cùng khó khăn, vừa do dân ngoại Sa-ma-ri-a âm mưu chống phá, vừa do một số người Do Thái nản chí trước khó khăn. Tuy vậy, Nơ-khê-mi-a đã hoàn thành bức tường thành và ông tổ chức khánh thành trọng thể. Nghi thức chính là việc đọc sách Luật, do thầy tư tế Ét-ra thực hiện. Nghi thức này diễn ra trong bảy ngày, và tường thuật của Bài đọc I chúng ta nghe hôm nay là ngày cuối cùng. Có thể nói, sự kiện này là sự hồi sinh của dân tộc Do Thái và cũng là của Đạo Do Thái, sau gần 50 năm sống cảnh lưu đày xa quê hương. Dân chúng vừa than khóc vì tội lỗi quá khứ, vừa hoan hỷ vui mừng vì đã đến thời dân tộc được phục hưng.
Trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca, hình ảnh thầy tư tế Ét-ra đọc sách tại Giê-ru-sa-lem năm xưa, nay người dân Na-da-rét lại được chứng kiến. Nhân một chuyến về thăm quê hương, Đức Giê-su đã vào Hội đường và đọc đoạn sách I-sai-a trước đó khoảng bảy thế kỷ, với nội dung nói về sứ vụ của vị ngôn sứ được Chúa xức dầu và sai đi. Nếu Ét-ra và Nơ-khe-mi-a tuyên bố thời hồi sinh của Đạo Do Thái sau lưu đày, thì Đức Giê-su lại khẳng định: một kỷ nguyên mới đã được khai mở. Đó là kỷ nguyên của thời thiên sai. Người đến trần gian để công bố năm hồng ân của Thiên Chúa. Người khẳng định với thế giới: Thiên Chúa yêu thương con người, và Ngài đã sai Con Một đến trần gian, để quảng diễn tình yêu vô bờ ấy. Khi tuyên bố với những ngươi đồng hương: “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe,” Đức Giê-su khẳng định: thời của ân sủng đã đến, và những ai thành tâm thiện chí sẽ được đón nhận muôn vàn ân huệ của Thiên Chúa.
“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn…” Nhờ bí tích Thanh tẩy, mỗi Ki-tô hữu cũng có thể áp dụng những lời này cho bản thân, vì mỗi chúng ta đã đều được xức dầu và mỗi chúng ta đều là ngôn sứ. Nơi mỗi chúng ta đều có Thần Khí hoạt động và chúng ta đều được sai lên đường đến với những anh chị em đồng loại, để nói với họ: Thiên Chúa yêu thương con người. Thánh Phao-lô diễn tả hoạt động của Thần Khí nơi Giáo Hội qua hình ảnh một thân thể bao gồm nhiều chi thể. Không có chi thể nào là hèn kém và bị coi thường. Đó là hình ảnh cộng đoàn đức tin. Chính Thần Khí hay Chúa Thánh Thần nối kết mọi thành viên để trở nên một thân thể, luôn hiệp thông và thăng tiến. Linh dược làm cho cơ thể là Giáo Hội được khỏe mạnh, chính là Chúa Thánh Thần. Ngài ngự trong mỗi chúng ta, như xưa Ngài đã ngự trên Chúa Giê-su và thêm sức cho Chúa Giê-su trong hành trình loan báo Tin Mừng cứu độ. Ngày hôm nay, qua các tín hữu Ki-tô, Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động, để soi sáng và ban sức mạnh siêu nhiên, nhờ đó chúng ta có thể hoàn thành nhiệm vụ ngôn sứ mà Chúa đã trao cho chúng ta qua bí tích Thanh tẩy.
Những ngày này, chúng ta đang rộn ràng tưng bừng đón xuân Ất Tỵ. Đối với người tin Chúa, đây là thời điểm để chúng ta dâng lời tạ ơn Chúa vì Ngài luôn gìn giữ chúng ta. Giống như những người Do Thái trở về quê hương sau thời lưu đày, chúng ta tạ ơn Chúa và cầu xin Ngài tiếp tục nâng đỡ phù trợ chúng ta trên con đường lữ thứ trần gian. Một ơn quan trọng cần phải cầu xin trong những ngày đầu năm, đó là ơn vững đức tin. Giữa bao thử thách của cuộc đời, xin cho chúng ta biết cậy trông vào Chúa, như chiếc mỏ neo giữ cho chiếc thuyền vững vàng trước phiêu bạt của giông tố cuộc đời.
TGM Giu-se Vũ Văn Thiên