LỄ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ
Bài Đọc Một: Sách Ngôn Sứ SAMUËL quyển 2, chương 5 câu 1-3
HEBRON: tên một thành phố nơi miền núi xứ Giuđêa.
Hébron cách Giêrusalem chừng 40 cây số.
Hébron còn là nơi yên nghỉ an bình của các tổ phụ Abraham, Isaac và Jacob.
Bên cạnh các tổ phụ, các bà vợ của ba tổ phụ là Sara, Rebecca và Léa, cũng được an bình bên cạnh các ngài, sống chết có nhau. Đẹp xinh thay tình nghĩa vợ chồng đời các tổ phụ!
Dường như Giuse, con của tổ phụ Jacob cũng yên nghỉ nơi đây.
Mãi vài thế kỷ về sau, Mai Sen cho người dọ thám vùng đất hứa Canaan. Chắc chắn là không dự tính gì cả; nhưng đoàn người đã ra đi và không ngờ xâm nhập ngay vào miền Hébron. Đoàn người run sợ khi nhìn thấy những dân cư miền Hébron có hình dạng to lớn, lực lưỡng….. Bù vào sự sợ hãi, đoàn người trở về mang nặng trên đôi vai những hoa qủa thơm ngon được hái trộm từ miền thung lũng Eshkol, chẳng hạn như cành nho to lớn đầy những trái làm say lòng người thưởng thức.
Sau khi Mai Sen qua đời, con cái Israël vào định cư tại Palestine. 12 chi tộc sống độc lập, có chung nhau một liên hệ mật thiết là nhờ vào lịch sử vĩ đại: được thoát gông cùm đời nô lệ tại Ai Cập.
Mỗi chi tộc được điều hành bởi một lãnh tụ có thể gọi là quan án. Các quan án nắm giữ vai trò điều hành sinh hoạt, phân xử việc kiện tụng kể cả việc chiến tranh; đôi khi nắm luôn vai trò ngôn sứ, trường hợp của Samuel trong bài đọc hôm nay là thí dụ điển hình. Dĩ nhiên thời này không ai nghĩ đến chuyện lên ngôi làm vua vì vua độc nhất của Israël chính là Thiên Chúa. Ý tưởng thật qúa tuyệt vời!
Không ngờ sau đó, ngó qua ngó lại, ngó sang hàng xóm láng giềng, thấy kẻ này người nọ có vua, Israël bắt đầu đòi hỏi để có vua như mọi người. Trước sự đòi hỏi mãnh liệt của Israël, ngôn sứ Samuel đã khôn ngoan trình bày lời hay lẽ thật, đã giúp dân cân nhắc lợi hại về những ưu khuyết điểm khi có vua… Tiếc thay Israël không cần nghe điều chân thật, Israël chỉ muốn nên giống mọi người, Israël muốn có vua.
Sau cùng để đáp ứng đòi hỏi của dân, Thiên Chúa đã phán truyền cho Samuel tuyển chọn và phong vương SAÜL, vua thứ nhất của Israël. Vua này cai trị dân được chừng 20 năm. Huy hoàng vào những năm đầu nhưng về sau vua Saül đã lạc đường lệch hướng; theo lệnh Chúa truyền, Samuël chọn người kế vị mang tên DAVID.
Với ba cân văn ngắn ngủi trong bài đọc một hôm nay, chúng ta có thể tìm hiểu được một khúc quanh lịch sử vô cùng đặc biệt của Israël thời đó.
Tuy dù được Thiên Chúa trực tiếp tuyển chọn và được ngôn sứ Samuël xức dầu tấn phong, nhưng David hãy còn qúa trẻ, nên Saül vẫn còn ngồi nơi ngai vua. Kinh thánh cho biết thêm, David nhiều đức lắm tài, nhất là tài điều khiển chiến binh, điều này ai cũng nhìn thấy, nhất là Jonathan, con trai của vua Saül; bởi thế Jonathan rất mộ mến đức tài của David.
Như mặt trời nghiêng bóng về chiều, vua Saül cũng thế, tuổi đời ngày càng đè nặng đôi vai, thay vì an bình dọn mình ra đi về với đời sau, vua không làm, nhưng lại càng gia tăng thêm trong tinh thần và thân xác những oán thù ghen tương đối với David và tìm cách sát hại người đã được Thiên Chúa tuyển chọn.
Phần David, dù phải đương đầu với bao nhiêu mưu kế thâm độc của vua Saül, nhưng không bao giờ ông để tâm trả thù hay nguyền rủa nặng lời, vẫn một lòng trung thành gắn bó keo sơn với vua Saül, dù sao đi nữa, Saül cũng là người đã được Thiên Chúa ưu tuyển qua trung gian ngôn sứ Samuël và bổn phận là con dân, David phải kính trọng thôi…
Hôm nay đọc lại lịch sử, chúng ta nhận ra được đức tính anh hùng, lòng quảng đại thanh cao và tâm hồn mến Chúa nồng nàn của vua David. Thật đẹp làm sao một mục tử vì Chúa vì đoàn chiên!
David được làm vua, nhưng chỉ là vua miền Hébron, miền nam hay miền Giuđêa, quê hương của ông. Thời gian này kéo dài được khoảng 7 năm.
Sau khi vua Saül qua đời và con trai nối nghiệp là Jonathan cũng qua đời, do lời yêu cầu tha thiết của những đại diện dân Israël miền Bắc, David nhận lời và chính thức làm vua trên toàn xứ Israël và triều đại của vua kéo dài trong 33 năm. Tóm lại, David làm vua được 40 năm thì qua đời vào tuổi bảy mươi.
Đó là khung cảnh lịch sử đầy ý nghĩa của bài đọc một hôm nay.
Khung cảnh lịch sử này được kéo dài mãi tận một ngàn năm về sau thì từ dòng dõi nhà David xuất hiện Vị Cứu Tinh, Mục Tử Tuyệt Vời, Đức Kitô, VUA vũ trụ..
Thời David, các đại diện miền Bắc đã ngõ lời như sau: “Chúng tôi có cùng chung dòng gióng với ngài.” Ngày hôm nay, hằng ngày trong thánh lễ hiến dâng, Chúa Giêsu vẫn thường nhắc lại: “Hãy lãnh nhận mà uống vì này là Máu Thày.”
Lãnh nhận mà uống, còn có nghĩa rất thâm sâu là: chúng ta có cùng chung giòng máu với Chúa Giêsu. Giòng máu hoàng gia, con của Vua, của yêu thương, của lòng thương xót.
Cao qúy thay ân tình Chúa vẫn thương ban, nhưng nào mấy ai biết trân trọng đón nhận vào đời.
LM. FC.