Home / Tiêu Điểm / CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN C

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN C

Bài Đọc Một: Sách Ngôn Sứ Malachie 3, 19-20

 

             Chúng ta đang ở vào thế kỷ thứ 5 trước Chúa Giáng Sinh.

             Sau đoạn đường dài nô lệ tại Babylone, dân Chúa hôm nay về lại quê hương, bao nhiêu đổi thay chuyển dời, còn đâu nữa những nguy nga tráng lệ của ngày xưa tháng cũ và đoàn dân đang trong cơn khủng hoảng, lạc bước đường đời; còn các tư tế thì không còn đủ lòng thành trong những lễ nghi thờ phượng. Mọi người chung nhau câu hỏi: Chúa đâu rồi ?             Phải chăng Ngài quên chúng ta ? Đời sống trần tục vươn cao, người gian tham ác độc lại có qúa nhiều thành công.

             Trong cuộc đời nhiều nghịch cảnh như thế, cần tuân giữ chi nữa những giao ước với Chúa Toàn Năng. Đời còn gì là công bình, công lý… và câu hỏi sau cùng chính là:

            Thật sự, Thiên Chúa có CÔNG BÌNH hay không?

 

             Đang khi mọi người bị chao đảo vì giòng đời nhiều khủng hoảng, MALACHIE xuất hiện và bắt đầu vào cuộc thi hành ơn gọi ngôn sứ nhằm làm bừng sống dậy niềm tin còn sót đọng lại trong tâm tình cuộc sống của những người từ xa về lại cố hương.

             Theo thứ tự, ngôn sứ giúp các tư tế trước, kế đến là đoàn dân và trong bài đọc hôm nay ngôn sứ xác tin lại một lần nữa, Thiên Chúa là Đấng CÔNG BÌNH CHÍNH TRỰC và Ngài sắp điều chỉnh lại sự công chính của Ngài ngay trong cộng đoàn dân Chúa hay trong cộng đoàn nhân loại.

             Ngày của Chúa đang dần tiến bước.

 

            Câu 19: “Này đây ngày của Chúa đến”

             Đối với những người có niềm tin, ngày Chúa đến là chuyện có thật.

             Thái độ của con người là: nghi ngờ hay đợi chờ.

 Người có niềm tin đợi chờ ngày Chúa đến trong kiên nhẫn, trong bình an.

 Đối với người có niềm tin, ngày Chúa đến không phải là một đe dọa làm hoang mang lo sợ nhưng là một TIN MỪNG CỨU ĐỘ.

             Tuy dù trong câu 19 ngôn sứ dùng hình ảnh “hỏa lò” nhưng đừng bao giờ nghĩ đến hình ảnh của sự chết, của thiêu đốt, của diệt trừ… Nghĩ như thế thì đâu còn gì là tuyệt vời của Kinh Thánh.

             Theo suy tư thâm sâu của ngôn sứ Malachie, hình ảnh hỏa lò diển tả sự yêu thương sôi nổi cuồng nhiệt của lòng thương xót vô biên vô tận. Lòng thương xót vô biên vô tận này đang chiếm ngự xác hồn ta đưa ta chìm vào đại dương tình yêu không biên cương giới tuyến. 

             Càng chìm sâu trong lòng thương xót vô biên vô tận, con người càng cảm nhận ra ôi Thiên Chúa của chúng ta, Ngài thật qúa vĩ đại và thật qúa vĩ đại! 

 

             Sau hình ảnh hỏa lò, ngôn sứ dùng thêm hình ảnh “mặt trời”

            Thật cũng dễ hiểu thôi, mặt trời có rất nhiều tác dụng, vừa thiêu đốt nhưng cũng vừa chữa trị. Thời xa xưa trong ngành y học, ánh nắng mặt trời có thể gây nguy hại cho vài bệnh ung thư nhưng cũng có thể chữa được một vài bệnh về da.

             Đối với ngôn sứ Malachie, “mặt trời của Thiên Chúa” mang ý nghĩa rất đặc biệt: không có sự gì thoát khỏi ánh sáng mặt trời của Thiên Chúa, dù một hành động xấu trong bóng đêm cũng không làm sao vượt thoát được ánh sáng siêu phàm này.

             Hãy cố sống thành thật với chính mình và mặt trời của Thiên Chúa còn có tên là mặt trời thanh luyện, nó thiêu đốt người này, chữa lành bệnh tật cho người kia. Người gian tham sánh tựa như rơm như rạ, mặt trời thanh luyện sẽ biến ra tro ra bụi, còn người lành thánh biết kính sợ Thiên Chúa, mặt trời thanh luyện sẽ giúp họ hân hoan tiến bước vào niềm hoan lạc bình an đời đời.

 

             Một tấm khăn trải bàn thật đẹp được chưng dọn trong ngày đại lễ, chẳng may một vết nhơ dính nơi khăn bàn; người thợ giặt khéo tay đâu nỡ lòng vì một vết nhơ mà vứt bỏ khăn bàn vào nơi dơ bẩn; nhưng họ gắng sức tìm cách tẩy sạch hầu có thể sử dụng khăn bàn trong những đại lễ tương lai.

             Lòng thương xót vô biên vô tận của Thiên Chúa vượt xa hẳn tâm tình của người thợ giặt trần đời, vì thế, khi con người sai lỗi, Ngài kiên nhẫn đợi chờ, sẵn sàng ban ơn giúp sức, mong tâm hồn tìm lại được tình thương đã mất.

Lm. FC

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG