Home / Tiêu Điểm / CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG NĂM A

CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG NĂM A

Bài Đọc Hai: thư thánh Phaolô gởi Giáo Đoàn Rôma 15, 4-9

      images“Thưa anh em, mọi lời xưa đã ghi chép trong Kinh Thánh đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn và can đảm để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy;”

      Thật đẹp làm sao ý nghĩa cao sâu của Lời Chúa!

      Mục đích của Lời Ngài là nhằm vào việc đào luyện chúng ta từng người và giúp chúng ta đón nhận TIN MỪNG LỜI CHÚA, nguồn hồng ân cứu rỗi.

      Nhiều lần trong đời sống, khi suy gẫm Lời Chúa, chúng ta chưa nhận ra được ý nghĩa cao sâu của TIN MỪNG, chưa nhận ra được TIN MỪNG mang lại nguồn ơn cứu rỗi. Nếu tâm tình này xảy ra, xin đừng bi quan cho rằng đó chính là lầm lỗi đáng buồn vì không hiểu được ý nghĩa TIN MỪNG.

      Muốn hiểu được giá trị cao sâu của TIN MỪNG, linh hồn cần thêm nhiều gắng công tìm kiếm để khám phá ra rằng: trong kho tàng văn chương Kinh Thánh, TIN MỪNG thật sự là quà tặng của Thiên Chúa nhằm giúp con người vươn lên đến Ngài để được thông phần vào mầu nhiệm tình yêu bao la.

      Khi viết thư này cho giáo đoàn Rôma, thánh Phaolô đã may mắn hiểu được phần nào về những sinh hoạt của cộng đoàn.

      Dường như lúc đó trong cộng đoàn đang có hai khuynh hướng đối nghịch: một bên là những người công giáo gốc Do Thái và bên kia là những người ngoại giáo gia nhập cộng đoàn.

      Những người đạo gốc thì thích tuân giữ những luật lệ hay truyền thống của xa xưa, những người ngoại giáo thì chối từ vì những truyền thống đã qúa hạn.

      Sự đối nghịch không ngừng ăn sâu bám rể trong lòng cộng đoàn.

      Nhìn vào đời sống thực tế của cộng đoàn, chúng ta hiểu được vấn đề như sau: những người công giáo gốc Do Thái thường hay đòi hỏi nhiều điều khắt khe dành cho những người ngoại giáo khi họ muốn vào đạo; ngược lại, những người ngoại giáo khi vào đạo, họ vẫn thường tự hào cho rằng mình suy nghĩ chính chắn hơn những người Do Thái truyền thống cổ hũ, vì thế mà những người ngoại giáo này không muốn bị ràng buộc bởi những yêu cầu qúa đáng.

       Để giúp mọi người tìm ra được một hướng đi tốt đẹp trong đời sống cộng đoàn, thánh Phaolô khuyên bảo như sau: “Xin Thiên Chúa là nguồn kiên nhẫn và an ủi làm cho anh em được đồng tâm nhất trí với nhau, như Đức Kitô Giêsu đòi hỏi. Nhờ đó, anh em sẽ có thể tâm đầu ý hợp mà tôn vinh Thiên Chúa.” (câu 5 và 6)

       Ước nguyện chân thành của thánh Phaolô là mọi thành phần trong cộng đoàn nên tùy sức mình mà góp phần vào việc xây dựng cộng đoàn. Sự kiên nhẫn và lòng khoan dung là những yếu tố quan trọng được sánh ví như những vật liệu cần thiết nhằm kiện toàn bền vững những sinh hoạt của cộng đoàn theo đúng Thánh Ý Chúa.

        Một đề nghị quyết tâm hơn, (câu 7 và 8) thánh Phaolô xin mọi người hướng lòng nhìn về gương dịu hiền của Chúa Giêsu để từ đó cảm nhận được niềm xác tín thật sau đậm như sau: trong tình yêu vô biên của Thiên Chúa, không có gì khác biệt giữa Do Thái hay ngoại giáo.

         Nếu Thiên Chúa trung thành với những người Do Thái, dân riêng của Ngài thì đối với dân ngoại, Ngài không ngừng bày tỏ lòng thương xót vô biên dành cho những ai thành tâm tìm về nguồn ơn Cứu Rỗi.

      LM. FC.

Xem thêm

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

  Làm sao biết được ý Chúa?  Đó là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ …