Trong Mùa Vọng, chúng ta chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, nhưng các bài đọc chủ yếu nói về Sự Đến Lần Thứ Hai của Chúa Kitô.
Một số học giả nói rằng có sự mơ hồ trong Kinh Thánh về Cuộc Tái Lâm. Họ cho rằng khi Thánh Phaolô nói: “Dựa vào lời của Chúa, chúng tôi nói với anh em điều này, là chúng ta, những người còn lại vào ngày Chúa quang lâm, chúng ta sẽ chẳng đi trước những người đã an giấc ngàn thu đâu.” (1 Tx 4:15) Ngài tin ngài sẽ không chết trước khi Chúa Kitô trở lại. Trong 2 Cr 5, ngài gợi ý rằng ngài sẽ không sống đến ngày Chúa quang lâm, nhưng sau khi chết, ngài sẽ ở với Chúa Kitô trong vinh quang. Trong cả hai trường hợp, ngài nói rằng “ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong ban đêm.”
Một số đoạn trong Kinh Thánh gợi ý rằng Vương Quốc của Thiên Chúa sẽ không đến sớm, nhưng trong tương lai xa hơn. Trong Lc 19, dụ ngôn nén bạc, Chúa Giêsu kể câu chuyện về một nhà quý tộc đi phương xa để “nhận vương quyền rồi trở về.” Thánh Luca cho biết rằng Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn này “vì Ngài đang ở gần Giêrusalem và người ta tưởng rằng Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện ngay,” và Ngài muốn sửa sai lầm này.
Nhưng ở những chỗ khác, chúng ta được biết rằng Vương Quốc của Thiên Chúa đã đến cùng với Đức Kitô. Chẳng hạn, khi những người Pharisêu hỏi khi nào nước Thiên Chúa sắp đến, Ngài trả lời: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: ‘Ở đây này!’ hay ‘Ở kia kìa!’, vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” (Lc 17:20-21)
Vậy làm thế nào để chúng ta dung hòa tất cả các lời tuyên bố khác nhau về thời cuối và sự xuất hiện của Vương Quốc? Sẽ sớm thôi, phải không? Có xa lắm không? Hay nó đã có mặt rồi?
Một lần giảng trong Mùa Vọng, Thánh Tôma Aquinô đã phân biệt 4 Cuộc Quang Lâm của Chúa Kitô: Sự đến của Ngài trong xác phàm qua việc Nhập Thể; qua đó sự xuất hiện của Ngài đi vào tâm hồn chúng ta; sự xuất hiện của Ngài sau cái chết của người công chính; và sự xuất hiện của Ngài vào ngày tận thế, trong cuộc phán xét cuối cùng. Cả bốn đều được kết nối trong kế hoạch cứu rỗi quan phòng duy nhất.
Chúng ta mong chờ Cuộc Quang Lâm của Đức Kitô, nhưng Cuộc Quang Lâm của Ngài giả định rằng đã có một Cuộc Quang Lâm. Trong khi chúng ta chờ đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai, Ngài không vắng mặt. Ngài đã sống lại và vẫn hiện diện. Ngài mặc khải sự hiện diện liên tục đó một cách trọn vẹn nhất trong Bí tích Thánh Thể, khi chúng ta gặp Chúa Kitô phục sinh một cách thân mật như các tông đồ tại phòng tiệc ly vậy.
Theo một nghĩa nào đó, Vương Quốc của Thiên Chúa luôn tồn tại vì tất cả thụ tạo được cai quản bởi sự quan phòng của Ngài. Nhưng Thánh Phaolô nói rằng sự tạo dựng đã hóa vô hiệu. Sự rối loạn do tội lỗi của con người gây ra trong sự tạo dựng cần phải được khắc phục, nhưng đó không phải là điều con người có thể tự làm được, bởi vì sự rối loạn nằm trong chính tâm hồn của họ. Hạnh phúc thay, Thiên Chúa không cho phép con người hủy bỏ những gì Ngài đã tạo nên.
Như vậy, Vương Quốc của Thiên Chúa đã được Chúa Kitô tái lập khi Ngôi Lời trở nên xác phàm, cư ngụ giữa chúng ta và hy sinh chính mình trên Thập Giá vì tình yêu. Bằng cái chết và sự phục Sinh, Chúa Kitô đã phá vỡ xiềng xích của tội lỗi và sự chết. Nhưng chúng ta, những tù nhân được Ngài trả tự do, phải tiếp tục sống trong sự tự do đó. Thiên Chúa sẽ không thực hiện sự cứu rỗi trong chúng ta nếu không có chúng ta. Chúng ta có nhiệm vụ hợp tác. Chúng ta phải làm phần việc của mình để tái lập quyền cai trị của Thiên Chúa và giải phóng thế giới khỏi sự nô lệ bằng cách trở thành con cái của Thiên Chúa mà chúng ta được tạo dựng để trở thành.
Sự chuyển đổi này sẽ không xảy ra mau chóng. Nó cũng chưa được hoàn thành khi Đức Kitô chết và sống lại. Thời đại của chúng ta bây giờ giống như thời kỳ lang thang trong hoang địa của dân Do Thái sau khi họ được Thiên Chúa thiết lập giao ước tại Núi Sinai. Họ biết họ sẽ vào được vùng đất mà Thiên Chúa đã hứa nhưng họ không biết khi nào. Vì thế, họ phải sống đức tin mỗi ngày, tin rằng bằng cách thực hiện phần việc tuân theo luật pháp, họ sẽ sẵn sàng cho ngày đó, trong một tương lai bất định, khi mà với tư cách là một dân tộc, họ sẽ đạt đến đích đã được hứa. Tương tự, Vương Quốc đã được thành lập theo một nghĩa nào đó, nhưng theo một nghĩa khác, lời hứa đó vẫn đang được thực hiện.
Khi nào chúng ta sẽ đạt đến tận cùng của thời gian? Chúng ta không biết. Điều chúng ta biết là chúng ta phải sống như thế nào, phải yêu mến Thiên Chúa và người lân cận, ngay cả trong cái chết, Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi chúng ta. Khi chúng ta chết, Chúa Kitô kết hợp chúng ta trọn vẹn vào Thân Thể vinh hiển của Ngài – một sự kết hợp đã bắt đầu trong cuộc sống. Trong khi đó, chúng ta phải “tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa.” (2 Cr 5:7) Và, như Chúa Kitô cảnh báo, chúng ta phải “thức canh, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến.” (Mt 24:42)
Vì vậy, cùng với Thánh Tôma, chúng ta có thể xác định 4 lần Chúa Kitô đến. Vâng, Ngài sẽ trở lại vào thời sau hết, nhưng Ngài cũng đến với các tín hữu vào giờ lâm tử. Bây giờ Ngài cũng đến với chúng ta, đặc biệt là trong Bí tích Thánh Thể. Chúng ta không nên tách rời những cuộc phiêu lưu có liên quan kế hoạch cứu rỗi quan phòng của Thiên Chúa. Đánh giá cao “các giác quan tâm linh” của Kinh Thánh có thể giúp chúng ta chuẩn bị tâm trí để có được tầm nhìn sâu xa này.
Ngay cả những điều mơ hồ trong Kinh Thánh cũng có mục đích. Bởi vì chúng ta không chắc chắn khi nào Chúa Kitô sẽ trở lại hoặc khi nào những ngày cuối cùng của chúng ta sẽ đến, chúng ta phải sống từng giây phút như thể Chúa Kitô có thể đến trong vòng vài phút tới. Tôi thường nói với các sinh viên của tôi: “Nên nhớ rằng Đức Kitô có thể trở lại trước khi buổi học kết thúc.” Vì vậy, chúng ta phải xét xem chúng ta muốn Ngài thấy chúng ta đang làm gì. Đối với Thiên Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày. (2 Pr 3:8) Vì không thể biết ngày giờ nào, do đó họ nên tiếp tục ôn tập cho kỳ thi cuối. Chúng ta cũng vậy!
RANDALL SMITH
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)