Chuyện lạ! Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ, là Thầy Chí Thánh, là Đấng Nhân Lành, là Đại Tôn Sư, là Tình Yêu, là Đấng Giàu Lòng Thương Xót, thế mà Ngài lại bực mình sao? Thật hay đùa? Nếu đùa vui thì thôi, nhưng nếu thật thì tại sao Ngài bực mình? Điều gì và ai làm Ngài bực mình?
Thánh sử Mác-cô thuật lại tình huống ngắn gọn nhưng lại hóa “dài dòng”, chuyện nhỏ mà chuyện to, đơn giản mà nhiêu khê, và là điều cần thiết cho suốt cuộc sống của phàm nhân đối với đức yêu thương và khiêm nhường.
Một lần nọ, người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu để Ngài đặt tay trên chúng. Thế nhưng các môn đệ nổi tam bành, trợn tròn mắt, la rầy và xua đuổi chúng. Thấy vậy, Chúa Giêsu bực mình, từ tốn nhưng nghiêm giọng nói với các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng” (Mc 10:14). Các môn đệ đành cúi mặt mà câm như hến, im như thóc thối!
Chúa Giêsu phải thẳng thắn trách cứ gắt gao với các môn đệ – cũng chính là mỗi chúng ta – và bênh trẻ em, điều đó cho thấy Chúa Giêsu rất yêu quý trẻ em và lên án những người muốn đàn áp tha nhân. Trẻ em rất đơn sơ, thật thà, có sao nói vậy, có giận ai thì cũng chỉ trong giây lát rồi quên ngay. Trẻ em không chỉ hồn nhiên, chúng còn như búp non trên cành, là tương lai của gia đình, của xã hội, của đất nước, và của Giáo hội. Ấy thế mà người lớn “chảnh”, nhất là những người có thế giá, có quyền lực, có địa vị, có hoàn cảnh sống hơn người khác một chút đã vội lên mặt, coi thường “người nhỏ” hơn mình, kém “thế” hơn mình, rồi khinh người ra mặt, đè bẹp người khác mà không chút vị nể. Vuốt mặt không hề nể mũi!
Trẻ em ở đây không chỉ mang nghĩa đen là con nít, là trẻ thơ, là thiếu niên, mà còn phải hiểu là những người yếu kém về một lĩnh vực nào đó. Trẻ em đôi khi có thể là “người lớn nhỏ tuổi”, người lớn đôi khi có thể chỉ là “trẻ em lớn tuổi”. Lớn xác không đồng nghĩa với trưởng thành. Trưởng thành cũng có nhiều phương diện: Trưởng thành thể lý, trưởng thành tâm sinh lý, trưởng thành nhân cách, trưởng thành giao tế, trưởng thành kiến thức, trưởng thành tâm linh,… Vì thế, đừng vội ảo tưởng, rồi… “chảnh”!
Chúa Giêsu nói chắc nịch: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Mc 10:15). Tất nhiên Ngài nói về nghĩa bóng, nhưng vẫn thích hợp về nghĩa đen. Cuối cùng, Thánh sử Mác-cô mô tả rõ chi tiết: “Rồi Người ÔM lấy các trẻ em và đặt tay CHÚC LÀNH cho chúng” (Mc 10:16).
Chúng ta thường để ý việc Chúa Giêsu nổi nóng lần này, mà chỉ nhớ lần Ngài nổi nóng trong Đền Thờ, khi người ta buôn bán trong Đền Thờ (Mt 21:12-13), và Ngài cũng đã nghiêm giọng quở trách : “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện thế mà các ngươi lại biến thành sào huyệt của bọn cướp!” (Mt 21:13; Mc 11:17; Lc 19:46). Lúc đó Ngài cũng có nhắc tới trẻ em: “Ta sẽ cho miệng con thơ trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen” (Mt 21:16).
Thuận ngôn ngịch nhĩ. Sự thật mất lòng. Không nói thì người ta tưởng mình đúng, mình ngon, nên càng được nước lấn lướt, làm tới; ai dám nói ra thì bị ghét bỏ, bị trù dập. Nhưng công lý không cho phép chúng ta im lặng! Thánh Phêrô đã so sánh: “Thà chịu khổ vì làm việc lành, nếu đó là ý của Thiên Chúa, còn hơn là vì làm điều ác” (1Pr 3:17).
Yêu thương và khiêm nhường có liên quan chặt chẽ và quyện vào nhau, không thể có cái này mà thiếu cái kia.
Các môn đệ xua đuổi trẻ em, có thể các ông sợ chúng “tranh giành” cái gì đó. Chính các ông cũng đã từng cãi nhau khi tranh giành địa vị (Mt 20:20-23; Mc 10:35-40), và “các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả” (Mc 9:34). Phàm nhân là thế, Chúa biết, nhưng Ngài muốn chúng ta phải “cố thoát” ra cãi “lẽ thường tình” đó, cố sống vì Chúa chứ không vì cái gì khác. Và rồi Chúa Giêsu đã nói rõ: “Quý vị tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được?” (Ga 5:44).
Lạy Chúa, xin mau ban Thánh Thần để biến đổi chúng con nên giống Đại Tôn Sư Giêsu. Amen.
TRẦM THIÊN THU