Khi Đức Giêsu bị đem ra trước toàn dân trong ngày khổ nạn, Philatô nói với đám đông “Đây là người” (Ga 19:5). Cũng chính Đức Giêsu ấy sau khi phục sinh, lại được một người ẩn danh reo lên “Chúa đó” (Ga 21:7). Hai lần giới thiệu đặt trong hai ngữ cảnh khác nhau tạo nên hai cao trào khác biệt. Đôi dòng suy tư sau đây kính mời quí độc giả cùng tôi khám phá thái độ và hiệu ứng của việc giới thiệu về Đức Giêsu.
Tin Mừng Gioan không ít lần đặt Chúa Giêsu trong vai trò được người khác giới thiệu. Điển hình Gioan Baotixita nói cùng hai môn đệ “Đây là Chiên Thiên Chúa”, hay Anrê giới thiệu cho Simon, hoặc Philipphê ngỏ lời với Nathanael… (x. Ga chương 1 và 2). Những lần giới thiệu ấy đặt trong tình huống tôn vinh Đấng Messia với lời ngỏ cụ thể, kết cấu rành mạch và giọng văn tinh tế. Riêng về hai lời giới thiệu vừa đề cập ở đầu bài suy niệm, gương mặt thể lý của Chúa Giêsu khó lòng được nhận ra. Philatô dẫn ra một tù nhân vừa bị tra tấn, mất hết dáng người. Sự tả tơi trong hình dạng đi kèm với lời tuyên bố “Đây là người” làm tôi thấy xót xa. Người gì mà lại bị hành hạ thế kia? Thế mà vẫn là người sao? Ngay lúc ấy, chỉ có thể dùng niềm tin để biện hộ cho quan niệm Con Thiên Chúa của Đức Giêsu. Tại biển hồ Tiberia, hình ảnh Đức Kitô bầm giập, nát tan trên thập giá in sâu vào tâm trí các tín hữu, do đó điều các ông thấy trước mắt bị che phủ bởi định kiến, bởi ý nghĩ, khiến các ông không nhận ra Người. Khi đọc hai chuỗi phân tích này, tôi thấy đây là một tiến trình duy nhất của cách biểu lộ gương mặt Đức Giêsu: một gương mặt bình thường, rồi bị bầm giập, sau đó lại là gương mặt lành lặn. Ấn tượng ban đầu dễ làm tôi định hình khuôn mẫu cho một con người. Nhiều lần, tôi liệt kê cá tính của bạn bè, người thân dựa vào cảm giác của tôi nơi lần đầu gặp gỡ: nào là nhiều chuyện, hà tiện, khó tính, nóng nảy… hay là ít nói, hào phóng, dễ chịu, linh động… Chính những cảm nghiệm ấy giới hạn góc nhìn của tôi về con người. Ngay khi những tật xấu được sửa chữa thành tốt, hoặc những đức tính tốt bị tha hoá thành tệ nạn, tôi vẫn giữ lập trường cũ, quan điểm thuở ban đầu cho rằng mình phán đoán đúng. Đây là lúc tôi được lay động thay đổi cách nhìn cố chấp của bản thân. Các môn đệ nhìn Đức Giêsu với sự quen thuộc của tâm và trí ngày thương khó nên không nhận ra một Đức Giêsu lành lặn, Đức Giêsu phục sinh. Nhìn trong giây phút hiện tại là bài học hay, mà tôi rút ra được trong văn cảnh này.
Đọc bản văn Hy Lạp cho hai câu Thánh Kinh “Này là người” (Ga 19:5) và “Chúa đó” (Ga 21:7), tôi thấy hai danh từ hoàn toàn khác biệt. Tiếng Hy Lạp dùng trong chương 19 là “an-thrô-pós” nghĩa là “con người”, còn chương 21 lại dùng “ky-ri-ós” nghĩa là “Chúa”. Hai cách gọi khác nhau một trời, một vực. Thoáng đọng suy tư sau đây hy vọng sẽ gặp được sự đồng cảm giữa tôi và quí độc giả về hai ngữ cảnh đặc sắc vừa kể ra.
Philatô biết về Đức Giêsu qua truyền thông cộng đồng. “Đây là người” là tất cả những gì quan có thể thốt ra dựa vào lời kể của đám đông cộng với kinh nghiệm lần đầu gặp gỡ chỉ trong vài phút khi tra vấn. “Đây là người” đặt trong ngữ cảnh dân chúng la hét đòi đóng đinh người có tên Giêsu. Philatô không biết nhiều về Đấng Kitô do đó lời ông giới thiệu Ngài với dân chúng khiến gương mặt thật của Đấng ấy bị lu mờ, nếu không nói là méo mó. Philatô trong lịch sử là một chính khách uy phong và có quyền lực. Lời của vị ấy rất có giá trị và vị thế trong con mắt người đời. Tuy nhiên, trong trường hợp này, lời của một người uy quyền như thế lại không mang đến sự bình an cho dân chúng nhưng lại gây bất ổn, bạo hành và giết chóc. Dừng ở đây nơi lời của Philatô, kính mời quí độc giả tiếp tục bài suy niệm với văn cảnh của hai chữ “Chúa đó” (Ga 21:7).
Thiên Chúa dùng một lời ngỏ, rất đơn giản, nơi thụ tạo vô danh để tôi kịp nhìn giây phút hiện tại “Chúa đó”. Người nói thì vô danh, cách nói lại ngắn gọn nhưng lại là câu nói truyền tải thông tin cách chân thật, đầy đủ. Trong những trường hợp khẩn cấp như hiệu lệnh hoặc lời kêu cứu, đòi hỏi nội dung chuyển tải nhanh, gọn và chính xác. Nhận ra phép lạ cá đầy lưới, một dấu chỉ hữu hình của một niềm tin vô hình: chỉ có Thiên Chúa, Đấng điều khiển muôn loài muôn vật mới thực hiện được việc phi thường mà những ngư dân bình thường không thể làm được dù là lưới cá. Điều ấy khiến một lời tuyên xưng như một hiệu lệnh phán ra: “Chúa đó.”
Những ngư phủ đang bối rối không giải thích được vì sao con nước này lại có lưới được nhiều cá đến thế. Điểu tưởng chừng nghịch lý lại là điều hợp lý, khiến các ông hốt hoảng, lúng túng. Khi đứng trước một phép lạ cả thể, người môn đệ nói với Phêrô trông như lời trấn an trong niềm kinh hãi “Chúa đó.”
Cách nói nơi Tin Mừng Gioan tại điểm này còn là một sự vỡ oà trong sung sướng. Khi mẹ vắng nhà, cả bố và con đều thấp thỏm chờ đợi, mong mỏi. Tiếng thét lên sung sướng của trẻ con luôn là nỗi niềm vui sướng cho cả gia đình “Mẹ kìa.” Bố vui vì vợ về, con vui vì luôn được mẹ cho quà, mẹ vui vì gia đình hạnh phúc. Tất cả niềm vui nơi mỗi cá nhân khởi đi từ lời reo “Mẹ kìa.” Mỗi lần suy ngắm câu Lời Chúa này, tôi gắn ký ức tuổi thơ tươi đẹp của mình vào bối cảnh bản văn. Tôi chạy lon ton ôm mẹ thế nào, thì thiết tưởng Thánh Phêrô cũng nhảy ùm xuống nước để đến với Chúa khi nghe “Chúa đó” thể ấy.
Cũng là việc giới thiệu Đức Giêsu, nhưng hai giai thoại mang đến hai sắc thái hoàn toàn đối lập. Quan quyền cao ngạo nhìn Chúa thẳng mặt với con mắt khinh thường dựa vào lời của đám đông. Kẻ hèn mọn, vô danh nhận ra Chúa dù ở khoảng cách xa xa và xác quyết niềm tin vào lời tuyên xưng bằng chính cảm nghiệm an bình bản thân.
Thay cho lời kết, xin quí vị cùng tôi thân thưa với Chúa nơi lời nguyện sau đây.
Lạy Chúa, con ước mong được Chúa dùng giới thiệu Chúa cho người khác. Xin cho con biết khiêm nhường, vô danh để Danh Chúa trở nên tiêu điểm cho việc loan truyền. Xin giúp con nhận ra Chúa nơi những biến cố cuộc đời con, nhờ đó lời giới thiệu về Chúa không dựa vào kiến thức của sách vở hay đám đông, nhưng là nhờ cảm nghiệm một Thiên Chúa tình yêu và giàu lòng thương xót. Con thấy thế cũng chưa đủ. Con ước mong thêm một điều nhỏ nữa, xin Chúa không ngừng thì thầm vào tai con “Chúa đó” để con không bao giờ lìa xa Chúa và những người nghe con nói về Chúa cùng con sống bên Chúa. Amen.
Evangelii Nuntiandi, S.P.