Home / Chia Sẻ / CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI – ALLELUIA

CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI – ALLELUIA

Một cuốn phim mang tựa đề “Thế Giới Trong Tăm Tối” diễn tả câu truyện về một nhà khảo cổ danh tiếng tổ chức một cuộc khai quật khoa học ở Giêrusalem.

Ngọn đồi Golgotha được cẩn thận đào bới, kể cả những phiến đá và các hang động của một nghĩa trang bên cạnh cũng được thăm dò khám xét kỹ lưỡng. Vì theo Tin Mừng Thánh Gioan, xác của Chúa Giêsu được chôn cất trong một phần mộ gần nơi Ngài bị án tử hình Thập giá. Sau bao công khó đào bới khám xét, một ngày kia nhà khảo cổ tuyên bố: “Tôi đã tìm được xác ông Giêsu.”Rồi ông tổ chức một cuộc họp báo rầm rộ, quy tụ hàng trăm ký giả, và nhiếp ảnh viên đến để trình bày kết quả mỹ mãn của bao ngày tháng đào bới khảo cứu vất vả. Ông đã trưng dẫn trước mặt mọi người một xác người đã khô đét, nhưng còn có thể nhận ra là tay chân của xác người này bị đâm thủng, cạnh sườn bị đâm thâu và cả những dấu chứng tỏ thân xác ấy bị nhuốm máu qua những vết in trên tấm khăn liệm xác.

Cuốn phim quay lại cảnh mọi người im lặng theo dõi bài thuyết trình của nhà khảo cố. Tình cờ có một phụ nữ phát biểu lớn tiếng: “Đây là sự thật hiển nhiên. Ông ta bị đóng đinh, đã chết và đã được táng xác” và nhà khảo cổ tiếp lời: “Vâng, đúng thế, bị đóng đinh, chết và được an táng. Nhưng làm gì có chuyện Phục Sinh, bởi vì xác ông ta vẫn còn nằm đây.”

4-2-2018 10-36-45 AMTiếp đến, cuốn phim diễn tả hậu quả của cuộc tìm được xác ông Giêsu:

–  Không ai còn mừng lễ Phục Sinh nữa.

–  Một linh mục tắt đèn Nhà Chầu, cất Mình Thánh Chúa và đóng cửa nhà thờ.

–   Chuông các thánh đường im tiếng.

–     Các nữ tu cởi khăn trùm đầu.

–     Thánh giá tại nhiều nơi bị hạ xuống.

–     Đèn bên những ngôi mộ bị dập tắt.

–     Thế giới chìm đắm trong màn đêm u tối dày đặc.

Cuốn phim kết thúc với cảnh chính nhà khảo cổ đang hấp hối. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông ta đã thú nhận: “Tôi đã đánh lừa thế giới. Chính tôi đã làm giả xác của ông Giêsu và bí mật đặt vào trong mộ mấy năm trước khi khởi sự cuộc đào bới tìm kiếm này.”

Sau lời tuyên bố đó là cảnh hàng ngàn người tuôn đến ngôi mộ thánh ở Giêrusalem như chúng ta chứng kiến hàng năm trong Tuần Thánh. Những ngọn nến được thắp lên và các tín hữu mang những ngọn nến được thắp sáng, ngọn nến của niềm hy vọng đi khắp nơi soi sáng con đường tăm tối. Chuông các nhà thờ ngân vang như báo tin Chúa Giêsu đã Phục Sinh: Tình yêu mạnh hơn tội lỗi. Sự sống mạnh hơn cái chết.

Anh chị em thân mến, câu truyện phim giả tưởng trên đây mang sứ điệp của lễ Phục Sinh mà những người Kitô hữu chúng ta tưởng niệm và mừng kính hôm nay. Đó là cuộc Phục Sinh của Chúa Giêsu không chỉ liên hệ đến cuộc đời của Ngài mà còn trực tiếp liên quan đến vận mạng của toàn thể nhân loại cũng như ảnh hưởng mật thiết đến cuộc sống, niềm tin và hy vọng của tôi cũng như của anh chị em. Vì, nếu Chúa Kitô không sống lại thì chúng ta vẫn còn mang tội lỗi trong mình và không ai giải cứu được chúng ta, không ai đem chúng ta đến gặp Thiên Chúa được. Nếu Chúa Kitô không sống lại, chúng ta sẽ là kẻ vô phúc nhất, ngu đần nhất, vì chúng ta đặt tin tưởng vào một chuyện hão huyền. Nếu Chúa Kitô không sống lại, thì thập giá chỉ là dấu hiệu của ô nhục, những đau khổ của con người không có lối thoát và cái chết của con người là ngõ cụt, là đường cùng.

Nhưng Chúa Kitô đã sống lại. Ngài đã cho chúng ta niềm hy vọng. Ngài đã đem theo những đau khổ của loài người qua bên kia bờ tuyệt vọng, làm cho những quằn quại của kẻ sắp bị cái chết tiêu diệt, nhưng là nỗi đau của người mẹ đang sinh con, nỗi đau làm phát sinh sự sống mới. Chúa Giêsu sống lại, Thập giá không còn là dấu hiệu của ô nhục, nhưng là dấu hiệu của vinh quang.

Mừng Chúa sống lại, người Kitô hữu cũng mừng sự sống lại của chính mình bằng cách đổi mới cách sống của mình, như Thánh Phaolô đã kêu gọi: “Nếu anh em sống lại với Đức Kitô, anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất.” Đây không phải là lời khuyên xa lánh các thực tại trần thế. Trái lại, đây là lời mời gọi mỗi người Kitô hữu hãy tìm và thể hiện những giá trị mới của cuộc sống mà Chúa Giêsu đã mạc khải qua các giáo huấn, qua cuộc sống cũng như cái chết của Ngài.

Một em bé nọ thường nghe mẹ em buột miệng thốt lên: “Chúa đã sống lại, ta hãy vui lên!” Mỗi khi gặp điều gì khó khăn trong cuộc sống, bà tự nhủ: “Chúa đã sống lại, hãy vui lên!” Bà thường tự nhủ trong lòng, nhưng khi bà thốt lên thành tiếng, con trai bà cũng nghe được. Em bé bắt chước mẹ, em thốt lên câu đó mỗi khi em gặp điều bất bình, khi bạn bè chơi xỏ, khi gặp điều không được như ý… Và thú thật, khi thốt lên câu: “Chúa đã sống lại, ta hãy vui lên!” thì em bình thản trở lại. Hành động của bà mẹ và em bé kia nói lên cố gắng sống niềm vui Phục Sinh một cách cụ thể, chuyển tải một chân lý nền tảng nhất của đạo Kitô vào trong cuộc sống hằng ngày, qua đó, biểu lộ niềm tin và hy vọng. Tình yêu mạnh hơn tội lỗi. Sự sống mạnh hơn cái chết.

Người Kitô hữu mừng Chúa sống lại cũng được mời gọi làm chứng cho niềm tin về sự sống mới này. Chúa Kitô đã chết và đã sống lại vì chúng ta, chính là để chúng ta không còn sống cho mình nữa, không còn khư khư giữ lấy mạng sống, giữ lấy sự an toàn ích kỷ cho mình, nhưng là sống cho Chúa và như Chúa, hoàn toàn vì Thiên Chúa và cho mọi người. Ước chi Thánh lễ Phục Sinh hôm nay cũng như Thánh lễ mỗi ngày Chúa Nhật giúp chúng ta thực thi cụ thể trong cuộc sống lời chúng ta tuyên xưng: “Chúng con loan truyền Chúa đã chịu chết. Chúng con tuyên xưng Chúa đã sống lại. Chúng con đợi chờ ngày Chúa quang lâm.”

Veritas (Trích trong “Niềm Vui Chia Sẻ”)

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …