Home / Giáo Dục Kito Giáo / Chữa cái bệnh khổ

Chữa cái bệnh khổ

Nhà Phật cho rằng đời là bể khổ, còn biểu tượng chính của Kitô giáo là thập giá. Trong Kinh Lạy Nữ vương, đời được coi là nơi khóc lóc như thể khổ là lẽ tất nhiên của sự đời. Phải chăng đau khổ là chuyện tất nhiên trên đời này?

downloadTrong tiếng Việt, từ “đau khổ” được cấu tạo bởi từ “đau” và từ “khổ”. “Đau” gắn liền với cảm giác thể xác mà tự thân nó không hẳn gắn liền với khổ, bởi khổ gắn liền với với ý thức thuộc trạng thái tinh thần. Chính vì loại vật không có đời sống ý thức nên chúng chỉ có đau mà không có khổ. Còn nơi con người vừa có đau mà vừa có khổ. Hơn nữa, cái khổ không chỉ phát xuất từ cái đau mà còn từ nhiều thứ khác nữa.

Ví dụ mất tiền, mất việc, thất tình, người ta không thấy đau mà chỉ có thể thấy khổ mà thôi. Thật ra mà nói, khổ không phải do tình trạng, cảnh ngộ, hay số phận. Có người nghèo nhưng vẫn không khổ tuy ta thường nghe nói nghèo khổ. Có người đau mà vẫn  không khổ tuy ta vẫn thường nghe cụm từ đau khổ. Có người đói mà vẫn không khổ tuy ta vẫn nghe cụm từ đói khổ. Có những người buồn nhưng vẫn không khổ tuy ta vẫn nghe nói buồn khổ. Có những người chịu bất công năm này qua năm nọ mà vẫn không thấy khổ, cho đến khi ai đó làm cho họ ý thức về tình trạng đó với thiện ý giúp cho họ giải thoát khỏi tình trạng bất công nhưng không nghĩ rằng chẳng những mình không chắc giúp họ giải thoát khỏi tình trạng đó mà đôi khi còn làm cho họ hóa khổ vì ý thức về tình trạng trên. Có một ngàn lẻ một tình trạng của con người có thể là cái cớ dẫn đến khổ, ngay cả những người giàu có, địa vị, có vợ đẹp con khôn vì lo âu, lo sợ bị cướp mất… Phải chăng do con người nhạy cảm với cái khổ thành ra lúc nào cũng nghĩ đến nó. Và vì thế mới nảy sinh các cụm từ nghèo khổ, đói khổ, đau khổ, buồn khổ…

Người ta thường nói “đau khổ”, như thể muốn nói nơi con người cái đau đi liền với cái khổ. Nhưng thật ra không hiển nhiên như vậy. Có những người bị những nổi đau thể xác rất lớn nhưng vẫn giữ được nụ cười. Nhưng cũng có những người chỉ đau có một tí là mặt mày sầu thảm. Nghèo, đói, đau và mọi tình trạng con người gặp phải chỉ biến thành nỗi khổ khi đi kèm với sự tội nghiệp bản thân mình, hoặc vì so sánh, hoặc vì lo âu, hoặc vì không chịu chấp nhận… Ví dụ khi đặt câu hỏi: Sao tôi lại bị như thế này? Sao tôi lại ra nông nỗi này? Khi không chịu chấp nhận tình trạng hiện tại của mình, thích nghi với nó mà lại bi kịch hóa nó, dằn vặt hay bực tức vì nó, thì tình trạng đó sẽ dẫn đến chuyển thành cái khổ. Cái đau chỉ là cảm giác, thường chỉ tập trung ở một phần của thân thể, đương nhiên cũng có những cái đau lan đến toàn thân, nhưng cái khổ lại là chuyện ý thức, nó không thể định vị được. Nhưng hình như nó ảnh hưởng đến cả con người.

Đau khổ phải chăng là một điều tự nhiên?

Người ta thường lầm tưởng khi nghĩ rằng cái khổ của mình là do một ai đó, hay một điều gì đó gây nên. Nếu như cái đau là điều tự nhiên theo quy luật : sinh, lão, bệnh, tử, cái khổ không phải là điều tất nhiên nhưng xuất phát từ ý thức, do chính con người, gia đình, xã hội, giáo dục tạo ra, hay lập trình hóa.

Khi nghĩ đau khổ là cái gì đó được gây ra bởi những yếu tố bên ngoài ta, hay bởi những kẻ khác, ta đã tự gieo mầm mống khổ đau cho mình. Vì ta luôn ở trong tư thế có nguy cơ bị đau khổ. Vì ta đâu có thể ngăn cản điều đó, chúng xảy ra hay không hoàn toàn độc lập với ý muốn của ta.

Ta thử nghĩ ra những điều mà thường được coi là nguyên nhân gây ra đau khổ và thử xem phải chăng đau khổ là điều hiển nhiên.

Thi hỏng ư?. Phải chăng mọi người thi hỏng đều đau khổ? Không phải như thế! Chỉ có những  người nghĩ thi là phải đậu hoặc nghĩ thi hỏng thì mất cơ hội, bị chúng ta cười chê thì việc thi hỏng mới có thể làm cho họ đau khổ.

Thất tình ư? Phải chăng mọi người thất tình đều đau khổ? Không hẳn như thế! Tại sao ta lại ngu ngơ tin tưởng tuyệt đối vào một con người? Tại sao ta yêu mà lại mong được đáp trả làm chi. Mong đợi một điều gì đó từ kẻ khác là một phiêu lưu, có nguy cơ làm cho ta thất vọng.

Không có tiền để lập gia đình ư? Không phải như thế! Tại sao ta lại nghĩ ta nhất thiết phải lập gia đình mới tìm được niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống này chứ? Ta không thấy biết bao gia đình đổ vỡ, chia rẽ, xung đột ư? Ta không  thấy biết bao nhiều người sống độc thân, biết bao linh mục tu sĩ, sư sãi có ai chết vì khổ chưa? Hay tại sao ta lại nghĩ cần phải có nhiều tiền đến thế để lập gia đình chứ? Có nhiều người lập gia đình gần như với hai bàn tay trắng thì sao?

Mất cả gia tài ư? Không phải như thế! Tại sao ta lại nghĩ gia tài của ta không bao giờ có thể mất chứ? Tại sao ta không nghĩ của cải là phù vân, nay còn mai mất? Tại sao ta không nghĩ gia tài là chính đôi tay và khối óc của ta chứ?

Mất đi một người thân yêu ư? Cũng không hẳn như thế! Phải chăng mọi người mất đi người thân đều đau khổ? Tại sao ta lại nghĩ người thân yêu có thể sống mãi với ta trên đời này chứ? Và tại sao ta lại nghĩ chết là không còn hiện diện nữa? Tại sao ta không đối xử với người thân của ta thật tốt để khi người ấy mất ta không ân hận đau khổ vì đã xử tệ…

Già yếu, bị bệnh nan y ư? Cũng không phải thế! Tại sao ta lại không nghĩ đó là quy luật tự nhiên của sự sống? Tại sao ta không tìm thấy ý nghĩa và vui sống với những người thân yêu trong những ngày còn lại? Tại sao ta không nghĩ đến điều tốt đẹp hơn chờ ta bên kia thế giới?

Cô đơn không có người chăm sóc ư? Cũng không phải thế! Tại sao ta không nghĩ cô đơn là thân phận của con người? Tại sao ta lại nghĩ đó là số phận của ta? 

Mặc cảm tội lỗi ư? Cũng không phải thế! Tại sao ta không nhìn nhận và can đảm xưng thú tội lỗi nếu ta thật sự có lỗi chứ? Còn nếu ta không có lỗi thì tại sao lại mặc cảm? Tại sao ta không nghĩ có nhiều người phạm vô số tội mà vẫn sống phây phây chẳng chút áy náy lương tâm?

Bị hiểu lầm ư? Cũng không bẳn thế! Tại sao ta không nghĩ đó là chuyện bình thường, vì người ta còn không hiểu nổi chính bản thân người ta thì làm sao họ hiểu ta được? Tại sao ta lại cần người khác phải hiểu đúng về ta cũng còn mù mờ về chính ta?

Như thế, đau khổ không phải là chuyện tất yếu trên đời này, gắn liền với con người. Mọi đau khổ đều xuất phát từ ý thức của ta được lập trình, tạo nên dần dà bởi gia đình, môi trường xã hội và giáo dục. Sướng khổ đều do ý thức của mình chứ không được quyết định do bất kỳ tình trạng nào. Có thể nói rằng sướng hay khổ là tùy ở ta.

Nhưng vấn đề là giải quyết thế nào khi ta đau khổ?

Khi đói, ta có thể tìm, hay xin ai đó cái gì để ăn. Khi đau, ta có thể tìm hay xin thuốc uống. Khi nghèo, ta có thể tìm hay xin việc làm, thậm chí có thể mua vé số biết đâu may mắn giàu lên. Còn khi khổ thì không thể tìm kiếm điều gì ngoài mình, hay xin ai cho mình cái sướng, và cũng không thể mong vào sự may mắn được. Vì với những điều này chỉ có thể làm cho ta quên đi phần nào, nỗi khổ rồi sau đó nó lại tiếp tục hành hạ ta. Tiếc rằng không có liều thuốc nào chữa cái bệnh khổ của ta cả mà chỉ có ta mới có thể chữa cho mình mà thôi. Một người nào đó có thể giúp ta thoát khổ trong một thời điểm với một thời gian nào đó, nhưng cũng có khi cũng chính người ấy sau đó lại làm cho ta càng thêm đau khổ sau này.

Để chữa nổi đau, người ta có thể đấm bóp, bấm huyệt, châm cứu, uống thuốc giảm đau, nhưng để chữa cái khổ, không thể áp dụng các thứ ấy. Đương nhiên người ta có thể dùng thuốc ngủ, uống rượu, á phiện để giúp quên đi nỗi khổ trong một thời gian nào đó, nhưng sau đó khi tỉnh lại, nỗi khổ có khi trở nên mãnh liệt hơn. Để chữa trị đau khổ, phải dùng chủ yếu các phương thuốc tinh thần hay tâm linh như tâm lý trị liệu, phân tâm học, thiền định, kinh nguyện…

Là cha mẹ, ai cũng thương con cái mình nhưng nhiều khi không nghĩ, không ngờ rằng chính mình có khi là người đầu tiên gây mầm mống đau khổ, làm cho chúng ý thức về sự đau khổ. Có thể nói cha mẹ là những người thương con nhất nhưng đôi khi lại là những người gây đau khổ cho con cái mình nhiều nhất qua cách thể hiện ứng xử, hay giáo dục của mình. Ví dụ khi thấy con cái mình bị té đau, ít có người mẹ nào lại không xót xa thốt lên: “Tội nghiệp cục cưng của tui” không?

Càng nhạy cảm bao nhiêu, người mẹ càng diễn tả điều đó một cách thống thiết với gương mặt nhăn nhó. Chính khi đó người mẹ đã dần hình thành nên ý thức đau khổ nơi con của mình. Thật vậy, chính người mẹ, khi thể hiện sự tội nghiệp con mình làm cho đứa trẻ tội nghiệp chính bản thân nó. Để rồi từ đó, nó bắt đầu ý thức về đau khổ. Hay mẹ cha khi thương con hay nuông chiều chúng, chúng muốn gì thì thỏa mãn ngay không hề nghĩ rằng mình đang tạo mầm mống đau khổ cho con mình vì chẳng những điều đó không tốt cho con mình, ví dụ con nít thường thích uống nước ngọt, bánh kẹo thường là những điều có hại cho sức khỏe, nhưng điều quan trọng hơn là làm cho chúng nghĩ rằng chúng sẽ luôn được mọi người chiều chuộng khi ra đời, nhưng sự thật thường không phải như thế, và chúng sẽ hụt hẫng sau này. Hoặc cha mẹ vì quá thương con, tỏ ra thái độ che chở bao bọc thái quá hoặc tìm mọi cách bù đắp cho con mình khi chúng còn nhỏ thậm chí khi chúng đã lớn mà lại không dạy, không tập cho chúng đương đầu, đối phó hay thích nghi với đau khổ, hoặc giúp chúng nhận ra những nguyên nhân sâu xa của đau khổ, để rồi sau này khi không còn cha mẹ bên mình, chúng trở nên mong manh, là mồi ngon cho đủ thứ đau khổ trên đời vì chúng đã quen với tâm lý dựa dẩm, ỷ lại, lệ thuộc vào cha mẹ mình.

Triết lý Phật giáo xuất phát từ trải nghiệm đau khổ qua sinh lão bệnh tử và cho rằng cái dục là cội rễ của đau khổ và tìm cách diệt dục bằng việc giác ngộ qua thiền định để từ đó giải thoát mình khỏi mọi thứ dục, mọi ước muốn hầu đạt đến niết bàn, tình trạng vô vi, vô ý thức, trống rổng. Nhưng như ta đã nói ở trên, sinh, lão, bệnh, tử không hẳn dẫn đến đau khổ. Nói chung, đau khổ không phát xuất từ bất cứ điều gì ngoài ta, mà phát sinh trong đầu, trong ý thức, trong cái nhìn của ta.

Đức Giêsu không bao giờ nói đến sự đau khổ, hay đưa ra biện pháp giải quyết đau khổ. Và bản thân Người cũng không bao giờ than khổ. Người chỉ kêu gọi cho người đói ăn, kẻ khát uống, người rách rưới được ăn mặc, thăm viếng người bệnh và kẻ tù đày, cảm thông với kẻ tội lỗi, nâng đỡ chia sẻ kẻ vất vả. Ngài dạy cho người biết có Chúa là Cha quan phòng đến cuộc đời, kêu gọi mọi người tin tưởng và cậy trông vào Thiên Chúa là Cha quyền năng và yêu thương, dạy cho mọi người mình là anh em có cùng một Cha và dạy bảo mọi người yêu thương nhau như anh em và như người đã yêu và bản thân ngài đã cho người đói ăn, chữa người bệnh tật đau yếu, tha thứ, cứu vớt kẻ tội lỗi và phục sinh kẻ chết. Phải chăng những lời Người giáo huấn, dạy dỗ, cũng như những việc Người làm là đề phòng, chữa trị hay giúp cho người ta đương đầu và vượt qua cái bệnh khổ. Hay nói đúng hơn, đối với Người, không có cái gọi là đau khổ theo nghĩa chặt, khi Người chịu treo trên thập giá và phục sinh vì đau khổ đã được biến hình, không còn phải là tiếng nói cuối cùng, là thân phận của con người, không phải là kết thúc mà chỉ là cửa để vượt qua, là ngõ dẫn đến hạnh phúc viên mãn. Chính vì thế, đối với Kitô giáo, ta có thể nói không có khái niệm đau khổ, tuy trong thần học tu đức người ta vẫn nói đến sự đau khổ của Chúa, ít ra cuộc khổ nạn (passion) của Chúa Giêsu, thường coi đó như một cách an ủi, hay kích thích lòng yêu mến Chúa, mà chỉ có cái tình trạng nghèo hèn, đói khát, u sầu, bị thiệt thòi mất mát, bị bắt bớ, bị bách hại… Chắc chắn, không có cái khổ vì tất cả mọi tình trạng đó không đưa đến cái khổ mà là cái phúc, được tóm gọn trong cái phúc vì đã tin những lời Chúa nói sẽ thành sự, hay cái phúc vì đã tin vào Chúa, Đấng đã chết, đã vượt thắng thập giá, tiêu biểu cho sự đau khổ (?) và phục sinh.

Như thế, với tư cách là Kitô hữu, là người tin vào Chúa đúng nghĩa, bản thân ta không thể nói: “Tôi khổ quá!” mà chỉ có thể nói: “Tôi đang đương đầu chiến đấu với thử thách”, và với tư cách là nhà giáo dục Kitô giáo, cha mẹ, thầy cô, hay bề trên, ta không nên bao giờ dùng từ “đau khổ”, hay làm cho đối tượng mình giáo dục ý thức rằng họ đang đau khổ. Đó chính là chữa cái bệnh khổ ngay từ gốc rễ.

Để kết luận, là Kitô hữu, chúng ta cần phải luôn nhớ rằng với Đức Giêsu Kitô phục sinh, chỉ có cái nghèo, cái đói, cái đau, sự thiệt thòi mất mát, tình trạng bị đàn áp, bị bắt bớ, tù đày, bị bách hại, bị bỏ rơi.., nhưng không bao giờ có cái gọi là đau khổ cả!

“Xin Chúa hãy tăng thêm đức tin, đức cậy, đức mến trong lòng chúng con để chúng con có thể làm chứng cho Người, khi tuyên bố và chứng tỏ cho thế giới, cho mọi người xung quanh chúng con thấy qua chứng tá liên đới, công bình, bác ái của chúng con rằng đau khổ không hiện hữu trong thế giới này với cái chết và sự phục sinh của Người. Amen!”.

Gioakim Trương Đình Giai

Xem thêm

Lc 2, 1-14

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Cửa Thánh mở – Niềm vui Chúa ra đời SUY NIỆM ĐÊM GIÁNG SINH (Lc …