Có nhiều truyện ngụ ngôn nói về thói lam lam để răn đời, chẳng hạn truyện “Ăn Khế Trả Vàng” – người anh vì tình tham lam mà coi thường cả tình nghĩa huynh đệ và rồi bị thiệt thân. Người ta có câu: “Tham thì thâm”. Nói cho dễ hiểu là “tham thì thiệt thân”. Thực tế thế đấy!
Tham lam là tham vọng. Đó là một thói xấu, vì tham lam mà người ta bất chấp tất cả, dù là tình thân hoặc luân thường đạo lý. Vì tham lam mà sinh ra nhiều tệ nạn khác như tham nhũng, hối lộ, bóc lột,… Thánh Phaolô xác định: “THAM LAM cũng là thờ ngẫu tượng” (Cl 3:5).
Nhân dịp mừng Xuân Mậu Tuất, ăn Tết Con Chó, chúng ta cùng suy tư về “con chó tham lam” trong ngụ ngôn “Con Chó và Miếng Thịt”. Chuyện kể rằng…
Có một con chó tham ăn, một hôm nó đớp được miếng thịt của làng bày ra đình để khao làng. Con chó ba chân bốn cẳng tha miếng thịt và chạy ra bờ sông. Sợ người làng đuổi theo nên nó chạy về phía cầu để qua sông tẩu thoát. Khi đến giữa cầu, nó nhìn xuống dòng sông và thấy có một con chó khác đang ngoạm miếng thịt to hơn. Nó nghĩ: “Ta phải cướp miếng thịt của con chó kia mới được”.
Nghĩ sao làm vậy, nó bèn nhả miếng thịt đang ngoạm ra rồi nhảy xuống sông để tranh miếng thịt với con chó kia. Vừa nhảy xuống sông thì bóng nước tan ra, nó vùng vẫy một hồi mà chẳng được gì, lúc bấy giờ mọi người đổ xô ra cầm đòn tìm nó để đánh. Nó cuống cuồng trong dòng nước cuốn mạnh, rồi nó bị chìm nghỉm dưới dòng sông!
Tục ngữ có câu: “Thả mồi bắt bóng”. Cái bóng là cái không thật, cái gì không thật thì bao giờ cũng đẹp đẽ, lung linh, thế nên con người dễ ảo tưởng và lầm tưởng, để cho lòng tham trỗi dậy khiến họ tìm cố gắng nắm bắt lấy nó mà quên đi thực tế. Người ta bị mù quáng nên không nhận biết giá trị thật mà mình có, rồi cứ lo tìm kiếm những thứ viễn vông, mặc dù đó chỉ là cái bóng, là ảo ảnh, cuối cùng phải nhận hậu quả bi thảm, và cái thật mình đang có lại tuột khỏi tầm tay. Thế là xôi hỏng bỏng không, mất cả chì lẫn chài!
Chúa Giêsu luôn thực tế, không ưa giả hình hoặc ảo tưởng, thế nhưng người ta lại cho rằng Ngài nói những lời “chói tai”, rồi họ dè bỉu và bỏ ngoài tai. Khi “cái bóng” tan thì mắt mới sáng ra, nhưng muộn mất rồi!
Một lần nọ, khi nói về điều kiện để theo Ngài, Chúa Giêsu đã thẳng thắn đặt vấn đề: “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống thì nào có lợi gì?” (Mt 16:26; Mc 8:36; Lc 9:25). Chúa Giêsu không đề cập chữ tham lam, nhưng trong đó lại đầy thói tham lam. Cách nói của Ngài rất độc đáo, chữ “nếu” của Ngài thật tuyệt vời!
Túi tham không có đáy, được voi lại đòi tiên. Erich Fromm (1900-1980 – nhà tâm lý học xã hội, nhà phân tâm học, triết gia và người ủng hộ chủ nghĩa xã hội dân chủ người Đức) nói: “Tham vọng là cái hố không đáy làm kiệt sức con người trong nỗ lực bất tận tìm cách thỏa mãn nhu cầu mà không bao giờ chạm tới được sự thỏa mãn”. Thật vậy, biến đá hóa vàng cũng chẳng thỏa mãn lòng tham của con người. Lòng tham khiến người ta mù lòa, không còn phân biệt được điều phải lẽ và điều sai trái.
Sách Châm Ngôn là kho tàng các câu nói vô giá, trong đó cũng đề cập thói tham lam của con người: “Đức công chính của người ngay thẳng sẽ cứu họ, còn kẻ lừa đảo lại mắc bẫy vì THAM LAM” (Cn 11:6).
Lòng tham liên quan con mắt, đừng tưởng là “nhìn cho vui”, và rồi có thể “chết vì vui” đấy! Con mắt là cửa sổ tâm hồn, cái gì cũng có thể vào – cả cái tốt và cái xấu. Chỉ vì nhìn thấy “ngon lành” nên người ta mới ham muốn, và lòng ham muốn thúc đẩy người ta hành động. Đó là cái bẫy ngọt ngào được ma quỷ giăng ra mọi nơi để “bắt” bất cứ ai ham hố. Lúc này cần có lý trí đúng đắn và lương tâm thẳng thắn, nếu không cương quyết từ chối sẽ sập bẫy của ma quỷ. Kinh Thánh cho biết: “Kẻ có mắt THAM LAM thì không bằng lòng với phận mình, và keo kiệt làm cho tâm hồn ra cằn cỗi” (Hc 14:9).
Người ta thường nói: “Phi thương bất phú”. Muốn làm giàu thì kinh doanh. Thật đúng như vậy, bởi vì buôn bán là cách kiếm lời, càng lời nhiều thì người ta càng ham, càng ham thì càng tham, càng tham càng nghĩ ra đủ cách để có “lời nhiều mà vốn ít”. Kinh Thánh cũng đã cảnh báo: “Làm thương mại KHÓ tránh khỏi THAM LAM, đi buôn bán KHÔNG thoát được tội lỗi” (Hc 26:29).
Thực tế trong cuộc sống đời thường cho chúng ta thấy rõ về “lòng tham không đáy” của con người. Hàng thật thì giá cao, khó bán; hàng nhái thì giá thấp, dễ bán. Có cung thì có cầu, và ngược lại. Kể cũng lạ, người ta quá ảo tưởng khi muốn có sản phẩm “rẻ mà ngon”. Làm gì có chuyện đó, cái gì cũng có “cái giá” của nó chứ! Chẳng hạn chuyện quảng cáo, làm gì có của đâu mà giảm giá 40%, 50% hoặc 70% chứ? Quảng cáo là một dạng lừa bịp hợp pháp. Thế mà người ta cứ đổ xô đi mua, rốt cuộc rước họa vào thân. Mắt sáng thì muộn rồi!
Ông Bà Nguyên Tổ đã nghe lời “quảng cáo” rằng táo không chỉ ngọt và ngon mà còn tăng trí thông minh, thế là cả hai cùng tiêu diêu nơi miền cực lạc vì “chiêu lừa” của ma quỷ. Mật ngọt mới đủ sức làm chết ruồi. Thánh Phaolô căn dặn: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi MỌI THỨ THAM LAM, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12:15).
Đồ giả đã là thứ đáng sợ, người giả còn đáng sợ hơn. Thế nên Thánh Phaolô khuyên: “Đừng đi lại với kẻ nào mang danh là người anh em mà cứ dâm đãng, THAM LAM, thờ ngẫu tượng, quen chửi bới, say sưa rượu chè hoặc trộm cắp; anh em cũng phải tránh đừng ăn uống với con người như thế” (1 Cr 5:11). Đó là chiêu lừa cao cấp và tinh vi hơn, vì thế mà càng phải cảnh giác hơn!
Thói tham lam không đơn giản như người ta tưởng, bởi vì nó liên quan thói kiêu ngạo và tội phạm thượng: “Kẻ ác khoe khoang tham vọng của mình, bóc lột người ta, xúc phạm khinh thường Chúa” (Tv 10:3). Ôi chao, thật là đáng sợ!
Trong Mười Điều Răn có hai giới răn liên quan lòng tham: Thứ bảy – Chớ LẤY của người, và thứ mười – Chớ THAM của người. Thập Giới có ghi chi tiết trong Xh 20:3-17 và Đnl 5:7-21. Hành động trộm và cướp có nhiều dạng và nhiều mức độ, nhưng tất cả đều do tham lam, đặc biệt là thói tham lam – cũng như các tội khác – có ảnh hưởng tới phần rỗi của chúng ta. Thánh Phaolô nói: “Nào anh em chẳng biết rằng những kẻ bất chính sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp sao? Anh em đừng lầm. Những kẻ dâm đãng, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, truỵ lạc, kê gian, những kẻ trộm cướp, THAM LAM, say sưa rượu chè, quen chửi bới, sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp” (1 Cr 6:9-10).
Phân tích cho vui ngày Xuân: Nếu tách chữ THAM, chúng ta có T + HAM. Mẫu tự T phát âm là Tê, hiểu là Tê Mê hoặc Tê Tái, thế mà người ta vẫn HAM. Giống như rượu và thuốc hút, nhất là ma túy, biết là độc hại mà vẫn khoái. Chính cảm giác “tê tê” làm người ta “ham”, tức là THAM. Và thế là “chết chắc” thôi!
Lạy Thiên Chúa, xin đừng để lòng con nghiêng về sự dữ (Tv 141:4a).
TRẦM THIÊN THU
Bên thềm Xuân Mậu Tuất – 2018