Home / Chia Sẻ / Chữ NGHĨA

Chữ NGHĨA

Chữ NGHĨAMầu nhiệm Mân Côi thứ năm Mùa Vui suy niệm sự kiện “Đức Mẹ tìm được Chúa Giêsu trong Đền Thánh.” Chúng ta cầu xin được ơn GIỮ NGHĨA cùng Chúa luôn. “Nghĩa” là bổn phận, trách nhiệm, phận sự và lòng tôn kính của con người dành cho Thiên Chúa – và cũng dành cho đồng bào, đồng loại. Luôn cần “Nghĩa” trong cuộc sống – cả tâm linh và đời thường.

Ý NGHĨA

“Nghĩa” là sự công bằng, là lẽ phải, là sự thật, giúp người ta nhận thức đúng đắn về chân lý. Chữ “Nghĩa” xuất hiện rất nhiều trong cuộc sống đời thường, mục đích là răn dạy người ta sống phải đạo, ngay thẳng, chính nghĩa. Niềm tin vào chính nghĩa không bao giờ mất đi mà luôn chiến thắng, vì chỉ có SỰ THẬT mới có thể giải thoát con người. (Ga 8:32) Chúa Giêsu là SỰ THẬT, (Ga 14:6) được Ngài giải thoát mới là TỰ DO đích thực. (Ga 8:36)

“Nghĩa” là lẽ phải, việc phải làm, hành động vì người khác, vì công ích. Người có nghĩa là người hành động vì nghĩa, dám làm việc nghĩa. Người hành động vì chính nghĩa được gọi là Nghĩa Quân, người có lòng Nghĩa Hiệp là người cao cả, đáng quý trọng, vì thế chỉ có những người ngay thẳng thật thà mới Kết Nghĩa với nhau, coi nhau là huynh đệ.

“Nghĩa” gắn liền với nhiều chữ khác để tạo danh từ kép: nghĩa cử, nghĩa phụ, nghĩa mẫu, nghĩa tử, nghĩa tỷ, nghĩa muội, nghĩa huynh, nghĩa đệ, nghĩa khí, nghĩa sĩ, nghĩa hiệp, nghĩa lý, nghĩa dũng, nghĩa vụ, chính nghĩa, ân nghĩa, tình nghĩa, trung nghĩa, tín nghĩa, bất nghĩa, danh nghĩa, chủ nghĩa,…

XÃ HỘI

Tam Quốc Chí là một sử liệu chính thức và có căn cứ về thời Tam Quốc của Trung Hoa từ năm 189 đến 280, do Trần Thọ biên soạn vào thế kỷ thứ III. Tác phẩm này hình thành từ các mẩu chuyện nhỏ về các nước Ngụy, Thục và Ngô, đồng thời là nền tảng cho cuốn tiểu thuyết lịch sử rất phổ biến là Tam Quốc Diễn Nghĩa được viết vào thế kỷ XIV. Tam Quốc Chí là một phần trong bộ Tiền Tứ Sử của tổng tập Nhị Thập Tứ Sử, cùng với Sử Ký, Hán Thư và Hậu Hán Thư.

Lịch sử Tam Quốc đề cập sâu sắc chữ “Nghĩa.” Trước tiên là chuyện kết nghĩa vườn đào của ba anh em Huyền Đức, Quan Vũ, và Dực Đức. Sau đó, các nhân vật liên tục xuất hiện, phân chia, tranh hùng, để rồi mở ra trang sử của triều đại mới. Tam Quốc Diễn Nghĩa có nội hàm cao siêu về tiêu chuẩn đạo đức, luân lý truyền thống. Nó vượt ngoài phạm trù như lời Mạnh Tử nói: “Từ trên xuống dưới đều là tranh đoạt lợi.” Điều đó cảnh giới, không vụ lợi, và được gọi là “Nghĩa.”

Câu chuyện nổi tiếng về Quan Vũ “đơn đao phó hội” – một mình Quan Vũ vác bảo đao đi dự tiệc nước Ngô, mặc dù biết quân Ngô có âm mưu hại mình. Dự tiệc xong, Quan Vũ một tay nắm chặt Lỗ Túc (thừa tướng nước Ngô) ra thuyền về thành an toàn. Quân Ngô phục binh sẵn bên sông cũng đành thúc thủ. Nghĩa khí đó khiến Lỗ Túc nể phục.

Triều vua Tống Triệu Bính, Văn Thiên Tường bị quân Nguyên bắt ở núi Ngũ Pha – Hải Phong, Quảng Đông. Nguyên soái Trương Hoằng Phạm ép ông viết thư chiêu hàng, ông làm bài thơ “Quá Linh Đinh Dương” (Qua Biển Linh Đinh) thể hiện khí tiết bất khuất, nổi bật ở hai câu cuối: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.” – Đời người xưa nay ai cũng chết, Để lại lòng son rạng sử xanh. Đó là người vì chính nghĩa, được người đời ca tụng mãi.

Không giữ được thành Vĩnh Long, Phan Thanh Giản vào một chòi tranh tuyệt thực suốt 17 ngày, rồi uống á phiện với dấm thanh để tự vẫn. Cụ Hoàng Kế Viêm là phò mã nhà Nguyễn, bác dượng vua Tự Đức, nhưng cụ vẫn chống lệnh triều đình, đưa quân chống Pháp, giúp các cuộc khởi nghĩa, khiến người Pháp phải kính nể.

Võ Tánh và Ngô Tùng Châu không giữ nổi thành Bình Định, vì thế một người tự thiêu và một người uống thuốc độc tự sát để khỏi liên lụy quân sĩ. Vợ chồng Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu kiên tâm chống giữ nhà Tây Sơn. Khi họ bị bắt, được vua Gia Long gia ân nhưng Trần Quang Diệu khước từ và khí phách nói: “Nhận chức quan của triều đại mới thì không phải là trượng phu.” Và ông đã bị giết chết.

Tướng Lê Lai tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Ông hy sinh cứu chúa, được coi là anh hùng, một tấm gương trung nghĩa, ông cải trang thành Lê Lợi và bị quân Minh giết chết. Ông dẫn 2 con voi và 500 quân tới khiêu chiến doanh trại giặc, dũng cảm đánh cho đến khi bị bắt, bị xử cực hình mà không hé răng nửa lời. Ông làm vậy để Lê Lợi tẩu thoát. Khi Lê Lợi đánh bại quân Minh, lập triều đại quân chủ thịnh thế nhất trong sử Việt.

Thời nào cũng có những người dám vì Đại Nghĩa mà quên mình – như tráng sĩ Kinh Kha hoặc các chí sĩ ái quốc ngày xưa. Nhưng cũng có những kẻ đốn hèn, giá áo túi cơm, chỉ tìm tư lợi để vinh thân phì da, sống nhục và vẫn vênh vang tự đắc.

Thi phẩm SỐNG của chí sĩ Phan Bội Châu thật thấm thía:

Sống tủi làm chi, đứng chật trời!

Sống nhìn thế giới hổ chăng ai?

Sống làm nô lệ cho người khiến,

Sống chịu ngu si để chúng cười.

Sống tưởng công danh, không tưởng nước,

Sống lo phú quý, chẳng lo đời.

Sống mà như thế, đừng nên sống,

Sống tủi làm chi, đứng chật trời!

Tục ngữ Lào nói thật chí lý: “Trâu mọng thích chọi, người ác thích nhiều lời.” Tiểu nhân chú ý tư lợi. Quân tử chú ý công ích. Sách Gia Ngữ nói: “Quân tử nói bằng việc làm, tiểu nhân nói bằng miệng lưỡi.” Sách Luận Ngữ nói: “Quân tử nói năng chậm rãi nhưng làm việc mau mắn.” Khổng Tử nói: “Đạo quân tử có 4 điều đúng: mạnh dạn khi làm điều nghĩa, nhũn nhặn khi nghe lời can gián, lo nghĩ khi nhận bổng lộc, cẩn thận với việc sửa mình.”

Ai là Quân Tử? Đó là người chăm học để hiểu thấu đạo lý, rộng văn chương, mau mắn, cẩn thận, tìm cách sửa mình (tu thân), buồn vì mình thiếu tài năng, không buồn vì người không biết đến mình, trau giồi đức hạnh, hiểu rõ điều nghĩa – còn tiểu nhân hiểu điều lợi, lo việc đạo mà không sợ nghèo, dù nghèo mà không hèn, luôn thẳng thắn, thư thái mà không kiêu căng, tự xét mình, tự lập, không xu nịnh, không a dua.

Mạnh Tử khuyên: “Chớ làm những chuyện không đáng làm, chớ muốn những điều không nên muốn, đó là NHÂN CÁCH.” Người có nhân cách là người sống “có nghĩa” – biết đáp lại lòng yêu thương của người khác. Trước tiên là sống “có nghĩa” với người sinh thành, nuôi dưỡng và dạy dỗ mình, rồi đến những người giúp đỡ mình. Thành nhân quan trọng hơn thành công, thành đạt.

TÔN GIÁO

Thiên Chúa truyền lệnh: “Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời.” (Xh 20:4-6) Thiên Chúa giàu thương xót, đầy nhân nghĩa nhưng đôi khi chúng ta lại bất nghĩa với Ngài – và với tha nhân.

Chữ “Nghĩa” quan trọng trong đời thường và càng quan trọng hơn trong đời sống tâm linh. Giữ “Nghĩa” có nhiều lợi ích lắm. Kinh Thánh nói: “Người toan làm điều thiện sẽ gặp được nhân nghĩa tín thành.” (Cn 14:22) Và còn hơn thế nữa, vì “nhờ nhân nghĩa tín thành mà tội được xóa bỏ, nhờ kính sợ Đức Chúa mà tránh được sự dữ,” (Cn 16:6) và  “người theo đuổi công chính và nhân nghĩa, sẽ được sống lâu và vinh dự.” (Cn 21:21) Ân phúc nối tiếp nhau. Thật tuyệt vời!

Nhân chi sơ tính bổn thiện. Thiên Chúa tạo dựng con người tốt lành, nhưng con người suy đồi vì kiêu ngạo, tự chuốc rắc rối. Kinh Thánh nói về những người còn bản chất tốt: “Con người ao ước lòng nhân nghĩa, thà là kẻ nghèo khó còn hơn là đứa dối gian.” (Cn 19:22) Còn những người thoái hóa thì thực dụng, tham lam, ích kỷ, tất nhiên có hệ lụy: “Bánh phi nghĩa, con người lấy làm ngon, nhưng sau đó, miệng nó đầy đá sỏi.” (Cn 20:17) Kinh Thánh nói: “Của phi nghĩa nào lợi ích chi, sống công chính mới cứu ta khỏi chết.” (Cn 10:2) Và người đời cũng xác định: “Của phi nghĩa có giàu đâu!” Vậy mà người ta vẫn bất chấp, coi trời bằng vung!

Ngày xưa, “tất cả các thủ lãnh của các tư tế và dân chúng mỗi ngày một thêm bất trung bất nghĩa, học theo mọi thói ghê tởm của chư dân và làm cho Nhà Đức Chúa đã được thánh hiến ở Giêrusalem ra ô uế.” (2 Sb 36:14) Nhưng Thiên Chúa vẫn không ngừng sai sứ giả đến cảnh cáo họ, vì Ngài hằng thương xót dân và thánh điện của Ngài. Kinh Thánh cho biết: “Nơi đâu cũng hỗn loạn: đổ máu và giết người, cướp giật và lừa đảo, nhũng lạm, bất tín, bạo loạn, bội thề. Vàng thau lẫn lộn, bội nghĩa vô ân, tâm hồn nhơ nhuốc, dục tình đồi bại, rồi hôn nhân hỗn loạn, ngoại tình và phóng đãng.” (Kn 14:25-26) Lời từ ngàn xưa mà vẫn đúng với thời đại ngày nay, càng ngày càng thấy rõ nét.

Thiên Chúa khuyến cáo: “Kẻ khôn ngoan, đừng tự hào mình khôn ngoan; kẻ hùng mạnh, đừng tự hào mình hùng mạnh; kẻ giàu có, đừng tự hào mình giàu có. Ai tự hào thì hãy tự hào về điều này, là hiểu biết Ta, vì Ta là Đức Chúa, Đấng thực thi nhân nghĩa, công bình và chính trực trên mặt đất. Phải, Ta ưa thích những điều này.” (Gr 9:22-23) Khôn cho người ta rái, dại cho người ta thương, dở dở ương ương chỉ làm người ta ghét. Đời thường đã vậy, tâm linh càng nên quan tâm hơn: “Thà trí hiểu kém mà biết kính sợ, còn hơn khôn khéo mà vi phạm Lề Luật. Có cái khôn khéo tinh vi mà lại bất công, có kẻ tráo trở nhân nghĩa để đem lẽ phải về mình.” (Hc 19:25)

Công Giáo là đạo yêu thương, một cử chỉ nhỏ thể hiện yêu thương cũng có giá trị, bởi vì “lòng nhân nghĩa như địa đàng đầy dư phúc lộc, việc bố thí sẽ tồn tại muôn đời,” (Hc 40:17) nhưng “hy vọng của đứa vô ơn bạc nghĩa tan chảy như sương giá mùa đông, trôi đi như dòng nước vô dụng.” (Kn 16:29) Làm người “phải biết thẹn thùng xấu hổ trước mặt các bạn bè thân hữu vì những chuyện bất nghĩabất nhân, trước những người cùng xóm cùng làng vì những chuyện trộm cắp.” (Hc 41:19)

Chữ “Nghĩa” cũng quan trọng trong gia đình. Bậc cha mẹ lưu ý rằng “con đàn cháu đống mà vô dụng, con đừng ham, cũng đừng vui vì lũ con bất nhân bất nghĩa. Chúng có đông đảo mấy, con cũng đừng vui, nếu chúng không có lòng kính sợ Đức Chúa.” (Hc 16:1-2) Con cái nên nhớ điều này: “Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm,
để nhờ người mà con được chúc phúc. Vì phúc lành của người cha làm cho cửa nhà con cái bền vững, lời nguyền rủa của người mẹ làm cho trốc rễ bật nền.”
 (Hc 3:8-9) Đặc biệt là “lòng hiếu nghĩa đối với cha mẹ sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con.” (Hc 3:14)

Thiên Chúa xác định: “Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi, giao ước hòa bình của Ta cũng chẳng chuyển lay.” (Is 54:10) Chúng con “xin chúc tụng Ngài đã chẳng bác lời thỉnh nguyện chúng con dâng, lại cũng không dứt nghĩa đoạn tình.” (Tv 66:20) Tín nhân luôn nguyện ước rằng “ân tình và tín nghĩa chẳng hề lìa xa, nhưng nên như vòng đeo cổ, và được ghi khắc tận đáy lòng.” (Cn 3:3)

VĨ NGÔN

Vì kiêu ngạo mà Ông Bà Nguyên Tổ đánh mất nghĩa với Thiên Chúa. Gen Nguyên Tội di truyền tới mọi phàm nhân, khiến chúng ta phải đau khổ suốt đời. Nhưng Thiên Chúa vẫn trọn tình nghĩa nên đã cho Thánh Tử Giêsu làm người và chịu chết để cứu chúng ta thoát án tử.

Thụ tạo gian dối vì suy thoái, xấu xa mà khoác lác, luôn ra vẻ đạo đức chẳng khác gì Biệt Phái. Truyện ngụ ngôn kể rằng, ngày xưa Dối Trá và Sự Thật cùng đi tắm tại một hồ nước. Tắm xong, Dối Trá mặc chiếc áo của Sự Thật và bỏ đi. Sự Thật không tìm thấy áo của mình nhưng nhất quyết không mặc áo của Dối Trá. Từ đó, người ta luôn thấy Dối Trá khoác áo Sự Thật và không chấp nhận Sự Thật trần trụi.

Trong cuốn “Strength for Service to God and Community” có câu chuyện liên quan Việt Nam, tác giả Evan Hunsberger kể: Trong những giờ phút cuối cùng của cuộc chiến tại Việt Nam, 11 Marine Corps Security Guards (Vệ binh An ninh Thủy Quân Lục Chiến 11) hướng dẫn di tản binh sĩ Mỹ và các nhân sự khác rời Saigon khi 150.000 bộ đội Bắc Việt tiến vào thành phố Hòn Ngọc Viễn Đông.

Khi chiến dịch C130 không thể kéo dài thêm vì phi trường Tân Sơn Nhất bị pháo kích, đội Operation Frequent Wind có liên quan. Trong khoảng 20 giờ đồng hồ, các trực thăng Mỹ bay tới bay lui trong thành phố và Hạm Đội 7 đậu ở ngoài biển.

Trong những giờ cuối cùng đó, lệnh chỉ cho phép các sĩ quan và nhân dân với hồ sơ riêng được vào Tòa Đại Sứ Mỹ. Vệ binh phải xác định xem giấy tờ có bị giả mạo hay không, trong khi đó hằng ngàn người hoảng sợ đứng đầy trước cổng.

Người ta hối lộ đủ kiểu. Các bà mẹ tung con mình qua cổng cho lính đỡ lấy ở bên trong, họ cố gắng cứu con cái trước khi quân Bắc Việt chiếm giữ thành phố Saigon. Ai còn lại ngoài cổng sẽ bị bắt giữ. Vệ binh biết điều đó, nhưng số lượng và thời gian có hạn. Vệ binh 11 là những người cuối cùng rời khỏi, được đưa đi bằng trực thăng đón họ từ trên mái nhà, ngay trước giờ Saigon thất thủ ngày 30-4-1975.

Trong chiến tranh luôn cần liều mạng để đánh bại kẻ thù, nhưng có những lúc hoảng sợ, chẳng hạn như thành phố Saigon năm 1975, trong khi có một số người vẫn can đảm cứu nhiều người khác. Họ là những thiện nhân, xả thân vì nhân nghĩa. Thật cao cả!

Mong sao câu chuyện này giúp bạn thêm can đảm, sẵn sàng giúp đỡ những người có nguy cơ tử vong ở xung quanh bạn bất kỳ lúc nào.

Lạy Đấng Cứu Độ, xin tạ ơn Ngài vì Ngài muốn cho mọi dân tộc tiếp nhận Ngài, và Ngài quan phòng mọi sự cho mọi người, không bỏ mặc ai. Ngài cho chúng con tự do chọn Ngài, xin tạ ơn Ngài vì Ngài đã chọn và soi sáng cho chúng con nhận biết Ngài là Thiên Chúa duy nhất, xin giúp chúng con trung nghĩa với Ngài. Xin giải thoát Nước Việt và cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

 Tìm Ngài Đến Mãi Ngàn Sau – https://youtu.be/gQrJGK6LneQ

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …