Home / Chia Sẻ / Chữ KHỔ

Chữ KHỔ

Chữ KHỔ 1Theo Việt ngữ, người ta có lối nói vui mà thâm thúy về chữ KHỔ thế này: Ngày xưa chữ Khổ đánh vần là “ca hát ô khô hỏi khổ” – khổ mà vẫn ca hát, còn ngày nay chữ Khổ đánh vần là “khờ ô khô hỏi khổ” – khổ mà hóa khờ thì khổ thật. Thế thì rõ ràng ngày nay khổ hơn ngày xưa!

Nói thế thôi chứ lúc nào cũng có nỗi khổ, không khổ cái này thì khổ cái kia, không khổ thể lý thì khổ tinh thần, chẳng tránh đâu được. Thật vậy, Chúa Giêsu đã nói rồi: “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6:34). Đúng là “chạy trời không khỏi nắng”.

Theo Phật giáo, khổ là khái niệm quan trọng, là cơ sở của Tứ Diệu Đế (còn gọi là Tứ Thánh Đế). Đó là bốn chân lý cao cả trong nội dung bài kinh Chuyển Pháp Luân: Sinh là khổ; Lão là khổ; Bệnh là khổ; Tử là khổ.

Thiết tưởng cũng nên biết rằng Tứ Diệu Dế bao gồm bốn điều: [1] Khổ Đế, chân lý về sự Khổ: Chân lý thứ nhất cho rằng mọi dạng tồn tại đều mang tính chất khổ não, không trọn vẹn. Sinh, lão, bệnh, tử, xa lìa điều mình ưa thích, không đạt sở nguyện, gặp gỡ với người hoặc sự vật mình không thích đều là khổ. Sâu xa hơn, bản chất của năm nhóm thân tâm, Ngũ Uẩn, là các điều kiện tạo nên cái ta, đều là khổ. [2] Tập Đế, chân lý về sự phát sinh của khổ: Nguyên nhân của khổ là sự tham ái, tìm sự thỏa mãn dục vọng, thỏa mãn được trở thành, thỏa mãn được hoại diệt. Các loại ham muốn này là gốc của Luân Hồi. [3] Diệt Đế, chân lý về diệt khổ: Một khi gốc của mọi tham ái được tận diệt thì sự khổ cũng được tận diệt. [4] Đạo Đế, chân lý về con đường dẫn đến diệt khổ: Phương pháp để đạt sự diệt khổ là con đường diệt khổ tám nhánh, gọi là “Bát Chánh Đạo”. Không thấu hiểu Tứ Diệu Đế được gọi là “Vô Minh”.

Đau khổ là tính chất của sự vật và được người ta “gom” thành câu cửa miệng: “Đời là bể khổ”. Khổ xuất phát từ Ái (yêu) – vì yêu mà khổ. Yêu là “chết” trong lòng nhiều lắm, chứ chẳng ít chi đâu! Tóm lại, mọi thứ khổ đều dính líu đến Ngũ Uẩn (sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, oán tằng hội khổ, cầu bất đắc khổ, ngũ uẩn xí thạnh khổ). Nhìn trước rồi ngó sau, nhìn lên rồi ngó xuống, chỗ nào cũng thấy khổ. Cha mạ ơi, răng mà khổ rứa!

Thế nhưng thật lạ, Lão gia Phaolô lại có một ước muốn làm hoàn toàn không giống ai: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6:14). Với người đời, có ngu dại mới thích kiểu như vậy. Thật thế chăng? Có thể mà cũng không thể.

Không đâu xa, vị thừa sai người Pháp là Đức cố GM Lambert de la Motte (1624–1679) cũng đã có ý tưởng “không giống ai” nên mới sáng lập Dòng Mến Thánh Giá – tức là “yêu cái khổ”. Chắc hẳn ngài phải cảm nghiệm sâu sắc về Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô nên mới dám có “sở thích” kiểu đó!

Ai cũng biết điều này: Thập giá là biểu tượng của sự đau khổ hoặc bất hạnh. Tại sao? Bởi vì đó là hình phạt tồi tệ và ghê gớm nhất thời đó, như ngày nay là án tử hình. Nhưng tử hình ngày nay “khỏe re”, bắn bùm cái chết ngay, hoặc trước đây chém một phát bay đầu ngay. Không đáng sợ lắm! Còn tử hình bằng cách đóng đinh vào thập giá thì quả là khủng khiếp, người ta không chết ngay mà chết dần dần.

Trong cuộc sống thường nhật cũng chẳng ai “mê” đau khổ, ai cũng cố tránh như tránh quái vật hoặc ma quỷ vậy. Thế mà những người thực sự yêu mến Đức Kitô lại “khoái” đau khổ. Đúng là quá ngược đời! Đối với những người không có niềm tin vào Đức Kitô, thậm chí có thể ngay cả một số người nhận mình là người Kitô giáo, thật khó có thể hiểu được ý nghĩa của thập giá. Họ cho đó là dại dột, là ngu xuẩn, là điên rồ, là… “bó tay chấm… hết”.

Hằng ngày, trách nhiệm và bổn phận là “gánh nặng” mà ai cũng có, mỗi người mỗi kiểu, và với các mức độ khác nhau. Thánh Phaolô chân thành tâm sự: “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để TỰ HÀO, mà đó là một sự cần thiết BẮT BUỘC tôi phải làm. KHỐN thân tôi nếu tôi KHÔNG rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9:16). Việc rao giảng Tin Mừng là trọng trách, kính mến Chúa và yêu thương tha nhân là bổn phận khác – nhưng vẫn song song. Trách nhiệm và bổn phận không bao giờ dễ thực hiện, vì thế mà luôn phải cố gắng. Mệt lắm! Thế nhưng Thánh Phaolô cho biết là phải “tự ý làm việc ấy thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó” (1 Cr 9:17). Làm vì bị bắt buộc, vì miễn cưỡng, thì cũng tốt, nhưng tự nguyện bao giờ cũng tốt hơn, đáng khen hơn. Cái khó đối với chúng ta là Thiên Chúa cho chúng ta hoàn toàn tự do hành động, cách chọn lựa là tùy ý mỗi người. Cái “tùy ý” mới đáng lo!

Như vậy, phần thưởng là gì? Thánh Phaolô cho biết: “Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi. Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành NÔ LỆ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người” (1 Cr 9:18-19). Hoàn toàn tự nguyện chứ không ai ép buộc. Thánh Phaolô tâm sự: “Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng” (1 Cr 9:22-23).

Thánh Phaolô cho biết thêm rằng cũng như “trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải”, vì thế mà ai cũng phải cố gắng hết sức để “chiếm cho được phần thưởng”. Không chỉ vậy, trước đó còn “phải kiêng kỵ đủ điều”. Nghề nào cũng khó, ngành nào cũng mệt, muốn “chuyên nghiệp” về lĩnh vực nào thì phải khổ luyện không ngừng. Người viết lách mà không viết thì bị “xuống tay”, các văn nghệ sĩ không khổ luyện hằng ngày thì chẳng làm được trò trống gì, các vận động viên không cố gắng khổ luyện thì đừng mong tranh tài,… Đơn giản như học sinh đi học mà không chăm chỉ văn ôn võ luyện thì không thể hoàn thiện bản thân và không mong gì tươi sáng. Không tự rèn luyện, chỉ chờ quay cóp rồi mua bằng cấp thì chỉ là loại cặn bã xã hội. Với hơn 24.000 tiến sĩ giấy của Việt Nam mà chẳng làm nên trò trống gì, đó là “bài học sống” cho những học sinh nào thích “nhất thân, nhì thế”. Tục ngữ Việt Nam: “Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời”. Nhưng người ta muốn biến nó theo ý riêng: “Ngày nay KHÔNG cần học, ngày mai vẫn sáng ngời”. Thật tồi tệ!

Tuy nhiên, mặc dù thực sự học tập nghiêm túc thì cũng chỉ mong đoạt “phần thưởng chóng hư”. Còn chúng ta, các Kitô hữu, có một mục đích cao hơn: Đạt được “phần thưởng không bao giờ hư nát”, đó là phúc trường sinh trên Thiên Quốc. Không đạt được “phần thưởng” Nước Trời là chúng ta phụ tình Thiên Chúa, làm lãng phí giá Máu Cứu Độ của Đức Kitô, là coi thường Lòng Chúa Thương Xót. Thánh Phaolô nói: “Vậy tôi đây cũng chạy như thế, chứ không chạy mà không xác tín; tôi đấm như thế, chứ không phải đấm vào không khí. Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại” (1 Cr 9:26-27). Ai cũng phải tự nhủ và quyết tâm như vậy!

Chữ KHỔ 2Theo Chúa không dễ, nghĩa là phải thực sự nghiêm túc chứ không thể cứ tà tà, tùy tiện, gặp chăng hay chớ. Thật vậy, chính Chúa Giêsu đã từng bảo chúng ta phải “từ bỏ mình” và “vác thập giá mình hằng ngày” (Mt 10:37-38; Mc 8:34; Lc 14:26-27), phải “qua cửa hẹp” (Mt 7:13), phải ăn chay, phải hãm mình,… Toàn những điều “làm khổ mình” thôi. Khó quá chừng luôn! Thế nhưng Chúa không hề “chơi khăm” hoặc “gài bẫy” chúng ta, Ngài chỉ muốn chúng ta “nên người”. Chứ Ngài “hô biến” một cái là chúng ta vào Thiên đàng cả đám ngay, nhưng Chúa muốn chúng ta tự thân cố gắng để có thể hiểu được ý nghĩa sâu xagiá trị cao quý của sự đau khổ, có như thế mới xứng đáng nhận phần thưởng, và chúng ta cũng cảm thấy không… ngại. Chúa tâm lý quá chừng! Người ta nói: “Có ăn lạt mới biết thương mèo”. Đúng vậy, có khổ mới biết thương người khác.

Sự khổ luyện hằng ngày chứng minh lòng chân thành của người muốn theo Chúa, không thể cứ ung dung tự tại. Mà có chờ sung rụng thì người ta cũng phải nhặt lấy, bỏ vô miệng, chứ chẳng bao giờ có trái sung nào lại rơi trúng ngay miệng mình – mà có trúng ngay miệng cũng vẫn phải nhai, nuốt, và tiêu hóa. Việc đơn giản như thế thôi mà vẫn thấy “mệt” dữ nghen!

Kinh nghiệm sống cho thấy rằng có gian nan mới thành nhân (chưa nói tới thành công), có đau khổ mới nên khôn, có thất bại mới biết cố gắng vươn lên: “Thất bại là mẹ thành công” (Tục ngữ Việt Nam). Đức Phật được người ta kính trọng vì ông đã cảm được nỗi đau khổ qua Tứ Diệu Đế, các vĩ nhân được ca tụng vì họ đã từng nếm mùi gian khổ, các chính khách được thế giới tôn vinh vì họ đã kiên trì “nằm gai nếm mật”. Chúa Giêsu của chúng ta cũng thế, và còn hơn thế nữa. Biết bao vị tử đạo đã minh chứng đức tin bằng việc đổ máu vì kính tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Thật vậy, chẳng nếm mùi gian khổ thì khó nên bậc siêu quần!

Tuy nhiên, phàm nhân chúng ta quá yếu đuối, chỉ ưa nhàn rỗi chứ không muốn “động chân, động tay”. Hãy nghe Kinh Phật nói: “Con người là nô lệ vì chưa hủy diệt được ý tưởng về bản ngã trong nội tâm”. Cái tôi còn quá lớn nên đời vẫn còn là bể khổ. Mà chẳng đâu xa, có lúc chính chúng ta tự làm khổ mình thôi!

Cuộc đời càng đau khổ thì chúng ta càng cần Chúa: “Mảnh hồn này khát khao mòn mỏi mong tới được khuôn viên đền vàng. Cả tấm thân con cùng là tấc dạ những hướng lên Chúa Trời hằng sống mà hớn hở reo mừng” (Tv 84:3). Ngài là Chúa Tể càn khôn, là Đức Vua, là Thiên Chúa chúng ta tôn thờ, “ngay chim sẻ còn tìm được mái ấm, cánh nhạn kia cũng làm tổ đặt con bên bàn thờ của Chúa” (Tv 84:4), thế chúng ta lại không đáng hơn chim sẻ ư?

Thánh Vịnh gia nói: “Phúc thay người ở trong thánh điện và luôn được hát mừng Thiên Chúa” (Tv 84:4). Nhưng muốn vậy thì phải khổ luyện, phải dám “ngược đời” như Chúa Giêsu. Nói dễ, làm khó. Ráng mãi vẫn chưa được. Phàm nhân khốn nạn vậy đó. Hứa nhiều mà chẳng giữ bao nhiêu. Trăm voi không được bát nước xáo! Do đó chúng ta phải không ngừng kêu van: “Lạy Chúa là Chúa Tể càn khôn, xin đoái nghe lời con cầu nguyện. Xin lắng tai, lạy Chúa nhà Gia-cóp. Lạy Chúa là khiên mộc chở che, xin thương xem nhìn đến gương mặt đấng Ngài đã xức dầu” (Tv 84:9-10). Nước Trời vô giá, không thể ví với bất kỳ thứ gì trên thế gian này. Thật vậy, “một ngày tại khuôn viên thánh điện quý hơn cả ngàn ngày” (Tv 84:11a).

Chỉ là người đời mà người ta cũng còn ví von: “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” (một ngày ở tù dài đằng đẵng như ngàn năm). Điều đó cho thấy rằng niềm hạnh phúc của cuộc sống tự do quý giá như thế nào. Ai đã từng ở tù rồi thì mới cảm nhận được sự tự do quý giá. Còn Thánh Vịnh gia có cách so sánh thế này: “Thà con ở cổng đền Thiên Chúa vẫn còn hơn sống trong trại ác nhân!” (Tv 84:11b).

Theo cách ví von của phàm nhân và cũng để dễ hiểu, người ta nói Thiên Chúa là vầng thái dương, là thuẫn đỡ, là khiên che,… và chính Ngài là Đấng tặng ban ân huệ với vinh quang. Thế nên “ai sống đời trọn hảo, Người chẳng nỡ từ chối ơn lành” (Tv 84:12). Điều đó không là “dụ dỗ” hoặc “mồi chài” mà là điều chắc chắn: “Trước khi trời đất qua đi, một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt 5:18).

Theo trình thuật của Thánh Luca, vào một ngày đẹp trời, Đức Giêsu tỉ tê tâm sự với các môn đệ thế này: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?” (Lc 6:39). Rồi Ngài nói thêm: “Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi” (Lc 6:40). Chúa Giêsu rất bình dân, Ngài thực tế mà có duyên, nghiêm chỉnh mà cũng có “máu” hài hước. Ngài đặt vấn đề: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra’, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình?” (Lc 6:41-42a).

Cái nào ra cái nấy, nghiêm túc và rạch ròi. Lúc vui thì vui hết mình, mà lúc làm việc thì cũng nhiệt thành. Cười cười mà “chết người” chứ chẳng chơi. Đừng thấy Chúa “nói nhẹ” mà tưởng Ngài “cho qua phà” rồi cả gan “được đằng chân, lân đằng đầu”!

Thật vậy, Chúa Giêsu đã thẳng thắn nói: “Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!” (Lc 6:41-42b). Lại liên quan chuyện giả hình, giả nhân giả nghĩa. Thế gian nhiều loại người này, dù mức độ khác nhau, nên Chúa Giêsu rất ghét loại người “miệng nam mô mà bụng một bồ dao găm”.

Không sống giả nhân giả nghĩa, mà sống trong sạch và cương trực, đó cũng là cách “vác thập giá mình” mà theo bước Chúa Giêsu lên Can-vê. Lên đó không phải để ngắm trời, ngắm đất, thưởng lãm thiên nhiên hữu tình, hoặc hóng gió mát rồi ngâm thơ và ca hát, hoặc lên đó đốt lửa trại, mà lên đó để… CHẾT. Chết thật chứ không chết giả!

Ôi, Thập Giá là “cái giá” phải trả thật, trả suốt đời. Khổ thật, khổ lắm, khổ tới bến, thảo nào người ta gọi là KHỔ GIÁ chứ không KHỔ GIẢ. Nhưng cái khổ cũng có cái giá của nó, có tiền bạc hoặc vàng cũng chẳng mua được đâu. Thật chứ không đùa! Chính Chúa Giêsu đã nói thẳng, không hề úp mở, không nói mơ hồ, cũng chẳng lưỡng lự: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8:35).

Chuyện đâu còn có đó. Sau cơn mưa, trời lại sáng. Rồi mọi đau khổ sẽ biến thành vinh quang, và người chết sẽ sống lại để được trường sinh. Thế thì trên cả tuyệt vời rồi còn gì!

Lạy Thiên Chúa, con vẫn cố gắng theo Đức Kitô mặc dù con chưa sát bước Ngài. Xin giúp con đủ sức vượt qua chính mình để có thể can đảm mà sống “ngược đời” như Con Một Ngài, Đấng đã tiên phong nêu gương cho con học hỏi; xin dạy biết cách yêu mến và hãnh diện vì Thánh Giá mà dám chết cho tội mình, chết cho chân lý và chết để bảo vệ công lý. Đau khổ rất thật, nhưng nếu đau khổ thật là yêu mến Ngài thì con xin vâng, xin nâng bước con từng ngày và giúp con đánh vần cho trọn chữ KHỔ. Con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …